Bóng ảnh quá khứ qua những cây đèn cổ

22/04/2013

Cuộc trưng bày bộ sưu tập đèn cổ có niên đại từ 2.500 năm cho đến tận thời Nguyễn đang diễn ra ở Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia, mở cửa đến hết tháng 5/2013 (*), đã cống hiến cho người xem những cây đèn đẹp, tiêu biểu cho mỗi thời đại.

Bài và ảnh: PGS.TS Trịnh Sinh

Đĩa đèn có 5 bấc. Gốm men trắng thời Trần

Kể từ buổi hồng hoang, lúc con người phát minh ra lửa, không còn phải ăn tươi nuốt sống nữa, thì họ cũng đã biết đến bếp lửa, chụm mấy thanh củi lại đặt trên ông đầu rau. Trong nhiều di tích khảo cổ thời tiền sử ở Việt Nam tìm thấy các dạng bếp và ông đầu rau như vậy.

Muộn hơn nhiều so với bếp lửa là cây đèn. Có thể nói đèn khác bếp lửa ở chỗ bếp cũng thắp sáng, nhưng còn để đun nấu, còn đèn thì đã chuyển qua chức năng chỉ thắp sáng mà thôi. Con người đã điều tiết được ngọn lửa và không còn vướng bận nhiều lắm đến chuyện phải canh bếp lửa từng giờ nhằm tránh hỏa hoạn.

1. Tượng đèn đồng Lạch Trường. Bảo vật Quốc Gia - 2. Đèn đồng tượng Voi. Văn hóa Đông Sơn

Người xưa gửi gắm vào những chiếc đèn gốm này nhiều dáng hình và hoa văn đẹp mắt, chứng tỏ họ yêu quý cây đèn biết bao. Đèn lúc đó không chỉ thắp sáng mà còn là tác phẩm nghệ thuật thực sự. Có lẽ người xưa chỉ mượn đèn để nói lên những điều suy tư và tâm linh nhiều hơn.

Trong các di tích thời nguyên thủy ở Việt Nam, đèn xuất hiện vào khoảng cách đây 2.500 năm trong những nền văn hóa như Sa Huỳnh ở miền Trung hay Tiền Đông Sơn ở miền Bắc. Ban đầu chỉ là một đồ gốm có chỗ chứa dầu (chắc là có một đoạn dây - bấc đèn nữa!), thế là thành một dạng đèn thô sơ nhất. Người xưa gửi gắm vào những chiếc đèn gốm này nhiều dáng hình và hoa văn đẹp mắt, chứng tỏ họ yêu quý cây đèn biết bao.

Muộn hơn một chút, vào khoảng 2000 năm cách đây, khi mà đồ đồng đã phát triển rực rỡ thì có sự xuất hiện của những cây đèn đồng. Đó cũng là lúc nền mỹ thuật Đông Sơn và hậu Đông Sơn đạt đến đỉnh cao. Đèn lúc đó không chỉ thắp sáng mà còn là tác phẩm nghệ thuật thực sự. Có lẽ người xưa chỉ mượn đèn để nói lên những điều suy tư và tâm linh nhiều hơn. Điển hình là dòng tượng đèn người quỳ, trong đó có tượng đèn do nhà khảo cổ Thụy Điển đào được trong mộ Lạch Trường (Thanh Hóa) từ năm 1935 mà nay là cây đèn đồng duy nhất được xếp vào hàng bảo vật quốc gia. Đèn có dáng là một người đàn ông đang quỳ, hai tay dâng lên một đĩa đèn. Đĩa đèn hình trụ tròn, vốn đựng dầu thực vật để đốt. Loại đèn dùng dầu thực vật như thế còn tồn tại hàng chục thế kỷ sau này nữa trong các triều đại phong kiến.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Tượng đèn đồng hình người. Văn hóa Óc Eo. Thế kỷ 4-6

1. Tượng phỗng dâng đèn bằng đồng. Thế kỷ 17,18 - 2. Tượng đèn hình hươu bằng đồng. Văn hóa Đông Sơn

Cái lạ của tượng là không mang vóc dáng người Việt, mà lại giống với người Trung Á hay Ấn Độ với đặc điểm dễ nhận là râu quai nón, tóc quăn tít, sống mũi nổi cao. Có thể chiếc đèn này người xưa muốn nói đến quyền lực. Những gia nô “ngoại tộc” với dáng quỳ, tay dâng đèn đã tôn thêm vị thế của người quý tộc được dâng đèn chăng? Bên cạnh đèn Lạch Trường, trong cuộc trưng bày còn đưa ra cho công chúng các dạng đèn hình người dâng đèn ở các tư thế: khi là một ông phỗng mặt mũi hớn hở, đang quỳ dâng đèn bằng hai tay, khi thì hình người đàn ông chân co chân duỗi, tay phải dâng đèn hoặc đang quỳ, một tay chống nạnh, một tay dâng đèn. Dường như, đã là tượng đèn là phải có gia nô quỳ dâng thì mới sang trọng trong quan niệm quý tộc một thời?

Một dạng đèn đồng nữa cũng là tâm điểm chú ý của người xem là đèn có dáng các loại động vật. Đẹp nhất trong số này là chiếc đèn đồng tượng Voi. Voi có dáng tự nhiên, vòi dài, bốn chân, có cả tai, mắt và đuôi. Ngồi trên đầu voi là người quản tượng. Giữa lưng voi có dựng một cái cột khá cao, có người đàn ông đang ôm cột. Trên các nhánh cột còn ghép nhiều đĩa đèn và tượng người, tượng thú nữa. Đây có lẽ là một trong những cây đèn đồng được chế tạo công phu nhất và có cả một tổ hợp đĩa đèn trong một khối tượng voi. Một “cây” có nhiều nhánh đèn to như vậy hẳn phải để thắp sáng giữa đại sảnh lớn của một vị đại quan đương thời.

1. Chân đèn gốm men trắng thời Lê trang trí hình nghê - 2. Chân nến gốm men rạn hình nghê niên đại Vĩnh Thịnh thời Lê - 3. Tượng phỗng bằng đá dâng đèn thời Lê Trung Hưng

Còn có đèn tượng hươu miêu tả một con hươu có sừng nhiều nhánh, bốn chân, đuôi, mắt, mũi, miệng đủ cả. Trên lưng hươu có dựng một cột đồng có đĩa đèn. Một dạng đèn khác là đèn có ba chân, đôi khi lại có quai đeo. Người xưa đã trang trí nhiều tượng người, tượng chim ở phần quai đèn. Đèn loại có quai này tìm được khá nhiều trong các ngôi mộ hậu Đông Sơn.

“Hai bên nghìn đèn nhấp nháy, bốn mặt rực rỡ vàng son. Có thể gọi là hơn xa chế độ xưa nay, vượt hẳn sinh thành tạo hoá. Dồn thú vui của thiên hạ, đêm trở thành ngày. Thỏa tâm mục của thế gian, già nay trẻ lại”.

(Trích văn bia chùa Long Đọi Sơn)

Vào thời Lê - Mạc, lại rộ lên thú chơi đèn gốm. Tài năng của người thợ gốm tập trung vào việc làm ra cây đèn chân cao, thân thon, trang trí hình rồng nổi đang nhả ngọc, có vảy, móng, râu. Xen với hình rồng là hoa văn mây, lá, hoa, cây cỏ. Nhiều đèn còn có các dòng chữ Hán. Điển hình là chiếc đèn được ghi niên hiệu Diên Thành thứ ba thời Mạc (năm 1580) còn hoàn chỉnh làm bằng gốm màu lam khá đẹp. Bên cạnh là loại đèn gốm mà trong đĩa đèn có những 5 “bấc” khá độc đáo, đèn gốm hoa nâu hay hoa lam thời Lê, nhỏ gọn hơn, được trang trí nhiều hoa văn cánh sen và các hoa lá khác thường thấy trong biểu tượng đạo Phật. Có thể nói, trong lịch sử các loại đèn của nước ta, đèn gốm chiếm nhiều nhất, được những lò gốm như Chu Đậu chế tác phục vụ cho các cung Vua và phủ Chúa đương thời. Những chiếc đèn chân cao nay đã là cổ vật, đã từng tỏa ánh sáng lung linh trong các lâu đài quyền quý thời Lê Trung Hưng, một thời có nhiều biến động lịch sử nhưng cũng mang nhiều nét rạng rỡ cho nền nghệ thuật cổ Việt Nam.

1. Tranh khắc gỗ của Henry Oger đầu thế kỷ 20: đèn và thắp đèn - 2. Đèn gốm hoa lam thời Mạc niên hiệu Diên Thành thứ ba (1580)

Rất tiếc là việc chơi đèn từ dân thường đến vua chúa còn được phản ánh trong cổ vật còn lại, nhưng có lẽ cái việc coi trọng đèn còn được nâng lên tầm của những ngày hội lớn, nay chỉ còn thấy bóng dáng trong thư tịch mà thôi. “Hai bên nghìn đèn nhấp nháy, bốn mặt rực rỡ vàng son. Có thể gọi là hơn xa chế độ xưa nay, vượt hẳn sinh thành tạo hoá. Dồn thú vui của thiên hạ, đêm trở thành ngày. Thỏa tâm mục của thế gian, già nay trẻ lại”. Cái nghìn đèn nhấp nháy đó còn đọng lại trong nét khắc của văn bia chùa Long Đọi Sơn về ngày hội đẹp nhất, lộng lẫy nhất trong năm; diễn ra ở sân Long Trì, kinh đô Thăng Long vào những năm Canh Tý (1120) và Bính Ngọ (1126) dưới triều vua Lý Nhân Tông, kéo dài tới 7 ngày 7 đêm.

Lồng đèn gỗ sơn son thiếp vàng thời Nguyễn

Vào thời cuối Lê đầu Nguyễn, ngoài đèn gốm Bát Tràng, còn có đèn bằng gỗ, bằng sắt cũng với các môtíp hoa lá, chim muông. Đến giai đoạn này, có sự xuất hiện thêm một loại “đèn” khác. Đó là loại nến, dùng nguyên liệu đặc chứ không phải là đĩa dầu như truyền thống. Người xem thấy được một loại đèn đặc biệt, thực ra là chân nến bằng gốm men rạn, miêu tả sự tích trúc hóa rồng.

Các cây đèn dầu hóa ra lại có đời sống khá lâu bền, đến gần 2.000 năm. Cho đến khi một người Pháp tên là Henry Oger đến Việt Nam đầu thế kỷ 20 thấy chủ yếu người Việt còn dùng đèn bằng dầu thực vật. Ông đã cho khắc gỗ hình tượng những chiếc đèn này trong sưu tập tranh khắc gỗ nổi tiếng của ông.

Sau đèn dầu thực vật, xã hội Việt Nam đã có sự xâm nhập của đèn dầu hỏa, có “thông phong” che gió, mà có thời gọi là đèn “Hoa Kỳ” mà không rõ tại sao lại có sự gán ghép tên một nước vào loại đèn này. Rồi đến đèn điện tràn ngập từ thành thị đến nông thôn như ngày nay.

Dẫu sao, chiêm ngưỡng các loại đèn trong lịch sử nước Việt, chúng ta cũng thấy được cái bản sắc của nghệ thuật cha ông phả hồn vào đó, đẹp và lãng mạn như một nền mỹ thuật ứng dụng như cách gọi hiện nay: người xưa muốn ghép cả khung cảnh, người và vật quanh mình vào một chiếc đèn dầu thắp sáng.

Cuộc trưng bày mang chủ đề: “Đèn cổ Việt Nam” diễn ra từ tháng 2 đến tháng 5 năm 2013 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, số 1 phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. 

RELATED ARTICLES