Đến Gabrovo để… cười

08/01/2013

Thành phố nhỏ cổ kính và xinh đẹp nằm dọc bờ sông Yantra, ở phía Bắc dãy núi Stara Planina thuộc miền Trung Bulgaria. Người dân nơi đây tự nhận mình là những người vui tính nhất thế giới. Những câu chuyện hài hước, tự trào chính là món “đặc sản” nổi tiếng thế giới của vùng đất này.

Bài và ảnh: Tiểu Linh

“Với người Gabrovo, tự trào là sức mạnh”, chị Hristova vừa đưa tay búng những bông tuyết bám trên đọt thông non, vừa tự hào giới thiệu với du khách về miền quê dấu yêu của mình.

Đây là thành phố cổ nhất của xứ sở hoa hồng, có hình dáng rất đặc biệt: trải dài 25km dọc bờ sông, nhưng chỉ rộng khoảng 1km. Một con đường rải sỏi đá chạy dọc thành phố, hai bên là những ngôi nhà cổ dùng đèn lồng đốt bằng khí ga. Đây đó, những cối xay nhỏ chạy bằng bánh xe nước đầy bột kêu ken két như tiếng vọng của hàng trăm năm lịch sử.

Gabrovo là vùng đất nổi tiếng với những nghề thủ công. Hiện vẫn còn những nhà xưởng hàng trăm tuổi, nơi có những người thợ cần mẫn trau chuốt tỉ mỉ những đồ trang sức, đồ gốm, đồ đồng, dây đai,...  Họ vừa làm việc, vừa kể cho nhau nghe những câu chuyện truyền miệng từ bao đời, rồi phá lên cười sảng khoái.

Chẳng hiểu vì nguyên do nào mà người Gabrovo tự nhận mình là “rất keo kiệt”, và họ đặt ra những câu chuyện hài hước để tự chế nhạo thói keo kiệt của mình. Vừa đặt chân vào thành phố, những cư dân ở đây đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về sự tích gắn liền với lịch sử thành phố: Từ xa xưa, tổ tiên của họ đã nghĩ ra một cách để tiết kiệm năng lượng sưởi ấm căn nhà, đó là cắt cụt đuôi mèo để khi mèo đi ra ngoài có thể đóng cửa nhanh hơn. Do đó mà biểu tượng của Gabrovo là một con mèo đen cụt đuôi.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Đến đây, bạn sẽ nghe người ta “dạy bảo” cho những “chiêu” tiết kiệm độc nhất vô nhị, như gắn một cái vòi nhỏ vào quả trứng để… ăn dần, hay vào buổi tối thì cho đồng hồ ngưng chạy để bánh răng không bị mòn. Các bác nông dân thì đeo mắt kính màu xanh lá cây cho con lừa để khi họ cho nó ăn rơm, nó sẽ tưởng là đang được ăn… cỏ non. Chưa hết, người dân ở đây rất thích uống trà với bơ, nhưng khi mời khách tới nhà uống trà thì họ nung nóng các con dao để khách không thể nào lấy được bơ…

Theo truyền thuyết, bác thợ rèn Racho Kovacha là người đã sáng lập ra làng Gabrovo từ thế kỷ 12. Cái đe của ông là khởi nguồn nghề nghiệp của cả làng. Và cũng từ truyền thuyết về sự tích cây gaburovo (cây trăn) tại xưởng rèn của ông mà hình thành tên của thành phố. Hiện giờ, bức tượng bác thợ rèn Racho được đặt trên tảng đá giữa sông Yantra. “Đặt ở đó là để tiết kiệm diện tích, và cũng không phải… tốn tiền hoa đặt tại đó hàng ngày”, chị Hristova giải thích. Hàng năm, mỗi khi bức tượng được thay bộ quần áo mới, đó là thời điểm khởi đầu cho những ngày lễ hội tháng Năm tưng bừng tại thành phố này, là lúc những người vui tính từ khắp nơi trên thế giới đổ về để cùng… cười.

+ Hai câu chuyện nổi tiếng của xứ Gabrovo:

* Một người Gabrovo đến gặp hàng xóm và hỏi: Này anh bạn, tôi gặp đôi chút khó khăn. Tôi có 15 người khách, nhưng chỉ có 10 cái ghế, anh bạn có cái ghế nào không dùng không? – Có, người hàng xóm trả lời. - Tuyệt quá! Vậy tôi gửi sang nhà anh bạn 5 người khách nhé!

* Một người Gabrovo giận dữ hỏi con trai: Tối qua con đi khiêu vũ với Maria phải không? - Đúng vậy, thưa cha. - Vậy tiêu hết bao nhiêu? Người cha hỏi. - Dạ 10.000 quan.- Có vậy thôi sao? - Vì Maria chỉ mang có vậy.

Kho tàng truyện hài hước do người Gabrovo sáng tác có thể coi là vô tận, bởi nó được bồi đắp hết đời này sang đời khác. Chính vì thế mà Nhà hài hước và châm biếm (một Viện văn hóa độc đáo về nghệ thuật hài hước và trào phúng mang tầm vóc quốc tế) là nơi nổi tiếng nhất tại đây. Nó được xây dựng trên nền móng một xưởng thuộc da cũ và khánh thành đúng ngày “cá tháng Tư” năm 1972. Viện có tổng cộng 11 gian phòng với diện tích 8.000 m2, trong đó trưng bày các tác phẩm hội họa, đồ họa, tranh châm biếm, điêu khắc, nhiếp ảnh, tranh cổ động, tem thư và sách, tất cả gần 48.000 tác phẩm của 6.800 tác giả từ 153 quốc gia trên thế giới. Trong phòng thư viện chuyên ngành có gần 3.000 cuốn sách và cũng khoảng chừng ấy tập ấn phẩm định kỳ hài hước. Tại đây còn có gian phòng với những chiếc gương cong tạo hình ảnh kỳ quái, phòng diễn các trò vui, phòng chiếu những phim hài, phòng biểu diễn tạp kỹ, quán bán những đồ lưu niệm vui nhộn, những tập album, catalogue, hợp tuyển hài hước Gabrovo và những cuốn giai thoại. Cứ 2 năm một lần, vào những năm lẻ, thành phố này lại trở thành trung tâm của Lễ hội Hài hước và châm biếm quốc tế với khẩu hiệu “Thế giới còn tồn tại bởi vì nó cười”.

Sau mùa tuyết tan, khi những tia nắng ấm tràn về, Gabrovo lộng lẫy đón lễ hội Carnaval. Nhiều năm qua, lễ hội này đã trở thành một sự kiện thu hút hàng chục nghìn khách quốc tế từ hàng chục quốc gia đến tham gia. Bao giờ cũng vậy, lễ hội bắt đầu bằng nghi thức thị trưởng thành phố cắt đuôi chú mèo Gabrovo dài 4 mét. Khi mùa Thu đến, cả thành phố ngập trong lá vàng, mưa phùn bay lất phất, từng đoàn nam thanh nữ tú rủ nhau vào rừng nhặt hạt dẻ. Khung cảnh hai bên bờ sông lãng đãng trong làn sương mỏng, trông thật lãng mạn.

Gabrovo có những con người chất phác, nhân hậu, luôn thể hiện sự hiếu khách bằng những câu chuyện cười. Tiếng cười bất tận có thể sưởi ấm tâm hồn họ trong mùa Đông lạnh giá…

Thông tin thêm:

+ Gabrovo cách thủ đô Sofia 220km về phía đông bắc.

+ Sau khi Đế chế Ottoman xâm lược vùng Balkan vào thế kỷ 14, Gabrovo từ một ngôi làng biến thành một thị trấn nhỏ rồi dần dần phát triển thành một trung tâm kinh tế, văn hóa và tôn giáo. Sau khi Bulgaria được giải phóng vào năm 1878, Gabrovo trở thành một trung tâm công nghiệp dựa trên những nền tảng kinh tế đã có trước đây. Các công ty cổ phần xuất hiện và những nhà máy được xây dựng, khiến nó có lúc từng được gọi là “Manchester của Bulgaria”.

+ Gabrovo có những cây cầu rất nổi tiếng: Cầu các ngành nghề với các tác phẩm điêu khắc miêu tả những ngành nghề điển hình của Gabrovo với “Thợ dệt”, “Thợ đồ da”, “Thợ gốm” và “Thợ xây”. Cầu Nghệ thuật do nghệ nhân Velichko Minekov thiết kế gồm bốn tác phẩm điêu khắc bằng đá trắng. Cây cầu phía sau nhà hát được xây dựng tại nơi sông Sinkevitsa đổ vào sông Yantra với các cột đá trắng đặt bốn con sư tử, mỗi con mang một biểu tượng của thành phố. Cầu Baev là một quần thể nghệ thuật vinh danh những người Gabrovo tham gia cuộc Khởi nghĩa tháng tư năm 1876 và những đóng góp của họ cho nền giáo dục Bulgari mới. Cầu Igoto xây dựng vào năm 1936, nơi đặt tượng bác thợ rèn Racho. Ngoài ra, tại đây còn có tượng một con sư tử đang rống, biểu tượng của sự nổi loạn chống lại chế độ nô lệ tinh thần phục sinh Bungari; tượng người Mẹ Bulgaria bị xiềng xích và một người Bulgaria chặt đứt xiềng xích.

 

RELATED ARTICLES