Di tích tộc họ - điểm đến ấn tượng tại Hội An

27/03/2014

Một trong những điểm nhấn trong kiến trúc độc đáo ở Hội An chính là các nhà thờ tộc. Du khách đến Hội An đều đến các nơi này để ngắm nhìn các kiến trúc, khám phá các nét, phong tục tập tục thờ phụng của người Hội An xưa cũng như bây giờ tại các ngôi nhà thờ tộc họ.

 

Ngôi nhà “Giải thưởng công trạng bảo tồn”

Di tích nhà thờ tộc Trương (69/1 Phan Châu Trinh, Hội An) đã có tuổi đời 170 năm. Trải qua dù bao biến thiên thời cuộc, di tích này vẫn giữ gần như nguyên vẹn kiến trúc nghệ thuật và những kỷ vật độc đáo có từ thời mới dựng nên.

Họa sĩ Trương Bách Tường, hậu duệ đời thứ 8 của tộc Trương cho biết, từ đường “Trương Đôn Hậu” được khởi xây vào ngày mồng 5 tháng 10 năm Canh Tý, tức ngày 28.11.1840. Cụ Trương Chí Cẩn, thế hệ cụ tổ thứ 3 của tộc Trương, lúc đó đang là Binh bộ chủ sự tại triều đình Huế dưới thời vua Minh Mạng, là người đặt viên đá móng đầu tiên xây dựng và phải mất 6 năm từ đường mới hoàn thành. Công trình được chính các nghệ nhân của làng mộc Kim Bồng (Hội An) chạm trổ với những hoa văn kỹ xảo, cẩn chữ trên vì kèo, rui, sườn… độc đáo. Cấu kiện khung nhà dùng gỗ kiền kiền từ những cánh rừng thượng nguồn Thu Bồn. Cùng với Chùa Cầu, đây là di tích nhà cổ duy nhất ở Hội An có chạm đính thông tin về thời khắc cụ tổ thứ 3 của tộc Trương chính thức bỏ viên móng đầu tiên ngay trên cây trùng lương ở gian chính điện. Từ đường của tộc được tổ chức hợp tác quốc tế JICA đưa vào dự án “Bảo tồn nhà ở dân gian truyền thống Việt Nam”, với sự tu bổ nghiêm ngặt nhất.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Đến nay ngôi nhà vẫn giữ nguyên vẹn kết cấu và cách bài trí thuở xưa, từ tam quan cho đến bờ nóc, bờ hồi đều được bảo tồn khá nguyên vẹn. Điều độc đáo ở nhà thờ tộc Trương là bộ cửa tre che chắn phía bên ngoài khung cửa gỗ, nhờ đó mà bảo vệ cấu kiện gỗ của nhà thờ tránh được hư hại do thiên nhiên gây ra. Nay gia tộc họ Trương đang ở đời thứ 7 – 9 và vẫn lưu giữ những nếp sinh hoạt truyền thống.

Năm 2004, Tổ chức UNESCO tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương tặng “Giải thưởng công trạng” cho ngôi nhà này – như một tưởng thưởng xứng đáng cho chính những tâm huyết của người trong gia tộc cũng như đội ngũ bảo tồn.

Nhà thờ của các văn nhân

Là một điểm di tích mới vừa được đưa vào các điểm tham quan tại khu phố cổ Hội An trong năm 2013, nhà thờ tộc Nguyễn Tường (8/2 Nguyễn Thị Minh Khai) đã trở thành điểm đến của những du khách muốn tìm hiểu kiến trúc nghệ thuật độc đáo, nơi lưu giữ những kỷ niệm, dấu ấn, kỷ vật của ngôi nhà tộc vốn nổi danh với những tên tuổi nhà văn trong Tự Lực văn đoàn. Nhà thờ gia tộc hiện đang lưu giữ các tác phẩm hiếm, quý của các nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam; nhiều đồ cổ, sắc phong vua ban.

Đây là nhà thờ tộc thứ hai tại Hội An mở cửa đón khách tham quan. Nhà thờ tộc Nguyễn Tường mang phong cách thuần Việt, kiến trúc bằng gỗ do chính thợ làng mộc Kim Bồng sáng tác. Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1806 do cụ Nguyễn Tường Vân- vốn là Binh bộ Thượng thư vào năm Minh Mạng thứ 1 (1820) và gắn liền với những tên tuổi các các cụ Nguyễn Tường Vân (Binh bộ Thượng thư triều Minh Mạng), Phó bảng Nguyễn Tường Vĩnh (Tuần vũ Định Tường), Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ (Đốc học Quảng Nam và Hải Dương dưới triều vua Thiệu Trị) và nhóm Tự Lực văn đoàn với các nhà văn nổi tiếng Nhất Linh, Thạch Lam, Hoàng Đạo…

Di tích hiện do các hậu duệ đời thứ 9, thứ 10 chăm sóc, thờ tự và đã chỉnh trang, bài trí lại không gian thờ tự, sưu tầm, trưng bày các tác phẩm của của nhóm Tự Lực văn đoàn để tạo nên một điểm tham quan di tích kiến trúc văn hóa và văn chương nghệ thuật. Đây còn là điểm tổchức các hoạt động có liên quan đến “văn hóa đọc” và sự nghiệp văn chương của nhóm Tự Lực văn đoàn trong thời gian tới.

Nhà thờ tộc Trần (21 Lê Lợi) cũng là một trong những nhà thờ tộc mở cửa đón khách tham quan. Nhà thờ được xây dựng vào cuối năm 1802 bởi ông Trần Tứ Nhạc- một vị quan thời vua Gia Long. Nhà thờ tộc Trần qua hơn 200 năm vẫn còn nguyên vẹn kiến trúc cổ điển hình của nhà thờ tộc thuở xưa. Nhà làm bằng gỗ, lợp ngói âm dương, gian thờ cúng ở chính giữa. Gian giữa phòng khách và gian thờ cúng có một ngạch cửa dùng như chướng ngại vật, nhắc nhở mọi người khi vào bên trong phải cúi đầu làm lễ. Sau ngôi nhà thờ có một khu vườn 20m2, ngay chính giữa vườn còn một cây khế ngọt trồng từ khi mới xây dựng nhà thờ.

Kiến trúc cơ bản của các nhà thờ tộc hiện đang còn ở Hội An là kiểu nhà một căn chính với ba gian; hoặc năm gian hai chái. Phần lớn có kết cấu theo khung gỗ, kiểu nhà rường. Điểm độc đáo không chỉ nằm ở kiến trúc mà còn ở chiều sâu văn hóa và sự gìn giữ, bảo tồn, duy trì truyền thống. Du khách có thể đến thăm một số nhà thờ tộc và ngắm nhìn các kiến trúc trang trọng hay khám phá các nét, phong tục tập tục thờ phụng của người Hội An xưa.

 

RELATED ARTICLES