Kỳ quan mộ treo Unishibaka

28/11/2012

Cổ tục mai táng người chết trên vách núi của người Ryukyu xưa đã để lại cho vùng bắc đảo Okinawa một kỳ quan hiếm thấy. Di sản văn hóa này thu hút đông đảo khách du lịch từ nhiều nơi trên thế giới hàng năm đến tham quan, du khảo.

Bài và ảnh: Trần Đức Anh Sơn

Đó là những ngôi mộ giấu mình trong một vách núi nhìn ra cảng Unten trên bán đảo Motobu, phía bắc đảo Okinawa - Nhật Bản có tên là Unishibaka (Đại Bắc mộ) hay còn gọi Ajihaka (Án ti mộ). Đây là nơi yên nghỉ của những vị Án ti, chức quan cai trị lãnh địa Hokuzan (Bắc Sơn) vào thời vương triều Sho (1407 - 1879) trị vì đảo quốc này.

Câu chuyện về những ngôi mộ chí độc nhất vô nhị

Vào thế kỷ 14, các bộ tộc riêng lẻ trên đảo Okinawa đã hợp nhất với nhau thành ba lãnh địa cát cứ: Hokuzan (Bắc Sơn) ở phía bắc, Chuzan (Trung Sơn) ở trung bộ và Nanzan (Nam Sơn) phía nam. Sử sách Nhật Bản gọi đây là thời kỳ Sanzan (Tam Sơn). Các vị lãnh chúa cai trị ba lãnh địa này đã tiến hành chiến tranh để giành quyền thống trị toàn bộ hòn đảo. Trong cuộc chiến này, lãnh chúa Chuzan chiếm ưu thế và nhận được sự ủng hộ của nhà Minh ở Trung Hoa.

Đến đầu thế kỷ 15, nhà Minh là Minh Thành Tổ (1402 - 1424) công nhận Chuzan là phiên thuộc của Minh triều. Quốc chủ Chuzan lúc đó là Shisho (Tư Thiệu) được vua Thành tổ nhà Minh ban cho họ Sho (Thượng), gọi là Sho Shisho (Thượng Tư Thiệu), như một hậu thuẫn đắc lực để tiếp tục chiến tranh với Hokuzan và Nanzan. Năm 1416, Chuzan thôn tính Hokuzan. Năm 1421, Sho Shisho truyền ngôi cho Sho Hashi (Thượng Ba Chí) và đến năm 1429 thì xâm chiếm hoàn toàn lãnh địa phương nam. Sho Hashi lập ra vương triều Ryukyu (Lưu Cầu), mở ra một kỷ nguyên thịnh trị cho đảo quốc này. Vương triều Ryukyu tồn tại trong 450 năm, trải qua 25 triều vua và 2 đời nhiếp chính, đến tháng 3 năm 1879 mới bị sáp nhập vào Nhật Bản. 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Sau khi thống nhất quốc đảo, quốc vương Ryukyu đóng đô ở Shuri (Thủ Lý), phía nam đảo Okinawa. Vùng lãnh thổ Hokuzan ở phía bắc, thủ phủ là tòa thành Nakijin Gusuku (Kim Quy Nhân thành) được giao cho các quan Án ti là người địa phương cai quản. Năm 1761, quan Án ti giám thủ Nakijin là Hokuzankanshu qua đời. Thay vì được mai táng ở Nakijin,  Hokuzankanshu được đưa về chôn cất trên một vách núi tiếp giáp với cảng Unten. Khu mộ được đặt tên là Unishibaka, song dân gian vẫn quen gọi là Ajihaka, nghĩa là “mộ quan Án ti”. Từ đó về sau, các vị Án ti cai trị ở Nakijin Gusuku như Dainisoshioto, Kaisho, Katsujun, Katsushi, Juso, Juken… sau khi qua đời đều đưa về mai táng trên vách núi này. Từ đó, ngay bên bến cảng Unten sầm uất đã hình thành một khu mộ treo trên vách núi đá vôi dựng đứng, tồn tại gần 250 năm nay.

Du khảo khu mộ treo trên núi

Thời thế đổi thay, một cây cầu nối Unten với hòn đảo Yagachishima được xây dựng khiến tàu lớn không thể vào ra bến cảng như xưa. Unten mất dần vai trò là cảng đầu mối, còn mộ địa Unishibaka thì trở nên hoang phế. Nhưng với những ai ưa thích du khảo thì Unishibaka là một địa chỉ không thể bỏ qua trong hành trình khám phá vương quốc Ryukyu cổ xưa.

Đoàn du khảo của chúng tôi gồm 6 người, đều là những người nghiên cứu lịch sử đến nhiều nước Châu Á. Sau khi viếng thăm Nakijin Gusuku - tòa thành thủ phủ của Hokuzan nay đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới - và thưởng thức món Gusuku-soba, nghĩa là “mì ở cổ thành” thơm ngon, chúng tôi lên xe trực chỉ cảng Unten. Khoảng 30 phút thì đến nơi.

Trong tầm mắt tôi hiển hiện một vách núi dựng đứng, chặn ngay trước cảng. Thấp thoáng trên sườn núi là những ô vuông bằng gỗ, bằng đá vôi xếp vỉa và bằng đá chẻ xây kín. Tiến sĩ Nishimura Masanari, một thành viên trong đoàn, chỉ về những ô vuông trên vách núi ấy và bảo: “Đó chính là mộ của những Án ti cai quản vùng đất phía bắc của vương quốc Lưu Cầu”.

Đi qua những ngôi nhà quạnh hiu vắng chủ, chúng tôi len lỏi qua những vườn cây ăn quả và những giàn mướp đắng trái treo lúc lỉu để tìm đường lên triền núi. Ngôi mộ mang tên Unishibaka của quan Án ti Hokuzankanshu tọa lạc ở vị trí thấp nhất và trang trọng nhất. Trước mộ có mộ chí viết bằng chữ Hán, không phải chữ Nhật như các bia mộ mà tôi từng gặp ở Tokyo, Kyoto hay Shimane. Nguyên nhân vì trước đây vương quốc Ryukyu thần phục Trung Hoa và chống lại Nhật Bản, nên họ dùng chữ Hán thay cho chữ Nhật, dù rằng, về mặt chủng tộc và ngôn ngữ, người Ryukyu gần gũi với người Nhật hơn người Hoa. Ngôi mộ chôn chìm vào vách núi, phía trước có các bậc cấp bằng đá ong xếp, không trát vữa. Bia mộ khắc lõm vào vách đá, phủ kín bởi rêu và những đám dây rừng. Trước mộ có một gốc dương liễu (phi lao) cổ thụ, mà người Okinawa gọi là Ryukyu matsu (Lưu Cầu tùng), một trong những loài cây đặc trưng của Okinawa cùng với bưởi, chanh tứ quý, mướp đắng...

Trèo lên những bậc tam cấp bằng sắt, chúng tôi đến khu mộ Mamajanabaka (Bách Án ti mộ). Một bên là vực sâu, một bên là vách núi cheo leo bị đục thủng thành những ô hình chữ nhật. Bên trong hốc núi là những chiếc quách bằng gỗ và những hũ sành kỳ bí. Tò mò, tôi ghé mắt nhìn vào những chiếc hũ sành đang mở nắp nứt vỡ, thấy toàn xương là xương. TS. Nishimura cho hay, người Lưu Cầu xưa có tục cải táng người chết sau khi mai táng vài năm. Người ta khai quật những ngôi mộ chôn trong lòng núi lên, nhặt xương bỏ vào hũ sành rồi đặt vào bên trong những chiếc quách gỗ và xây bít lại bằng đá hộc hay đá chẻ trát vữa. Làm xong việc này thì người chết mới được coi là có “mồ yên mả đẹp”.

Về những hũ xương trắng lộ thiên, TS. Nishimura giải thích: Đó là xương từ những ngôi mộ bị mưa lũ xói mòn, không rõ của ai, nên dân địa phương nhặt nhạnh, đưa vào một nơi. Còn những ngôi mộ có chủ, hoặc mộ của các Án ti, sau khi cải táng đã được chôn cất vĩnh viễn trong những ngôi mộ được xây kiên cố ở đằng kia”. Ngày nay, ở những vùng nông thôn hẻo lánh trên đảo Okinawa người ta vẫn giữ cổ tục mai táng và cải táng này, nhưng cư dân thành thị thì đã chuyển sang hỏa táng theo yêu cầu của chính quyền.

Tục mai táng trên vách núi được coi là một nét văn hóa đặc trưng của người Ryukyu. Tấm bản thuyết minh ở lối vào khu mộ cổ khắc dòng chữ bằng tiếng Nhật, đại ý: “Những ngôi mộ cổ này là tài sản văn hóa của vùng Nakijin”. Trên chặng đường đi từ chân núi lên các ngôi mộ cheo leo này, chúng tôi bắt gặp hai người vận đồng phục đang vác một đống máy móc đi từ trên núi xuống. Họ đến đây để đo độ ẩm và tính toán các dữ liệu để bảo tồn khu mộ cổ và lên phương án mở rộng đường lên núi để tạo thuận tiện cho du khách viếng thăm nơi này trong tương lai.

Thông tin thêm:

+ Hành trình: Từ Hà Nội/TP.HCM, bạn bay qua Đài Bắc (Đài Loan) bằng các chuyến bay của Vietnam Airlines hoặc của China Airlines. Sau đó nối tiếp chuyến bay của China Airlines đến Sân bay Quốc tế Naha (thủ phủ tỉnh Okinawa).

Tại Naha có tuyến xe buýt đi Nakijin Gusuku, mất khoảng 2 tiếng. Sau khi tham quan Nakijin Gusuku, bạn có thể bắt taxi đi đến cảng Unten, nơi khu mộ cổ Unishibaka tọa lạc, mất khoảng 30 phút. Hoặc bạn có thể nhờ các công ty du lịch ở Naha thuê xe đưa bạn đến thẳng Unten.

+ Di tích: Thành cổ Nakijin Gusuku gồm hai vòng thành xếp bằng đá nhìn ra biển Đông, từng là cung điện hoàng gia của vương triều Sho. Trong khuôn viên vòng tường thành dài hơn 1.500m vẫn còn dấu vết của ba ngôi đền cổ, trong đó đền thờ Hỏa thần còn khá nguyên vẹn, là nơi cư dân địa phương vẫn thường xuyên đến hành lễ. Sau nhiều năm trời khai quật di tích này, các nhà khảo cổ học Nhật Bản đã phát hiện tiền cổ của Trung Hoa, Nhật Bản, phương Tây; đồ gốm của Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Thái Lan và cả gốm Chu Đậu của Việt Nam (có niên đại từ thế kỷ 16).

+ Món ngon: Dưới chân thành Nakijin Gusuku là một dãy hàng quán, bán nhiều thứ đặc sản của Okinawa, đặc biệt là món mì gusuku soba được nấu với thịt heo ba chỉ, cực kỳ thơm ngon.

 

RELATED ARTICLES