NGÀY XUÂN -ĐI LÀO NGẮM CÁC VỊ SƯ KHẤT THỰC ( kỳ 2)

21/02/2014

Khất thực là một trong những truyền thống của người Lào theo đạo Phật. Hướng dẫn viên cho biết đoàn sư đi khất thực không chỉ toàn là các nhà sư đã xuất gia, trọn đời tu hành theo đạo Phật mà còn có cả những người chỉ tự nguyện vào chùa tu học trong một thời gian để tỏ lòng tôn kính cha, mẹ và sẽ trở về đời sống của một người bình thường.

Trên đường đi quanh phố các vị sư đi một cách yên lặng, không ai nói chuyện với ai. Sau khi đi đủ một vòng, các vị sư tập trung về chùa để dùng bữa. Mỗi ngày, các sư chỉ ăn một bữa duy nhất trước giờ chính Ngọ (Giờ Ngọ từ 11g00 đến 13g00, chính Ngọ là đúng 12 giờ trưa).

Những thức cúng từ khất thực thường được chia ra làm bốn phần. Phần dành cho các sư đồng tu nếu họ bị bệnh, phần thứ hai dành cho người nghèo hoặc khách viếng chùa, phần thứ ba dành cho những con vật nuôi trong chùa như chó, mèo và phần còn lại dành cho người đi khất thực dùng. Vào ngày đầu tháng, thường các sư không đi khất thực mà thời gian đó người dân vào chùa để dâng lễ.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Nhìn từ trên cao, đoàn sư khất thực trông như một dải lụa màu vàng cam uốn lượn ngoằn ngoèo trên phố, chậm rãi chuyển động một cách nhẹ nhàng, thanh tịnh, một sự vận động lặng lẽ giữa lòng phố chợ, nhân gian.

Đi tu là một việc khá phổ biến ở Lào, nhất là đối với người đàn ông. Và khất thực là một trong nhiều hình thức tu tập của người theo đạo Phật xuất hiện từ khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khai sáng đạo. Truyền thống khất thực này giúp cho người tu hành vừa độ nhật, vừa dẹp bỏ lòng sân si, kiêu mạn, đồng thời gián tiếp tạo công đức cho người cúng dường. Ở Lào, khất thực và cúng dường là một nếp sinh hoạt quen thuộc với mỗi người dân.

Ngày nay, trong chương trình du lịch tới Lào, các nhà tổ chức tour thường gợi ý cho du khách quan sát hình ảnh khất thực mỗi sáng hoặc tham gia một cách tự nguyện. Du khách mua một giỏ thức ăn từ những người bán hàng trên phố và cũng chờ đoàn các nhà sư đi qua, kính cẩn đặt đồ lễ vào bình bát một cách thành tâm như sự trải nghiệm những giây phút yên lặng, bình an trong tâm tưởng. Điều đó giúp cho những người từ phương xa đến cảm nhận được giá trị sâu sắc của thân tâm an lạc, của lòng từ bi bác ái, nhận ra những gì đang diễn ra trong cuộc sống như một giấc mơ rồi cũng sẽ tan biến theo dòng chảy của thời gian.

LÂM VĂN SƠN

 

 

RELATED ARTICLES