Ngày xuân, hành hương Ngũ hành sơn

01/03/2012

Bài và ảnh: Dương Thủy
Bị mê hoặc từ câu chuyện truyền thuyết qua lời kể của ông nội vào thuở tôi mới lên ba, rất lâu sau đó, chuyến hành hương núi Ngũ Hành của tôi mới được thực hiện ngay trước thềm xuân mới. Chuyến đi giúp tôi hiểu và thêm yêu mảnh đất Duran, nơi có núi, biển, đảo, cù lao, đèo - thác - sông suối cùng hội tụ.

NGŨ HÀNH BÊN BIỂN

Cùng nhóm bạn thân, chúng tôi bon bon lái xe trên đường Đại Lộ Hoàng Sa đến Ngũ Hành Sơn nằm cách Đà Nẵng chưa đầy 10km với cung đường sát biển tuyệt đẹp. Sau vài chục phút xe chạy, tấm bảng ghi rõ “danh thắng Ngũ Hành Sơn” đã hiện ra trước mặt. Lúc này, trời vẫn còn khá sớm nhưng du khách đến đây hành hương thỉnh lộc đầu xuân đã bắt đầu, từng nhóm trẩy bộ hoặc đi thang máy lên núi mỗi lúc càng đông dần. Hòa trong dòng người hành hương, chúng tôi leo đúng 123 bậc thang có độ dốc khá dựng đứng để viếng chùa Linh Ứng - địa danh tâm linh nổi tiếng tọa lạc trên đỉnh Thủy Sơn.

Truyền thuyết kể rằng: Ngũ Hành Sơn có nguồn gốc từ một quả trứng của Hoàng Hậu Nam Hải Long Vương, do đi chơi biển quá xa và không kịp trở về Long cung nên bất đắc dĩ Giao Long Hoàng Hậu đã chọn bãi cát trắng bên bờ biển này đẻ trứng. Thần Kim Quy đi cùng Giao Long Hoàng Hậu đã nhờ một vị ẩn sĩ cư ngụ tại đây trông coi. Theo thời gian, trứng mỗi ngày một lớn và biến thành một viên ngọc khổng lồ. Khi trứng vỡ,  trong lòng trứng đã xuất hiện một cô bé xinh đẹp …Vị ẩn sĩ đã cưu mang chăm sóc cô cho đến khi khôn lớn và cô đã trở thành Hoàng Hậu của nước Champa cổ, riêng vị ẩn sĩ cũng được thần Kim Quy đón về cõi tiên, còn  những mảnh vỡ kia thì hóa thành năm quả núi với những màu sắc lóng lánh trong ánh mặt trời.

Vào chùa, tôi lẩn mẩn hỏi thăm một ông từ và được biết: Xa xưa, trên đỉnh núi Thủy đã tồn tại hai ngôi chùa nổi tiếng là Tam Thai và ”Ứng Chơn”, trong đó, chùa Tam Thai  được ghi nhận là cổ nhất vì trong chùa còn lưu giữ tấm biển “Tam Thái tự” và tấm kim bài hình trái tim lửa khắc theo ngự bút của vua Minh Mạng. Tấm bia ghi rõ chùa được khởi dựng năm 1630 do công của thiền sư Hưng Liên. Ông cũng là vị trụ trì đầu tiên lập đạo tràng tại chùa theo phái Thiền Tào Động. Riêng tên Tam Thai là do Thiền sư căn cứ vào quy luật các ngôi sao trên bầu trời để đặt tên chùa ứng với 3 ngôi sao nằm cuối cùng của chòm Đại Hùng tinh. Còn chùa Ứng Chơn  thì  tới bây giờ vẫn chưa thể xác định được niên đại. Chùa cũng được Vua Minh Mạng đặt lại tên là “Linh Ứng” vì ứng với cơn mộng của ngài.

Khi cùng đoàn tùy tùng thực hiện cuộc du hành bằng đường thủy, lúc tận mắt đứng trước 5 hòn núi xinh đẹp giống như một hòn non bộ khổng lồ bên bờ biển, lòng đầy cảm xúc, Vua đã đặt tên cho núi  là Kim, Mộc,Thủy, Hỏa,Thổ với ẩn ý đây chính là nơi âm dương giao hòa. Trải thêm những ngày thân chinh khảo sát, Vua tiếp tục đặt cho các hang động của núi Ngũ Hành những cái tên mang đầy ý nghĩa như: Tàng Chơn, Vân Thông, Huyền Không, Hóa Nghiêm, Lăng Hư, Vân Nguyệt, Thiên Long, Vọng Giang Đài, động Linh Nham, động Thiên Phước Địa, giếng Tiên và động Âm Phủ … Sau này, chư tăng còn tiếp tục xây thêm các chùa  là Từ Tâm, Tam Tâm… nhằm giúp người hồng trần có thêm các điểm hành hương mới.

Dựa vào những hang động sẵn có, người xưa đã tiến hành việc đắp chạm tượng cùng xây bệ thờ Phật trên các đỉnh núi. Khách đến đây lễ bái luôn tin rằng: vào những đêm thinh không vắng lặng, các thần linh sẽ hiện diện để lắng nghe và ban ơn lành cho những người thành tâm lên đỉnh cầu xin.

THĂM HANG, VIẾNG ĐỘNG Ở NÚI NGŨ HÀNH

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Hoàn tất mọi nghi lễ tại chùa Tam Thai và Linh Ứng, chúng tôi  tiếp tục cuộc thăm viếng các động mà khởi đầu là ”Tàng Chơn”. Nằm ngay sau lưng chùa Linh Ứng, đường vào Tàng Chơn động khá mát mẻ và quanh co. Ngắm động, tôi cảm nhận “Tàng Chơn ” giống như một thung lũng nhỏ với bề rộng ước chừng 7m và chiều dài khoảng 10m. Động khá thoáng đãng nhờ thông lên trời qua cửa hang “Thiên Long Cốc”. Nhờ ông quản từ chỉ bảo, tôi được biết thêm: Tàng Chơn động được chia làm ba hang cùng ba tiểu động với thứ tự sắp xếp thờ kính các bậc thần linh như sau: từ ngoài vào qua cửa đá là Chơn Tiên động, chính giữa có bàn thờ Lão Tử, bên phải là bàn thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, bên trái thờ Bát Bộ Kim Cương. Riêng phía trong bên trái là tiểu động Tam Thanh, trong động này có hai tượng Hộ Pháp được dựng ở lối vào. Ngay dưới mặt nền của động vẫn còn sót lại vài viên gạch Chăm ngày xưa dùng để  lót nền nay đã bị mất gần hết. Cách đây vài năm, khi tiến hành san lại nền hang động, các vị sư tìm thấy một bộ thờ chạm hình thần Lindra cỡi voi, chung quanh có các vũ nữ Apsara múa hát. Cho tôi xem một phiến đá hình vuông ở góc phía đông, ông từ cho biết, phiến đá này có tên là “bàn cờ Tiên” vì tương truyền rằng các vị tiên đã từng đánh cờ ở đó.

Chúng tôi theo chân những du khách lạc vào khu vực của động Vân Thông. Đến trước động và ngước đầu lên nhìn, tôi nhận ra động nằm gọn trong lòng núi với hình tròn như đường ống chếch lên phía trên, muốn thăm động phải đi lên chừng 20 bậc thang là chạm ngay vào cửa. So với Tàng Chơn thì Vân Thông động khá vắng vẻ và mờ tối. Bước vào quan sát, tôi thấy trong động có một tấm bia cổ khắc 3 chữ Hán khá lớn. Sau này, tôi được sư thầy của chùa Tam Thai giải nghĩa  đó là là “Ngũ Uẩn Sơn”. Ngay giữa động có một tượng Phật rất lớn chắn ngang đường đi lên trên. Càng đi vào, lối đi càng hẹp dần và chênh chếch lên cao, cố gắng bám tay vào các tảng đá và ì ạch thở, mồ hôi rin rít trơn trượt đã làm tôi lúng túng và chỉ muốn trở ngược ra ngoài. Nhờ sự giúp đỡ của người bạn đồng hành, cuối cùng tôi đã chinh phục được Vân Thông. Đứng ngắm luồng ánh sáng từ trên cao dọi vào trong động, tôi thấy những tia nắng óng ánh nhảy múa cùng hơi sương tạo nên bảy sắc cầu vồng.

Trong các hang động của Ngũ Hành Sơn, Huyền Không động được xem là ngoạn mục nhất. Đây cũng là động lớn, đẹp và nổi tiếng nhất của đỉnh Thủy Sơn. Dù nằm trong cùng một đỉnh, nhưng  từ Vân Thông  động đến Huyền Không động cũng khá xa vì có nhiều lối đi cũ và mới, điều này cũng làm du khách dễ bị đi lòng vòng và dẫn đến nhiều địa điểm khác của núi Thủy.

Đường vào động Huyền Không khá lý thú. Thăm động này tôi thấy mình đang đi lên cao dần nhưng sau đó phải bước thụt xuống để rồi thấy mình chui vào trong hang. Kế tiếp, tôi bỗng thấy mình lọt thỏm vào trong hang Huyền Không có nóc trần cao vòi vọi, trên trần hình vòm có năm lỗ lớn nhỏ thông với bầu trời. Theo đó, luồng ánh sáng xuyên tràn vào làm Huyền Không động có những ống tia nắng lẫn áng mây mù pha trộn nhảy múa làm cho động trở nên lung linh huyền ảo. Đặc biệt hơn, các vết sáng ẩn hiện này soi rõ các vách động lồi lõm lộ rõ những dòng thạch nhũ. Các thạch nhũ này chảy dài tạo thành nhiều hình động vật kỳ thú như những vết chạm khắc nhìn rất đẹp. Trong động vẫn còn khá nhiều bản khắc chữ Hán của triều Nguyễn đã được chạm vào vách núi. Ngay tại hai bên bậc cấp lên xuống có tượng tứ Hộ Pháp như lời nhắn nhủ rằng: trong mỗi con người đều luôn có ác và thiện đan xen nhau. Ngắm “Tứ Đại Hộ Pháp”, tôi lờ mờ “ngộ” ra: Triết lý của nhà Phật muốn nhắc nhở người dương thế khi đến cõi sắc sắc không không thì mỗi con người mang theo sự thánh thiện thì mới được ơn độ trì chứ tiền bạc, danh vọng , uy quyền chỉ đều là tạm bợ và không là gì cả.

Trong khung cảnh hư ảo, tôi như bị mê hoặc và im lặng nhắm mắt thưởng thức cảnh thiền. Chung quanh tôi, tiếng lầm rầm khấn vái thật thành kính của bao thiện nam tín nữ  đến đây cầu xin về cuộc sống, gia đạo, tình duyên, sức khỏe và công ăn việc làm thật tha thiết. Dù là người ngoại đạo, nhưng có đến đây tôi càng thấm nhuần hơn về niềm tin cùng lòng kính cẩn thế giới tâm linh mà mọi người hướng tới. Điều này khiến nơi đây đích thực là một địa chỉ hành hương linh thiêng và kỳ bí.

THÔNG TIN THÊM:

- Ngũ Hành Sơn nằm tại địa bàn khu vực Non Nước thuộc thành phố Đà Nẵng, địa danh

này chỉ cách trung tâm thành phố chừng 7-8 km và đường bộ rất thuận tiện cho các loại

phương tiện.

- Vào ngày 19/2 âm lịch hàng năm, tại Ngũ Hành Sơn diễn ra lễ hội Quán Thế Âm rất nổi tiếng, thu hút được hàng chục ngàn người tham dự.

- Vé tham quan Ngũ Hành Sơn là 20.000 đồng/ người , nếu bạn muốn đi thang máy thì

phải chi trả 30.000 đồng / lượt.

- Tại khu vực này bày bán nhiều sản phẩm mỹ nghệ bằng đá khá đẹp, tuy nhiên bạn cần tham khảo kỹ gía cả để tránh bị hớ.

RELATED ARTICLES