Sân golf mùa sales off

31/10/2012

Không khí ảm đạm của nền kinh tế dường như đang tràn vào thế giới golf. Để “kích cầu”, các ông chủ sân golf áp dụng nhiều chương trình ưu đãi để thu hút các tay golf ra sân mỗi tuần.

Bài: TS. Nguyễn Ngọc Chu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Golf Việt Nam

Công nghiệp golf đang đóng băng

Trong sự suy thoái của nền kinh tế nước nhà, ngành công nghiệp golf không thể không bị ảnh hưởng. Tác động tiêu cực đầu tiên là không có vốn để duy trì hoạt động, nâng cấp và kết thúc đầu tư các hạng mục dở dang, và càng không có khả năng mở rộng đầu tư mới. Hệ quả cụ thể là các dự án mở rộng sân golf hiện có và tiếp tục xây dựng các sân golf đang tiển khai sẽ bị chậm tiến độ và ngưng trệ, các dự án sân golf mới sẽ không được khởi động. 

Thứ đến là giảm lượng khách đến chơi golf từ trong nước cũng như từ nước ngoài, trực tiếp ảnh hưởng đến thu nhập của các doanh nghiệp golf cũng như những người lao động liên quan. Tiếp theo là tác động tiêu cực lên việc mở rộng hội viên của các câu lạc bộ golf cũng như thu hút người chơi golf mới.

Điểm quan trọng nữa là không có nguồn tài chính để tổ chức các giải nhà nghề cũng như giải phong trào, ảnh hưởng trực diện nhiều năm lên sự phát triển thể thao golf nghiệp dư và đỉnh cao. Các hoạt động kinh doanh khác liên quan trong ngành công nghiệp golf đều bị ảnh hưởng.

Chủ sân golf kích cầu

Trong bối cảnh đó, nhà quản lý các sân golf cũng trở nên năng động hơn khi đưa ra nhiều chính sách giá thích hợp để khuyến khích các tay golf đến chơi sân của họ, điều ít thấy trong cùng kỳ năm ngoái. Một golfer thâm niên trong làng golf chia sẻ: “Cùng thời điểm này vào năm trước, dù là ngày thường nhưng trên sân thường đông đúc, tấp nập. Hiện nay, phải vật lộn trong khó khăn kinh doanh thường nhật đã làm cho người chơi golf đăm chiêu, suy nghĩ nhiều và cân nhắc hơn khi đến sân”.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Đi đầu cho chính sách khuyến mãi, có lẽ là sân Twin Doves. Đây là sân private đầu tiên ở phía Nam, và có Hội quán CLB được xem là đẹp nhất nước với mức độ hoành tráng, sự tiện dụng và tính thẩm mỹ. Trong hầu hết tất cả sân golf ở Việt Nam, dường như chỉ có sân Twin Doves đặc biệt chú ý đến vấn đề ẩm thực gắn liền với việc chơi golf, khi xây dựng và quảng bá thực đơn ăn uống chất lượng cao, bổ dưỡng nhưng giá cả hợp lý.

Trong khi sân Twin Doves đẩy mạnh chương trình khuyến mãi của mình thì các sân golf khác cũng có nhiều động thái tích cực để kéo khách đến sân chơi. Các sân thường đưa ra phí chơi golf ưu đãi trong tuần, cộng thêm một số lợi ích khác nếu chơi golf trễ. 

Cùng trên địa bàn Bình Dương, sân Sông Bé lại đang áp dụng giá 1.400.000 VND cho tất cả ngày thường, riêng thứ 2 là 1.225.000 VND. Nếu chơi buổi chiều có đèn, tee off sau 16h30 thì có giá 844.000 đồng. Nhằm mừng lễ kỷ niệm 20 năm thành lập sân, từ tháng 8 cho đến cuối năm 2012 sân có nhiều chương trình khuyến mãi thích hợp.

Sân Đồng Nai áp dụng phí cho một vòng golf trong ngày thường, gồm ăn trưa, xe đưa đón miễn phí tại Bình Dương và TP. HCM là 1.050.000 đồng với điều kiện khách phải mua bốn vé (cho 4 lần chơi), có thể được áp dụng cho nhóm 4 người cùng chơi 1 lần. Ngày thứ 3 được xem là “golf day” tại sân này nên các golf thủ chỉ phải thanh toán 800.000 đồng cho 1 vòng golf 18 lỗ.

Riêng sân Long Thành, với phí chơi golf ngày thường 967.000 đồng (trong khi phí chơi golf của hội viên sân khoảng 530.000 đồng) thì quãng đường tương đối xa từ trung tâm TP. HCM đến sân dường như cũng xích lại gần. Đặc biệt sân này còn có chương trình đánh golf vào chiều tối, có đèn với giá 860.000 đồng/18 lỗ nếu xuất phát sau 13h, và 753.000 đồng nếu sau 14h.

Xét ở tiêu chí giá, sân Thủ Đức có chi phí chơi golf cao ngất (trung bình 2 triệu đồng/vòng golf 18 lỗ vào ngày thường) nếu không có voucher, hay là khách của hội viên, hoặc thành viên SGGA… khiến các golf thủ phải cân nhắc nhiều. Với lợi thế gần trung tâm, sân này hoàn toàn không có chương trình khuyến mãi đặc biệt, ngoài việc áp dụng giá 1.100.000 đồng vào thứ 2. Do vậy, sân Thủ Đức trong chừng mực nào đó chỉ có thể đáp ứng cơn nghiền golf của người hâm mộ (không phải hội viên) ít thời gian, ngại di chuyển xa.

Người chơi siết chặt hầu bao

Đối với các doanh nhân là chủ hoặc là cổ đông lớn của các doanh nghiệp golf, họ sẽ phải tập trung trí tuệ và sức lực để cải thiện tình hình khinh doanh của các doanh nghiệp của họ. Cụ thể đối với các sân golf, họ phải tiến hành các chiến dịch khuyến mại nhằm thu hút thêm khách đến chơi golf và tăng thêm số lượng hội viên. Họ cũng phải cải thiện các dịch vụ để đáp ứng yêu câu cũng như tăng  mức hài lòng của khách hàng. Các bất động sản kèm theo của sân golf tất nhiên cũng bị ảnh hưởng lớn, và do vậy các chiêu khuyến mại là không thể thiếu để kích cầu.

Có người sẽ hỏi rằng trong hoàn cảnh kinh tế suy thoái hiện nay, số lượng doanh nhân đến sân golf sẽ tăng hay giảm? Ở đây sẽ nhận thấy hai khuynh hướng.

Thứ nhất trong bối cảnh đóng băng của nền kinh tế, các doanh nhân sẽ không mạo hiểm đầu tư, họ “ngủ đông” để chờ đợi thời cơ và vì vậy do có thời gian rỗi nhiều, họ sẽ kéo nhau ra sân golf để giải trí và tiêu phí thời gian. Từ khía cạnh này số lượng lần chơi golf của một số doanh nhân có thể tăng hơn so với trước.

Mặt khác, do phải tập trung lo thoát hiểm trong thời kỳ khó khăn, nên một tầng lớp doanh nhân sẽ phải tập trung toàn lực để cứu nguy doanh nghiệp, vì vậy họ sẽ không còn thời gian để ngó tới sân golf, nên đối với họ, tần suất thăm  sân golf sẽ bị suy giảm mạnh.

Một điểm cần lưu ý là nguồn tài chính hạn chế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của tất cả mọi người trong đó có doanh nhân. Vì vậy suy thoái kinh tế, về tổng thể sẽ làm giảm số lần chơi golf của mỗi người và làm giảm mức chi tiêu trung bình trên đầu người cho mỗi vòng golf. Nói một cách khác, suy thoái kinh tế đang là vòng “thòng lọng” mỗi ngày một siết chặt hơn lên yết hầu của các doanh nghiệp.

RELATED ARTICLES