Có những miền đất không cần vội vã, chỉ cần thả lòng mình theo những con đường bụi đỏ, lắng nghe tiếng nước vỗ bờ hay mỉm cười đáp lại một ánh mắt hiền hòa.

Giữa nhịp sống hối hả của cuộc sống hiện đại, có một miền đất mà thời gian như lắng đọng, nơi con người sống chậm, hiền hòa và trao nhau những nụ cười chân phương, tựa như dòng Mekong lững lờ trôi suốt bao thế kỷ. Đó là Lào – xứ sở Triệu Voi, điểm đến dành cho những tâm hồn yêu sự mộc mạc, bình dị nhưng cũng đầy sức hút. Đàm Quốc Khánh, một hướng dẫn viên du lịch người Việt đang sinh sống tại đây sẽ dẫn bạn vào hành trình khám phá về vẻ đẹp của Lào theo một cách đặc biệt nhất – bằng chính những trải nghiệm chân thực của anh.

Empty

Hành trình đến với Lào của Đàm Quốc Khánh không phải là một kế hoạch được vạch ra từ trước. Chỉ đơn thuần là một chuyến đi chơi trong khoảng thời gian chờ nhận bằng tốt nghiệp, thế nhưng, mảnh đất này đã giữ chân anh lại theo một cách tự nhiên nhất. “So với những nơi khác, tôi thấy Lào rất gần gũi. Nó cho tôi cảm giác như được sống lại những năm tháng trước kia, khi mọi thứ còn chậm rãi và dung dị”, Khánh nhớ lại.

Chính sự bình yên ấy đã khiến anh quyết định ở lại, trở thành hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu về Lào với những ai có cùng đam mê khám phá.

04
heading-1

Nhắc đến Lào, người ta thường nghĩ ngay đến Luang Prabang hay Vientiane, nhưng theo Khánh, vẻ đẹp của đất nước này không chỉ dừng lại ở những điểm đến quen thuộc. “Vang Vieng, Nong Khiaw hay Champasak là những nơi thực sự đáng để khám phá”, Khánh nói.

Vang Vieng như một bức tranh sơn thủy hữu tình, với những dòng sông trong vắt, cánh đồng lúa xanh rì và những dãy núi đá vôi kỳ vĩ. Đây là nơi dành cho những tâm hồn phiêu lưu, với các hoạt động như chèo kayak trên sông Nam Song, khám phá những hang động huyền bí hay đơn giản là đạp xe qua những ngôi làng thanh bình, nơi trẻ con chạy chân trần trên con đường đất đỏ.

Empty

Nong Khiaw lại là một giấc mơ dành cho những ai yêu thiên nhiên hoang sơ. Làng nhỏ ven sông Nam Ou này được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi trùng điệp, nơi bạn có thể leo lên các đỉnh núi cao để ngắm mây vờn dưới chân, hay chèo thuyền xuôi dòng nước xanh thẳm, len lỏi qua những bản làng của người dân tộc thiểu số. Khi hoàng hôn buông xuống, chỉ cần ngồi lặng lẽ bên bờ sông, nhấp một ngụm cà phê đắng và để thời gian chầm chậm trôi.

Champasak, miền đất của những di sản, lại mang một màu sắc khác. Đây là nơi có Wat Phou – khu đền cổ linh thiêng được UNESCO công nhận, từng là trung tâm văn hóa của vương quốc Khmer cổ. Những bậc đá rêu phong dẫn lối lên ngôi đền cổ kính, nơi du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn cánh đồng lúa bạt ngàn, hệt như một bức tranh của quá khứ và hiện tại giao thoa.

06

Còn nếu thích nghỉ dưỡng, Luang Prabang là điểm đến không thể hoàn hảo hơn. Cố đô này mang trong mình vẻ đẹp của những ngôi chùa cổ kính, những con phố nhỏ rợp bóng cây và nhịp sống yên bình. Buổi sáng, du khách có thể dạo bước trên những con đường lát đá, nhìn những nhà sư khoác áo vàng lặng lẽ khất thực, để rồi đến tối lại thả hồn trong ánh đèn lồng lung linh bên bờ sông Mekong. 

“Luang Prabang có nhiều ngôi chùa và các làng nghề, du khách có nhiều lựa chọn để trải nghiệm văn hóa. Và tôi tin chắc rằng ai đã đến Luang Prabang một lần, chắc chắn sẽ muốn quay lại”, Khánh khẳng định.

heading-2

Du lịch Lào vào tháng 4 sẽ đưa du khách đến với một trong những lễ hội rực rỡ và náo nhiệt nhất – Bun Pi May, hay còn gọi là Tết té nước. Đây là dịp người dân Lào đón chào năm mới theo Phật lịch, kéo dài trong ba ngày (thường từ 13-15/4), với các nghi thức mang đậm nét văn hóa tâm linh. 

Buổi sáng, người dân thực hiện nghi thức tắm Phật bằng nước thơm, rải hoa và dâng lễ cầu bình an. Sau đó, không khí lễ hội tưng bừng tràn ngập trên các con phố, khi mọi người vui vẻ té nước vào nhau như một cách để gột rửa điều không may và chúc nhau một năm mới an lành. Những ngày này, cả đất nước như một lễ hội đường phố khổng lồ, nơi du khách có thể hòa mình vào dòng người, để những tia nước mát lành mang đi mọi ưu phiền.

07

Lào không chỉ hấp dẫn bởi phong cảnh mà còn bởi nhịp sống chậm rãi, lối sống chân thành và giản dị của người dân. Người Lào luôn nở nụ cười và nói “Sa Bai Dee” khi gặp nhau, đôi khi chỉ là ánh mắt hiền hòa hay cái cúi đầu chào mà cũng đủ làm người ta ấm lòng. Ở đây, không ai vội vã. Người ta ngồi nhâm nhi ly cà phê bên bờ sông Mekong, ngắm dòng nước lững lờ trôi, hay thong dong trên những con đường nhỏ rợp bóng cây. Ở Lào, bạn không chỉ du lịch, mà còn học cách lắng nghe nhịp điệu của thời gian, để sống chậm hơn, nhẹ nhàng hơn.

08
heading-3

Ẩm thực Lào là một cuộc phiêu lưu dành cho những ai thích khám phá, không chỉ bởi hương vị mà còn bởi những câu chuyện đằng sau mỗi món ăn. Khánh đặc biệt gợi ý du khách nên ghé thăm chợ đêm Viêng Chăn và Luang Prabang, nơi không chỉ có những quầy hàng rực rỡ sắc màu mà còn là không gian hội tụ những tinh hoa ẩm thực địa phương.

09

Ẩm thực Lào ảnh hưởng từ Thái Lan, Campuchia và cả Việt Nam, nhưng vẫn giữ được những nét riêng rất độc đáo. Người Lào thích ăn đồ nướng, đặc biệt là gà nướng Ping Kai, được tẩm ướp với sả, tỏi, tiêu, sau đó nướng trên than hồng, tỏa mùi thơm quyến rũ. Một món ăn không thể bỏ qua là Larb – salad thịt băm trộn cùng rau thơm và nước cốt chanh, tượng trưng cho sự may mắn và thường xuất hiện trong các bữa tiệc truyền thống.

10

Nhưng cũng có những món ăn thực sự là một “thử thách” với vị giác của du khách Việt Nam. “Tam Mak Hung – gỏi đu đủ kiểu Lào – có thể khiến nhiều người bối rối ngay từ miếng đầu tiên. Nó cay xé lưỡi, dùng nước sốt theo kiểu Thái nên nhiều du khách Việt Nam sẽ thấy hơi khó ăn. Với khách du lịch, món ăn này thường biến tấu thêm tôm, cua hoặc mực”, Khánh cho biết. 

heading-4

Du lịch tự túc ở Lào không quá khó khăn nếu bạn có một kế hoạch rõ ràng. Khánh khuyên du khách nên đổi tiền trước, chuẩn bị một chiếc sim 4G hoặc eSIM để tiện liên lạc. Giao thông ở Lào chủ yếu là xe tuk-tuk, taxi không phổ biến như ở Việt Nam, vì vậy cần tính toán phương tiện di chuyển phù hợp.

Một điểm đặc biệt là Lào không có nhiều “bẫy du khách” như một số điểm đến khác. “Ở đây, người dân sống rất chân thành, giản dị. Họ không chèo kéo, không ‘chặt chém’. Đó cũng là một trong những lý do tôi yêu mảnh đất này”, Khánh tâm sự.

11
12

Tuy nhiên, khi giao tiếp, du khách nên lưu ý một số quy tắc văn hóa đặc trưng. Người Lào không quen với việc chào hỏi bằng những hành động đụng chạm như bắt tay hay vỗ vai, thay vào đó, họ thực hiện động tác "nop" – chắp hai tay trước ngực và cúi đầu nhẹ để thể hiện sự tôn trọng. 

Chia sẻ với phóng viên Travellive, Khánh cho biết, trong quan niệm của người Lào, đầu là phần cao quý nhất trên cơ thể, còn chân là phần thấp nhất, vì vậy việc chạm vào đầu người khác hoặc dùng chân để chỉ trỏ được xem là hành vi bất lịch sự. Bên cạnh đó, khi bước vào nhà người dân địa phương, hãy nhớ tháo giày dép để thể hiện sự tôn trọng. Những chi tiết nhỏ này sẽ giúp du khách có trải nghiệm trọn vẹn và gần gũi hơn với người dân bản địa.

13
heading-5

Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những năm gắn bó với Lào, Khánh không ngần ngại nhắc đến Tết Bun Pi May năm 2024. Anh kể: “Những người tôi gặp trong chuyến đi đó, đến bây giờ vẫn là những người bạn thân thiết. Chúng tôi đã cùng nhau hòa vào dòng người, cùng té nước, cùng cười, và cảm nhận được sự kết nối thực sự giữa con người với con người”.

14

Nhìn về phía trước, Khánh vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi hành trình khám phá và dẫn dắt những vị khách phương xa đến với một Lào rất riêng của anh. Và với những ai đang ấp ủ một chuyến đi đến mảnh đất này, hãy để nhịp sống của Lào cuốn bạn đi. Đừng vội vàng, đừng lên lịch quá chặt chẽ. Bởi Lào không vội – và bạn cũng không cần phải gấp gáp.

credit