Hằng năm, khi đến mùa lễ hội Katê, người Chăm dù đang ở đâu cũng sẽ trở về nhà để dự lễ và quây quần bên gia đình. Năm nay, vì ảnh hưởng của dịch bệnh, lễ hội Katê không được diễn ra như đúng thông lệ hằng năm nữa mà chỉ tổ chức trong phạm vi gia đình. Vậy hãy cùng Travellive cảm nhận không khí mùa lễ hội cũ qua bài viết này, với một lễ Katê tại đền Po Nagar (làng Hữu Đức) và tháp Po Rome (làng Hậu Sanh), xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận - nơi còn giữ được khá nhiều nét truyền thống của văn hóa người Chăm.

kate LL TB1
kate LL TIEU DE 1

Theo truyền thuyết Chăm, cư dân vương quốc Champa cổ gồm nhiều sắc tộc: Chăm, Churu, Êđê, Raglai…, trong đó người Chăm là “chị cả”, người Raglai là “em út”. Xã hội Chăm theo mẫu hệ, em gái út là người nắm quyền thừa kế, cất giữ đồ gia bảo của tổ tiên, vì vậy mà y trang (y phục của các vị thần-vua) do người Raglai cất giữ. Vào ngày trước của lễ chính Katê, người Chăm phải làm lễ đón rước người Raglai chuyển y trang về các đền tháp Chăm.

Do nhiều lý do khác nhau, gần đây, y trang của vua Po Klaung Garai và vua Po Rome đều được để lại cất giữ ở các làng Chăm thuộc khu vực các tháp ấy, nên hai nơi này không còn lễ rước y trang từ người Raglai về nữa. Hiện chỉ còn ở khu vực đền thờ nữ thần Po Nagar, y trang của nữ thần vẫn do người Raglai làng Phước Hà (gần làng Hữu Đức) cất giữ. Vì thế cũng chỉ còn ở Hữu Đức là có lễ rước y trang.

kate LL TIEU DE 1 1
Empty
Empty

Vào ngày này, người dân các vùng lân cận và du khách thường đổ về làng Hữu Đức để dự lễ rước và đón nhận y trang của nữ thần Po Nagar từ người Raglai với người Chăm. Đoàn rước y trang trở về từ làng Phước Hà được người Chăm tổ chức lễ đón tại sân vận động làng Hữu Đức. Một sân khấu được dựng lên giữa sân vận động, với dàn nhạc lễ Chăm và các đội múa Chăm trong trang phục lễ hội truyền thống tề tựu đông đủ. Khi cỗ kiệu rước y trang trở về đến sân vận động, tiếng nhạc lễ bắt đầu được tấu lên rộn rã.

Ba nhạc cụ chủ đạo tạo nên linh hồn cho những lễ hội Chăm là kèn Saranai, trống Paranưng và Ghinăng - theo quan niệm của người Chăm, những nhạc cụ này tượng trưng cho con người, trời và đất một cách hoàn chỉnh, vẹn toàn. Khi biểu diễn, ba nhạc cụ này không được tách rời mà luôn hòa quyện vào nhau, trong đó kèn Saranai là nhạc cụ chủ đạo.

kate LL TIEU DE 1 4

Sau khi màn văn nghệ đón chào y phục của nữ thần Po Nagar ở sân vận động Hữu Đức kết thúc, tôi trở lại làng Hậu Sanh ngay gần đó. Ông cụ Camưney (người trông coi tháp) - người mà tôi may mắn quen được trong những lần đến tháp trước đây, dẫn tôi sang ngôi đền nhỏ ở làng Hậu Sanh, nơi đang cất y trang của vị thần-vua Po Rome, để thắp nhang.

Tối hôm đó ở làng Hậu Sanh có tổ chức văn nghệ. Ăn tối xong cùng gia đình ông Camưney, tôi hòa theo dòng người náo nức vác ghế ra sân bãi giữa làng để sớm kiếm được vị trí xem văn nghệ. Những người Chăm ở đây rất hiếu khách, khi biết tôi là người ở xa đến, họ bèn vui vẻ nhường ngay cho tôi một vị trí đẹp.

Ban nhạc trong đêm văn nghệ làng, ngoài trống Ghinăng, Paranưng, kèn Saranai, họ dùng thêm cả nhạc nền thu sẵn cùng một cây guitar điện, một chiếc organ. Người biểu diễn hoàn toàn là những đội nhóm văn nghệ của làng.

Đêm hội làng kết thúc không quá muộn vì sáng hôm sau sẽ là lễ chính quan trọng nhất diễn ra trên các đền tháp. Đêm ấy, tôi về nghỉ ở nhà ông Camưney ngay trong làng Hậu Sanh.

kate LL TB2
kate LL TIEU DE 2

Ông Lượng - tên của người Camưney ở tháp Po Rome, đã rời khỏi nhà khi mọi người còn say giấc. Gần 6 giờ sáng cả nhà lục tục dậy, anh con trai của ông rủ tôi ra quán đầu làng ăn sáng và uống cafe. Anh ấy đi làm xa đã nhiều năm, đến dịp lễ Katê mới về làng nên muốn tranh thủ đi gặp gỡ mọi người.

Vào sáng ngày lễ chính trên các tháp cổ, y trang sẽ được rước từ đền lên trên tháp để hành lễ. Đoàn rước gồm các vị chức sắc tôn giáo trong bộ lễ phục trang trọng, các cô gái đội múa lễ trong tà áo dài Chăm nhiều màu sắc, cùng đội nhạc lễ biểu diễn suốt hành trình.

Empty
kate LL TIEU DE 2 2

Sau khi đi với con trai ông Lượng, tôi trở lại ngôi đền trong làng vừa kịp lúc tiếng nhạc lễ nổi lên, đội múa tiến hành nghi thức múa xin rước y trang lên tháp. Cỗ kiệu chứa y trang được trang hoàng bằng vải đỏ, khung gỗ cũng sơn đỏ, do 4 người đàn ông trong trang phục lễ hội truyền thống khiêng rước. Phía trước đoàn rước là các chức sắc tôn giáo, trong đó có thầy Cả sư - vị chức sắc tôn giáo cao cấp nhất vùng, gấu áo choàng thêu viền đỏ - là người đi giữa hai chiếc lọng.

Phía sau cỗ kiệu là các cô, các chị đội theo các chiết atâu (chiếc giỏ tre đựng đồ lễ của người Chăm), sau nữa là dàn nhạc, vừa đi vừa tấu trên suốt chặng đường, rồi đến các nhóm múa lễ trong các trang phục lễ hội sặc sỡ. Mấy thiếu niên vác các lá phướn đi hai bên ngay sau cỗ kiệu. Sau cùng là một số người dân, du khách đi theo đám rước.

Ra khỏi cổng làng, tôi nhờ được một người đàn ông Chăm chở giúp bằng xe máy tới trước chân núi nơi ngôi tháp tọa lạc, vừa đủ thời gian tham quan toàn cảnh không khí lễ hội ở khu vực tháp Po Rome trước khi đoàn rước đến nơi.

kate LL TIEU DE 2 3

Tháp Po Rome được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII, trên đỉnh một ngọn núi nhỏ có tên là núi Tro. Đây là ngôi tháp được xây để thờ phụng vua Po Rome (1627-1651), có lẽ nó cũng là ngôi tháp cuối cùng được người Chăm xây dựng. Ngọn tháp cổ tuy nhỏ bé và đơn giản nhưng vẫn giữ được chức năng tôn giáo cho cư dân cả vùng. Với những khu vực ngoài Ninh Thuận, Bình Thuận không có ngôi tháp nào, người Chăm sẽ phải tìm về tháp Po Klaung Garai, tháp Po Rome hoặc về tận tháp Po Sha Inu ở Phan Thiết để cúng lễ Katê.

Từ sáng sớm, người Chăm địa phương và các vùng lân cận đã tập trung bày lễ vật khắp xung quanh khu vực tháp. Lễ vật dâng cúng của họ cũng rất đơn giản: trái cây, cơm, gà, sau này có cả bia, rượu. Họ trải chiếu, trải nylon và bày mâm lễ ở mọi khoảng đất trống xung quanh chân tháp.

Sau khi hạ kiệu, các chiêt atâu chứa y trang được thầy Kadhar - vị chức sắc thực hiện nghi thức tắm và khoác y phục cho tượng thần - chuyển vào trong tháp để chuẩn bị làm lễ. Lúc này bên ngoài sân tháp bắt đầu là màn khai mạc và nghi thức múa lễ diễn ra.

Tôi rất sốt ruột với lễ tắm tượng và mặc y trang cho tượng thần Po Rome bên trong tháp, nhưng khoảng sân thì nhỏ, các nhóm múa lễ dàn kín mặt sân, băng qua lúc họ đang biểu diễn thì thật bất lịch sự. Cũng may khi các điệu múa kết thúc, dòng người lập tức ùn ùn kéo lên sân tháp thì ông Lượng chợt xuất hiện, túm lấy tay tôi lôi tuột lên các bậc cấp, đẩy mạnh tôi vào trong và nói theo: “Tranh thủ xem đi, mọi người sẽ dồn vào nhiều lắm”. Tôi chỉ kịp quay lại nhìn ông đầy biết ơn, không kịp nói câu gì đã bị dòng người đẩy tuột vào trong lòng tháp nhỏ hẹp, lúc này cũng đang kín đầy người.

kate LL TIEU DE 2 4

Khi lễ đã xong, tôi ra khỏi tháp tìm chào ông Lượng, rồi tìm chào vợ ông trong khu tháp. Cô còn dúi theo một túi mấy cái bánh với ít trái cây, bảo “Cầm lấy mà ăn dọc đường, trưa rồi con ạ”.

Nhiều năm trôi qua, tháp cũng đã tu sửa xong, tôi vẫn mải mê với những ngôi tháp Champa cổ kính trên dải đất miền Trung mà chưa có dịp trở lại với làng Hậu Sanh, với tháp Po Rome. Tự nhủ nhất định năm nay sẽ về với lễ Kate ở Hậu Sanh cho tròn “10 năm tình cũ”. Nhưng rồi dịch bệnh hoành hành, mọi kế hoặc đổ bể, lễ Kate 2021 cũng không diễn ra được như bình thường. Lại nghe, tháp Po Rome đã có người coi tháp mới, không rõ ông Lượng sức khỏe thế nào? Nhất định khi tình hình dịch bênh được kiểm soát, tôi phải về Hậu Sanh thăm gia đình người Camuney già đáng kính, thăm ngôi tháp cuối cùng của người Chăm.

kate LL TH