Trong dòng chảy của thời gian, đã có những lúc nụ hôn mang ý nghĩa hoàn toàn khác với những gì chúng ta biết ngày nay - và biết đâu sẽ đến lúc, con người quay trở lại thuở... sợ hãi một nụ hôn.

Empty

Một sự thật thú vị, hôn từng không phải là nghi thức biểu đạt tình cảm. Theo nhiều nhà sử học, hôn được “tiến hoá” từ việc ngửi - một hành động mà cách đây nhiều thế kỷ, loài người từng sử dụng như cách thức để tìm hiểu nhau. Ông Vaughn Bryant, nhà Nhân loại học của trường Đại học Texas A&M cho biết, “Con người thời đó thường hít ngửi và khi chạm vào môi đối phương, họ thấy điều này thích thú hơn nhiều”.

Trong phần lớn quãng thời gian lịch sử ban đầu, khứu giác quan trọng hơn bất kỳ giác quan nào trong quan hệ giữa người với người. Con người sẽ dùng khứu giác để xác định tâm trạng, sức khỏe và vị thế xã hội của đối phương. Có rất nhiều cách chào theo kiểu hít ngửi. Họ thường chạm mũi của mình lên khắp khuôn mặt người đối diện vì mặt là bộ phận có nhiều tuyến mùi. Rồi dần dần, chạm mặt trở thành chạm môi và cách chào hỏi xã hội ra đời từ đó.

Empty

Hành động hôn xuất hiện lần đầu tiên được ghi chép trong lịch sử là ở Ấn Độ vào khoảng 4.000 năm trước. Sử thi Mahabharata có những đoạn miêu tả nụ hôn lãng mạn, trong đó có câu: “Nàng đặt miệng nàng lên miệng tôi và tạo ra một thứ âm thanh khiến tôi lâng lâng”. Nhưng đến mãi thế kỷ 15, khi châu Âu vừa khám phá ra châu Phi, Ấn Độ, châu Á và Tân Thế Giới, hành động hôn vẫn còn xa lạ ở nhiều nơi. Và cho dù toàn thể loài người có biết hôn là gì, thì không phải nụ hôn nào cũng là biểu tượng của tình yêu. Vị thế, vai trò và ý nghĩa của nụ hôn luôn thay đổi theo dòng thời gian. Hôn từng là nét văn hoá, một hình thức nghệ thuật trong xã hội La Mã cổ đại - đàn ông hôn đàn ông, phụ nữ hôn phụ nữ, người ta hôn bất cứ ai họ yêu quý và tôn trọng - không lạ gì khi người La Mã cổ được gọi là những người hôn nhiều nhất trong lịch sử thế giới. Đến suốt thời kỳ Trung Cổ ở châu Âu, một bộ luật cứng nhắc về nghi thức hôn được ban hành. Khi ấy, chỉ những người cùng vị trí xã hội mới được hôn môi nhau, tầng lớp thấp nhất và tù nhân chỉ được phép hôn mặt đất, nơi gần nhất với bàn chân của người được hôn.

Empty

Đến khoảng thời gian bắt đầu từ năm 1311-1312, các nhà thờ Cơ đốc giáo ở châu Âu, đặc biệt là Hội đồng Vienna (Áo), đã thảo ra một số luật lệ về đạo đức, trong đó quy định rằng nếu một cặp chưa cưới dám trao nhau nụ hôn dẫn đến tình dục thì linh hồn sẽ bị nguyền rủa, nhưng nếu chỉ hôn để thoả mãn thú vui thì lại là một tội có thể được dung thứ. Thậm chí, ở Naples (Ý ngày nay) vào những năm 1500, những người hôn nhau nơi công cộng còn bị khép vào tội tử hình.

Đến năm 1600, gần như không còn thấy ai hôn nhau ở nơi công cộng nữa. Thay vào đó, trong suốt những năm 1800, những hình thức như cúi đầu, nhún gối và ngả mũ lại phổ biến hơn do ảnh hưởng từ nghệ thuật lãng mạn của Shakespeare. Tận thời kỳ cuối những năm 1900, người Mỹ vẫn còn chỉ trích hành động hôn nhau nơi công cộng là "thói quen đáng bị lên án và không thể được dung thứ trong một xã hội văn minh".

Rồi khi phim ảnh ra đời, tiếp theo là Hollywood và truyền hình, quan niệm về hôn hẳn nhiên đã thay đổi. Những nụ hôn nổi tiếng màn ảnh trong các bộ phim như "Cuốn theo chiều gió"; (1939) hay "Casablanca" (1942) dường như đã định nghĩa lại vẻ đẹp của nụ hôn lãng mạn, và những đôi yêu nhau trên khắp thế giới lại tiếp tục không ngần ngại thể hiện tình yêu qua nụ hôn, như lời hát của Sam Dooley Wilson trong “Casablanca” rằng: "Nụ hôn vẫn là nụ hôn, khao khát vẫn là khao khát, những điều cơ bản sẽ vẫn thế dù thời gian có trôi đi".

Empty
Empty

Trong một nhánh rẽ của dòng lịch sử, nụ hôn từng đại diện cho sự bình đẳng, cho tình bạn và đoàn kết giai cấp, bắt nguồn từ cách biểu đạt sự nhiệt tình trong các phong trào công nhân cuối thế kỷ 19. Ý nghĩa này của nụ hôn đã phát triển và phổ biến đến mức trở thành một biểu tượng văn hoá, người ta đặt cho nó một cái tên, gọi là Nụ hôn anh em chủ nghĩa xã hội (Socialist fraternal kiss). Trong những năm sau Cách mạng Tháng 10 và Quốc tế Cộng sản, nó trở thành nghi thức chào hỏi giữa các đồng chí Cộng sản với nhau. Khi đó, hôn biểu tượng cho sự thân thiết sâu sắc được củng cố giữa chủ nghĩa Cộng sản và chủ nghĩa xã hội trong thời gian Nga Bolshevik bị cô lập.

Nụ hôn anh em chủ nghĩa xã hội thường được thể hiện bằng một cái ôm, kết hợp lần lượt ba nụ hôn lên má. Trong trường hợp hiếm hoi, khi tình hữu nghị giữa hai bên đặc biệt thắm thiết, họ sẽ hôn miệng thay vì chỉ hôn má. Nhiều lãnh đạo chủ nghĩa xã hội của các phong trào giải phóng, như Tổ chức Giải phóng Palestine và Đại hội Dân tộc Phi, cũng thường chào hỏi bằng nụ hôn anh em khi chào đón lãnh đạo các nước Cộng sản. Sau khi Liên Xô tan rã và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, nụ hôn kiểu này đã mai một dần và chỉ còn cái ôm là tồn tại.

Empty

Với ý nghĩa gửi gắm trọn vẹn lòng nhiệt huyết và tình yêu thương, nụ hôn anh em chủ nghĩa xã hội đã từng được dùng rất nhiều ở Việt Nam, mà chúng ta không nhận ra, thông qua… Bác Hồ. Trong những bức thư gửi thiếu niên, nhi đồng, Bác luôn kết thúc lời mình bằng nụ hôn. Hầu như cuối bức thư nào cũng vậy. Người viết: “Hôn các em nhé!” (Thư gửi thiếu nhi đêm Trung thu đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), “Bác hôn các cháu!” (Gửi các cháu nhi đồng cả nước), “Bác hôn tất cả các cháu” (Thư gửi nhi đồng toàn quốc nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám), “Bác hôn cháu!” (Thư khen cháu Đặng Phúc Hải)…

Empty
Empty

Cho dù là minh chứng của tình yêu, tình thương hay tình hữu nghị, hôn cũng đã có thời điểm trở thành hành động phạm pháp ở một vài nơi. Người ta e sợ hôn vì những căn bệnh quái ác như đại dịch cúm Tây Ban Nha và Cái Chết Đen cứ lan mãi và phủ lên cuộc sống của loài người một cái bóng mờ u ám.

Cái Chết Đen được ghi nhận đã kết thúc vào năm 1353, nhưng các chủng virus còn lại của nó vẫn tiếp tục tàn phá Anh tới mức kiệt quệ trong suốt những năm 1400. Chính vì thế, cho dù được sinh ra gần 70 năm sau khi đại dịch xuất hiện, Vua Henry VI - vị "vua điên" nổi tiếng của Vương quốc Anh - vẫn phải gánh lấy trách nhiệm lèo lái đất nước khi khủng hoảng dịch bệnh chưa thực sự qua đi. Ngày 16/7/1439, ông ra sắc lệnh Cấm hôn với hy vọng đây sẽ là biện pháp phòng ngừa ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch.

Trước đó, trong thời kỳ này, mọi người thường chào nhau bằng cách trao những nụ hôn; các giáo dân của nhà thờ sẽ hôn nhau khi gặp mặt, những người hầu hôn nhẫn của chủ nhân, đàn ông hôn đàn ông, đàn ông hôn phụ nữ và ngược lại. Lệnh Cấm hôn được ban hành đã cấm tất cả mọi người trên toàn nước Anh được hôn nhau, cho dù đó chỉ là nghi thức chào hỏi. Mặc dù bây giờ ai cũng biết nước bọt có thể truyền vi khuẩn, nhưng đây không phải là kiến thức phổ biến trong thời Trung cổ, và lệnh cấm hôn này có lẽ chỉ tình cờ là một phương pháp phòng ngừa khi vị vua nhận thấy rằng càng tiếp xúc với người bệnh thì sẽ càng mắc bệnh nhanh.

Empty

Gần 600 năm sau, cúm Tây Ban Nha xuất hiện trên đất Mỹ, cướp đi sinh mạng của 675.000 người Mỹ và 50 triệu người trên toàn thế giới; và hồi đó, những cặp tình nhân đã cố gắng hết sức để yêu mà không làm lây bệnh cho nhau. Đã có những “chiến thuật” được áp dụng để người ta hôn nhau một cách an toàn hơn. "Nếu phải hôn, hãy hôn qua khăn mùi soa” - một dòng tiêu đề được đăng trên tờ The Sun ở thành phố New York ngày 17/8/1919, "Nếu không, bạn có thể sẽ bị lây cúm Tây Ban Nha, hoặc nó sẽ lây cho nửa kia của bạn - Từ Hội đồng Y tế gửi đến những người đang yêu".

Một phương pháp khác được “chế tạo” ra trong thời kỳ này là tấm màn hôn. "Để có một nụ hôn trong sáng và hợp vệ sinh, hãy sử dụng chiếc lưới nhỏ này, nhớ rằng, hãy rửa sạch nó bằng chất khử trùng trước khi hôn” - đây là một dòng quảng cáo có tiêu đề "Nụ hôn trong sáng và không gây bệnh" được đăng trên tạp chí Popular Science Monthly vào năm 1918.

Empty

Thậm chí, hành động thân mật này không chỉ bị coi là nguy hiểm đối với những người đang yêu mà cả với những người thân trong gia đình. "Để tránh lây nhiễm cho con bạn, đừng hôn gần miệng chúng. Hôn con trước khi rửa mặt cũng không an toàn" - một tờ báo thời đó viết.

Một trường hợp khác nữa là vào thế kỷ đầu tiên sau Công Nguyên, khi bệnh dịch mụn rộp lan truyền, Hoàng đế La Mã thứ hai Tiberius cũng đã ban hành lệnh cấm hôn hoàn toàn trên khắp đế quốc.

Empty

Một lần nữa, dịch bệnh lại tấn công loài người, và một lần nữa, người ta lại sợ hôn nhau.

Nụ hôn má vốn là nghi thức cơ bản và quen thuộc để chào hỏi giữa bạn bè, đồng nghiệp và thậm chí các nhà lãnh đạo ở nhiều quốc gia châu Âu, vậy nhưng bây giờ, khi đại dịch quét ngang toàn cầu, người ta bắt đầu tự ngăn bản thân làm ra những phản xạ cố hữu để thể hiện tình thương này.

Picard, tác giả cuốn sách “Lịch sự, cách cư xử và quan hệ xã hội” chia sẻ: "Chúng ta sống trong một nền văn hoá cần tiếp xúc, và vì vậy ta dễ dàng muốn chạm vào nhau. Nền văn minh của chúng ta cần phải có sự ấm áp tình người. Nhưng tôi ngờ rằng mọi người rồi sẽ ngừng hôn nhau mà thôi" - cô đề cập đến nụ hôn trong các nền văn hoá Địa Trung Hải, bao gồm cả nước Pháp quê hương của cô, trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu như hiện nay.

Empty

Tại một cuộc họp báo thảo luận về các biện pháp của Chính phủ chống lại sự lây lan của dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp, Olivier Véran, đã kêu gọi người Pháp tránh bắt tay người khác, và tốt hơn hết, là ngừng hôn nhau. Người Pháp dần trở nên e dè hôn và điều này có thể hiểu được. Đối mặt với mối đe doạ sinh tồn từ đại dịch, không có gì đáng chê trách khi người ta chấp nhận tạm từ bỏ một truyền thống rất Pháp này.

Nhưng hôn không chỉ là một hành vi, một văn hoá, nó còn là biểu tượng (không chỉ của Pháp, mà là của cả loài người); và còn nhiều văn hoá khác nữa, những văn hoá và truyền thống ta đã quá quen thuộc đang dần trở nên mai một trước tác động của dịch bệnh, như văn hoá tiêu tiền mặt của người Đức, văn hoá tổ chức lễ hội của các nước Latin, văn hoá chúc mừng ngày lễ, ngày kỷ niệm, tổ chức tụ họp... của chính chúng ta.

Không chỉ ở Pháp, trên các góc phố ở Rome, trước các tiệm cà phê hoặc trong những cửa hàng trên đường, người ta cũng bắt gặp những hành động thay thế nụ hôn: họ chào nhau bằng những chiếc hôn gió, bằng các cử chỉ từ xa, bằng những cái chạm khuỷu tay...

Empty

Đại dịch này đã thay đổi mọi thứ chúng ta vốn biết và quen thuộc, đặc biệt là những cách ta duy trì kết nối xã hội loài người (theo Bhavna Jani-Negandhi). Nhưng hôn, qua dòng chảy của hơn nghìn năm lịch sử, cũng đã tự chứng minh được nó mang giá trị nhiều hơn là một nghi thức, một phương thức bày tỏ hay mưu cầu cảm xúc. Nó dường như thuộc về, và bắt nguồn từ, bản năng yêu thương chia sẻ của con người.

Có thể “văn hóa hôn” lại đang tiếp tục lênh đênh giữa dòng xoáy của đại dịch, nhưng ta biết rằng rồi đến một ngày, khi những khủng hoảng qua đi và cuộc sống quay lại quỹ tích của nó, như lịch sử từng thế hàng trăm-nghìn năm trước, loài người sẽ lại một lần nữa tìm về những kết nối bản năng.

Làm thế nào mà môi họ gặp nhau? Làm thế nào mà chim hót, tuyết tan, hoa hồng nở và bình minh bừng sáng sau những hàng cây ảm đạm trên đỉnh đồi đang run rẩy? Một nụ hôn, và chỉ vậy thôi.

- Victor Hugo

Empty
Empty