Chỉ khoảng 3, 4 năm trở lại, chúng ta còn bối rối khi nhìn vào mối quan hệ giữa sách giấy và sách điện tử - cứ ngỡ rằng sự phát triển của loại này sẽ kéo theo nguy cơ “chết yểu” của loại kia. Nhưng đến thời điểm hiện tại, có lẽ câu trả lời cho mối quan hệ này đã trở nên rõ ràng.

________

Ngày 18/7, chương trình “Sách trao tay, học ngày giãn cách” đã mang hàng nghìn cuốn sách, hàng trăm ấn bản sách điện tử (ebook), sách nói (audio book) đến nơi người dân đang bị phong tỏa, cách ly ở TP.HCM. Đó là một minh chứng nhỏ cho thấy sách điện tử, sách nói hiện nay đang được đón nhận phổ biến không thua kém gì sách giấy. Thậm chí, trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, loại hình sách này còn trở thành “chiếc phao cứu sinh” cho ngành xuất bản, cho độc giả và là phương tiện để gắn kết con người.

Empty

Từ những năm 1930, sách nói ra đời và được sử dụng tại Mỹ nhưng chủ yếu là nội dung thơ ca nên không quá thịnh hành. Vài năm trở lại đây, khi công nghệ phát triển trên toàn thế giới, văn hóa đọc tất yếu cũng dịch chuyển. Đó là lúc sách nói, sách điện tử bắt đầu trở lại và được đón nhận nhiều hơn.

Hơn 542.000 kết quả trong 0,39 giây trên công cụ tìm kiếm của Google cho thấy khái niệm ebook, audio book đang ngày càng trở nên phổ biến với cộng đồng những người yêu sách. Đây cũng là hai đại diện tiêu biểu nhất của văn hóa đọc trong thời đại công nghệ.

Chỉ với một thiết bị điện tử thông minh, người đọc ở bất cứ đâu - dù đang trên xe buýt, làm việc nhà hay tập thể dục, đều có thể nghe, đọc, tiếp nhận tri thức theo cách đơn giản, nhanh chóng và hiệu quả. Nội dung thông tin được nén lại dưới dạng file điện tử hoặc chuyển tải sang dạng âm thanh thông qua giọng đọc của con người. Mỗi quyển ebook được tóm tắt thành nhiều chương nhỏ; với audio book, trung bình mỗi đoạn có độ dài khoảng 10 - 20 phút.

Không chỉ giới hạn nội dung của một cuốn sách, các tín đồ của sách nói cũng có thể tiếp nhận nhiều thông tin khác nhau như: kinh tế, văn hóa, bí quyết sống đến giải trí… Trong đó, một số kênh podcast tuy mới “gia nhập thị trường” nhưng đón nhận nhiều lời khen tích cực từ người dùng như: The Present Writer (Chi Nguyễn), Amateur Psychology (Nguyễn Đoàn Minh Thư); Have A Sip (Vietcetera) hay Nghe Podcast (VnExpress)…

Empty
Empty

Công nghệ đã trở thành giải pháp tối ưu nhất kết nối con người với trí thức và nền văn minh thế giới. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu, các đơn vị xuất bản đã giảm bớt số lượng mua sách bản quyền do nhiều hội sách bản quyền lớn đều bị hủy bỏ. Hội sách London tháng 3, Hội sách Bologna tháng 4 hay Frankfurt tháng 10… đều là những hội sách lớn trên thế giới, nay buộc phải thay thế bằng họp trực tuyến thông qua các nền tảng online như Zoom, Microsoft Team hay Google Meets. 

“Việc chuyển đổi hình thực từ offline sang online trở thành yêu cầu tất yếu để thích nghi với thời cuộc. Hơn nữa, thế hệ trẻ bây giờ tiếp cận với công nghệ rất sớm, không có gì lạ khi họ cũng sẽ trở thành đối tượng tiêu thụ tri thức số” - ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Công ty sách Alpha Books nhận định.

Cũng theo ông Bình, chỉ riêng với Trạm Đọc (Alpha Books) đã tiếp cận được gần 2 triệu người dùng qua Facebook, 300.000 người dùng qua nền tảng website và một số nền tảng khác như YouTube, Instagram. Thời gian gần đây, Trạm đọc tiếp tục tạo ra một dự án - hình thức tiếp cận sách mới: Thuê sách online. Thông qua dịch vụ thuê sách mới mẻ này, các cá nhân, gia đình hay doanh nghiệp có thể thoải mái đọc sách mà vẫn tiết kiệm được tiền trong thời điểm kinh tế khó khăn, và họ cũng không cần phải đến tận nơi để tìm - thuê sách về.

Một hình thức sách mới nữa không thể không nhắc đến, đó là Voiz FM. Đầu năm 2020, Công ty cổ phần Công nghệ WEWE chính thức cho ra mắt ứng dụng nghe Podcast & Sách nói bản quyền Voiz FM và trình bày thử nghiệm sản phẩm AI Voice (giọng đọc trí tuệ nhân tạo). Chỉ trong thời gian ngắn, ứng dụng này thu hút số đông người dùng, thậm chí trở thành lựa chọn giải trí mới trong mùa dịch. Một khảo sát thực tế cho thấy, khi hỏi 10 bạn trẻ Việt về một ứng dụng sách nói chất lượng, có tới 6 bạn chung câu trả lời là Voiz FM.

Empty

Hai năm trở lại đây, nhiều “mọt sách” thừa nhận họ không chỉ yêu giấy mà còn yêu cả smartphone - một công cụ "thông minh" đầy tiện lợi, tích hợp hầu hết những thứ họ cần. Xu hướng thay đổi hình thức đọc chuyển sang sách điện tử và sách nói là hoàn toàn tự nhiên, khi mà các loại sách này hoàn toàn làm tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin - tri thức, lại vừa rẻ hơn sách giấy, vừa thuận tiện sử dụng, và đặc biệt phù hợp với "bối cảnh" giãn cách xã hội như hiện nay.

Empty

Các hình thức đọc sách điện tử, dù tiện lợi, nhưng hiển nhiên không thể thay thế được những trải nghiệm mà sách giấy đã-đang-sẽ luôn đem đến một cách trực tiếp cho người đọc. Lạ lùng là, không những không bị "lép vế" trước sách điện tử, văn hóa sách giấy còn trở nên... màu sắc hơn tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Từ sách ngoại văn, sách cũ, sách sưu tầm..., đến những tiệm sách mới mang phong cách riêng - dường như, văn hóa sách giấy đã phát triển liên tục và rộng mở, cả về tư duy làm xuất bản, mô hình kinh doanh và tư duy đọc sách.

Bắt đầu với The Bookworm Hà Nội, một trong những hiệu sách ngoại văn lớn nhất Việt Nam với hơn 30.000 đầu sách. Cửa hàng ban đầu nằm trong con ngõ nhỏ phố Châu Long, The Bookworm ngày nay đã trở thành một trong những mô hình cà phê - sách lớn mạnh nhất ở Thủ đô. Đến đây, bạn vừa được ngụp lặn trong từng cuốn sách, vừa ngắm các đồ vật mang nhiều dấu ấn về văn hóa, lịch sử của Việt Nam cũng như Hà Nội, được anh Hoàng Văn Trường - chủ cửa hàng lưu giữ lại.

Empty

Không chỉ ở các thành phố lớn, tại Bắc Ninh, 3 tháng trở lại đây hình ảnh một tiệm sách đặc biệt liên tục được cộng đồng mạng truyền tay nhau. Tiệm sách này với thiết kế ấn tượng đã phá vỡ mọi hình dung quen thuộc về một tiệm sách truyền thống. 

Anh Tuệ Phong (bút danh) - chủ Tiệm sách Tịnh Đàm (Bắc Ninh) cho biết: “Mô hình kinh doanh của Tịnh Đàm là mô hình ba trong một gồm sách, cà phê và các câu lạc bộ học cộng đồng, trong đó chủ yếu là sách với hơn 3.000 đầu sách ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Bản thân tôi và cộng sự khi mở tiệm sách cũng kỳ vọng đây sẽ là nơi để những người trẻ có thể học hỏi, tham khảo kiến thức đa chiều và trao đổi trực tiếp với nhau trong môi trường văn minh”.

Empty

Mô hình của The Bookworm hay Tiệm sách Tịnh Đàm là một trong những đại diện tiêu biểu cho sự đổi mới hình thức đọc sách giấy. Cùng với The Bookshelf, Nest Book, Gác Xép Bookstore, hay Hiệu sách Hộp…, những hiệu sách này có đặc điểm chung là được tạo dựng bởi những người trẻ có hiểu biết chuyên sâu nhất định về sách, có không gian thiết kế ấn tượng, trở thành nơi chốn lý tưởng để kết nối những người cùng gu, cùng phong cách đọc với nhau mà không cần một thiết bị công nghệ nào. 

Thêm nữa, những đầu sách ở đây được chọn lọc rất kỹ, với một lượng lớn sách ngoại, được đảm bảo cả về chất lượng lẫn hình thức, trước khi đến tay độc giả.

Best-seller, sách dạy làm giàu, tiểu thuyết ngôn tình… không còn là những thể loại thống trị thị trường đọc như giai đoạn trước năm 2021. Thay vào đó, ở những tiệm sách “mới” này là sự lên ngôi của những cuốn sách khó đọc hay cần đọc “chậm”, bao gồm sách nghiên cứu, triết học, văn học kinh điển… và art book, với giá trị tri thức cao.

Mặt khác, một số đơn vị xuất bản mới cũng lựa chọn mô hình kinh doanh bằng cách định hướng độc giả tới những xuất bản phẩm văn minh, khác biệt, không lẫn lộn vào số đông thị trường. Điển hình có thể kể tới Riobook với những cuốn sách được đầu tư chỉn chu về nội dung, đề tài lẫn thẩm mỹ, hình thức. Mới đây, Riobook còn ra mắt chương trình “khuyến đọc” đầy tâm lý: tặng kèm cà phê ngon khi mua sách.

Empty

Chỉ khoảng 3, 4 năm trở lại, chúng ta còn bối rối khi nhìn vào mối quan hệ giữa sách giấy và sách điện tử - cứ ngỡ rằng sự phát triển của loại này sẽ kéo theo nguy cơ “chết yểu” của loại kia. Nhưng đến thời điểm hiện tại, có lẽ câu trả lời cho mối quan hệ này đã trở nên rõ ràng. Sự tồn tại của sách giấy và sách điện tử không phụ thuộc vào nhau, mà cả hai cùng phụ thuộc vào chính trình độ dân trí của con người. Chừng nào nhu cầu tri thức của chúng ta còn tăng tiến, xã hội còn văn minh, chừng ấy sách giấy và sách điện tử còn cùng phát triển.

Cũng vì vậy, nhìn vào sự phát triển “lạ kỳ” của sách giấy lẫn sách điện tử trong 2 năm gần đây ở Việt Nam, ta có thể coi đó là một tín hiệu tốt lành.

Empty

Vào những năm 1930, buổi sáng tinh mơ của người Hà Nội thường bắt đầu với tiếng trẻ rao: Đông Pháp; Trung Bắc Tân Văn báo hay Gia Định báo… đây là những món ăn tinh thần chủ yếu của người Hà Nội khi chưa có các phương tiện thông tin điện tử. 

Công chức vừa đọc báo vừa ăn sáng trước khi đi làm, nhà khá giả đặt mua báo hàng tháng, báo năm và được tặng các số đặc biệt, số Tết. Văn hóa đọc sách ngày ấy thành nếp quen của người Hà Nội, người ta chờ đúng ngày xuất bản để mua những số báo, tập sách còn thơm mùi giấy mực. Sách chỉ được xén hai cạnh, còn cạnh trên vẫn giữ nguyên nếp gập phải lấy dao dọc ra mới đọc được, cho nên phân biệt sách mới và sách cũ rất dễ dàng.

Ngày Thủ đô mới giải phóng, vào những năm 1960-1970, có cuốn xuất bản lần đầu tiên đã in hàng vạn bản. Về sau được tái bản nhiều lần, tổng số lên tới ba, bốn chục vạn bản, điển hình nhất là Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh.

Empty
Headline (1) (1)