Nguyễn Quí Đức - một nhà báo, nhà văn, biên tập viên, dịch giả, phát thanh viên, với nhiều thành tựu được liệt kê dài trên trang Wikipedia quốc tế. Từ gốc gác Đà Lạt, cuộc đời ông trải dài ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới - Mỹ, Anh, Morocco, Indonesia, Nhật Bản... Sau cùng, ông trở lại Việt Nam và chọn sự ổn định ở Hà Nội. Giữa những cái cũ - mới đan xen, những làn sóng hội nhập, những bài toán kinh tế thường nhật, người đàn ông thuộc thế hệ 5x này cứ “một mình một kiểu”, góp vào mảnh đất thủ đô chút màu văn hóa, chút niềm vui đơn thuần.

Empty
Empty

“Quán bar vĩ đại nhất vũ trụ” là một quán vỏn vẹn diện tích 8 mét vuông, có một quầy bar và 5 chiếc ghế, chỉ bán whisky và gin không pha chế, những loại “đắt xắt ra miếng”. Chủ quán này yêu whisky và văn hóa Nhật - đó là điều ai cũng dễ dàng nhận thấy khi đến Chú Ba, nhìn vào quầy rượu nhỏ nhắn hay những mảnh rèm họa tiết Nhật Bản treo quanh cửa. Nơi đây hoàn toàn tách biệt khỏi mọi sự bóng bẩy, nhộn nhã thường có trong những quán bar thời bây giờ.

Một người đàn ông lặng lẽ đi ngang qua quầy bar, bạn tôi cúi đầu chào ông rồi huých tay tôi, thì thầm: “Chú Đức đấy”.

Empty
Empty

Lần “gặp” tiếp theo của tôi và ông Đức là tại Tadioto. Hôm đó ông Đức tổ chức một buổi chiếu phim tưởng nhớ đạo diễn người Hàn Kim Ki-duk. Vị đạo diễn ra đi đột ngột, buổi chiếu phim cũng vì thế mà tổ chức đột ngột. Nếu không tính tôi và ông Đức, sự kiện miễn phí này chỉ có hai khán giả tham dự (dù thực ra, cả hai đều là người quen của ông). “Kim Ki-duk là bạn của chú”, ông Đức nói, một câu súc tích giải đáp cho khúc mắc của tôi về chuyện lợi nhuận của sự kiện chiếu phim.

Những “tín đồ” Hà Nội có lẽ đều biết Tadioto, cái tên tồn tại đến nay đã hơn 13 năm. Tadioto từng ở Hàng Khay, Trương Hán Siêu, Triệu Việt Vương…, rồi bây giờ nằm lại trên con phố Tông Đản. Trong quán bar mang phong cách được pha trộn đầy dí dỏm giữa màu sắc văn hóa Việt, Nhật, Mỹ và nhiều vùng đất khác, khó có thể bắt gặp những bộ cánh hàng hiệu lộng lẫy, những tiếng cười đùa huyên náo hay những cánh tay lăm lăm chụp ảnh check-in của khách hàng. “Tadioto không phải là quán để mọi người quần áo là lượt, xúng xính đến khoe mẽ” - ông Đức chia sẻ. “Khách ở đây không nhiều, nhưng họ đều là những người biết chọn lọc, có trải nghiệm ở nước ngoài hoặc trong cuộc đời, họ không chạy theo xu hướng của xã hội. Khách của chú là những người biết mình thích gì”.

Empty
Empty
Empty

Ngoài điểm nhấn hội họa, thơ ca được thể hiện trong cách bài trí, hàng tuần tại Tadioto đều có các chương trình nhạc sống, đa phần là Jazz, biểu diễn bởi các nghệ sĩ trong hoặc ngoài nước. “Đối với chú, Tadioto là một không gian thử nghiệm nghệ thuật. Chú chọn lọc những nghệ sĩ thú vị và không quá phổ biến so với các quán khác. Họ là người nước ngoài, người Việt, những nghệ sĩ già hay cả những người trẻ… Mỗi người đem đến cho buổi biểu diễn một cá tính, một nét văn hóa riêng biệt của quê hương mình. Qua đấy, chú chỉ hy vọng mình đóng góp được thêm chút gì đó cho cộng đồng”. Bản thân vị chủ quán cũng chẳng mượn đến những mỹ từ, những tấm poster lộng lẫy để giới thiệu về các chương trình của mình mà chỉ “quảng cáo” bằng hai từ súc tích: Xin mời. “Chú không cần những khách hàng đến đây để nghe nhạc, uống rượu như một thú tiêu khiển” - ông giải thích.

Empty

Cái tên Nguyễn Quí Đức ở Việt Nam thường đi cùng những từ khóa như “nghệ thuật”, “duy mỹ”, nhưng đối với bạn bè quốc tế, ông Đức từng được biết đến nhiều hơn trong vai trò là một nhà báo. Khi cuộc sống hiện giờ tập trung cho việc kinh doanh hàng quán, những mối bận tâm của một người làm báo đối với xã hội vẫn được thể hiện qua những sự kiện về môi trường, về nhân quyền được tổ chức phi lợi nhuận tại Tadioto. Ông không đứng ra tổ chức một hoạt động xã hội nào, nhưng luôn sẵn sàng hỗ trợ các nhóm bạn trẻ thực hiện những chương trình như vậy. “Chú học được rất nhiều khi làm việc với các bạn trẻ” - ông khoe thêm.

Buổi trò chuyện của tôi và ông Đức tạm dừng lại khi đã “đến giờ” ông phải vào trong Tadioto để chào hỏi khách. Có những người xuất phát là bạn của ông rồi trở thành khách quen của quán, cũng có những người từ khách của quán mà trở thành bạn của ông. “Ở Tadioto chú được làm cái mình thích, được tận hưởng những đêm nhạc hay. Rồi có những người không quen, không biết bước vào; họ uống rượu, nghe nhạc và mang một tinh thần giống như mình, một trải nghiệm giống như mình. Đối với chú đấy là một cách chia sẻ, một niềm vui, một động lực rất lớn”.

Empty
Empty

Buổi “gặp gỡ” thứ ba của chúng tôi diễn ra trong Chú Ba. Tối hôm đó, quán bar 8 mét vuông này không có vị khách nào lai vãng đến ngoài tôi (và vị chủ quán). Giữa không gian nhỏ mộc mạc, ông Đức chia sẻ nhiều hơn, thể hiện niềm vui một cách rõ rệt hơn.

Nhưng niềm vui của ông Đức đến từ đâu - khi quán thì vắng khách, quán thì đông nhưng thiếu nhân viên, và thậm chí quán thì phải đóng cửa (cửa hàng quần áo ở Hội An của ông đã đóng cửa vì ảnh hưởng của dịch bệnh)? Đứng trên góc độ một nhà kinh doanh, một người kiếm tìm giàu sang và tiền bạc, khó ai có thể vui vẻ nổi. Nhưng ông Đức lại mang một tinh thần ngược lại, thậm chí, ông còn hào hứng nói cho tôi về dự định mở những quán… tiếp theo - mang phong cách vừa Hong Kong, vừa Thăng Long, vừa Nhật Bản, và nhiều màu sắc khác nữa. Đó là lúc tôi nhận ra vị chủ quán này hoàn toàn không đặt mình trong vị trí một người làm kinh doanh, mà đơn thuần chỉ là kẻ “tôn thờ” văn hóa - văn hóa xứ mình, văn hóa xứ người. Ông “hấp thụ” văn hóa của những vùng đất mình đã từng đi qua, rồi tự trở thành một “trạm trung chuyển”, lan tỏa những tinh thần văn hóa đó đến với khách hàng của mình. Một chút đương đại ở Tadioto, một chút Nhật Bản ở Chú Ba, một chút Trung Đông ở (cửa hàng quần áo) ÔZÙ..., cứ thế, ông lẳng lặng góp vào Hà Nội mỗi góc một chút niềm vui.

Empty

“Vậy công việc chú thích nhất là gì?”

“Chú có một căn nhà ở Tam Đảo, chú thường ở đó một mình để suy nghĩ, đọc sách, viết lách, vẽ, vân vân.”

“Ý cháu là công việc?”

“Thì đấy, chú coi những cái đấy mới là công việc. Những công việc mình thích nhất.”

Empty
Empty

Tôi ghé qua Moto-san Uber Noodle khi ông Đức không có ở đây. Moto-san là một quán mì ramen đặc sệt phong cách Nhật Bản, nhấn nhá cùng với vài nét đương đại Việt Nam (và luôn đứng thứ hạng cao trong những cuộc bình chọn Quán mì Ramen ngon nhất ở Hà Nội). Giữa lúc quán đông khách thì một ban nhạc ngoại quốc bước vào, gọi năm suất mì kèm lời giục giã rằng họ chỉ có 10 phút để ăn trước khi phải đi biểu diễn. Nhân viên làm hết tốc lực, các bát mì nóng hổi mang từ bếp ra lần lượt được đặt lên từng chiếc đĩa riêng - sự trình bày này khiến cho mỗi nhân viên chỉ có thể mang một suất trên tay, thay vì mang ra một lúc cả năm suất. “Họ đang cần gấp, hay mình không dùng đĩa nữa?” - tôi đứng sau quan sát và đưa ý kiến. “Không làm như vậy được đâu ạ” - cậu nhân viên đáp chắc nịch, rồi tiếp tục công việc. Một tinh thần “kiểu” Nhật Bản trong quán ăn nhỏ giữa lòng thủ đô.

Người ta vẫn nói, nếu muốn biết chân dung một vị chủ quán, hãy nhìn vào nhân viên của họ.

Empty
Empty
Empty