Âm thanh, giai điệu có kết nối đặc biệt với não bộ thông qua tần số dao động và có thể trở thành một công cụ giải tỏa áp lực hiệu quả. Nhiều thể loại nhạc mang đến lợi ích cho các chức năng sinh lý, làm giảm huyết áp, khiến nhịp tim trở nên từ tốn hơn và hạn chế hoạt động của hormone stress (cortisol). Thế nhưng, chọn loại nhạc nào để giúp tinh thần nhẹ nhõm và tích cực thì không phải ai cũng để ý đến. Dựa trên gợi ý của một số influencers - những người có tầm ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực, dưới đây là một số loại nhạc có khả năng “chữa lành”, giúp bạn giữ được tâm trí tích cực trong thời gian này.
Bạn có từng cảm thấy khoan khoái, tâm hồn nhẹ nhàng, thanh thản, mọi âu lo như tan biến khi nghe tiếng sóng vỗ rì rào bên bờ biển, tiếng nước chảy róc rách dưới khe suối hay tiếng lá cây xào xạc trong gió?
Nhiếp ảnh gia Thiên Minh gợi ý những bản nhạc gắn với âm thanh thiên nhiên như: tiếng suối, tiếng đốt lửa, tiếng mưa... Đây là những âm thanh mang đến cảm giác bình yên, giúp thư giãn và tập trung làm việc tốt hơn. Theo các nhà nghiên cứu, thanh âm từ tự nhiên có khả năng phục hồi tâm lý, chúng làm thay đổi cơ chế nhận thức của não và giảm bản năng “chiến đấu” tự nhiên của con người.
Trong thời gian gần đây, âm thanh thiên nhiên kết hợp với thiền định là một phương pháp chữa lành tâm hồn được nhiều người áp dụng. Nếu tìm kiếm các từ khóa: healing music, relaxing music, soothing music, stress relief music… trên YouTube, sẽ có hàng loạt video dài từ 1-6 giờ, gồm các đoạn nhạc không lời êm dịu kết hợp với âm thanh tự nhiên của tiếng chim, tiếng nước chảy, tiếng gió thổi, tiếng chuông chùa… Bạn có thể nghe để tạo cảm giác thoải mái khi làm việc tại nhà, khi tập yoga hay đơn giản nghe chỉ để dễ chìm vào giấc ngủ.
Thuộc thế hệ 9x, nhiếp ảnh gia Thiên Minh không chỉ nổi tiếng bởi những bộ ảnh mang tinh thần đương đại, rất "Á", rất Việt Nam, anh còn được yêu thích bởi có một phong cách sống duy mỹ và nhiều năng lượng. Trên các trang mạng xã hội cá nhân, Thiên Minh thường xuyên chia sẻ tới người theo dõi về lối sống "xanh" yên bình của mình.
Trong thời gian giãn cách xã hội, những mối lo về sức khỏe cũng như vật chất ảnh hưởng rất nhiều đến tâm trạng, khiến con người dễ bực dọc, bức bối. Nghe nhạc thiền sẽ phần nào giúp bạn tìm được sự bình yên giữa những rối ren.
Mặc dù ngày nay, nhạc thiền vẫn chưa thực sự phổ biến trên toàn thế giới nhưng với những người theo đạo Phật, người thực hành sống Zen hay người tập yoga thường rất quen thuộc với thể loại này và coi nó như một “liều thuốc an thần” hiệu quả mà không có tác dụng phụ.
Travel blogger Nhị Đặng là một trong những người trẻ yêu thích thể loại này. Cô giới thiệu một vài bản nhạc thiền mang đến những hiệu ứng tích cực cho tâm trạng như: Thiền ca Làng Mai, nhạc yoga thiền, nhạc của Joe Hisaishi...
Không còn quá xa lạ trong cộng đồng người trẻ yêu du lịch, Nhị Đặng là một trong những travel blogger nữ đời đầu sẵn sàng từ bỏ công việc ổn định để chọn lấy những cuộc hành trình tới khắp nơi mà mình muốn. Bên cạnh đó, gần đây, Nhị Đặng còn là một người truyền cảm hứng sống tích cực, ăn chay và thiền định. Trên trang cá nhân của mình, cô thường chia sẻ những bài tập thiền, âm nhạc thiền cũng như các món ăn chay cho thực đơn hàng ngày.
Nam Thi, một người thực-hành-thơ chia sẻ: “Nói về nhạc để tịnh tâm, tôi thường nghe nhạc thiếu nhi, vì với tôi nghệ thuật thiếu nhi đỉnh cao là làm trong sáng trẻ thơ và làm người lớn xúc động”.
Thoạt nghe có thể thấy hơi... ngộ khi cho rằng nhạc thiếu nhi có tác dụng chữa lành cho cảm xúc của con người, nhưng chính sự giản dị, mộc mạc của giai điệu lẫn ca từ sẽ khiến tâm trạng chúng ta được thoải mái, thả lỏng. Đặc biệt, những bài hát thiếu nhi được thu thanh trước năm 1975 còn là những sáng tác “bất hủ” với giá trị nghệ thuật cũng như giá trị tinh thần sâu sắc. Trong ký ức của nhiều thế hệ, mỗi khi nghe lại những ca khúc này là một lần hoài niệm về tuổi thơ, gợi nhớ sự hồn nhiên, vô tư của chính mình nhiều năm về trước.
Là một người đam mê thơ và nghệ thuật, Nam Thi chia sẻ anh bị thu hút bởi những ca khúc thiếu nhi của thế kỷ trước, một phần do lời hát thường là các bài thơ được phổ nhạc. Anh cho rằng thơ có tác dụng “cứu cánh” cho những nỗi tâm tư và chạm đến cảm xúc của con người. Trong điểm này, Nam Thi gợi ý một số ca khúc giúp tâm trạng trong trẻo, vui tươi hơn như: Đưa Cơm Cho Mẹ Đi Cày, Em Là Hoa Hồng Nhỏ, Em Đi Giữa Biển Vàng, Đi Học, Cho Con…
Nhà văn Nguyễn Quí Đức gợi ý dòng nhạc Blues của các nghệ sĩ châu Phi. Nếu chúng ta thường quen tai với giai điệu Blues, Folk hay Jazz của Mỹ, Blues châu Phi sẽ là một trải nghiệm độc đáo và "hữu ích" không ngờ.
Thể loại nhạc này là tổng hợp của những bài hát lao động và nhạc dân gian của người châu Phi có nguồn gốc từ cuối thế kỷ 19. Mặc dù thuật ngữ "Blues" là viết tắt của cụm "Blue Devils" (những tên quỷ buồn bã) mang ý nghĩa u sầu, buồn thảm, nhưng những bản nhạc Blues lại là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống, lúc lao động hay vui chơi của người châu Phi. Họ dùng tiếng hò để liên lạc trên đồng ruộng và những bài ca lao động để giữ nhịp điệu làm việc. Bởi vậy, giai điệu của những ca khúc này mang đến cảm giác hứng khởi, thúc đẩy tinh thần tích cực và hy vọng vào những điều tốt đẹp.
Nhạc Blues châu Phi còn gắn liền với sự tự do của những người nô lệ nên giai điệu của thể loại này cũng thể hiện tính chu du, phóng khoáng. Các bài nhạc thường được chèn thêm âm thanh của tự nhiên như tiếng gió, tiếng chim, và thường được chọn để thể hiện tại các không gian bao la như sa mạc, đồng ruộng… Tất cả những yếu tố đó sẽ giúp tâm trí bạn được "chu du" bất chấp ngày giãn cách.
Nguyễn Quí Đức là một nhà văn, nhà báo quốc tế; đồng thời là chủ của Tadioto: art, bar & events - điểm dừng chân quen thuộc của những người yêu nghệ thuật khi đến với Hà Nội. Tại Tadioto, ông Đức cùng chia sẻ, giới thiệu và kết nối văn hóa-âm nhạc từ nghệ sĩ (khách mời) tới khán giả. Cũng từng dành nhiều thời gian sống ở Morocco, ông Đức đặc biệt yêu thích và am hiểu về văn hóa cũng như âm nhạc của vùng Bắc Phi này.
Thực tế, không phải tất cả mọi người đều tiếp nhận được cùng một thể loại nhạc. Sở thích âm nhạc giữa các cá nhân vốn đa dạng, vì vậy, chỉ bạn mới có thể quyết định mình muốn nghe loại nhạc gì. Hãy ưu tiên những loại nhạc mang đến cho bạn sự gần gũi, dễ chịu, khiến bạn cảm thấy được an ủi, thấu hiểu và bình tĩnh hơn.
Và hãy nhớ rằng, mọi phương pháp đều sẽ trở nên vô nghĩa nếu bản thân bạn cứ mãi chấp niệm, không chủ động thả lỏng tâm trí. Khi đầu óc không để ý đến giai điệu, khăng khăng bám lấy những suy nghĩ tiêu cực, những mối lo âu thì dù nghe nhạc gì cũng chỉ là nước chảy mây trôi, tâm bệnh không thể chữa lành.