ZEN LÀ GÌ?
Khái niệm Zen xuất phát từ Nhật Bản, là phiên âm tiếng Nhật của 禪 (thiền). Zen nhấn mạnh vào khả năng điều tiết bản thân, hành thiền, thấu hiểu chính mình và vạn vật xung quanh trong trạng thái tự nhiên và cân bằng. Tinh thần Zen hướng tới một lối sống chậm rãi, ung dung, hòa hợp với vũ trụ và thiên nhiên. Trái với một vài quan điểm cho rằng Zen là tự tách mình khỏi cuộc sống, phong cách sống Zen cho người ta lắng mình để tận hưởng và cảm nhận cuộc sống ngay trong thời khắc hiện tại như nó vốn dĩ.
Là một quốc gia tôn sùng Phật giáo, phong cách Zen của người Nhật chịu nhiều ảnh hưởng từ Thiền Tông, với tinh thần “bất lập văn tự”, hướng tới sự tối giản trong mọi khía cạnh của đời sống. Thiền Tông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thanh lọc thân tâm và sống hòa hợp với môi trường xung quanh. Người Nhật phản ánh tinh thần Zen rõ nét trong văn hóa Trà đạo, nghệ thuật bonsai, kiến trúc, ẩm thực và hầu hết các lĩnh vực của đời sống.
Zen bước vào đời sống hiện đại của toàn thế giới, gột bớt những nghi thức, lề lối, chỉ giữ lại tinh thần tối giản (Minimalism) và chánh niệm (Mindfulness). Vì thế, việc tập Yoga, Eat Clean, phong cách thời trang & trường phái kiến trúc Minimalism, tuy không phải đều bắt nguồn từ Nhật Bản, nhưng tựu trung đều là những bản dạng của tinh thần Zen.
VÌ SAO ZEN TRỞ THÀNH MỘT TRÀO LƯU?
Năm 2020 và nửa đầu 2021 chứng kiến một làn sóng, không quá rầm rộ nhưng đáng kể, của lối sống Zen. Tại Mỹ, số người tập yoga đã tăng lên từ tháng 03/2020 sau 5 năm giảm sút. Chế độ ăn eat clean và plant-based với các lựa chọn thức ăn hữu cơ, thuận tự nhiên, “thức ăn chậm” (slow food) cũng đang trên đà tăng trưởng. Ngoài ra, các từ khóa tìm kiếm về “phong cách Minimalism” cũng tăng vọt 140% tại Việt Nam trong hai năm trở lại đây. Câu hỏi đặt ra là, vì sao Zen trở thành một trào lưu mới, vào lúc này?
Gần 02 năm vừa qua, nhân loại được dịp chứng kiến một “VUCA world” – một thế giới đầy biến động (Volatile) – không chắc chắn (Uncertain) – phức tạp (Complex) – mơ hồ (Ambiguous) gây nên bởi đại dịch, các thảm họa thiên nhiên, bất ổn chính trị,… Sự xáo trộn này đặt người ta vào tâm thế nhiều bất an và lo sợ. Thêm vào đó, các đợt giãn cách, hạn chế tụ tập dài ngày cũng ngắt kết nối mọi người với những yếu tố bên ngoài, buộc họ dành nhiều thời gian ngồi lại và quán chiếu bản thân hơn.
Trải qua nhiều năm với vô số nỗ lực của các tập đoàn, các công ty quảng cáo, nhân loại đã được “huấn luyện” về chủ nghĩa tích trữ và tiêu dùng (consumerism), dần hình thành thói quen sở hữu nhiều hơn mọi thứ và đồng hóa nó với hạnh phúc (happiness). Tuy nhiên, một nghiên cứu từ Hiệp hội Tâm lý học Mỹ vào năm 2004 đã chỉ ra rằng, việc sở hữu nhiều đồ đạc có khiến con người trở nên quá tải, stress và dễ dàng xao nhãng. Trong bối cảnh giãn cách tại nhà, đối mặt với hàng đống đồ đạc, sự bức bối đó càng được thể hiện rõ nét.
Hơn thế nữa, đại dịch khiến nhiều người nhận ra sự đúng đắn của khái niệm Vô thường trong Phật giáo. Việc hàng loạt nền kinh tế đi vào khủng hoảng, vô số doanh nghiệp lâu năm phá sản thể hiện một chân lý rõ nét về việc vạn vật đều không thường tại. Theo một cách nào đó, dịch bệnh giúp người ta nhận ra sự bất cần thiết trong việc gắn mình thái quá với vật chất, thay vào đó, hướng về phía bên trong, phát triển thân tâm và sống hòa hợp với thiên nhiên, vũ trụ trở thành một phương chân quan trọng để tìm thấy hạnh phúc. Nói cách khác, đời càng biến động, ta phải càng bất động.
THỰC HÀNH ZEN, BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?
Dù bạn là người thông đạt về cội nguồn và tinh hoa của Zen hay tìm đến nó như một trào lưu, việc thực hành Zen cũng sẽ mang đến bạn những lợi ích lớn. Dưới đây là cách tìm Zen trong một vài lĩnh vực của đời sống
1. Ăn uống Zen
“Mùa nào thức nấy” là cốt lõi trong phong cách ăn uống Zen. Các loại thực phẩm thu hoạch đúng vụ thường chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn (do đi theo đúng chu trình sinh trưởng đủ đầy và trọn vẹn được “thiết kế” bởi tự nhiên) cũng như ít dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích sinh trưởng hơn. Bạn có thể tìm đọc cuốn Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm của Masanobu Fukuoka để hiểu thêm.
2. Mặc Zen
Ăn mặc Zen giờ đây không chỉ xoay quanh các thiết kế tối giản về chi tiết, đề cao sự thoải mái trong chất liệu, đường may mà còn gắn với khái niệm Thời trang Bền vững (Sustainable Fashion), chú trọng việc cắt giảm nước, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường, trả lương công bằng cho nhân công… Đây là câu trả lời dành cho hướng đi lâu dài của ngành thời trang, khi ngành công nghiệp này dần hướng đến sự hòa hợp và tử tế với môi trường hơn.
3. Ở Zen
“Bớt đồ đạc & thêm cây xanh”. Bắt đầu với việc đặt câu hỏi cho các món đồ trong nhà bạn “Does this spark joy?” (Món đồ này có làm mình thấy vui khi cầm lên không?), thanh lọc bớt các đồ đạc không thực sự cần thiết và tối ưu hóa công năng các món còn lại. Đồng thời, đừng quên thêm thắt mảng xanh trong nhà bạn.
4. Du lịch Zen
Với tình hình hiện tại, còn hơi sớm để nói về du lịch. Tuy nhiên, khi dịch bệnh được kiểm soát, một chuyến Wellness Retreat hoặc Yoga Retreat cũng là một ý hay. Wellness Retreat mang đến cho người tham dự những chuyến đi kết hợp nghỉ dưỡng với các hoạt động thể chất, trị liệu hoặc tâm linh. Ngoài ra, một số chuyến đi còn giúp cho du khách trải nghiệm một chế độ ăn uống thanh lọc giúp trẻ hóa cơ thể. Đến với hình thức du lịch mới mẻ này, ngoài thư giãn, bạn sẽ có thêm thời gian dành cho bản thân, hòa mình vào thiên nhiên và sạc đầy năng lượng thể chất lẫn tinh thần.
Hi vọng rằng, thông qua bài viết này, bạn sẽ có cho mình một chút cảm hứng để tìm hiểu về Zen và áp dụng Zen trong cuộc sống thường nhật. Chúc bạn một cuộc sống ung dung và nhiều niềm vui, “bất động” dù thế giới xung quanh có đầy biến động tiềm tàng.