Bản đồ tâm trí thời đại số của Gen Z: Khi “brain rot” trở thành tiếng chuông cảnh báo
“Brain rot”, hội chứng suy giảm nhận thức do tiếp xúc quá mức với nội dung số độc hại đang ngày càng hiện diện rõ nét trong đời sống giới trẻ. Trước thực trạng này, một nhóm sinh viên Đại học FPT Hà Nội đã lựa chọn cách tiếp cận khác biệt: đưa vấn đề này vào không gian nghệ thuật sáng tạo. Triển lãm sắp đặt “Cuộn hay Cuốn” thuộc khuôn khổ dự án truyền thông MIND BACK, kết hợp giữa nghệ thuật thị giác và công nghệ tương tác nhằm khơi dậy nhận thức về “brain rot” - không chỉ như một hiện tượng cá nhân, mà còn là dấu hiệu của lối sống thế hệ. Đồng thời, triển lãm đặt ra vấn đề về thói quen tiêu thụ thông tin trong thời đại số, mở ra không gian đối thoại và phản tư.

Triển lãm sắp đặt “Cuộn hay Cuốn” thuộc khuôn khổ dự án truyền thông MIND BACK, kết hợp giữa nghệ thuật thị giác và công nghệ tương tác nhằm khơi dậy nhận thức về “brain rot”


Chia sẻ với Travellive, Vương Huyền Nhi - đại diện dự án MIND BACK cho biết: "Chúng tôi muốn đưa thông điệp tiếp cận giới trẻ một cách sáng tạo, gần gũi và đúng với ngôn ngữ của Gen Z. MIND BACK ra đời từ chính những trải nghiệm quen thuộc: mất kiên nhẫn, xao nhãng, trống rỗng sau hàng giờ lướt mạng xã hội. Dự án là lời kêu gọi người trẻ chọn tỉnh thức thay vì mặc nhiên bị cuốn đi, thay đổi thói quen tiêu thụ nội dung số và giúp bộ não tìm lại vị trí xứng đáng trong một hiện tại sáng suốt hơn".

“Não Rác” – bộ não bị quấn chặt bởi các sợi dây thông tin nhiễu loạn, ẩn dụ cho sự bão hòa nhận thức
“Brain rot” (tạm dịch “thối não”) là từ khóa toàn cầu, chỉ sự sa sút tinh thần và trí tuệ do tiếp xúc quá nhiều với nội dung số kém chất lượng. Theo báo cáo nghiên cứu, hiện tượng này đã tăng tới 230% trong vòng 1 năm (2023 - 2024) và được Oxford lựa chọn làm “Từ của năm 2024”, cho thấy mức độ cấp bách của khủng hoảng tinh thần đang diễn ra âm thầm nhưng nghiêm trọng. Tại Việt Nam, mặc dù “brain rot” đã được đề cập trên truyền thông, nhưng nhận thức cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, dự án MIND BACK ra đời với mong muốn nâng cao hiểu biết và thay đổi thói quen tiêu thụ nội dung số của người trẻ. Đây là một sáng kiến sáng tạo, giao thoa giữa nghệ thuật – truyền thông – tâm lý học hiện đại.



Dự án là lời kêu gọi người trẻ chọn tỉnh thức thay vì mặc nhiên bị cuốn đi, thay đổi thói quen tiêu thụ nội dung số
"Cuộn hay Cuốn": Tác động của nội dung số qua nghệ thuật tương tác
"Cuộn hay Cuốn" được thiết kế như một hành trình khám phá nội tâm, mỗi bước đi trong triển lãm là một lần va chạm với những lát cắt quen thuộc của hiện tượng “brain rot” - từ vô thức doomscrolling (lướt mạng vô thức) đến cảm giác trống rỗng sau hàng giờ tiêu thụ nội dung vô nghĩa. Với không gian nghệ thuật độc đáo, triển lãm kết hợp giữa nghệ thuật sắp đặt và yếu tố tương tác công nghệ, giúp người tham dự có những trải nghiệm trực diện, sáng tạo và gợi mở.

"Cuộn hay Cuốn" được thiết kế như một hành trình khám phá nội tâm
12 tác phẩm sắp đặt mang tính ẩn dụ thị giác mạnh mẽ dẫn dắt người xem không chỉ nhìn mà còn chạm và cảm nhận về cách “brain rot” vận hành trong tâm trí mình. Các tác phẩm tiêu biểu như:
- “Cuồn Cuộn” – mô tả dòng newsfeed bất tận kéo ta vào vòng xoáy doomscrolling (lướt mạng vô thức);
- “Não Rác” – bộ não bị quấn chặt bởi các sợi dây thông tin nhiễu loạn, ẩn dụ cho sự bão hòa nhận thức;
- “Cơn Mưa Dữ Liệu” – tái hiện sự mỏi mệt trước cơn mưa thông tin nhiễu loạn;
- “Tâm Số” – đặt câu hỏi liệu mạng xã hội đang giải phóng hay giam cầm tư duy của chúng ta.
Cùng với các tác phẩm như “Núi thông tin rác”, “Bỏ Ngỏ”, “Tồn Đọng”, “Vô Giá”, mỗi bước chân trong triển lãm như một lời thì thầm soi chiếu: liệu bạn đang bị nội dung số cuốn đi, hay thực sự cuốn hút theo sự bùng nổ thông tin của thời đại số?

Cơn mưa dữ liệu
Triển lãm không chỉ là không gian trưng bày mà còn là hành trình trải nghiệm cảm xúc. Màu sắc, âm thanh, lối đi được tính toán kỹ lưỡng theo góc nhìn tâm lý học hiện đại, nhằm tạo ra sự chạm nhẹ nhưng sâu, khiến người xem không chỉ nhìn mà còn suy ngẫm về cách mình đang sống giữa cơn lốc số hóa ngày nay.
Gen Z sống trong thế giới hình ảnh, cảm xúc và phản ứng nhanh, nên lời kêu gọi “bớt dùng mạng xã hội” sẽ không đủ nếu không có trải nghiệm tác động thật sự. Theo đại diện dự án, thách thức lớn nhất là làm sao để người ta nhận ra “brain rot”, một hiện tượng suy giảm sự chú ý, sáng tạo và khả năng kết nối do tiêu thụ quá nhiều nội dung số độc hại bởi nó diễn ra âm thầm. Chỉ đến khi mất kiên nhẫn với một đoạn văn dài hay không thể tập trung quá vài phút, ta mới cảm nhận rõ hậu quả. Triển lãm không kêu gọi thay đổi ngay lập tức, mà mong mỗi người có một khoảnh khắc tự vấn khi mỏi mệt giữa vô vàn thông tin, nhớ lại cảm giác ngột ngạt từ “Cơn Mưa Dữ Liệu” hay sự trống rỗng trong “Tồn Đọng”.


Thông điệp của MIND BACK là lựa chọn tỉnh thức, không quay lưng với công nghệ mà học cách sống chủ động, có chọn lọc hơn trong thế giới số. Dự án đang mở rộng tới trường học, trung tâm thanh thiếu niên và nhiều không gian cộng đồng khác, với mục tiêu không phải thay đổi cả thế hệ mà giúp từng người trẻ hiểu rõ bản thân, từ đó xây dựng môi trường số lành mạnh hơn, không phải vì ít công nghệ hơn mà vì có nhiều nhận thức hơn.
Chuyên gia tâm lý học lâm sàng Thạc sĩ Vũ Văn Thuấn (Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 & Bệnh viện Nhi Trung Ương) cho biết: “Tôi từng tiếp nhận nhiều ca trẻ bị giảm tập trung, mất kết nối xã hội sau giai đoạn học online từ Covid-19. Tưởng như khủng hoảng tuổi mới lớn nhưng thực chất là hậu quả của việc tiêu thụ nội dung số vô tội vạ. Đây chính là ‘brain rot’ – vấn đề thật sự, nhức nhối và cần được nhìn nhận nghiêm túc”.



Triển lãm không chỉ là không gian trưng bày mà còn là hành trình trải nghiệm cảm xúc
Không né tránh sự thật, anh Huy Phạm – Head of Content tại METUB Network – cảnh báo: “Nếu không muốn bị ‘thối não’, đừng để trí tuệ nhân tạo hiểu nhầm hành vi của bạn. Hãy lướt qua nhanh, report nếu cần và đừng tương tác với nội dung vô bổ. Vì mỗi lượt xem, mỗi cú like đều góp phần tiếp tay cho chính những gì bạn muốn tránh”.
Triển lãm nghệ thuật sắp đặt “Cuộn hay Cuốn” diễn ra từ ngày 26 - 30/7 tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam (16 Ngô Quyền, Hà Nội). Đây là sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức về “brain rot” và kêu gọi người trẻ, đặc biệt là Gen Z, nhìn lại thói quen tiêu thụ nội dung số thiếu chọn lọc. Đồng thời, đó cũng là lời mời gọi tỉnh thức: dám chất vấn bản thân, “detox” khỏi nội dung độc hại và chung tay xây dựng môi trường số lành mạnh hơn cho cá nhân và cộng đồng.
