Vẽ tranh trên kiếng - Trải nghiệm “ngược” qua mặt kính

07/07/2025

Từng là hình thức nghệ thuật phục vụ hoàng gia, tranh kiếng dường như đã lùi vào quá khứ cho đến khi xuất hiện tại workshop "Sắc Nam" - nơi người trẻ lần đầu được trải nghiệm vẽ ngược trên kính và khám phá tầng tầng lớp lớp ký ức văn hóa ẩn sau từng nét cọ.

Trong hai ngày 5 và 6/7/2025, Workshop "Sắc Nam" đã được tổ chức tại 152 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Sài Gòn, TP HCM. Bước vào không gian của workshop, khách tham quan được chiêm ngưỡng những bức tranh kiếng lâu đời hàng chục năm, từng trở thành một phần trong đời sống của người dân Nam Bộ. Những bức tranh ghi lại đủ những khoảnh khắc từ phong cảnh, sắc hoa đến cảnh sinh hoạt đời thường, lớp học, tình cảm đôi lứa và cả những bức tranh kiếng khảm xà cừ lấp lánh dưới nắng.

Empty
Empty
Những tác phẩm tranh kiếng lâu đời được trưng bày trong không gian workshop

Những tác phẩm tranh kiếng lâu đời được trưng bày trong không gian workshop

Từ ánh sáng cung đình đến đời sống dân gian

Tranh kiếng xuất hiện dưới thời nhà Nguyễn, đặc biệt là thời vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị. Ban đầu, tất cả sản phẩm tranh kiếng đều được đặt từ Quảng Đông, Trung Quốc để trang trí cho cung điện. Kiến trúc của cung đình triều Nguyễn thường tương đối thấp và tối, nhờ vào khả năng khúc xạ ánh sáng của tranh kiếng mà không gian trở nên sáng sủa và rực rỡ hơn, theo chia sẻ của nghệ nhân tranh kiếng Nguyễn Đức Huy - người dành hơn 6 năm nghiên cứu, sưu tầm và lan tỏa giá trị nét đẹp dân gian Nam Bộ này.

Bài liên quan

Hơn 150 năm trước, kính bắt đầu được nhập cảng vào Sài Gòn với chi phí rẻ, và người Hoa là những người đầu tiên cung ứng tranh kiếng ra thị trường. Ban đầu, tranh kiếng được dùng trang trí đồ nội thất, sau đó lan rộng ra các tiệm trà, quán ăn hoặc trở thành quà tặng trong những dịp khánh chúc. Dần dần, tranh kiếng cũng thay thế cho giấy thờ trên bàn thờ tổ tiên, đặc biệt trong điều kiện khí hậu miền Nam có hai mùa rõ rệt khiến giấy dễ ố màu, bạc màu theo thời gian. Đó chính là sự thích ứng tự nhiên của tranh kiếng, từ đời sống cung đình lan tỏa ra đời sống dân gian.

Empty
Empty
Nghệ nhân Nguyễn Đức Huy trong taklshow tại workshop

Nghệ nhân Nguyễn Đức Huy trong taklshow tại workshop "Sắc Nam"

Theo nghệ nhân Nguyễn Đức Huy, tranh kiếng có ba lớp: lớp hình, lớp ý và lớp niềm tin. Lớp hình là phần bề mặt, nơi người xem có thể dễ dàng nhận thấy những hình ảnh quen thuộc như phong cảnh, sắc hoa, cảnh sinh hoạt đời thường, lớp học hay tình cảm đôi lứa. Lớp ý là ý nghĩa ẩn sau những hình ảnh đó, như cách người xưa chúc nhau thành công qua hình tượng “mã đáo thành công”. Tranh kiếng tồn tại lâu dài qua nhiều thế hệ, được truyền lại như một phần gắn kết tinh thần, tín ngưỡng trong gia đình, đó chính là lớp niềm tin, nghệ nhân Huy lý giải.

Ngoài tác dụng trang trí, tranh kiếng còn chứa đựng lớp ý nghĩa ẩn sau những hình ảnh và niềm tin được truyền lại qua nhiều thế hệ

Ngoài tác dụng trang trí, tranh kiếng còn chứa đựng lớp ý nghĩa ẩn sau những hình ảnh và niềm tin được truyền lại qua nhiều thế hệ

Một buổi chiều thủ công đầy màu sắc

Sau phần chia sẻ mở đầu, toàn bộ khách tham dự bước vào trải nghiệm chính: vẽ tranh kiếng trên khung kính vuông 15x15 cm. Trên mặt kính đã được vẽ sẵn nét đen, người tham gia nhận một hộp màu cơ bản, cọ, giấy và nước rửa rồi đeo găng tay và tự vẽ nên những bức tranh kiếng theo khả năng và sở thích của mình.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Điểm đặc biệt của tranh kiếng là kỹ thuật vẽ ngược: người vẽ phải hoàn thành lớp nét viền trước, sau đó mới đến từng mảng màu. Khi tranh hoàn thiện, mặt được trưng bày lại là mặt kính ngược với mặt vừa tô. Vì vậy, chỉ cần tô lem hoặc lệch khỏi nét đen là màu bị lộ, không thể giấu và khó có thể sửa nên người tham gia cần tập trung và có sự hình dung rõ ràng trước từng bước tô màu.

Empty
Empty
Nghệ nhân Nguyễn Đức Huy hướng dẫn kỹ thuật vẽ ngược và loang màu

Nghệ nhân Nguyễn Đức Huy hướng dẫn kỹ thuật vẽ ngược và loang màu

Nghệ nhân Nguyễn Đức Huy đi đến từng bàn, tận tay hướng dẫn cách tạo màu loang, cách thêm hiệu ứng màu xà cừ - những chi tiết giúp tranh có chiều sâu và ánh sáng đặc trưng, đồng thời nhắc nhở những lưu ý nhỏ mà tinh để tác phẩm hoàn thiện hơn. Từ đó, người tham gia không chỉ đơn thuần "vẽ tranh" mà thực sự được chạm vào một nét đẹp văn hoá lâu đời bằng trải nghiệm chân thật nhất.

Không khí workshop trở nên rộn ràng với đủ sắc thái: có người chăm chú lặng lẽ tô từng góc nhỏ, có người tươi cười khoe thành quả với bạn bè, trẻ nhỏ cũng hào hứng thử sức bằng những gam màu rực rỡ. Mỗi người một ý tưởng, một bảng màu riêng tạo nên những bức tranh kiếng đa dạng và đầy tính cá nhân.

Empty
Empty
Mỗi bức tranh kiếng mang phong cách cá nhân của khách tham gia

Mỗi bức tranh kiếng mang phong cách cá nhân của khách tham gia

Kết thúc workshop, mỗi người tham gia ra về với một bức tranh kiếng đã được Ban tổ chức lồng khung chỉn chu như một món quà kỷ niệm cho buổi chiều nghệ thuật đặc biệt.

Lan tỏa tinh thần dân gian qua những nét cọ trẻ

Workshop “Sắc Nam” là một phần của dự án “Sắc Nam Thấu Kiếng” - dự án truyền thông mỹ thuật số do nhóm sinh viên liên ngành 7Night (thuộc Đại học FPT TP HCM) thực hiện. Dự án hướng đến việc khai thác tranh kiếng Nam Bộ theo hướng sáng tạo, giúp loại hình nghệ thuật này đến gần hơn với người trẻ bằng trải nghiệm trực tiếp.

Sau sự kiện này, dự án sẽ tiếp tục tổ chức workshop “Thấu Kiếng” diễn ra vào 12-13/7/2025 tại Bay Artspace 600, 262/3 Trần Não, phường An Khánh và Triển lãm nghệ thuật tương tác đa giác quan “Sắc Nam Thấu Kiếng” diễn ra vào 8-10/8/2025 tại Parc Mall, 547–549 Tạ Quang Bửu, Phường Chánh Hưng, TP HCM.

Empty
Empty
Kết thúc workshop, khách tham gia mang những bức tranh kiếng do chính mình vẽ về lầm kỷ niệm

Kết thúc workshop, khách tham gia mang những bức tranh kiếng do chính mình vẽ về lầm kỷ niệm

Một khung tranh nhỏ, một buổi chiều tô màu, một trải nghiệm thủ công không cần phô trương là những gì người tham dự mang về từ workshop vẽ tranh kiếng. Buổi workshop đã mang đến kiến thức, cái nhìn tổng quát và sâu sắc từ góc nhìn của nghệ nhân về tranh kiếng, đồng thời có những cách làm mới mẻ để đánh thức một nét văn hoá lâu đời của Nam Bộ đã ngủ quên để thế hệ trẻ nhìn thấy, sờ vào và cảm nhận.

Bài và ảnh: Quỳnh Mai
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES