Foley - Căn tính của kịch truyền thanh
Kịch truyền thanh là một hình thức kịch độc đáo với phần hồn cốt là kỹ thuật foley. Có nghĩa rằng câu chuyện được kể trong vở kịch không cần có bất cứ diễn xuất hay ứng tác nào giữa các diễn viên, họ hoàn toàn không cần phải hoá trang hay học thuộc làu kịch bản như ta vẫn thường thấy trên các sân khấu kịch truyền thống.

Kịch truyền thanh là một hình thức kịch độc đáo với phần hồn cốt là kỹ thuật foley
Thậm chí, đối với lối diễn của kịch truyền thanh, người diễn viên hoàn toàn có thể cầm cả kịch bản lên để đọc thoại, giống hệt như ta xem cảnh cuối trong phim Killers Of The Flower Moon. Điểm độc đáo và sáng chói nơi bộ môn nghệ thuật này chính là những âm thanh được tái hiện trực tiếp ngay trên sân khấu bởi các nghệ sĩ foley cùng các nhạc công khác mà không có bất cứ sự can thiệp nào từ kỹ thuật số hay chỉnh sửa hậu kỳ.
Khán giả sẽ nghe rõ từng tiếng bước chân một cách chân thực, nghe tiếng nước róc rách được mô phỏng lại từ nước thật kết hợp cùng các vật dụng quen thuộc, ứng với tình huống để làm nên hiệu ứng. Các vật dụng được mang lên sân khấu vẫn luôn là những vật dụng đời thường như giày, dép, chén, đũa, muỗng… để tạo ra âm thanh chân thật tuyệt đối và gợi xúc cảm mạnh mẽ cho người xem. Ngay cả tiếng gió, tiếng chim hay côn trùng cũng được tái hiện trực tiếp trên sân khấu qua sự sáng tạo trên các nhạc cụ kết hợp cùng nhạc công.


Âm thanh lúc này đây cũng là một phần để trình diễn. Những nghệ sĩ foley và dàn nhạc không đứng khuất sau tấm màn nhung mà nghiễm nhiên dự phần dưới ánh đèn sân khấu. Họ cùng với các diễn viên tạo nên chuỗi tương tác “nghe-nhìn” hài hoà, cùng tạo nên một tác phẩm nghệ thuật chạm đến tâm hồn người xem qua thính giác.


Những nghệ sĩ foley và dàn nhạc không đứng khuất sau tấm màn nhung mà nghiễm nhiên dự phần dưới ánh đèn sân khấu
Foley là một bộ môn nghệ thuật được đặt tên theo Jack Donovan Foley, một kỹ thuật viên về âm thanh người Mỹ, là cha đẻ của phương pháp tái hiện âm thanh trên phim ảnh vào những năm 1920; đây cũng là thời điểm điện ảnh đang có một bước chuyển mình đột phá từ phim câm sang phim có âm thanh.
Bộ phim được Jack Foley ứng dụng phương pháp của mình để mang đến hiệu ứng âm thanh là Show Boat, công chiếu năm 1929. Kỹ thuật của phương pháp này chính là sử dụng các vật dụng đời thường để tạo nên chuỗi âm thanh đồng bộ với từng hành động của nhân vật trong cảnh quay và những âm thanh này sẽ được ghi âm trực tiếp. Theo thời gian, để tăng chất lượng âm thanh trong phim điện ảnh, nghệ thuật foley đã phát triển hơn và bắt đầu được ghi âm lại, sau đó chỉnh sửa bổ sung sao cho hoàn thiện nhất, góp phần nâng cao trải nghiệm điện ảnh cho khán giả.



Kỹ thuật của phương pháp này chính là sử dụng các vật dụng đời thường để tạo nên chuỗi âm thanh đồng bộ với từng hành động của nhân vật trong cảnh quay và những âm thanh này sẽ được ghi âm trực tiếp
Bộ môn kịch truyền thanh cũng rất thịnh hành tại Mỹ từ những năm 1940 và được trình diễn trên sân khấu lẫn trong studio để khán giả có thể thưởng thức qua radio, nhưng nói riêng đến kịch truyền thanh thì ngay tại Mỹ, khán giả vẫn thích được xem trực tiếp trên sân khấu để vừa thỏa mãn thính giác vừa được khám phá xem các nghệ sĩ foley sẽ mang gì đến bữa tiệc thanh âm này.
Cho đến những năm 1960, sự xuất hiện và phát triển vượt trội của vô tuyến, truyền hình đã khiến bộ môn này dần mai một. Mãi cho đến thời đại của Internet, kỹ thuật số phát triển thì bộ môn này bất ngờ được hồi sinh. Dù thực tế cho thấy kịch truyền thanh sẽ khó có thể quay trở lại thời hoàng kim của mình nhưng đây cũng là một tín hiệu khả quan vì một bộ môn nghệ thuật độc đáo, mang đến mỹ cảm từ việc lắng nghe đã không bị phai phôi trong dòng chảy thời gian.
Bộ môn kịch truyền thanh sẽ rất khác biệt so với kịch truyền thống đó là hoàn toàn không có sự diễn xuất. Nếu có thì chỉ là những biểu cảm được thể hiện trong quá trình nhập vai của các diễn viên, ngoài ra sẽ không có bối cảnh, không có phông bạt hay bất cứ đạo cụ diễn xuất nào.



Sân khấu chỉ đơn thuần là những giọng thoại thấm đẫm xúc cảm để tái hiện nội tâm và các nghệ sĩ foley đang chú tâm từng giây để tái hiện bối cảnh. Đây cũng có thể vừa là ưu điểm và khuyết điểm của kịch truyền thanh. Vì hình thức thể hiện độc đáo ấy mà kịch truyền thanh rất kén khán giả, bởi họ sẽ “được/bị” yêu cầu tập trung hơn và phải vận dụng trí tưởng tượng của mình để cấu thành nên hình ảnh dựa vào âm thanh trên sân khấu.
Nhưng điểm cộng chính là cơ hội để hình ảnh được thỏa sức bay bổng và nên hình nên dạng một cách tự do, phóng khoáng trong lòng người xem. Đồng thời khán giả cũng sẽ tò mò muốn chứng kiến trực tiếp xem các nghệ sĩ foley sẽ còn có thể tạo ra thêm được những âm thanh nào, âm điệu và cung bậc sẽ được biến tấu, thể hiện ra sao. Làm sao một bước đi có thể biến tấu để phân biệt là của người nam hay người nữ. Hay cách một ông già gắp đồ ăn thì tạo ra âm thanh thế nào so với cách khua đũa vụng về của một đứa trẻ nhỏ. Đó vừa là thử thách của bộ môn nghệ thuật này đồng thời cũng là điểm lôi kéo nhiều người yêu nghệ thuật tìm đến kịch truyền thanh.
Kịch truyền thanh tại Việt Nam - Một khởi đầu hồi sinh
Tại Việt Nam, loại hình nghệ thuật này đang dần chiếm được sự chú ý và tình yêu mến từ khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ. Vào tháng 3 vừa qua, buổi công diễn vở kịch truyền thanh Chí Phèo của đạo diễn Vũ Phúc Ân đã diễn ra thành công và chen chật chỗ ngồi với hơn 300 khán giả tại Thành phố Hồ Chí Minh. Buổi công diễn cũng thuộc một sự kiện nằm trong khuôn khổ đồ án tốt nghiệp với đề tài “Quảng bá loại hình nghệ thuật kịch truyền thanh đến với giới trẻ tại TP.HCM” do các bạn sinh viên Đại học FPT; thành viên của đội ngũ LKLK (Loc Koc Leng Keng) thực hiện với mong muốn đưa kịch truyền thanh đến gần hơn với đại chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Vở kịch truyền thanh Chí Phèo của đạo diễn Vũ Phúc Ân đã diễn ra tại TP.HCM tháng 3 vừa qua

Các thành viên của đội ngũ LKLK (Loc Koc Leng Keng)
Vở kịch với sự tham gia các nghệ sĩ Aaron Toronto (Đạo diễn phim Đêm Tối Rực Rỡ) đã khiến khán giả bất ngờ với hoá thân Chí Phèo đậm chất Việt Nam của mình. Bên cạnh đó còn có nghệ sĩ ưu tú Phạm Huy Thục, Nguyễn Hồng Vân, Cẩm Linh, Nguyễn Quốc Việt… Nghệ sĩ ưu tú Đinh Linh trực tiếp trình diễn âm nhạc với các nhạc cụ dân tộc như sáo, tiêu, gõ, mang đến bữa tiệc âm nhạc đầy màu sắc và cảm xúc.





Phạm Thảo Ly (quản lý đêm diễn) cho biết, ý tưởng về kịch truyền thanh hoàn toàn đến từ đạo diễn Vũ Phúc Ân. Vì theo đạo diễn, âm thanh đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong các loại hình nghệ thuật, giải trí. Rõ ràng, âm thanh bổ sung nhiều chi tiết cho một câu chuyện, nó giúp thể hiện trạng thái, cảm xúc của nhân vật, từ đó tác động trực tiếp lên cảm nhận của khán giả.
“Khi nói về các phương tiện giải trí, chúng ta cũng thường dùng thuật ngữ ‘nghe - nhìn’, nhưng thực chất, yếu tố ‘nhìn’ luôn được chú trọng và đề cao hơn ‘nghe’. Nhận ra ý nghĩa của âm thanh thường xuyên bị quên lãng, đạo diễn Vũ Phúc Ân đã bắt tay vào hiện thực hóa ý tưởng hồi sinh kịch truyền thanh - chỉ tập trung khai thác âm thanh và trình diễn nó trực tiếp ngay trên sân khấu”, Phạm Thảo Ly chia sẻ.


Nhận ra ý nghĩa của âm thanh thường xuyên bị quên lãng, đạo diễn Vũ Phúc Ân đã bắt tay vào hiện thực hóa ý tưởng hồi sinh kịch truyền thanh - chỉ tập trung khai thác âm thanh và trình diễn nó trực tiếp ngay trên sân khấu
Buổi công diễn Chí Phèo chỉ là điểm khởi đầu trong hành trình của cả ekip LKLK nhằm xây dựng một cộng đồng yêu thích và đón nhận loại hình kịch truyền thanh. Trong tương lai, các tác phẩm văn học kinh điển quen thuộc khác của Việt Nam sẽ tiếp tục được tiến hành và thể hiện bằng thanh âm trên sân khấu kịch truyền thanh, góp phần tạo nên một niềm vui tinh thần độc đáo cho khán giả và làm sống dậy một bộ môn nghệ thuật những tưởng đã chìm vào lãng quên.
Trong tiếng Việt ta có cụm từ “nghe thấy” rất hay. Vì sao lại là “nghe-thấy” lại đứng chung với nhau? Chẳng phải chính thanh âm đã góp phần kiến tạo nên phần nhìn, vẽ ra trong tâm hồn ta bao mỹ cảnh và xúc cảm dạt dào đó sao? Nếu thanh âm không quan trọng đến thế thì Ngô Thuỵ Miên đã chẳng thể viết nên “Mùa Thu cho em”, rằng:
Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ
Em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương
Và em có nghe khi mùa Thu tới
Mang ái ân mang tình yêu tới
Em có nghe, nghe hồn thu nói mình yêu nhau nhé…
Và hãy tưởng tượng mà xem những nghệ sĩ foley khi đứng trên sân khấu kịch truyền thanh họ sẽ phải làm thế nào để tạo nên “mùa Thu mưa giăng lá đổ” để mà ta có thể “nghe hồn thu nói mình yêu nhau”. Mỹ cảm ta có từ kịch truyền thanh chính là mỹ cảm đến từ thanh âm và câu chuyện từ thanh âm ấy dần dần vẽ nên từng đường nét trong trí tưởng tượng độc bản của mỗi chúng ta. Một thế giới được mở ra, một hình thức đi vào không gian nghệ thuật và một cơ hội để ta chú tâm tận hưởng.
