Cây cổ thụ 70 năm tuổi hóa thân thành nghệ thuật sau bão Yagi
Chiều 22/4, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổ chức lễ khai mạc Dự án cải tạo không gian vườn hoa Cổ Tân với điểm nhấn là tác phẩm nghệ thuật "Hồi sinh" của nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn. Sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, cùng các khách mời như ca sĩ Mỹ Linh, ca sĩ Hồng Nhung, họa sĩ Khắc Chinh, NSƯT Hoàng Tùng, DJ Trí Minh...

Chiều 22/4, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổ chức lễ khai mạc Dự án cải tạo không gian vườn hoa Cổ Tân với điểm nhấn là tác phẩm nghệ thuật "Hồi sinh" của nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn
Cơn bão Yagi ngày 07/09/2024 đã quật ngã hơn 25.000 cây xanh tại Hà Nội, trong đó có một cây xà cừ 70 năm tuổi cao hơn 20 m ở vườn hoa Cổ Tân, quận Hoàn Kiếm. Đây là giống cây được người Pháp du nhập từ châu Phi vào cuối thế kỷ XIX, mang dấu ấn lịch sử đô thị Thủ đô. Nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn đã nhìn thấy trong sự gãy đổ ấy không phải là cái kết, mà là điểm khởi đầu – để trao cho thân cây một hình hài mới, một đời sống mới. Với cô, sự sống không chấm dứt mà chỉ là chuyển hóa.

Hình ảnh cây xà cừ 70 năm tuổi cao hơn 20 m ở vườn hoa Cổ Tân bị quật ngã trong cơn bão Yagi

Nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn đã nhìn thấy trong sự gãy đổ ấy không phải là cái kết, mà là điểm khởi đầu – để trao cho thân cây một hình hài mới
Sau khi bão tan, nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn đã ra Hà Nội và cùng những người bạn đi khảo sát, chứng kiến cảnh những cây xanh nằm rạp dưới đất, trái tim cô như thắt lại. Khi đến vườn hoa Cổ Tân và thấy cây xà cừ 70 năm tuổi bật gốc, đang được cắt gọn để mang đi. Ngay lập tức, cô và những người bạn liên hệ với các cơ quan chức năng để đề xuất ý tưởng hồi sinh cho cây thành tác phẩm nghệ thuật.
Tại sự kiện, ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, cơn bão Yagi đổ bộ vào Hà Nội đã quật đổ và làm gãy nhiều cây xanh, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có 700 cây bị đổ, trong đó có nhiều cây to. "Quận Hoàn Kiếm đã tiếp nhận ý tưởng của ê-kíp Tia-Thủy Nguyễn về việc phục dựng lại những cây đã chết trên tinh thần sáng tạo mang tính cộng đồng. Chúng tôi tin rằng, tác phẩm này sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân và mang đến sự mới mẻ cho công trình công cộng ở đô thị trung tâm", ông Phạm Tuấn Long chia sẻ thêm.

Tác phẩm "Hồi sinh" trở thành sợi dây nối kết, không chỉ giữa người thưởng lãm và ánh sáng tự nhiên, mà còn chính họ với từng nỗi nhớ đang hiện diện bên trong. Ảnh: Phương Thảo

Nghệ sĩ Tia-Thuỷ Nguyễn (giữa) phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Phương Thảo
Vừa là khung, vừa là hình
Tia-Thuỷ Nguyễn nương theo hình thái ban đầu của thân cây để tạo hình, hàn liên kết nhiều lá thép lên trên theo lối khảm hoạ tiết. Sau nhiều nghiên cứu, tính toán và kinh nghiệm từ tác phẩm "Flower of Life", 2023 (Hoa Đời, 2023).
"Để thực hiện tác phẩm 'Hồi sinh', tôi cùng các cộng sự đã hoàn thiện được kỹ thuật cũng như tính thẩm mỹ trong hơn 6.000 giờ làm việc. Chúng tôi nương theo hình thái ban đầu của thân cây để tạo hình, hàn liên kết nhiều lá thép lên trên theo lối khảm hoạ tiết. Sau nhiều nghiên cứu, tính toán và kinh nghiệm từ tác phẩm Flower of Life, 2023 (Hoa Đời, 2023). Hơn 6 tấn thép không gỉ được gò thủ công theo dáng thân cây, hàn kín và tạo bề mặt xù xì mô phỏng vỏ cây thật. Lớp kim loại ánh kim ngũ sắc vừa là khung, vừa như lớp trang sức lấp lánh dưới nắng. Cành cây được tái hiện khúc khuỷu tự nhiên, với hàng nghìn chiếc lá tạo nên từ thép óng ánh và hoa đá thạch anh đa sắc", Tia-Thuỷ Nguyễn cho hay.



Với sự tính toán chi ly từng góc cạnh, Tia-Thuỷ Nguyễn và cộng sự của mình thể hiện nỗ lực đẩy lùi đi vẻ hoang tàn của cái chết. Cô mong muốn "bắt" được những hiện tượng khác nhau diễn ra quanh tác phẩm, liên kết giữa hủy diệt và tái thiết, tan rã và hòa hợp và cái chết và tái sinh.
Từ đổ ngã đến tái sinh
Tác phẩm "Hồi sinh" sau khi được mặc áo mới, sắp đặt lại tại chính địa điểm cũ nơi nó từng sống một kiếp trước xanh tươi. Cây xà cừ vẫn đứng yên, nhưng nó không chỉ lặng lẽ toả bóng mà trở nên sống động hơn, ứng biến với từng giọt nắng chạm vào cơ thể đã được khoác áo mới của mình. Sự sống và năng lượng của "Hồi sinh" không chỉ nằm ở chính nó, mà còn ở sự tiếp xúc của với thế giới xung quanh.
Tia-Thuỷ Nguyễn đã dung hòa được sự nguy nga, phóng khoáng của một sắp đặt cỡ lớn và sự cá nhân trong từng trải nghiệm xem của khán giả. Tác phẩm trở thành sợi dây nối kết, không chỉ giữa người thưởng lãm và ánh sáng tự nhiên, mà còn chính họ với từng nỗi nhớ đang hiện diện bên trong. Một tia nắng đúng hẹn sẽ khiến lòng cây bừng sáng. Một dòng kỷ niệm gửi gắm đến cây cũng sẽ được cây đáp lại. Năng lượng của cây xà cừ ấy không hề tan biến đi, cũng như “đời sống” của nó không hề kết thúc, năng lượng vũ trụ và Mẹ Thiên nhiên chuyển nó trở thành một tác phẩm.

Hơn 6 tấn thép không gỉ được gò thủ công theo dáng thân cây, hàn kín và tạo bề mặt xù xì mô phỏng vỏ cây thật
Nét độc đáo của tác phẩm không phải ở sự choáng ngợp về kích thước mà chính là những chi tiết điểm xuyết tạo nên sức sống cho đồ vật. "Hồi sinh" gợi cho người xem nhiều sự tò mò về hình dạng, xuất xứ của một tác phẩm, đồng thời cũng đề xuất nhiều khả năng tiếp cận khác nhau cho cùng một tác phẩm nghệ thuật. Với "Hồi sinh", cái cây đã chết là khởi đầu cho một “chương mới”, một hình hài của sự nhẹ nhõm khi vượt qua gánh nặng của sự tồn tại và có lẽ quan trọng nhất là sự hiển lộ vẻ đẹp giữa cơn bão.
Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh đánh giá tác phẩm "Hồi sinh" là một công trình lớn, đòi hỏi sự tâm huyết và trình độ cao của người sáng tạo. "Tác phẩm này sẽ để lại dấu ấn quan trọng trong việc xây dựng không gian nghệ thuật công cộng tại Hà Nội, một lĩnh vực còn mới mẻ đối với Thủ đô".


Nét độc đáo của tác phẩm không phải ở sự choáng ngợp về kích thước mà chính là những chi tiết điểm xuyết tạo nên sức sống cho đồ vật
Trong buổi ra mắt tác phẩm, nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn cũng gửi lời tri ân những nghệ nhân hàn xì, thợ xây, lao công, bảo vệ, công an khu vực, người lái xích lô đã góp phần hỗ trợ cô thực hiện tác phẩm. "Cảm ơn cả những người dân sống ở quanh vườn hoa cũng như người Hà Nội nói chung, dù chỉ đi qua nhưng đều mang đến cho tôi câu chuyện về vùng đất, con người nơi đây", cô nói.
Tác phẩm nghệ thuật "Hồi sinh" được sắp đặt ngoài trời tại vườn hoa Cổ Tân, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, mở ra không gian tự do cho du khách và người dân chiêm ngưỡng, tham quan tự do. Nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn mong muốn mỗi người thưởng lãm có thể đắm mình trong vẻ đẹp của cây, hòa quyện cùng ánh sáng thiên nhiên và tự tạo nên những chiêm nghiệm sâu sắc riêng.
