Biểu tượng của văn hoá Việt
Nón lá là hình ảnh quá đỗi quen thuộc với người dân Việt Nam, xuất hiện trong thơ ca, nghệ thuật và cả đời sống thường nhật, mang đậm nét đẹp mộc mạc nhưng sâu lắng. Trong sự kiện lần này, Cultra Taproom chọn nón lá làm chủ đề đầu tiên để khởi động chuỗi triển lãm văn hoá của mình.
Đại diện của Ban tổ chức chia sẻ: "Đây không chỉ là cách để kể lại câu chuyện về một sản phẩm thủ công truyền thống mà còn là cơ hội để truyền tải thông điệp rằng, những gì giản dị nhất chính là những điều quý giá nhất, xứng đáng được gìn giữ và lan toả". Đây là một sự kiện văn hoá đặc sắc, diễn ra từ ngày 30/11 đến 8/12 tại số 30 Hàng Da, Hoàn Kiếm, Hà Nội, mang đến một góc nhìn mới mẻ về chiếc nón lá – từ vẻ đẹp truyền thống đến tính ứng dụng trong đời sống hiện đại.
Triển lãm đưa khách tham quan đến gần hơn với quy trình tạo ra chiếc nón lá – một hành trình đòi hỏi sự tỉ mỉ qua nhiều công đoạn. Từ phơi lá, rẽ lá, là lá, đến khâu nón và cạp nón, mỗi bước đều mang dấu ấn của người thợ lành nghề. Trong đó, khâu nón được xem là giai đoạn khó nhất, yêu cầu kỹ năng và sự khéo léo cao. Đường khâu phải ngắn, đều tăm tắp, và mối nối được giấu kín, để chiếc nón khi hoàn thiện không chỉ đẹp mà còn bền chắc. Đến với “Hoa Dưới Vành Nón”, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến nghệ nhân làng Chuông thực hiện từng thao tác, giúp hiểu sâu hơn về giá trị lao động đằng sau sản phẩm quen thuộc này.
Không gian triển lãm độc đáo
Cultra Taproom may mắn sở hữu một không gian triển lãm đặc biệt – một ngôi nhà cổ 100 tuổi nằm giữa lòng Hà Nội. Dù đã tồn tại qua một thế kỷ, ngôi nhà vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống xen lẫn hơi thở hiện đại. Đây là nơi hoàn hảo để tái hiện vẻ đẹp của chiếc nón lá trong bối cảnh văn hoá và lịch sử.
Khu vực trưng bày không chỉ giới thiệu các loại nón lá quen thuộc, như nón lá cọ làng Chuông, mà còn bao gồm nhiều loại nón độc đáo khác như nón bàng của Huế, nón tre, nón thêu thủ công và nón bọc gấm. Mỗi chiếc nón đều mang một câu chuyện riêng, đại diện cho sự đa dạng của văn hoá Việt qua từng vùng miền. Đặc biệt, triển lãm còn kết hợp với các hình ảnh trang trí mang chủ đề lịch sử và nghệ thuật Việt Nam, đưa khách tham quan vào hành trình khám phá chiều sâu văn hoá đầy hấp dẫn.
Không dừng lại ở việc trưng bày nón lá, triển lãm còn kết hợp với nghệ thuật cắm hoa để làm nổi bật thông điệp chính. “Hoa Dưới Vành Nón” mang ý nghĩa biểu trưng cho hoa tay của người nghệ nhân, hoa nắng trên mái đầu nghiêng nghiêng, và hoa trong tâm hồn của con người Việt. Sự kết hợp này không chỉ tạo nên một không gian nghệ thuật đẹp mắt mà còn gợi lên tinh thần sáng tạo, kết nối giữa truyền thống và hiện đại.
Ngoài ra, tại đây, khách tham quan có thể tự tay trang trí những chiếc nón mini bằng cách đính charm thông qua khu vực DIY (Do It Yourself), tạo nên một món quà lưu niệm độc đáo mang đậm dấu ấn cá nhân. Hoạt động này không chỉ thu hút người tham gia mà còn là cách để lan toả hình ảnh chiếc nón lá Việt Nam tới nhiều nơi, đặc biệt là thế hệ Gen Z – những người trẻ luôn tìm kiếm sự mới lạ và sáng tạo trong các giá trị truyền thống.
Đặc biệt, đây cũng là dịp để chiếc nón lá - một biểu tượng văn hoá thân thuộc - được tiếp cận gần hơn với thế hệ trẻ, để họ thấy rằng, văn hoá truyền thống không hề cũ kỹ mà luôn sống động và sáng tạo.
Sau triển lãm lần này, Cultra Taproom hứa hẹn sẽ tiếp tục mang đến những sự kiện văn hoá ý nghĩa khác. "Đó có thể là câu chuyện về các làng nghề truyền thống, các món ăn đặc trưng, hay những biểu tượng khác của văn hoá Việt Nam. Mỗi sự kiện đều là nỗ lực của đội ngũ Cultra trong việc gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hoá đến gần hơn với cộng đồng" - đại diện Ban tổ chức chia sẻ.
Một số hình ảnh khác tại triển lãm: