Dày công 6 tháng trang trí không gian cưới tái hiện ký ức văn hóa Nam Bộ

29/11/2024

Ở miền quê Bình Phước, có một đám cưới không chỉ là lễ hội của tình yêu mà còn là câu chuyện của sự tận tâm và ký ức của người anh dành cho em gái.

Nguyễn Trường Lý (sinh năm 1988) đã không ngần ngại dành nhiều tháng trời để tự tay trang trí từng chi tiết cho đám cưới của em gái, từ những bụi tre đến các chi tiết mộc mạc của quê hương Nam Bộ.

Đám cưới độc lạ, truyền cảm hứng trong suốt những ngày qua

Đám cưới độc lạ, truyền cảm hứng trong suốt những ngày qua

Sự khơi gợi từ quê hương

Khi nói về lý do mình quyết định tự tay thực hiện toàn bộ việc decor cho đám cưới, Trường Lý chia sẻ rằng anh không có một bản thiết kế hay kế hoạch chi tiết. Mọi thứ đến từ những ký ức tuổi thơ về quê hương Nam Bộ, những hình ảnh quen thuộc mà anh đã ghi sâu trong tâm trí. "Từ nhỏ, tôi đã lớn lên giữa những làn gió đồng quê, bên những chiếc giỏ đệm, bên hàng chuối, hàng tre xanh mướt. Những hình ảnh đó không bao giờ phai nhạt trong tâm trí tôi. Tôi muốn mang những thứ bình dị ấy vào đám cưới của em gái, để không gian vừa đậm chất quê, lại vừa ấm cúng và đầy yêu thương".

Empty
Empty
Anh trai cô dâu tự tay chuẩn bị, trang trí trong nhiều tháng trời

Anh trai cô dâu tự tay chuẩn bị, trang trí trong nhiều tháng trời

Lý giải về cách anh tái hiện những hình ảnh này, Trường Lý nói: "Văn hóa Nam Bộ rất rộng lớn, nhưng tôi chỉ muốn đưa vào những hình ảnh mà tôi từng thấy trong những ngày tháng lớn lên ở quê. Tôi không coi đây là việc tái hiện văn hóa, mà là tái hiện lại ký ức, những điều đã từng rất gần gũi với tôi".

Chum nước, ngọn lúa... đều là những ký ức tuổi thơ

Chum nước, ngọn lúa... đều là những ký ức tuổi thơ

Kế hoạch kỳ công từ những bụi tre, buồng chuối đến cổng cưới

Quá trình thực hiện decor kéo dài hơn 6 tháng, từ việc trồng cây cho đến việc dựng hàng rào tre. Trước Tết, anh bắt đầu trồng bụi tre và cho đến tháng 5, những cây chuối được trồng với mục đích làm đẹp cho cổng cưới. "Tôi không muốn giống như những đám cưới khác, khi người ta chỉ bứng cây chuối vào lúc gần ngày cưới. Tôi muốn lá chuối tươi tốt, có trái, để không gian thật sự sống động và tự nhiên", anh trai cô dâu nói.

Anh Trường Lý phải tưới chuối ba lần một ngày, ngắm nghía từng cây để chắc chắn rằng mọi thứ sẽ hoàn hảo

Anh Trường Lý phải tưới chuối ba lần một ngày, ngắm nghía từng cây để chắc chắn rằng mọi thứ sẽ hoàn hảo

Nhưng không phải lúc nào mọi việc cũng suôn sẻ. Trong suốt quá trình thực hiện, anh phải đối mặt với những thử thách lớn, đặc biệt là thời tiết. "Mùa này quê tôi hay mưa, có những ngày mưa mà tôi vẫn phải mặc áo mưa ra làm. Những ngày đó, tôi cũng không bỏ sót công việc nào. Tôi phải tưới chuối ba lần một ngày, ngắm nghía từng cây để chắc chắn rằng mọi thứ sẽ hoàn hảo", anh kể.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Cổng cưới nổi bật với hai quài chuối tươi, những tàu dừa và bồ lúa được anh đặt làm riêng từ Củ Chi. Chiếc giỏ đệm – hình ảnh quen thuộc trong đời sống hàng ngày, nay lại trở thành điểm nhấn bất ngờ cho khách mời. Anh Lý nói: "Hạt lúa, tàu dừa, giỏ đệm đều là những hình ảnh mà tôi đã thấy từ bé. Tôi muốn tái hiện lại một cách tự nhiên nhất có thể để không gian lễ cưới gợi cảm giác bình dị và thân thuộc".

Những bồ lúa được đặt làm riêng từ Củ Chi

Những bồ lúa được đặt làm riêng từ Củ Chi

Để hiện thực hóa ý tưởng cổng cưới từ giỏ đệm bàng – một vật dụng quen thuộc trong đời sống Nam Bộ, anh Trường Lý đã gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm chiếc giỏ phù hợp. Cổng nhà anh rộng 3m, trong khi những chiếc giỏ đệm bày bán trên thị trường đều có kích thước nhỏ, không đủ ấn tượng cho không gian lễ cưới. Cọng cỏ bàng dài, vốn là nguyên liệu chính để đương giỏ lớn, lại cực kỳ hiếm.

Nhờ sự giúp đỡ từ một người bạn ở Tiền Giang, anh tìm đến bốn cơ sở nhưng đều bị từ chối vì họ không còn nhận đương giỏ kích thước lớn. Đến cơ sở thứ năm, dù chủ cơ sở đã bỏ nghề, nhưng sau nhiều lần năn nỉ, họ đồng ý làm riêng hai chiếc giỏ lớn cho anh. Một giỏ được dành để khắc chữ "Lễ Vu Quy", giỏ còn lại ghi "Đám Cứ Cô Út Anh – Cậu Hai Duy". Các giỏ nhỏ hơn, anh phải mua sẵn từ thị trường.

Empty
Empty
Những chiếc giỏ đệm bàng kỳ công, đầy tâm huyết của người anh

Những chiếc giỏ đệm bàng kỳ công, đầy tâm huyết của người anh

Dù tìm được nơi nhận làm, anh vẫn thấp thỏm chờ đợi trong những ngày sát lễ cưới. "Chưa ai từng dùng giỏ đệm bàng làm cổng cưới, trước giờ tôi chỉ thấy người ta dùng sàn gạo hoặc nón lá kết hợp lại", anh chia sẻ. Để chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất, anh từng cân nhắc việc ghép ba chiếc giỏ nhỏ lại, nhưng phương án này không đem lại vẻ tự nhiên như anh mong muốn. Vì thế, anh quyết tâm có được chiếc giỏ đệm bàng lớn nhất – thứ chưa từng xuất hiện trên thị trường. Cuối cùng, hai chiếc giỏ hoàn thiện trở thành điểm nhấn đặc biệt cho không gian lễ cưới. Chúng không chỉ mang đậm dấu ấn cá nhân mà còn gợi lên sự bình dị, thân thuộc của vùng quê Nam Bộ.

Vĩ phơi bánh tráng – một vật dụng quen thuộc trong bếp núc cũng được đem ra trang trí cho không gian thêm phần độc đáo

Vĩ phơi bánh tráng – một vật dụng quen thuộc trong bếp núc cũng được đem ra trang trí cho không gian thêm phần độc đáo

Thậm chí, anh còn sử dụng vĩ phơi bánh tráng – một vật dụng tưởng chừng chỉ quen thuộc trong bếp núc để tạo nét độc đáo cho không gian. Mặc dù kỳ công đến thế, anh vẫn khiêm tốn: “Văn hóa Nam Bộ rất rộng, nhưng tôi không dám nhận mình tái hiện được văn hóa ấy. Tôi chỉ muốn mang lại cảm giác yên bình từ những điều bình dị quanh ta".

Đến tận 2 giờ sáng ngày cưới, Trường Lý mới hoàn tất phần decor. Mọi người, kể cả cô dâu, chỉ hình dung được một nửa ý tưởng cho đến khi không gian hoàn thiện. "Ai cũng ngỡ ngàng khi lần đầu thấy cổng cưới như vậy. Có người thắc mắc vì sao tôi lại kỳ công với hàng rào tre đến thế. Nhưng nhìn ánh mắt vui vẻ của em gái và những lời khen từ khách mời, tôi cảm thấy mọi nỗ lực đều xứng đáng", anh kể.

Empty
Ai nấy cũng đều hào hứng, bất ngờ trước những hình ảnh này

Ai nấy cũng đều hào hứng, bất ngờ trước những hình ảnh này

Ý nghĩa của những điều giản dị

Khi được hỏi vì sao không thuê dịch vụ chuyên nghiệp, Trường Lý cười: “Tôi biết tự làm sẽ cực hơn rất nhiều, nhưng tôi muốn mọi thứ phải thật khác biệt, phải gần gũi và mang ý nghĩa cá nhân. Đôi khi, những điều đẹp đẽ nhất lại đến từ những thứ mà chúng ta thường bỏ quên”.

Anh không chỉ tạo nên một đám cưới mà còn truyền tải thông điệp sâu sắc: Những gì đơn giản quanh ta cũng có thể đẹp và bình yên. Chúng ta không cần phải tìm kiếm đâu xa. Với anh, từng món decor không chỉ là vật trang trí mà còn là cầu nối giữa hiện tại và ký ức, giữa gia đình và quê hương.

Empty
Empty
Empty
Empty
Đám cưới của em gái không chỉ là ngày vui mà còn là câu chuyện về tình anh em, tình yêu quê hương và sự sáng tạo từ những điều gần gũi nhất

Đám cưới của em gái không chỉ là ngày vui mà còn là câu chuyện về tình anh em, tình yêu quê hương và sự sáng tạo từ những điều gần gũi nhất

Đám cưới của em gái không chỉ là ngày vui mà còn là câu chuyện về tình anh em, tình yêu quê hương và sự sáng tạo từ những điều gần gũi nhất. Qua từng chi tiết, Nguyễn Trường Lý đã mang đến không chỉ một không gian lễ cưới đặc biệt mà còn là nguồn cảm hứng về cách chúng ta gìn giữ và trân quý những giá trị của quê hương.

Hà Mai Trinh - Ảnh: NVCC
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES