Một người thực hành "thơ nước Nam"

24/07/2021

Thời sinh viên, khóa của tôi không ai là không biết đến cái tên Nam Thi. Người thì biết vì anh “điên”, người thì biết vì “tài”, người thì ấn tượng vì anh “một mình một kiểu”. Sau này ra trường, thi thoảng lại nghe thấy đâu đó tên anh - vẫn đi cùng với Thơ, tiếng Việt, tôi không khỏi ngạc nhiên và âm ỉ chút nể phục. Nhưng phải đến gần đây, khi anh Thi phát hành tập thơ đầu tay và tiện hé lộ “xuất thân” là cháu của dịch giả Dương Tường, tôi mới đủ thôi thúc tìm tới anh để trò chuyện.

Sinh năm 1994 và lớn lên ở Hà Nội, sau khi tốt nghiệp Học viện Báo chí & Tuyên Truyền, Nam Thi chuyển vào Sài Gòn làm việc và chủ yếu hoạt động sự nghiệp ở đây. Song song với công việc là biên tập viên của một số tạp chí về thời trang và nghệ thuật sống, Nam Thi vẫn luôn thực hành thơ, thông qua sáng tác, chia sẻ trên trang cá nhân; làm diễn giả talkshow về nghệ thuật thơ; hay trình diễn thơ-nhạc trên sân khấu cùng những nghệ sĩ trẻ khác… Nhưng cột mốc lớn đầu tiên trong con đường thực hành thơ của Nam Thi có lẽ là Cô độc nên thơ - tuyển tập gồm 36 tác phẩm thơ của anh, được Tao Đàn xuất bản vào tháng 6 vừa qua.

Như tác giả tự mô tả, tinh thần bao trùm toàn bộ tập thơ là nỗi cô độc của một người trẻ đô thị hiện đại hôm nay. 36 bài thơ được viết ở đa thể loại, có bài dễ đọc, có bài khó, có bài ngắn, có bài dạng trường ca; đa phần là thơ tự do không vần, nhưng có nhịp điệu thơ được bày đặt rõ ràng.

Cô Độc Nên Thơ, nhỏ bé đứng bên Thơ - Dương Tường

Cô Độc Nên Thơ, nhỏ bé đứng bên Thơ - Dương Tường

Tò mò đầu tiên, bút danh Nam Thi của anh có nghĩa là gì?

Thực ra tôi cũng chẳng nhớ tên gọi đó xuất phát từ lúc nào nữa. Từ lâu nó đã thân thuộc với tôi, vượt qua giới hạn bút danh rồi, vì bố tôi, bà nội hay cụ tôi cũng toàn gọi là Nam Thi thôi. Chân thành mà nói thì tên khai sinh Lê Viết Thi nghe ấn tượng hơn, nhưng Nam Thi lại êm hơn và có nghĩa là "thơ nước Nam", nên tôi thường giới thiệu tên gọi này.

"Cô độc nên thơ" - cuốn sách này có phải dành riêng cho những độc giả biết cảm nhận và trân trọng sự cô độc?

Tôi đặt tên sách là Cô độc nên thơ, có 4 từ, nhưng phát ra 3 nghĩa: Cô Độc là một điều cũng thật nên thơ, trữ tình; Cô Độc là khởi nguồn tạo nên Thơ của Nam Thi; và Cô Độc tạo nên chính Nam Thi, vì tên tôi cũng có nghĩa là "thơ".

Cuốn sách này trước nhất là dành cho tác giả của nó, và khi đi từ sâu thẳm của tôi sẽ đến với sâu thẳm của tất cả mọi người. Bên cạnh phần thơ, nhân vật ngồi chống cằm ở bìa sách và phần Lời Bạt ở cuối cùng đều để trống danh tính, điều đó giúp mở rộng biên độ của tác phẩm. Tất cả mọi người có thể "điền" mặt mình vào đó, thấy mình sống trong đó.

Bức tranh của họa sĩ Trần Nguyễn Trung Tín được dùng làm bìa Cô Độc Nên Thơ

Bức tranh của họa sĩ Trần Nguyễn Trung Tín được dùng làm bìa Cô Độc Nên Thơ

Trong khi các tác phẩm nghệ thuật như sách, nhạc... ở Việt Nam hiện nay thường xoáy vào cô đơn, thì Nam Thi trung thành với cô độc. Sự cô độc ấy vốn là con người anh, hay được hình thành trong quá trình trưởng thành?

Mọi thứ đều xuất phát từ hoàn cảnh cá nhân thôi. Nếu nghe có hơi "thương thương", cũng xin mong độc giả thông cảm. Bởi tôi sống một mình từ sớm quá, rồi trong rất nhiều bối cảnh như ốm đau, thi cử, lần đầu tiên được trình bày thơ, và rất nhiều thứ đầu tiên của một cậu bé Hà Nội, đều “một mình mình biết, một mình mình hay”, thế nên là cái đó tạo nên tâm hồn tôi.

Không phải là tôi không có người thân hay bạn bè, nhưng có những giai đoạn khó khăn của cuộc sống, ai cũng phải xoay theo dòng chảy riêng, tôi không có lý do gì yêu cầu mọi người phải tập trung vào mình. Tôi thoải mái với sự một mình đó vì tôi biết chấp nhận hoàn cảnh.

Vậy cô độc có phải là trạng thái, hay một chất liệu, cần có của nghệ sĩ để sáng tạo ra các sản phẩm nghệ thuật?

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Nó đúng là một trạng thái và là một chất liệu, nhưng cần có hay không lại tuỳ “cơ địa” của người nghệ sĩ đó.

NTK Thuỷ Nguyễn và Nam Thi trong talkshow tại ĐH Hoa Sen về sáng tạo nghệ thuật từ cảm hứng Văn hoá

NTK Thuỷ Nguyễn và Nam Thi trong talkshow tại ĐH Hoa Sen về sáng tạo nghệ thuật từ cảm hứng Văn hoá

36 bài thơ trong "Cô độc nên thơ" được anh sáng tác trong bao lâu? Chúng có gắn với một giai đoạn-trải nghiệm nhất định trong cuộc đời anh?

Tôi không có quá trình sáng tác một bản thảo, vì từ lúc đi học tôi đã viết vào sổ tay: trong gian khó tôi tị nạn vào thơ. Cá tính của tôi không thích than vãn vì thấy nó vô nghĩa, nên tôi chuyển hoá nó thành thơ, và tôi trải tâm tư vào chữ nên cứ viết thôi. Đến khi mọi người bảo là “ra sách đi Thi ơi”, tôi mới tổng hợp 36 bài có cùng chung một concept vào bản thảo này.

Các bài thơ trải dài từ năm 2016 tới 2020, có những bài ngày xưa viết còn đơn giản và ngô nghê lắm, nhưng trong sáng; tôi thích thế, vì tôi muốn nhìn một chặng đường mình lớn-chữ. Hệ thống 36 bài gắn với 10 năm cô độc kể từ ngày gia đình không còn bên nhau nữa, và Hà Nội, nơi tôi sinh ra chứng kiến tất cả điều đó.

"trong gian khó tôi tị nạn vào thơ"

Quá trình phát hành "Cô độc nên thơ", anh có kỷ niệm nào đặc biệt không?

Kỷ niệm đặc biệt nhất đó là hơn 3 năm chờ đợi. Khi hoàn thiện bản thảo xong, tôi tự tin lắm đấy, nhưng cứ “áo gấm đi đêm” gõ cửa các nhà xuất bản, họ không từ chối nhưng vì thơ là loại hình nghệ thuật rất kém tính thương mại (mà thơ tôi lại không dễ đọc), nên họ bảo đợi thời điểm. Cuối cùng cũng có Tao Đàn - một công ty sách có tiếng về chất lượng sách học thuật nhận bản thảo của tôi. Nhưng từ cái gật đầu đó tới lúc ra mắt cũng vẫn tiếp tục là sự lặng im chờ đợi.

Quan trọng là suốt hơn 3 năm chờ đợi, tôi đã không ngồi yên. Tôi nghĩ rằng, sách là thứ cần đấy nhưng không có sớm thì muộn vậy, mình hãy cứ tiếp tục sáng tác. Chính ra, nếu cuốn sách này được in ngay từ năm 2018, có lẽ nó không mang lại hiệu ứng tốt như bây giờ.

Liệu hiện giờ có quá sớm để chia sẻ thứ lớn nhất anh nhận được qua việc xuất bản cuốn sách là gì?

Đúng là quá sớm thật. Nhưng có một điều mà tôi cảm nhận rõ được, đó chính là sự yêu mến mà nhiều người - có cả bậc đàn anh đàn chị trong giới chuyên môn - công nhận, làm tôi rất hạnh phúc.

Nam Thi và một tác phẩm thơ của mình được

Nam Thi và một tác phẩm thơ của mình được "trưng bày" trên tường

Một trong những điều "đặc biệt" ở Nam Thi còn là việc anh là cháu của Dương Tường - vị dịch giả được quá nhiều người đọc mến mộ. Cụ Dương Tường có phải là nguồn cảm hứng hay một người thầy trong con đường thơ của anh? Điều lớn nhất anh học được từ cụ mình là gì?

Cụ Dương Tường là nguồn cảm hứng to lớn không chỉ với tôi, mà còn với các cháu trong nhà. Được là cháu của một bậc đại thụ trong làng Văn học Việt Nam mà không biết tự hào và lấy đó làm cảm hứng thì đáng tiếc quá.

Khi cụ biết tôi là đứa cháu duy nhất trong nhà theo nghiệp Thơ, cụ bảo là “tốt lắm, nhưng đường chữ vất vả đấy con ạ”. Cụ luôn khuyên tôi phải biết cách vui chơi với chữ nghĩa, nhưng thật tử tế và nghiêm túc. Đó là điều tôi học được từ cụ.

Đúng khoảng thời gian này một năm trước, trong sự kiện giới thiệu Truyện Kiều bản tiếng Anh (Kiều in Dương Tường's version), dịch giả Dương Tường chia sẻ nguồn cảm hứng để dịch Kiều đến từ chính những ngày đọc Truyện Kiều cùng các cháu. Anh có từng có những kỉ niệm-khoảnh khắc như vậy với cụ mình?

Trong những tháng ngày cụ Tường dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh thì tôi lại thường xuyên đi xa, tôi biết về kế hoạch này của cụ nhưng không có cơ hội đồng hành. Những khoảnh khắc tôi có nhiều với cụ Tường lại là những buổi nói chuyện về Thơ. Như lúc tôi hoàn thiện bản thảo tập thơ này, tôi có gửi cụ xem trước. Cụ rất bận nhưng không ngờ lại đọc ngay, mấy hôm sau cụ gọi điện bảo “cụ cần nói chuyện với cháu” bằng giọng đầy xúc động và hào hứng, như một sự ghi nhận giá trị thơ của tôi. Điều đó giúp cho tôi có thêm động lực đi trên con đường khó khăn này.

Dịch giả Dương Tường và Nam Thi khi cuốn sách Cô Độc Nên Thơ mới ra mắt

Dịch giả Dương Tường và Nam Thi khi cuốn sách Cô Độc Nên Thơ mới ra mắt

Sống ở Sài Gòn náo nhiệt, sáng tạo ra những sắc thái thơ mới, lạ, nhưng đồng thời lại luôn nhắc về một Hà Nội cũ kỹ, rốt cuộc, anh tự thấy mình “già” hay “trẻ”?

Thực ra nói là sống trong Sài Gòn cũng không đúng lắm. Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ nhấc cuộc sống của mình tại quê nhà Hà Nội đi đâu cả. Mọi thứ vẫn y nguyên, chỉ là di chuyển Bắc - Nam nhiều hơn thôi.

Tất nhiên là tôi trẻ chứ, trong tập thơ này, rất nhiều bài nói về tinh thần đô thị, và tôi khẳng định căn cước của mình là “người trẻ đô thị hiện đại hôm nay” (đủ 8 chữ, không thiếu chữ nào).

Vậy anh có nghĩ đến việc tạo dựng một cuộc sống ổn định ở Hà Nội không, hay Hà Nội chỉ là nơi để đôi khi ta trở về sau mỗi quãng đi xa?

Dù ở Sài Gòn hay bất cứ đâu, tôi vẫn giữ nguyên căn cốt của một người Hà Nội, sau đó mở lòng đón nhận những luồng gió từ địa phương khác, như thế rất nhanh tôi tạo nên màu sắc riêng của mình trong cả lối sống lẫn sáng tạo. Rõ ràng điều đó đã được chứng minh bằng sự ghi nhận của những người bạn quý tại Sài Gòn cũng như Hà Nội. Tôi còn trẻ, tôi còn muốn đi nhiều nữa cơ. Đi đủ thì ta về nhà.

Để tạm kết thúc cuộc trò chuyện và mở ra một trải nghiệm thơ mới, thơ Nam Thi, xin gửi tới độc giả trích đoạn bài Em Có Mơ Về Hà Nội Cùng Anh được in trong cuốn Cô Độc Nên Thơ. Không gian Hà Nội do Nam Thi ghi lại, giọng đọc cũng của chính nhà thơ, trên nền nhạc ca khúc Nhớ Về Hà Nội (sáng tác: Hoàng Hiệp, trình bày: Hồng Nhung).

Lâm Oanh - Ảnh: NVCC
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES