Nói đến đồng bằng sông Cửu Long, không thể không nghĩ đến hình bóng của những chiếc ghe tam bản bên hàng dừa soi bóng. Càng về phương Nam, càng không thể thiếu những mái chùa Khmer trầm mặc theo thời gian, rêu phong hay sặc sỡ. Những chiếc mái ba lớp cao vút giữa trời xanh đã trở thành một biểu tượng văn hoá tín ngưỡng của miền đất mà “cò bay thẳng cánh, cá lội đầy sông” này.
Được xây dựng trên nền chánh điện cũ (từ 1860) bằng các chất liệu bền vững, chùa Ghositaram vẫn giữ nét đặc thù của kiến trúc Phật giáo Nam Tông. Chính điện luôn theo hướng đông - tây với mái hình tam giác cân mạnh mẽ.
Bộ mái của chính điện gồm ba cấp. Mỗi cấp lại chia thành ba nếp. Mỗi đỉnh góc mái được đắp cách điệu thành hình đuôi rắn dài, cong vút, mềm mại. Tam giác giữa hai đầu hồi được chạm khắc tinh xảo. Nếp mái có hình tượng thân rồng, đầu nằm ở vị trí các góc đao, thân trải dài với hàng vi lưng sống động, uốn cong.
Được biết, nghệ nhân Danh Sà Rinh đã mất khoảng 4 năm để hoàn tất phần hoa văn trang trí. Đan xen giữa hàng cột trụ chạm khắc tinh xảo là những bức tranh phù điêu mô tả các điển tích của Đức Phật từ lúc sơ sinh cho đến khi thành đạo, được thể hiện sống động với màu sắc rực rỡ, cuốn hút người xem.
Với diện tích 427,5m2, cao 36,3m, chùa Ghositaram không chỉ là ngôi chùa Khmer có chánh điện lớn nhất Việt Nam mà còn là nơi tu học, đào tạo hàng ngàn tăng sinh cho các tỉnh thành lân cận. Ngôi chùa như một điểm son trong văn hóa tín ngưỡng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.