Thu này, những cánh cổng thành tạm khép

08/09/2021

Khi chứng kiến Ô Quan Chưởng khép cửa trong những ngày đại dịch căng thẳng tại Thủ đô, có lẽ không ít người cùng dấy lên nhiều cảm xúc đan xen. Về mặt thực tế, đóng cửa Ô Quan Chưởng không phải là hoạt động đóng cửa thành phố, nhưng về mặt ý nghĩa biểu tượng, không gian đô thị nghìn năm có lẽ cần được “nghỉ ngơi” trong những đêm dài đầu thu.

Quay ngược về quá khứ, Ô Quan Chưởng hay còn gọi là Ô Đông Hà, do nằm trên đất thôn Thanh Hà, tổng Đồng Xuân, bên cửa sông Tô Lịch xưa. Phần đắp bên trên cổng đến giờ vẫn còn ba chữ “Đông Hà Môn”, người Pháp cũng gọi với cái tên tương tự là Porte de Dong-Ha (hiện giờ vẫn còn văn bản lưu giữ bên trong Đền Quan Đế - Hàng Buồm).

Cái tên Quan Chưởng cho tới giờ không có bất cứ một sử liệu nào giải thích một cách chính xác, chỉ còn những câu chuyện truyền miệng về một viên Chưởng Cơ đã chỉ huy quân ta chống cự mãnh liệt khi người Pháp tiến đánh (1), hay đây là con đường chính cho các quan từ bờ bắc sông Hồng khi vào Đông Kinh (2)

Empty
Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Khi xưa, lối ra vào cửa ô được canh gác cẩn mật đã giữ an ninh cho khu buôn bán bên trong, phân định dân trong với dân ngoài, tức là dân kẻ Mơ, kẻ Lủ, kẻ Mọc, kẻ Noi với dân “Kẻ Chợ” tại khu 36 phố, vì thế đi lại không dễ dàng gì. Thành Hà Nội vốn có nhiều cửa ô, nhưng không phải cửa nào cũng quan trọng như Ô Quan Chưởng, bởi bên cạnh việc là đường chính của các quan như đã nói ở trên, các sứ thần nước khác hay đại biểu các dân tộc đến, thì tạm trú ở Gia Lâm, xong cũng vào thành bằng con đường này.

Nhưng trên tất cả, trải qua bao thăng trầm, từ khi được xây vào năm Cảnh Hưng 10 (1749) cùng 21 cửa ô khác, rồi được sửa chữa lại năm Gia Long (1817) cùng 16 cửa ô mà nhà Nguyễn tôn tạo, Ô Quan Chưởng đã được lịch sử lựa chọn thành một biểu tượng cửa ngõ của Hà Nội khi nó là cửa ô duy nhất còn tồn tại cho tới ngày hôm nay.

Thời gian cứ trôi đi cùng biết bao sự kiện gắn liền với dân tộc Việt Nam nói chung và đất Thăng Long - Hà Nội nói riêng, Ô Quan Chưởng trở thành một chứng tích. Và rất nhiều năm kể từ ngày hoà bình, cửa ô đã không còn đóng, cửa ô nằm yên đó như một giá trị về vẻ đẹp của quá khứ, thì ngày hôm nay, khi cánh cổng gỗ khép lại mỗi đêm đủ khiến bao người (có người sống cả đời ngay sát cạnh cũng chưa từng chứng kiến) bỗng bất ngờ và nảy lên suy tư lặng lẽ.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Ảnh: Báo Tổ Quốc

Ảnh: Báo Tổ Quốc

Người viết thực hiện đôi lời này, cũng là một sự trôi chảy theo dòng cảm xúc riêng tư của một người Hà Nội khi nhìn cánh cổng gỗ đóng lại vào đầu mùa thu năm 2021. Có lẽ nó cũng là thời khắc đặc biệt, để để lại vài dòng cho những lớp người sau có thể biết được bối cảnh hôm nay.

Dù chính quyền đã khẳng định việc đóng cửa Ô Quan Chưởng không đi cùng với việc đóng cửa thành phố Hà Nội, mà thực tế thì đúng vậy, vì chức năng ấy chỉ tồn tại khi xưa, giờ không còn nữa. Nhưng mặt khác, ta thấy một ý nghĩa biểu tượng đương đại đang đắp lên một biểu tượng thời đại.

Sẽ cần nói rõ hơn rằng, biểu tượng là một hình thức của nhận thức cao hơn cảm giác, lưu giữ trong suy tưởng của chúng ta hình ảnh của một sự vật mà từ đó, nó có giá trị như một phương thức chuyển nghĩa của lời nói hoặc một loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt có khả năng truyền cảm mạnh mẽ. Ô Quan Chưởng vốn là một công trình đánh dấu địa phận, và sự tồn tại đến hiện giờ, nó trở thành cánh cửa ngôi nhà lớn cho toàn thể người Hà Nội. Sự khép cửa của Ô Quan Chưởng là cái chung, lan toả thành những cánh cửa khép rất riêng của từng gia đình đang “ở đâu thì ở yên đấy”. Ấy là sự bồi đắp liên tục giá trị biểu tượng.

Ảnh: Báo Tổ Quốc

Ảnh: Báo Tổ Quốc

“Bệnh dịch làm buồn những phố”, đó là điều duy nhất mà tôi nghĩ đến khi ngắm nhìn những con đường Hà Nội hôm nay. Hà Nội trong những ngày đầy gian khó, thành phố cần được nghỉ ngơi. Với những người mang tâm hồn văn nghệ và cả tình yêu sâu sắc với mảnh đất nghìn năm này, hẳn đều mong muốn thành phố yên lặng nghỉ ngơi trọn vẹn để mau chóng phục hồi. Và đó là tâm tư mà tôi muốn bày tỏ khi ngắm nhìn hình ảnh Ô Quan Chưởng cửa gỗ cài then.

Một ngày đầu mùa thu, tiết trời Hà Nội vẫn cứ đẹp dù cánh cửa nào đã khép. Xét cho cùng, tự thi vị hoá những điều đang diễn ra trước mắt chúng ta đã trở thành bản chất của người Hà Nội. Có như thế, mọi cuộc đấu tranh, dù chống giặc hay chống dịch cũng nhất định dẫn đến thành công. Và Ô Quan Chưởng sẽ tiếp tục chứng kiến và ghi nhận điều đó. Trước khi kết thúc những dòng lan man này, chỉ xin trích một câu thơ rất thân thuộc:

Thăng Long bao quản nắng mưa

Cửa Ô Quan Chưởng bây giờ còn đây

Tham khảo

(1) Hà Nội Xưa và Nay - Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội (xb.1994)

(2) Phố phường Hà-Nội-Xưa - Hoàng Đạo Thuý

Nam Thi
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES