Hà Nội sao mà phải vội?

21/08/2021

Hà Nội không vội được đâu, nhất là chuyện ăn uống.

Nghe qua có vẻ hợp lý, ngẫm kĩ thì thấy “kiêu kì” đến mức lạ kì - bạn chỉ có thể ăn đồ Hà Nội ở Hà Nội. Nói rõ hơn, chỉ món Hà Nội ăn ở Hà Nội mới ngon mới thấm thía. Hà Nội nhất quyết không chịu “dung nạp” đặc sản món ngon các vùng miền khác. Bạn không thể gật gù thỏa mãn với các món bánh xèo, nem lụi, cơm tấm, bánh canh ở Hà Nội. Ngược lại, vào Sài Gòn, rất khó để kiếm được một hàng bún riêu bún chả Hà Nội “có hồn”.

Hà Nội bất di bất dịch, giờ nào thức nấy, mùa nào món nấy, hài hòa cùng vạn vật cùng đất trời, rất ung dung vui thú. Bạn có thể ăn bún đậu mắm tôm ở Sài Gòn lúc 8 giờ sáng - điều này ở Hà Nội gần như bất khả thi. Có những món bún có thể ăn lai rai cả ngày, có những món bún chỉ phù hợp vào giờ Ngọ, song cơ bản, người Hà Nội không quen ăn bún vào buổi tối. Giờ thiên hạ hò nhau giữ dáng giảm cân, bữa tối ăn nhẹ ăn ít, bún mới có cơ hội lên ngôi.

_VBK1886
Empty

Dạo gần đây, trên mạng bỗng rộ lại “bí kíp” 50 phép tắc trên mâm cơm Việt, chao ôi là rắc rối! Song sau khi đọc hết, hóa ra đều là những phép tắc cơ bản trên mâm cơm người Bắc nói chung, người Hà Nội nói riêng bấy lâu nay. (Thực ra, nếu muốn, người viết còn có thể bổ sung thêm ít nhất 10 phép tắc mâm cơm phố cổ nữa vào “bảng phong thần” trên). Tôi từng có dịp đi du lịch/công tác vào miền trong, ngồi ăn cơm cùng gia đình một người bạn, trót quen thói Hà Nội, mời từng người một xơi cơm, khiến cả nhà họ đang xuề xòa vui vẻ bỗng im lặng rồi “căng thẳng” trịnh trọng theo luôn, quả là chút kỉ niệm “xung đột” vùng miền đáng nhớ.

Chuyện mời ăn cơm giản đơn vậy thôi, nếu muốn cũng có thể biên ra được một bài dài dễ chừng đến cả trang giấy là ít. Chữ xơi dùng khi nào và chữ ăn dùng khi nào, và nhất nhất tuyệt nhiên không bao giờ người trẻ được mời cho nhanh, cho chiếu lệ câu “mời cả nhà ăn cơm” - vì thế là… hỗn.

Empty

Nhắc đến chút “va chạm” liên quan đến chuyện mời cơm, lại nhớ đến “sự kiện” tranh cãi giành nhau xem Bắc-Trung-Nam ai “đẻ” ra món phở, và món phở vùng nào là nguyên gốc nhất, ngon nhất. Sự tự tôn ấy được đẩy lên mức “cực đoan” “cứng cựa” khi nhiều nhân vật trí thức cao như tiến sĩ/giáo sư cũng lao vào “cuộc chiến” ẩm thực nảy lửa này.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Lửa cời lên cho cháy, tiếng Pháp là “Feu”. Ngoài giả thiết phở quê gốc phố cổ Hà Nội sát sạt sông Hồng, rồi phở quê Nam Định, rồi phở quê gốc Quảng Đông - Trung Quốc, thì phở còn liên can đến feu tiếng Pháp, ngắn gọn là do những người Việt tại Pháp đầu thế kỉ 20 nổi lửa mỗi sớm rồi chế ra món pot - au - feu gồm nước súp bò kèm các loại gia vị nêm nếm cho hợp khẩu vị người Việt. Giờ, mọi tranh cãi cũng dư thừa, món phở đã được cả thế giới công nhận là quốc hồn quốc túy Việt Nam, và tương tự món mì ramen Nhật Bản, món ngon này nở rộ phong cách, tùy thuộc điều kiện thổ nhưỡng - khẩu vị từng vùng trên mảnh đất chữ S mà có những biến tấu, tùy chỉnh cho thêm nhung nhớ.

Phở bò có thể coi là thông dụng và nổi tiếng nhất. Tuy nhiên, ở Hà Nội, bạn còn có thể thưởng thức món phở còn cầu kì và “quý tộc” hơn phở bò gấp nhiều lần, đó là phở gà. Cùng là phở, song hai thứ thịt “topping” bò-gà không thể “đội trời chung”. Phở gà ra đời sau phở bò, nguyên do là vì có những ngày Hà Nội từng không có thịt bò mà bán, nên người ta thay thịt bò bằng thịt gà cho vào phở. Từ đó, những năm 30 của thế kỉ trước, quy tắc nấu phở gà dần được hình thành. Nếu phở bò “bình dân”, nước dùng cuồn cuộn các loại dược thảo nghi ngút rồi xương bò thơm ngậy nức nở, phở gà không thế. Hàng phở nào chung chạ phở bò - phở gà một nồi nước dùng, hẳn nhiên, tềnh toàng và xoàng xĩnh. Phở gà nước trong thơm, thanh tao, xương gà ninh kĩ lấp ló chút váng mỡ gà rất dịu dàng, chứ không thể “xôi thịt”, “nặng mùi” như phở bò được. Phở gà cứ vậy dần được đẩy lên hàng món ngon “quý tộc” nơi phố cổ Hà Nội. Tuy nhiên, phở nào thì phở, nhiệt độ rất quan trọng. Nhiều người thần tượng phở “nghiêm cẩn” đến độ ăn phở nhất quyết không dùng thìa, bởi thìa múc nước phở từ bát phở đưa lên miệng là đã làm nguội lạnh ít nhiều nước dùng rồi, mất ngon mất tinh túy.

Empty
Empty

Phở Hà Nội vẫn thế, từ thời ông Vũ Bằng viết Miếng ngon Hà Nội vào năm 1952 cho đến hiện tại, 69 năm sau đó, người Hà Nội vẫn cần mẫn xếp hàng mỗi sáng đợi để được ăn một bát phở ngon tinh xảo chỉ dùng đũa không cần thìa. Và Hà Nội không chỉ có mỗi phở là biết gây thương nhớ. Mời bạn cùng ngắm tâm hồn Hà Nội qua những bức ảnh chụp món ngon quen thuộc và gắn bó với chúng ta bao lâu nay (dù đang tạm xa vắng trong những ngày nay), được ghi lại bởi Nhiếp ảnh gia Vũ Bảo Khánh.

Empty
Empty
Empty
Empty

Bún chả, bún mọc, bún riêu..., những món mà bạn có thể ăn vào bất kể sáng, trưa hay chiều, và rất dễ tìm thấy trong khu phố cổ. Cũng đừng quên mua vài chiếc bánh rán vàng ruộm, tròn xinh với mức giá từ thuở ngày xưa - chỉ... hai (hoặc ba) nghìn đồng cho một miếng cắn nóng hổi ngọt ngào.

Empty
Empty
Empty

Nếu tín đồ phở bò thường sẽ tìm đến những quán gia truyền thì đối với phở gà, việc lựa chọn điểm ăn lại dễ dàng hơn. Không có hàng phở gà nào ở Thủ đô được coi là gia truyền, thay vào đó các hàng phở gà xuất hiện nhiều trong phố cổ - từ quán to, quán nhỏ cho tới hàng dựng trên vỉa hè (nhưng không phải hàng nào cũng có món phở gà trộn nhé).

Empty
Empty
Empty
Empty
Empty
Empty

Món gì đây... mà khiến người Hà Nội nô nức - nhẫn nại đến thế?

Empty
Empty
Empty
Empty
Empty
Empty
Hanoi Street Food -1416

"Cám dỗ" người Hà Nội đến thế, chỉ có thể là phở bò, đương nhiên rồi.

Nếu bạn vừa dùng bữa trong khu phố cổ và đang tiếp tục tìm kiếm một cốc cà phê (trứng) thật ngon, Đinh có phải là cái tên đầu tiên bật lên trong đầu?

Empty
Empty
Empty
Empty
Empty
Quán cà phê trên phố Đinh Tiên Hoàng của

Quán cà phê trên phố Đinh Tiên Hoàng của "u Bích", tồn tại từ những năm 1980 cho đến nay.

Thứ mặn mà nhất ở trong phố cổ Hà Nội không nằm ở những hàng ăn, mà ở người bán. Dù là người bán phở, bán bún, bán rau hay bán hoa, họ đều vô tình mang theo mình cái dáng vẻ vừa hoạt náo, sinh động, tươi tắn, lại vừa "cũ kỹ", thâm trầm. Vậy nên đừng lo rằng mình chẳng may ăn "nhầm" một hàng dở tệ, bởi cái miếng ăn trong không khí ấy tự nó cũng đã đủ phần đậm đà. Hãy cứ từ tốn thôi, Hà Nội mà, sao phải vội?

Empty
Empty
Empty
Empty
Empty
Empty
Empty
Empty
Empty
ChQcQ - O - Ảnh: Bảo Khánh
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES