THÚ CHƠI ÔTÔ CỔ Ở XỨ TRÀ B’LAO

16/04/2015

Nhiều người bảo rằng “chơi xe cổ thì khổ”, ý nói việc sưu tầm hay sở hữu một chiếc xe cổ không phải chuyện giản đơn. Và bên cạnh niềm đam mê đã ngấm vào máu thịt, thú chơi này còn đòi hỏi ở người chơi những trang bị kiến thức về xe cổ.

Bài: Giang Phong

Ảnh: Huy Nguyễn

 

Nếu lúc trước, việc sưu tầm và chơi xe ô tô cổ rơi vào những người “có điều kiện” thì nay đây không còn là món chơi xa xỉ mà thực sự trở thành thú vui tao nhã cho những ai muốn hoài cổ. Đứng trước một chiếc xe ô tô cổ, dù là loại xe gì, tôi luôn bị nó cuốn hút ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhất là những chiếc xế cổ còn lăn bánh. Sự kích thích ấy khiến tôi lặn lội từ TP.HCM về cao nguyên Bảo Lộc (Lâm Đồng) để tham gia cùng các thành viên trong CLB Ô tô cổ TP. Bảo Lộc chinh phục những cung đường từ xứ trà Bảo Lộc đi Cao nguyên  Lâm Viên về xứ biển Phan Thiết và ngược lại theo cung đường mới. 

 

 

Cuộc trải nghiệm lần đầu tiên gần 700 km bằng xe ô tô cổ phần nào đáp ứng về tính tò mò cá nhân cũng như thú chơi xe ô tô cổ của những con người ở xứ trà B’Lao (Bảo Lộc). Kể từ lần chinh phục ấy, tôi bắt đầu tìm hiểu về các xế cổ sản xuất từ những thập niên 1940 cho đến 1975, nhất là những chiếc xe ô tô cổ đang lưu hành tại xứ trà B’Lao và cao nguyên Lâm Viên.

Tôi tìm gặp ông Trương Minh Tuấn, một thương nhân buôn bán phụ tùng ô tô tại TP. Bảo Lộc, hiện đang sưu tầm và sở hữu ba chiếc xe được cho là ra đời sớm nhất trong hơn 25 chiếc xe cổ thuộc CLB Ô tô cổ Bảo Lộc. Đó là chiếc Volkswagen Kombi Deluxe đời 1959, chiếc Citroen Desevo 2CV đời 1960 và chiếc Volkswagen Beetle 1300. “Thời còn làm tài xế lái xe khách tuyến Đà Lạt – TP. Hồ Chí Minh, mỗi khi nhìn đâu đó có những chiếc xe ô tô cổ, về nhà không ăn không ngủ được, hình ảnh xe cổ cứ ám ảnhsuốt ngày này qua ngày khác. Mãi cho đến 5 năm trở lại đây tôi mới thực sự tìm hiểu và sở hữu những chiếc xe cổ mà mình yêu thích”, ông Tuấn bộc bạch.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

 

 

Một thành viên khác từ CLB Ô tô cổ Bảo Lộc là Trọng Nguyễn, một tay chơi xe ô tô cổ tướng mạo rất “thư sinh”, thích phiêu du, đang sở hữu những chiếc Citroen Traction Avant đời 1934, chiếc Volkswagen Beetle 1300, đặc biệt là chiếc xe 3 bánh kiểu Lambro thuộc dòng xe Lambretta sản xuất ở Ý. Tuy ít có giá trị về tài sản nhưng xe Lambro (thường gọi là xe Lam) là loại xe quen thuộc, một thời là một phương tiện giao thông công cộng phổ biến ở Việt Nam, nhất là ở miền Nam Việt Nam từ thập niên 1960, dành cho người lao động bình dân. Tuy nhiên, qua tay dân chơi xe cổ, Trọng Nguyễn đã “nâng cấp” chiếc xe Lam của mình thành một kiểu dáng rất Italy!

Có lẽ không đâu thích hợp hơn ở xứ cao nguyên Lâm Viên hay xứ trà B’Lao khi giới chơi xe cổ thích sưu tầm những chiếc Citroen – La DaLat. “Nhắc đến xe hơi La DaLat, người ta nghĩ ngay nó còn rất nhiều ở đâu đó trên vùng cao nguyên Lâm Đồng, mặc dù nó được xuất xưởng tại Sài Gòn vào những năm 1970 – 1975”, Vũ Xuân Oánh, một trong những người sở hữu những chiếc La Dalat vào thập niên 1980 ở Bảo Lộc, cho biết.

 

 

Nói về xế cổ La Dalat, ông Oánh kể, Từ năm 1970 cho đến 1975, Công ty Xe hơi Sài Gòn đã sản xuất hơn năm ngàn chiếc xe dân dụng La Dalat tại Việt Nam với mức độ nội địa hóa lên đến 40%. Ước tính từ năm 1970 cho đến 1975, Công ty Xe hơi Sài Gòn sản xuất hơn năm ngàn chiếc La Dalat, tức là hơn một ngàn chiếc mỗi năm! Theo thiết kế, chiếc xe này sở hữu động cơ 4 thì, 602 phân khối, 2 xi lanh đối ở 2 đầu nằm dẹp (flat twin), hộp số gồm 4 số tay, chuyển động ở trục bánh trước. La Dalat được đánh giá là chiếc xe ít tốn xăng, dễ sửa chữa, dễ thay thế các bộ phận hỏng hóc, đặc biệt các bộ phận như cánh cửa, kính xe đều có thể "tự chế", dễ làm hơn các loại xe Nhật Bản và rẻ tiền. 

 

Tiền thân là gốc Pháp nhưng La Dalat đã để lại dấu ấn không hề nhỏ mang tên Made in Viet Nam. Năm 1973, ngạc nhiên và hài lòng với thành công đáng ngờ của Công ty Xe hơi Sài Gòn, hãng Citroen đã sang Việt Nam lấy 3 chiếc La Dalat về Pháp để mổ xẻ phân tích thiết kế, từ đó họ cho ra đời kiểu khung xe dễ sản xuất mà không đòi hỏi đầu tư nhiều công nghệ như chiếc Baby Brousse mui trần thế hệ thứ hai hay chiếc FAF.


Ông Đoàn Tám, Chủ nhiệm CLB Ô tô cổ Bảo Lộc, cho biết: “CLB Ô tô cổ Bảo Lộc chỉ mới hình thành cách đây gần 1 năm. Chơi ô tô cổ chỉ mê chưa đủ, cần phải có những kiến thức nhất định về đời xe, dòng xe... Chơi ô tô cổ cần phải kiên trì, không thể nôn nóng được, hầu hết những chiếc ô tô này ra đời cả nửa thế kỷ nên chơi nó mà không biết chiều chuộng, thì dễ chia tay nhau”. 

Trong sự kiện Tuần Văn hóa Trà Lâm Đồng diễn ra hồi cuối năm 2014, người dân Lâm Đồng và du khách thích thú khi được ngắm nhìn những chiếc xe ô tô cổ diễu hành quanh thành phố Bảo Lộc và Đà Lạt. Những chiếc xe này thuộc sở hữu của các hội viên CLB Ô tô cổ Bảo Lộc và Đà Lạt như Volkswagen Kombi Deluxe đời 1959, Citroen Desevo 2CV Volkswagen, Traction Citroen 1953, Citroen La DaLat... khiến cho người xem hoài niệm về một Đà Lạt xưa khi mà các dòng xe này từng thịnh hành vào thời kỳ đó. 

 

 

Những người yêu xe cổ trên cao nguyên Lâm Đồng nói chung hay các thành viên trong CLB ô tô cổ Bảo Lộc nói riêng đã phần nào dành trọn niềm đam mê của mình để giữ gìn, nâng niu những chiếc xe với hình dáng dường như không thay đổi từ những ngày đầu ra đời cho đến nay. Mỗi chiếc xe có một sức sống mãnh liệt riêng tạo nên giá trị của nó qua thời gian.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES