Sau một thời gian dài giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 được người dân đón đợi như một dịp để vui chơi, thư giãn, xoa dịu tâm lý căng thẳng. Mặc dù du lịch chưa được cổ vũ trong thời điểm này nhằm đảm bảo việc kiểm soát dịch bệnh đạt hiệu quả nhưng vẫn có khá nhiều du khách tìm đến các điểm đến trong nước. Qua kỳ nghỉ này, có thể nhận thấy thị trường du lịch Việt Nam có cơ hội và nắm bắt cơ hội phục hồi như thế nào?

Empty
Empty

Không giống như mọi năm được chuẩn bị kỳ công từ nhiều tháng trước, kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay được chờ đón với tâm lý thấp thỏm. Chỉ vài ngày trước lễ, thông tin về việc nới lỏng giãn cách xã hội mới được chính thức thông báo, tiếp theo đó là thông tin về việc mở cửa đón khách du lịch tại các địa phương. Và khi đó, người dân mới có thể đưa ra quyết định về kỳ nghỉ của mình.

Có thể thấy, thành công trong công tác phòng chống và kiểm soát dịch Covid-19 của Việt Nam đã tạo điều kiện để đa số các tỉnh thành cho phép hoạt động trở lại dịch vụ du lịch. Từ đầu tuần này, nhiều tỉnh/thành từ Bắc vào Nam đã thông báo mở cửa toàn bộ các điểm đến, đón khách tham quan trở lại như Lào Cai, Ninh Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Bắc Giang, Quảng Bình, Quảng Nam, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk, Đà Lạt, Cà Mau… kèm theo những yêu cầu bắt buộc về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đối với du khách. Các cơ sở kinh doanh lưu trú, homestay, nhà hàng cũng được hoạt động. 

Empty

Tuy nhiên, một số địa phương vốn là điểm nóng hút khách trước đây thì nay “mở cửa” khá thận trọng để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch. Các điểm di tích, tham quan ở Hà Nội chưa mở cửa nhưng theo Sở Du lịch Hà Nội, những khu, điểm du lịch như: làng cổ Đường Lâm, làng gốm sứ Bát Tràng, khu du lịch sinh thái Ao Vua... có đặc thù riêng nên vẫn đón khách nhưng phải tuân thủ các quy định trong phòng, chống dịch.

Tuyến du lịch thu hút đông đảo du khách là Hội An - Đà Nẵng - Huế ưu tiên mở cửa các điểm tham quan, di tích nổi tiếng như Di tích Cố đô Huế, Mỹ Sơn, Bà Nà Hills, đảo Lý Sơn…

Tỉnh Khánh Hòa cho phép mở cửa di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng để phục vụ nhu cầu tham quan, tín ngưỡng của người dân và du khách nhưng vẫn tạm thời chưa cho phép hoạt động tắm biển cho đến hết dịp lễ 30/4 - 1/5.

Tại Cần Thơ, các điểm du lịch sinh thái miệt vườn, tàu chở khách tham quan chợ nổi Cái Răng vẫn chưa nhận khách.

Một số ít địa phương như Quảng Ninh bất ngờ phát công văn hoả tốc vào sáng 1/5 cho phép các điểm tham quan, du lịch hoạt động trở lại từ 12h ngày 1/5; Ninh Thuận vẫn dừng các hoạt động tham quan tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa… trong kỳ nghỉ lễ này.

COVIT 6
Empty

Có thể nói, các doanh nghiệp trong ngành du lịch đã có sự chuẩn bị sẵn sàng và kỹ lưỡng để ngay lập tức kích cầu thị trường du lịch trong thời điểm này khi có thông báo chính thức.

Cùng với việc Cục Hàng không Việt Nam phân bổ tần suất khai thác trên các đường bay nội địa cho các hãng hàng không từ ngày 29/4, các hãng hàng không cũng lập tức tung chương trình giảm mạnh giá vé máy bay như chươnng trình 3,5 triệu vé giá 99.000 đồng (chưa gồm thuế, phí) của Vietjet, hay chương trình giá vé khứ hồi chỉ từ 1,29 triệu đồng/khách (đã có thuế phí) đối với các đường bay nội địa của Vietnam Airlines… Nhờ vậy, dịch vụ hàng không đã bắt đầu bận rộn hơn trong kỳ nghỉ lễ. Theo ghi nhận trong ngày 30/4, có tổng cộng 238 chuyến bay khai thác trên toàn mạng bay tại Việt Nam.

Empty

Nếu như những năm trước, dịp 30/4 - 1/5 sẽ là đợt cao điểm “chạy” tour và “cháy” phòng khách sạn, thậm chí còn có hiện tượng tăng giá gấp đôi, gấp ba lần tại nhiều điểm đến thì năm nay, nhiều công ty du lịch, khách sạn, resort tung hàng loạt gói khuyến mãi tại nhiều điểm du lịch với mức giá giảm mạnh.

Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng đã mở cửa đón khách trở lại ngay từ ngày 28/4 với giá dịch vụ giảm 30-50% so với thời điểm trước. Khu nghỉ dưỡng Jade Hill Sapa tung chương trình ưu đãi chỉ từ 1 triệu đồng/khách nên đã nhanh chóng kín phòng trong dịp này, lượng khách chủ yếu đến từ các tỉnh miền Bắc. Một số khách sạn/khu nghỉ dưỡng 4-5 sao như Royal Lotus Đà Nẵng, Ananta và Avani Quy Nhơn… đồng loạt tung chương trình “ở 2 đêm, trả tiền 1 đêm”.

Nhiều gói combo cũng được các “đại gia” áp dụng trong dịp này như hệ thống khách sạn Vinpearl và công viên chủ đề VinWonders tung gói ưu đãi lên tới 50% giá trị và thời hạn áp dụng tối đa tới 30/11/2020; FLC tung combo nghỉ dưỡng 3 ngày 2 đêm bao gồm khách sạn và vé máy bay tới các điểm đến Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Phú Quốc…

Hệ thống nhà hàng tại các thành phố lớn cũng tung nhiều chương trình ưu đãi sốc để thu hút du khách: nhà hàng Home Hà Nội giới thiệu chương trình ăn không giới hạn tôm hùm với mức giá 1.290.000 đồng và uống không hạn chế vang và whisky với giá 299.000 đồng, đặc biệt áp dụng "mua 1 tặng 1" khi đặt bàn hoặc mua voucher (có thời hạn đến hết 31/12/2021) từ nay đến hết ngày 4/5; nhà hàng Vietheritage (TP.HCM) giảm giá từ 15-20% cho khách lẻ và khách đoàn…

Empty
Empty

Không phụ sự trông đợi của những người làm trong ngành dịch vụ du lịch, cộng thêm sức hấp dẫn từ những chương trình ưu đãi chưa từng có tiền lệ trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhiều điểm du lịch danh tiếng nhanh chóng được du khách lấp đầy.

Từ sáng đến chiều ngày 30/4, tình trạng tắc đường diễn ra kéo dài trên tuyến TP.HCM - Đà Lạt khi phần lớn người dân đều sử dụng phương tiện cá nhân để đổ xô về thành phố hoa tận hưởng không gian lãng mạn và không khí mát dịu. Anh An Nguyên, một người chịu cảnh kẹt xe trầm trọng này đã phải thốt lên: “Đường từ Sài Gòn lên Đà Lạt đã chính thức thành đường một chiều và từ 2 làn xe lên 4 làn xe”. Đến chiều và tối, các điểm tham quan chính tại Đà Lạt như chợ đêm, quanh hồ Xuân Hương, khu vực Quảng trường Lâm Viên… đã đông kín người đứng kề vai sát cánh, hoàn toàn không thể tuân thủ đúng quy định giãn cách an toàn. Theo dự báo trước đó của ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng, mỗi ngày lễ sẽ có khoảng 1.000 du khách đến Đà Lạt tham quan du lịch, nghỉ dưỡng nhưng có lẽ con số thực tế đã vượt dự báo.

Empty

Các dịch vụ lưu trú tại đây cũng nhờ thế mà bận bịu trở lại tích. Từ sau 23/4, khi tỉnh Lâm Đồng bắt đầu cho phép các hoạt động du lịch thì các khách sạn, nhà nghỉ cũng bắt đầu nhận khách đặt phòng qua mạng, điện thoại để phục vụ dịp lễ này. Hầu hết sảnh các khách sạn, nhà nghỉ đều có ô tô cá nhân và xe máy đậu kín, chủ yếu du khách đến từ các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hoà, Đồng Nai, TP.HCM...

"Chúng tôi mở cửa trở lại từ 29/4 và đã lập tức kín phòng ngay trong tối hôm đó. Khu nghỉ dưỡng cũng đưa ra một số mức giá ưu đãi trong dịp nghỉ lễ này" - anh Nguyễn Xuân Nam, Quản lý Truyền thông của Ana Mandara Villas Dalat cho biết.

Bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hoá) tuy không so sánh được với những năm trước nhưng vẫn giữ được vị thế là điểm nóng của du lịch miền Bắc dịp này. Hàng chục nghìn người dân địa phương và du khách từ khắp nơi đã đổ về bãi biển Sầm Sơn từ sáng 30/4. Đây cũng là ngày đầu tiên bãi biển này mở cửa đón khách trở lại sau khi lệnh cách ly xã hội được gỡ. Nhiều khách sạn, nhà nghỉ chật kín. Chỉ tính riêng FLC Sầm Sơn thì hơn 1.000 phòng khách sạn và villa tại đây đã kín chỗ sau vài ngày nhận khách kể từ khi có chỉ đạo nới giãn cách xã hội.

Lượng khách đến Vũng Tàu trong dịp 30/4 cũng tăng nhẹ. Không được tắm biển (theo quy định của tỉnh Vũng Tàu), du khách thay vào đó sử dụng dịch vụ tại các hàng, quán, khu nghỉ dưỡng của tỉnh. Tại khách sạn Pullman Vũng Tàu, với nhiều ưu đãi trong dịp nghỉ lễ, ghi nhận lượng khách đạt đến 70%.

Empty

"Melia Hồ Tràm hiện áp dụng mức giá có phụ thu dành cho ngày lễ, nhưng phần lớn khách lưu trú đều là các nhóm gia đình đến từ TP.HCM với nhu cầu nghỉ dưỡng trong 2-3 ngày, nên họ không đắn đo nhiều đến mức giá. Lượng khách trong dịp nghỉ lễ ở khách sạn cũng đạt đến 80%" - đại diện khách sạn Melia Hồ Tràm cho biết.

Phú Quốc vắng vẻ hơn nhiều so với cùng thời điểm này của những năm trước nhưng do còn nhiều khách sạn chưa mở cửa trở lại nên một số khách sạn dù không tung ra ưu đãi nhưng vẫn kín khách. 

"Dù là những ngày lễ nhưng đang là mùa dịch nên khách sạn cũng không tăng giá, thêm phụ thu... Ngay từ ngày đầu tiên mở cửa trở lại, 28/4, lẫn trong dịp nghỉ lễ, khách sạn chúng tôi vẫn tiếp nhận lượng khách khá đông, trong đó có cả người Việt lẫn người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam" - chị Trang Lê, Quản lý Truyền thông của JW Marriott Phú Quốc cho biết.

COVIT 5 (2)

Tuy nhiên, không phải điểm đến nào trên cả nước cũng ghi nhận những tín hiệu khởi sắc. Đà Nẵng - Hội An, vốn là những điểm du lịch "hot" song lượng khách ghi nhận được hiện nay không đáng kể, dù nhiều dịch vụ đã hoạt động trở lại. Một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng như Danang Golden Bay, Palm Garden Hoian đều chỉ đạt 30-50% lượng khách. Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, dự báo số lượt khách lưu trú trong dịp lễ 30/4 - 1/5 năm nay ở Đà Nẵng chỉ vào khoảng 1.626 lượt, giảm 99% so với cùng kỳ năm 2019. Đa số khách lưu trú tính đến thời điểm này là khách ở trước thời điểm 28/3, một số khách nội địa đi công tác sau khi hết cách ly xã hội.

Sa Pa, Ninh Bình, Cần Thơ… vốn là những điểm đến nổi tiếng nhưng năm nay đều không quá đông đúc, chỉ tương đương với những dịp cuối tuần khác trong năm.

Empty
Empty

Có nhiều băn khoăn dành cho những người lựa chọn đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ này đã được đưa ra, thậm chí có ý kiến cho rằng những du khách này thiếu cẩn trọng và ý thức đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, quan điểm của những du khách này cho thấy một thực tế khác.

Chị Hoàng Anh cư trú tại Ba Đình, Hà Nội là một trong những du khách nội địa trong kì nghỉ 30/4 này cho biết: “Sau nhiều đắn đo thì mình cùng gia đình vẫn quyết định là sẽ đi nghỉ 30/4 tại Mộc Châu. Với kì nghỉ ngắn chỉ 2 ngày 1 đêm và tại nơi có không gian thiên nhiên rộng lớn như Mộc Châu thì gia đình mình đều cảm yên tâm”.

Chị Hoàng Anh cũng cho biết dù là đi du lịch dạng tour nhưng lượng khách của đoàn chị tham gia chỉ khoảng 20 người trên một xe du lịch 45 chỗ, đảm bảo giãn cách mỗi người 2 ghế/hàng. Mỗi hành khách đều phải đảm bảo đeo khẩu trang và được đo thân nhiệt trong suốt chuyến đi nên tất cả mọi người trong đoàn đều yên tâm. Đặc biệt, tại tất cả các điểm tham quan trong hành trình của mình, chị Hoàng Anh đều thấy các cơ sở thực hiện đầy đủ các công tác phòng chống dịch, hạn chế số lượng đoàn tham quan vào trong một thời điểm để tránh tụ tập đông người.

Empty

Khác với sự lựa chọn của chị Hoàng Anh, anh Thành Phong sống tại Hai Bà Trưng, Hà Nội lại lựa chọn tự du lịch trên chiếc xe riêng của gia đình: “Vì gia đình có con nhỏ, nên mình cẩn thận lựa chọn việc đi xe riêng và điểm đến là một trang trại nhỏ tại Sóc Sơn. Dù rất muốn đi xa hơn nhưng mình nghĩ vậy là phù hợp tình hình dịch hiện tại hơn bao giờ hết”.

Để cẩn thận hơn nữa, gia đình anh Phong chọn thuê hẳn một căn nhà riêng tại trang trại, mọi sinh hoạt trong gia đình là hoàn toàn tự túc, ngay cả việc nhận phòng cũng qua hộp số mở tự động và điện thoại chứ không cần liên hệ hay gặp mặt chủ nhà. Vì là đi nghỉ dạng picnic nên gia đình cũng chủ động chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho 3 ngày nghỉ tại đây chứ không ăn ngoài hàng quán.

Đó là sự lựa chọn của những gia đình trong kỳ nghỉ, còn chị Thu Hằng là người độc thân nên lựa chọn một loại hình du lịch trẻ trung hơn: đó là trekking đường rừng. Chọn điểm đến là rừng Quốc gia Cúc Phương, chị Hằng đã dành rất nhiều sự chuẩn bị cho chuyến đi này. “Một người bạn sống tại Ninh Bình kể với mình rằng trong gần 2 tháng đóng cửa do dịch Covid-19 vừa qua, khu rừng Cúc Phương đã có rất nhiều thay đổi thú vị do không có sự ảnh hưởng của con người. Từ việc các loài động vật xuất hiện nhiều hơn, các loài thực vật phát triển um tùm hơn đều khiển bản thân mình rất tò mò. Và hơn nữa, việc đi sâu vào khu rừng như vậy chắc chắn sẽ hạn chế được việc tiếp xúc với nhiều người mà vẫn có được kỳ nghỉ thú vị” - chị Hằng chia sẻ.

Empty

Đến thời điểm hiện tại vẫn còn khá sớm để xét đoán về tình hình thị trường du lịch. Đến nay, các đại lý cũng ghi nhận việc 50% vé máy bay được bán ra trong giai đoạn này đều là của những chuyến bay có thời gian từ tháng 6 trở đi và kéo dài đến cuối năm.

Tuy nhiên, sự phục hồi đầu tiên đến từ thị trường nội địa sẽ tạo nên một tiền đề để người dân dần xoá bỏ tâm lý e ngại, đồng thời cho thấy cơ hội cho ngành du lịch Việt Nam ở thị trường nội địa. Trong khi đó, việc đi du lịch nước ngoài hay đón khách quốc tế vào Việt Nam chắc chắn sẽ hồi phục muộn hơn nhiều bởi tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn rất căng thẳng. Khả năng cao là phải đến quý 4 năm nay thì du khách nước ngoài mới bắt đầu đi lại nếu thế giới khống chế dịch thành công trong quý 2 năm nay.

Empty