Không chỉ chúng ta, mà các nghệ sĩ-người nổi tiếng, trong những ngày lockdown đều có xu hướng dành nhiều thời gian cho mạng xã hội như Instagram hay TikTok. Tại sao không, khi đó là những không gian hoàn hảo để giải trí, chia sẻ và giữ kết nối với lẫn nhau? Thế nhưng, lại cũng có những người nổi tiếng chọn “chống dịch” một cách... im ắng và lặng lẽ hơn. Travellive đã tìm đến “gõ cửa” không gian của Thùy Dung, một cô Á hậu nhỏ nhẹ, dịu dàng, để hiểu thêm về cách chống dịch ít giống ai của cô.

Textbox-2

Dung có thể tả qua cuộc sống mình trong quãng thời gian này?

Trong suốt thời gian lockdown, câu hỏi Dung nhận được nhiều nhất cũng chính là câu Dung hỏi mọi người nhiều nhất, “Ổn không?”. Dĩ nhiên ở thời điểm đặc biệt này không một ai là ổn cả, sức khỏe, kinh tế và tâm lý đều bị ảnh hưởng bởi những thay đổi, Dung cũng không ngoại lệ. Nhưng chúng ta đang tìm kiếm và làm quen với trạng thái bình thường mới thì song song với đó, Dung cũng tìm thấy trạng thái “ổn” mới. Một ngày của Dung diễn ra khá đơn giản, ăn đủ ba bữa, vận động nhẹ, video call với bạn bè, nhìn thấy ba mẹ khoẻ mạnh là Dung quá ổn rồi.

Bên cạnh việc thực hiện các quy định-hướng dẫn của nhà nước, cách "chống dịch" của riêng Dung là gì? 

Dung không cố ép bản thân mình tích cực đâu, Dung đón nhận mọi cảm xúc và tìm cách làm bạn với chúng, biến chúng thành những hành động có giá trị. Dung đã trải qua 3 giai đoạn, với mỗi giai đoạn Dung lại có những cách “chống dịch” riêng.

Giai đoạn 1 là những ngày đầu giãn cách, Dung dành toàn bộ thời gian để trang trí, chăm sóc nhà cửa, nấu ăn, đọc sách, dưỡng da, tập thể dục và trong lúc đó, Dung cảm thấy mình đang làm đúng, đang tích cực và tận dụng tốt khoảng thời gian này. Giai đoạn 2 là sau đó hai tuần, những thói quen nghe có vẻ “healthy and balanced” (lành mạnh và cân bằng) này không còn hiệu quả với Dung nữa, Dung chuyển sang cảm thấy hoảng loạn. Đó là lúc Dung dừng toàn bộ những thói quen “tích cực” ấy, bỏ dùng điện thoại, và đối mặt với những bất ổn trong mình. Dung bắt đầu chuyển sang viết nhật ký và thiền, Dung cho bản thân thời gian để loay hoay, để tìm ra câu trả lời vì sao mình lại có cảm giác nàymình có thể làm gì để thay đổi

Giai đoạn 3 là sau khi đã loay hoay một hồi, tinh thần Dung khỏe lên, cùng lúc đó Dung sẵn sàng quay trở lại mạng xã hội, kết nối với bạn bè để động viên họ, dựa trên những trải nghiệm của bản thân. Từ đó, cùng nhau, Dung và bạn bè tìm cách để giúp những người khó khăn hơn. Dung gọi đây là giai đoạn chữa lành, khi bản thân trở nên mạnh mẽ hơn và đủ bình tĩnh để biến những chuyện tiêu cực thành hành động. 

Empty

Dung không muốn kể đến những hoạt động tích cực khác của mình như vẽ tranh, đọc sách, hay gây quỹ ủng hộ bệnh nhân Covid-19?

Lúc trước, Dung hay rủ bạn bè qua nhà và bày cho họ vẽ, có người thích thú học theo, có người Dung phải năn nỉ mãi mới chịu vẽ vì họ nghĩ rằng bản thân không vẽ được. Nhưng kết quả sau cùng, mọi người tìm thấy được cảm giác bình yên và muốn tiếp tục vẽ. Dung cũng hay đem khoe tranh mình trên Instagram, nhiều bạn được truyền cảm hứng và vẽ theo Dung. Vậy mà trong thời gian lockdown Dung lại không hề vẽ, nhất trong thời gian dài mình bị khủng hoảng, mình trở nên chán nản với cả những thứ từng khiến mình vui. Điều làm Dung bất ngờ nhất là chính những người bạn ngày trước được Dung truyền cảm hứng đã gửi ảnh họ vẽ, và bảo họ đã vẽ để vượt qua dịch như thế nào, từ đó Dung được truyền cảm hứng ngược lại và bắt đầu cầm cọ.

Dung cũng không phải mọt sách, thậm chí rất sợ sách. Chỉ là khi mình không dùng điện thoại nhiều nữa thì mình cần tiếp cận thông tin, giải trí bằng cách khác. Mỗi khi đọc sách Dung đều rất thích thú, vậy mà để cầm được cuốn sách lên lại rất khó. Dung phải tìm mọi cách để động viên bản thân, tự đưa cho mình mục tiêu đọc mỗi ngày để có được small win (thành tựu nhỏ), Dung vừa đọc sách vừa học từ vựng tiếng Anh, đọc thành tiếng để tranh thủ luyện giọng nói, và Dung có làm clip để hướng dẫn mọi người được nữa, như là lời nhắc nhở cho chính bản thân mình.

Empty

Còn về việc gây quỹ, xuất phát từ nhiều đêm mất ngủ, Dung bị lăn tăn và áy náy, cảm thấy việc mình ở nhà là chưa đủ. Mặc dù trước đó Dung và gia đình cũng đã có vài đợt trợ giúp người nghèo và các bệnh nhân chạy thận rồi, nhưng cứ mỗi lần đọc tin về dịch bệnh, Dung lại thấy bất lực quá. Hôm đó, Dung thấy thầy của mình đăng trên Facebook kêu gọi mua máy thở, Dung cũng âm thầm ủng hộ rồi lại tiếp tục trăn trở xem mình có thể làm được gì? Mãi đến 3-4 ngày sau khi đang ngồi thiền, Dung mới nhận ra, tại sao bản thân không làm điều tương tự, tại sao chỉ góp một ít trong khi chính mình cũng có thể gây quỹ cho một chiếc máy mới? Vậy là Dung gọi thầy, cho tất cả anh em bạn bè, hỏi ý kiến và ai cũng vui vẻ hỗ trợ.

Thay vì tăng cường online trong những ngày lockdown, Dung lại chọn “ở ẩn” nhiều hơn. Vậy theo Dung, việc mọi người tăng cường “sống” trên mạng xã hội có phải là một cách tốt để giữ tinh thần khỏe mạnh?

Nói Dung ở ẩn cũng không hẳn, vì Dung chưa từng... ở nổi. Khi Dung rơi vào tình trạng khủng hoảng, Dung từ bỏ điện thoại, tức là Dung không đọc thêm tin tức, không theo dõi những diễn biến, drama trên mạng xã hội để bảo vệ bản thân là chủ yếu. Một lý do khác nữa là Dung có lượng khán giả của riêng mình, các bạn hay tâm sự rằng Dung là “bầu trời bình yên và tích cực” của các bạn, nên Dung không nỡ để bản thân lên mạng than vãn và truyền đi những tiêu cực trong đầu.

Ở thời điểm này, mạng xã hội gần như là cách hữu hiệu nhất để chúng ta cảm thấy mình đang sống, đang được kết nối và thấu hiểu, thậm chí có nhiều người được cứu sống nhờ những hội nhóm từ thiện hoạt động tích cực. Vậy câu trả lời của Dung là có, việc sống trên mạng xã hội là một cách tốt đấy, miễn là chúng ta tiếp tục sống, đừng nghĩ rằng “hết dịch mình sẽ”, “hết lockdown mình sẽ”, vì đây có thể là cuộc sống mới trong ít nhất nhiều tháng nữa, dù muốn hay không.

Empty

Dịch bệnh khiến phần lớn chúng ta cảm thấy bị mất nhiều hơn, nhưng hãy nói về những điều mình đã có được. Dung có thêm được điều gì mới cho cuộc sống mình?

Dung dọn về sống với ba mẹ trong thời điểm này, Dung không thấy bản thân mới mẻ hơn mà theo một cách nào đó, Dung đang du hành ngược về quá khứ. Như khi ta đọc lại một cuốn sách và nhận ra, có quá nhiều điều thú vị trong cuốn sách ấy mà ở lần đọc đầu đã không thấy - Dung cũng đang cảm thấy gần giống như vậy. Dung trân trọng thời gian bên ba mẹ hơn, và thấy mình được cho cơ hội để trở thành đứa trẻ thêm một lần nữa.

Điều Dung học được nghe hơi buồn cười, đó là học được cách... ngủ. Bởi Dung vốn là “cú đêm” chính hiệu, thậm chí từng trải qua rất nhiều giai đoạn mất ngủ, nhiều đêm chỉ biết khóc vì không ngủ được. Dịp này Dung học được phương pháp ngủ từ một người bạn, sau hai tuần tập luyện nghiêm túc và được bạn động viên, Dung đã có thể ngủ đủ giấc, đủ chất lượng. Có lẽ cũng chính nhờ điều này mà Dung đạt được trạng thái chữa lành. 

Còn một điều mới nữa quên chưa khoe! Dung đã tập dậy đón bình minh, và việc đón bình minh cũng giúp Dung nhiều lắm, giúp mình biết cách trân trọng giây phút bắt đầu một ngày mới.

Hoàng hôn thì sao, cái khoảnh khắc kì diệu mà hầu hết người trẻ nào ở Sài Gòn cũng say sưa, mê mẩn?

Hoàng hôn ai cũng thích, Dung cũng thích, nhưng đó là khi mình xong việc, kết thúc ngày, nhìn hoàng hôn lãng mạn và mình như được nghỉ ngơi. Còn bình minh thì cảm giác rất khác. Trước giờ Dung không dậy đủ sớm, hoặc dậy sớm cũng hối hả đi làm chứ không trân trọng nó. Thời kỳ giãn cách này lại cho Dung cơ hội để ngắm bình minh, cho Dung cảm giác may mắn vì mình vẫn còn sống, còn khoẻ để đón ngày mới. Với lại, mỗi đêm trước khi ngủ Dung hay suy nghĩ sâu xa, hay buồn nhiều chuyện, nhưng khi đón bình minh thì những nỗi buồn của ngày hôm qua như bị xoá sạch hoàn toàn.

Empty