Cải thiện sức khỏe tinh thần trong mùa dịch (Phần 4): Ở nhà cùng nhau

31/08/2021

Chắc hẳn, nhiều người chưa bao giờ thực sự “ở nhà” dù cái nhà vốn dĩ là nơi để ở, cho đến khi tình thế bắt buộc phải ở nhà làm việc thay vì đến văn phòng, ở nhà ăn cơm thay vì ra hàng quán, ở nhà đọc sách thay vì nằm dài bên bờ biển, ở nhà hít thở thay vì tản bộ dọc công viên…

Tôi có cô bạn sống ở Đức, dĩ nhiên là ở nhà thuê. Một căn hộ nhỏ xíu dành cho hai vợ chồng và đứa con nhỏ. Do công việc bận rộn, cả gia đình sinh hoạt khá là đơn giản. Nhà giống như một trạm dừng để nghỉ ngơi sau ngày làm việc dài hơn là một nơi để quay về, thực sự sống trọn vẹn trong không gian đó. Gần đây cô ấy đang bắt đầu làm quen với nơi chốn thân thuộc, học cách bày trí một không gian thoải mái, sắp xếp thực phẩm trong căn bếp, tạo ra những mảng xanh, và mang không khí trong lành vào nhà để hít thở.

Mấy hôm thành phố quay lại nhịp sống bình thường, gia đình nhỏ đã đưa nhau đến một khu nghỉ dưỡng, thuê một bungalow nằm trong một khu rừng để có thể vay mượn một chút “fresh air” cho lồng ngực căng tràn. Cô ấy bảo nếu sau này có nhà riêng, nhất định, căn nhà sẽ phải có đủ không gian xanh để thở. Bây giờ, cô ấy đã biết bản thân và gia đình thật sự cần gì - một nơi nương náu bình yên và trong lành.

Dạo này, chúng tôi ở nhà cùng nhau 24/7. Bình thường hai đứa cũng ăn cùng, ngủ cùng, làm việc cùng hầu như toàn bộ thời gian của ngày, nhưng gần 3 tháng trôi qua, tất cả những hoạt động đời thường đó đều diễn ra trong không gian duy nhất - ngôi nhà yêu dấu. Anh quét nhà, lau nhà, tắm chó, chăm cây. Tôi nấu ăn, dọn chén, cho chó ăn. Anh giặt giũ, tôi gấp áo quần. Không có những buổi cafe la cà, không có những chuyến xe rong ruổi, không có những cuộc hẹn công việc với khách hàng. Vậy thì làm sao để không nhìn mặt nhau đến phát chán đây?! Khi mới rơi vào hoàn cảnh mấy chục năm sống trên đời chưa từng gặp qua, chúng tôi không tránh khỏi bối rối, đã có lúc tôi phải hỏi anh: "Anh chán không anh?", anh gật đầu cười: "Ừ, chán chứ!".

Nói rồi, ngày hôm sau, anh bắt đầu đặt mua hạt giống về trồng cây. Còn tôi thì hạ quyết tâm mỗi ngày đều mở máy tính lên vào một khung giờ nhất định, cố gắng hoàn thành mấy bản thảo sách còn dang dở; không viết thì xem bài cho học viên lớp "viết trực giác" (khóa học mà tôi mở từ cuối năm ngoái); không xem bài thì tôi tập vẽ, tập chuyển động cơ thể, đọc sách, soạn giáo trình, tham gia những khóa học online. Mỗi ngày trôi qua, chúng tôi đều bận rộn với công việc riêng, để giữ cho bản thân không bị ù lì, mệt mỏi, và để tạo ra khoảng cách vừa đủ để còn... nhớ nhau.

239806804_402058384611710_109687285227734851_n

Một hôm, khi tôi còn nằm ngủ, anh lay tôi dậy, giọng vui vẻ: “Cho vợ xem phép màu nè!”. Tôi cứ đòi nhắm mắt lại để đón chờ điều kỳ diệu anh vừa mang tới. “Không cần nhắm mắt đâu, thật! Phép màu trong cuộc sống bình thường lắm em!”. Thì ra, "phép màu" chính là những hạt giống đang nảy mầm xinh xắn. Anh ươm chúng trong một miếng khăn giấy ẩm từ hôm trước.

- Em nhìn nè, những hạt mầm đều đang phát triển tốt, rất khỏe khoắn luôn nhá! Tụi nó mở mắt rồi nè, có rễ luôn rồi nè, sắp ra lá rồi nè!

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Chừng anh nói câu đó, tôi nhận ra, đúng là những phép màu trong cuộc sống rất đỗi bình thường, sinh ra từ sự nỗ lực của ai đó, chứ chẳng có gì huyền bí cả. Phép màu trong mắt đứa trẻ mong chờ quà Giáng Sinh từ ông già Noel sinh ra từ sự nỗ lực của cha mẹ đứa trẻ. Phép màu giữa cánh đồng lúa vàng ươm sinh ra từ nỗ lực của những người nông dân chăm chỉ. Phép màu trên bàn ăn sung túc sinh ra từ nỗ lực của người bà, người mẹ vun vén cho căn bếp và người ông, người cha vất vả làm lụng, mưu sinh. Phép màu trong khu vườn xanh mướt sinh ra từ nỗ lực của người ngày ngày chăm nom, bón phân, tưới nước, diệt sâu bọ. Phép màu bệnh nhân nhận được sau một ca phẫu thuật, một cuộc điều trị kéo dài sinh ra từ nỗ lực của đội ngũ y bác sỹ. Phép màu trong tình yêu đẹp đẽ đến mức cả hai người có thể hiểu, thương, thấu cảm, bao dung, dìu dắt cho nhau sinh ra từ nỗ lực của cả hai người.

Empty

Như sáng nọ, anh đang làm vườn, chợt nhớ tới giờ ăn trưa nên nhắn cho tôi mẩu tin. Thế là tôi tạm dừng công việc lại, xuống bếp, làm một khay bánh mì và thịt nguội đem lên sân thượng để hai vợ chồng cùng thưởng thức bữa trưa. Tôi vừa ăn vừa ngắm khu vườn nhỏ, vừa nghe anh kể chuyện hôm nay anh mới gieo thêm hạt gì, đợi bao lâu nữa thì hạt nảy mầm thành cây con, có chậu cây nào anh vừa bón thêm phân, loại phân anh mới mua là loại gì… Tôi cũng kể anh nghe về tiến triển công việc, những việc vừa làm xong, chuyện vui với các bạn học viên. Ngoài trồng thêm cây xanh để mang sự trong lành vào nhà thì ắt hẳn, việc giữ cho tinh thần lạc quan, tích cực, vợ chồng quan tâm, chăm sóc lẫn nhau cũng sẽ giúp cải thiện sức khỏe tinh thần. Thay đổi không gian ăn uống cũng là một cách chống nhàm chán khi ở nhà, như khoác lên chiếc áo mới mẻ cho những câu chuyện quanh bữa ăn hằng ngày.

Empty

Bạn có biết rằng, bao quanh mỗi người chúng ta là một vòng tròn, đại diện cho khoảng không của chính chúng ta và khoảng không mà chúng ta chia sẻ với thế giới bên ngoài, với người khác?

Khi chúng ta tương tác với ai đó, nếu hôm nay chúng ta mang tâm trạng tốt, cách chúng ta nói năng, cư xử rất dễ chịu. Ngược lại, nếu hôm nay chúng ta căng thẳng, tức giận mà có ai đến gần hỏi han, chúng ta thường đáp lại họ bằng sự không mấy dễ chịu của mình. Do đó, hành động và thái độ khi ta cư xử bên ngoài cũng chỉ là phản ánh thế giới nội tâm của ta. Bên trong mỗi người chính là khoảng không chứa đựng những suy nghĩ, cảm xúc của người đó. Bất kỳ ai cũng sẽ có “vòng tròn” thế giới riêng của họ. Khi hai người ở cạnh nhau, sẽ có sự đan xen giữa hai khoảng không này, chính là bầu không khí giữa hai người với nhau. Do đó, khi ta ở bên một người cũng giống như bước vào một căn phòng, sẽ cảm nhận được không khí của căn phòng đó nhẹ nhàng hay ngột ngạt.

Empty

Từng có những giai đoạn, chúng tôi cãi nhau và tốn không biết bao nhiêu là nước mắt, thậm chí nói những lời khiến người kia tổn thương, chỉ vì chưa biết cách chia sẻ “khoảng không” với nhau. Cả hai ở bên cạnh, chạm mặt rất thường xuyên, nhưng mỗi người không biết cách nuôi dưỡng năng lượng tích cực của bản thân thì sẽ dễ tạo ra bầu không khí chung nghẹt thở. Hay nhiều trường hợp tôi biết, hai người ngồi đối diện, hay thậm chí là nằm cạnh nhau đó thôi, nhưng dường như khoảng không giữa họ vô cùng mênh mông, và thậm chí chẳng thực sự nhìn thấy sự hiện diện của nhau.

Điều này khiến tôi nghĩ tới câu: “Xa mặt, cách lòng”. Có thật vậy không, hay do hai người vốn xa lòng nên mới cách mặt? Nếu mỗi người biết cách tự chăm sóc khu vườn tâm hồn của chính mình, thì những tình cảm đẹp đẽ với người kia cũng sẽ được củng cố. Ngược lại, nếu mỗi người không thể tự bảo vệ lấy khoảng không bên trong mình bằng năng lượng tích cực, thì rất dễ “xa lòng” rồi dẫn đến “cách mặt” - không có nhu cầu hay mong muốn gặp gỡ, san sẻ với người kia. Ngoài ra, tạo sự thay đổi về không gian sinh hoạt của gia đình cũng sẽ giúp cho mối quan hệ luôn tươi mới. Khi đó, dù hai người có xa mặt, nhưng vẫn không cách lòng.

Empty

Hai vợ chồng tôi đồng quan điểm “nơi nào chúng ta ở thì nơi đó chính là nhà”, nên dù hoàn cảnh có khó khăn hay thuận lợi, chúng tôi luôn cố gắng chăm chút cho không gian sống để bất cứ lúc nào cũng có thể thoải mái thư giãn và hít thở, giũ bỏ những lớp bụi đặc quánh trong bầu khí quyển của một Sài Gòn huyên náo và những bộn bề bao phủ lấy tâm trí; bởi nhà, với chúng tôi, là một nơi nương náu an yên. Cuộc sống của hai vợ chồng tôi những ngày này vô cùng yên ả, tuy mỗi người một không gian riêng để làm việc của mình nhưng lòng vẫn hướng về nhau, để thi thoảng trao nhau chút dịu dàng. Và bất cứ lúc nào, chúng tôi cũng có thể tìm đến mảnh xanh mát mẻ trong khu vườn nhỏ, hay bên bậu cửa sổ hình ra cây khế trĩu quả trước sân để hít thở, lắng nghe chính mình, lắng nghe nhau, giữ cho tâm trí thật trong lành.

199533186_10159491101749835_1705661887443420808_n

_____

Đọc lại tại đây: Phần 1, Phần 2, Phần 3

Lê Ngọc - Ảnh: Nhà Có Hai Người
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES