Tại sao lại tìm đến ứng dụng thiền?
Cuộc cách mạng công nghệ thế kỷ 21 đã xâm nhập vào mọi khía cạnh đời sống hàng ngày của chúng ta, ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi, tiêu dùng và khả năng tương tác với xã hội theo những cách mới mẻ và bất ngờ. Điện thoại thông minh (smartphone) chắc chắn là một trong những yếu tố đi đầu của cuộc cách mạng ấy. Ngày nay, một chiếc điện thoại có nhiều chức năng đến nỗi hiếm có điều gì mà nó không làm được. Chính sự tiện dụng và phổ biến này đã thúc đẩy quá trình ứng dụng công nghệ vào việc cải thiện sức khoẻ tâm lý người dùng, hiển nhiên trong đó có cả thiền.
Vì sao người ta lại quan tâm đến thiền như vậy? Những năm trở lại đây, thiền được biết đến ngày càng rộng rãi. Nhiều người muốn thiền với hy vọng có được một kết quả thần kỳ nào đó, nhiều người lại chỉ thiền để trở về với bản ngã, để biết trân trọng từng giây phút hiện tại. Tuy nhiên, phần lớn những người tìm đến thiền đều không biết nên bắt đầu từ đâu. Những thắc mắc phổ biến nhất khi ai đó muốn bắt đầu tập thiền là: “Tôi cần có chuyên gia hướng dẫn thiền phải không?”, “Nếu tôi có một cuộc sống bận rộn đến mức không thể tham gia một khoá thiền nào thì sao?”, và “Điều gì đảm bảo rằng tôi sẽ nhận được kết quả mong muốn sau khi đã bỏ thời gian và công sức vào những khoá tu ấy?”.
Không có điều gì đảm bảo cả. Nếu bạn tìm đến thiền vì mục đích kiếm tìm điều gì đó, có lẽ bạn sẽ tìm thấy nó, cũng có thể là không. Nhưng nếu bạn vẫn muốn trải nghiệm một chút về thiền và bắt đầu thiền bất kể lúc nào mà gần như không mất một đồng bạc, thì bạn đang có hàng nghìn sự lựa chọn trên App Store và CH Play.
Số lượng người dùng tìm đến các ứng dụng thiền ngày một tăng qua các năm, và trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu như hiện này thì còn có nhiều người hơn nữa, rất nhiều trong số đó tin tưởng rằng thiền = hạnh phúc. Và không thể phủ nhận rằng hạnh phúc là một khoản đầu tư cá nhân đáng để bỏ ra, nhất là khi sự đầu tư đó chỉ là chút tò mò và một ít thời gian.
Tìm gì ở những ứng dụng thiền?
Sự phổ biến của các ứng dụng thiền cũng đồng nghĩa với việc thị trường này ngày càng trở nên đông đúc. Nếu gõ từ khoá "ứng dụng thiền" lên trang tìm kiếm Google, bạn sẽ nhận được khoảng 7.260.000 kết quả trả lại, cùng với hàng trăm nghìn các bài viết đề cử top những ứng dụng hiệu quả. Đứng trước những con số choáng ngợp như vậy cùng vô vàn lựa chọn khác nhau, trước hết, bạn cần biết rõ mình cần gì ở một ứng dụng thiền. Làm thế nào để lựa chọn một ứng dụng tốt, và đảm bảo rằng nó sẽ giúp cải thiện sức khoẻ tinh thần?
1. Trước hết, một ứng dụng thiền nên có nhiều cấp độ khác nhau cho bạn lựa chọn, từ hướng dẫn thiền cho người mới tập (ví dụ như cách hít thở, cách tập trung…) đến những tuỳ chọn dành cho đối tượng đã từng có kinh nghiệm thiền (ví dụ như đồng hồ bấm giờ).
2. Sau khi đã chọn được cấp độ của bản thân, bạn cần đảm bảo khoá thiền của ứng dụng đó phải rõ ràng và cụ thể: biết lập ra những bài thiền định hàng ngày một cách có tổ chức, từ đó xây dựng thói quen lâu dài. Nếu bạn mở một ứng dụng thiền và thấy quá rối rắm thì có lẽ bạn nên chọn một ứng dụng khác. Hãy nhớ, bạn tìm đến ứng dụng thiền chính vì không biết làm sao để bắt đầu, nếu ứng dụng đó còn làm bạn rối hơn nữa thì tốt nhất nên bỏ đi.
3. Các bài thiền phải có thời lượng khác nhau, được phân chia phù hợp và chúng không được dài đến mức khiến bạn cảm thấy quá tải. Những ứng dụng lý tưởng chỉ nên đưa ra các bài thiền kéo dài 3 đến 5 phút. Bạn sẽ thấy thời gian trôi rề rà vô cùng nếu phải ngồi im một chỗ suốt 10 phút đồng hồ để “thiền”.
4. Hãy lựa chọn những ứng dụng có thiết kế vừa ý. Mới nghe thì có vẻ như không cần thiết, nhưng một thiết kế dễ chịu sẽ khiến bạn muốn tương tác với ứng dụng đó nhiều hơn, thậm chí còn mong đợi đến giờ để mở nó ra và thiền. Mỗi người sẽ có cảm nhận khác nhau xem thiết kế như thế nào thì được gọi là tốt, nhưng nhìn chung, một ứng dụng thiền thì không nên sử dụng những gam màu quá bắt mắt, chói sáng hay u tối, cách sắp xếp và hiển thị nội dung cũng nên đơn giản, dễ hiểu, dễ sử dụng.
5. Điều này không quan trọng lắm nhưng, nếu ứng dụng của bạn cho phép tải xuống các bài thiền để sử dụng ngoại tuyến thì đây sẽ là một tiện ích tuyệt vời. Không phải lúc nào ta cũng có Internet để truy cập, và nếu lấy lý do rằng "Tôi không có mạng nên không thiền được" thì nghe thật... buồn cười.
6. Cuối cùng, nếu ứng dụng yêu cầu trả phí để truy cập những bài hướng dẫn nâng cao, thì trước hết hãy dùng thử bản miễn phí của nó. Ngoài việc trải nghiệm các tính năng mà ứng dụng mang lại, bạn cũng nên xem mình có thích giọng nói của người hướng dẫn hay không. Một chất giọng nhẹ nhàng có thể giúp người này tĩnh tâm nhưng lại làm mất tập trung với người kia, thậm chí còn gây khó chịu cho những người khác.
Sử dụng ứng dụng thiền một cách hiệu quả
Sau khi đã chọn được một (hoặc một vài) ứng dụng thiền phù hợp với bản thân, điều quan trọng tiếp theo là làm sao để quá trình này trở nên hữu ích và có hiệu quả. Gặt hái được những thành quả lớn lao hay đạt được sự trưởng thành về tinh thần là chuyện khá xa vời, nhất là chỉ với những khoá tu thiền ngắn hạn bằng ứng dụng trên điện thoại, nhưng điều đó không có nghĩa là thời gian “thiền với công nghệ” này hoàn toàn vô ích. Nếu bạn biết cách nắm bắt các tính năng mà ứng dụng đưa ra, đồng thời biết kiểm soát quá trình thiền của mình, thì đây chắc chắn sẽ là một hành trình vô cùng thú vị, ít nhất là bạn đang bước đi trên một con đường mới và biết đâu có một cánh cửa nào đó đang đợi bạn ở cuối đường thì sao.
Dưới đây là một vài lời khuyên nếu bạn quyết định thử bắt đầu hành trình mới mẻ này.
1. Hãy giữ cho bản thân có động lực: Một trong những khó khăn khi học thiền là việc ghi nhớ thực hành. Hầu hết các ứng dụng đều có tính năng giúp bạn đặt lời nhắc hẹn mỗi ngày, chúng có thể là những lời động viên đầy cảm hứng, một đoạn nhạc ngắn vài giây, một bài tập "Hít vào - Thở ra" nhanh để nhắc nhở bạn đã đến lúc nên thả lỏng tâm trí. Hãy tận dụng chúng để tự tạo động lực cho bản thân và đừng tìm đến thiền khi bạn coi đó là gánh nặng, là bài tập về nhà bắt buộc phải hoàn thành.
2. Đưa thiền vào cuộc sống hàng ngày: Khi bạn đã hoàn thành các khoá thiền định mỗi ngày và muốn mở rộng khả năng thiền, không chỉ ngồi khoanh chân và tập trung hít thở nữa, đó là lúc bạn nên áp dụng sự tĩnh tâm vào cuộc sống. Có một số ứng dụng cung cấp các bài thiền hướng dẫn tương ứng với từng hoạt động thường nhật như đi bộ, lên mạng, ăn uống... Trong quá trình này, các bài học về chánh niệm sẽ được khéo léo đưa vào những hoạt động trên bằng cách giúp bạn mở rộng trải nghiệm của bản thân, ví dụ như chú ý đến thời tiết ở công viên hay màu sắc của thức ăn trên mâm...
3. Theo dõi tiến trình của bản thân: Trong thời đại công nghệ bùng nổ này, ứng dụng thiền nào cũng có chức năng giúp bạn theo dõi tiến trình của mình. Chúng sẽ dựa vào thời gian trung bình bạn sử dụng ứng dụng để thống kê tổng thời gian bạn đã thiền, thời gian thiền mỗi ngày vào xem bạn đã đi được bao xa. Các ứng dụng cũng có thể giúp bạn đánh giá sự thực hành chánh niệm, sự tập trung và cân bằng của bản thân theo thời gian.
Tạm Kết
Không có ứng dụng nào hoàn hảo và phù hợp cho tất cả mọi người. Bạn có thể bắt đầu với ứng dụng có hướng dẫn cụ thể bằng lời nói, sau đó chuyển sang những ứng dụng tự thực hành khi đã quen hơn với thiền. Điều quan trọng là bạn thấy quá trình thực hiện diễn ra hợp lý và có những tác động tích cực đến bản thân.
Và cho dù có công nghệ hỗ trợ, nhưng thiền, và chánh niệm, đều cần thời gian để thực hành. Giống như khi bạn chơi một nhạc cụ hay một môn thể thao, càng luyện tập nhiều, bạn càng trở nên thuần thục hơn, và đến một lúc nào đó nó sẽ trở thành bản năng của chính bạn. Dù chỉ dành 5-10 phút mỗi ngày để tập thiền và thực hành chánh niệm, dù có dùng các ứng dụng thiền hay không, thì đây cũng là một trải nghiệm tích cực để cải thiện sức khoẻ tinh thần, giảm lo lắng, căng thẳng và mang lại bình yên cho tâm hồn bạn.
16 ứng dụng thiền tham khảo
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Lancaster ở Anh đã tiến hành nghiên cứu các ứng dụng thiền phổ biến nhất trên cửa hàng iTunes. Sau khi kiểm tra và thu hẹp số lượng, cuối cùng họ đưa ra một danh sách 16 ứng dụng được ưa chuộng và có nhiều phản hồi tích cực nhất, trong đó có 14 ứng dụng cũng có sẵn trên nền tảng CH Play cho người dùng Android. Điều đáng chú ý là, trong danh sách trên, chỉ có một ứng dụng duy nhất là Headspace đã được nghiên cứu thực nghiệm và đưa ra kết quả khẳng định có thể giúp người dùng giảm trầm cảm và tăng cảm xúc tích cực sau khi sử dụng 10 ngày. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các ứng dụng khác không có tác dụng, vì chúng vẫn chưa được tiến hành nghiên cứu sâu.
Danh sách 16 ứng dụng trong nghiên cứu của trường Đại học Lancaster:
• Headspace: thiền có hướng dẫn.
• Calm: thiền có hướng dẫn.
• Relax Mediation: thiền có hướng dẫn.
• Insight Timer: tự thực hành thiền.
• Digipill: thiền có hướng dẫn.
• Relax with Andrew Jonhson Free: thiền có hướng dẫn.
• Mindfulness Daily: thiền có hướng dẫn
• 10% Happier: thiền có hướng dẫn
• Simple Habit: thiền có hướng dẫn
• Omvana: thiền có hướng dẫn
• The Mindfulness app: thiền có hướng dẫn
• Pacifica for Stress & Anxiety: thiền có hướng dẫn (không có sẵn cho người dùng Android)
• Mediation Timer: tự thực hành thiền
• Breethe: thiền có hướng dẫn
• 3 Minute Mindfulness: thiền có hướng dẫn (không có sẵn cho người dùng Android)
• Tide: Focus, Relax, Meditation: tự thực hành thiền
Kết quả nghiên cứu chi tiết tại đây.