Trên chuyến xe khởi hành từ 130 Nguyễn Huệ đi đến Vườn Quốc gia Bạch Mã, nhóm chúng tôi gồm có Shi dẫn đường, và 5 du khách lạ không quen biết lẫn nhau. Chủ đề trò chuyện trong một hai hôm tới sẽ là tự nhiên hoang dã - khi nào đến Bạch Mã rồi hẵng… nói - giờ tôi cần riêng một giấc ngủ.
Giấc ngủ chập chờn được dăm chục phút thì thoáng nghe thấy tiếng Shi đang nhắc đến "Việt Nam". Tôi tỉnh lập tức.
- Anh mới nói gì về Việt Nam đấy à?
- À, - Shi từ băng ghế đầu vọng xuống - anh đang nói là, ít bạn trẻ nào biết, cái tên Việt Nam dưới thời vua Gia Long mang hàm nghĩa 'Mảnh đất phía Nam Trung Hoa là của người Việt'.
***
Shi Jang là ai?
Năm 2015, trong chuyến đi “tìm” những người làm bảo tồn văn hóa Việt, khi dừng chân ở Đà Lạt, Shi Jang tình cờ khám phá ra thương hiệu cà phê K’ho đặc biệt - do một chàng trai người Mỹ cùng một cô gái người K’ho tạo ra, phát triển từ truyền thống 4 đời làm cà phê của dân tộc - gia đình mình. Với sự giúp sức sau đó của Shi Jang, K’ho Coffee từ một trang trại nhỏ trong tít tắp Lang Biang, nhanh chóng được lan tỏa, ưa chuộng bởi du khách quốc tế, và được xuất khẩu sang các nước bạn - điều mà có lẽ chưa người K’ho nào từ nhiều đời nay từng nghĩ đến.
Đầu năm 2021, tôi ghé đến ngôi làng nhỏ ở vùng núi Lang Biang, nơi có trang trại & tiệm cà phê K’ho đặt tại đó. Và mỗi lần tôi nhắc đến cái tên Shi Jang, bất cứ ai - dù là người trong quán cà phê; các chị, các mẹ K’ho sống kế bên; hay mấy đứa trẻ đang nô đùa ngoài đường - bất cứ ai, cũng đều lập tức nở nụ cười tươi rói và bắt đầu kể những câu chuyện, kỉ niệm vui vẻ mà Shi Jang đã để lại ở nơi này.
Năm 2013, Vườn Quốc gia Bạch Mã (Huế) mở cửa trở lại sau vài năm ngừng nhận khách tham quan. Nguyên nhân của việc ngừng hoạt động là do hệ sinh thái trong Bạch Mã trước đó có dấu hiệu bị xuống cấp bởi tác động từ du lịch, Ban quản lý quyết định đóng cửa để bảo tồn, phục hồi và nâng cấp. Vào thời điểm mở cửa trở lại, Shi Jang là người đầu tiên Ban quản lý liên hệ đến trải nghiệm và khảo sát du lịch Vườn.
Năm 2021, tôi, có lẽ là du khách ngót nghét thứ một nghìn mà Shi Jang dẫn lên núi Bạch Mã. Khi cả đoàn chúng tôi đã an tọa trên đỉnh núi trắng xóa mây, anh Kỳ, một người bạn lâu năm của Shi mới kể: Anh cũng là hướng dẫn viên ở Huế, anh từng dẫn không biết bao nhiêu đoàn du khách đến tham quan Bạch Mã trong suốt nhiều năm trời, "nhưng anh chưa từng thích, chưa từng cảm nhận được ngọn núi này, cho đến ngày anh đi trekking Bạch Mã cùng Shi".
Shi Jang, thuộc thế hệ 8x, quê ở Quảng Bình, nhưng hoạt động du lịch thì nay đây mai đó giữa Quảng Bình & Huế, rồi cũng trải rộng từ Bắc đến Nam. Gọi nôm na Shi là hướng dẫn viên du lịch, nhưng tôi đồ rằng "hướng dẫn viên du lịch" cũng chỉ là cái mác để anh được hợp thức hóa những đam mê của mình. Kể từ ngày tốt nghiệp đại học đến nay, Shi vẫn tập trung trên con đường làm văn hóa - du lịch. Shi đi và tìm kiếm những khung cảnh hoang sơ, những con người "vô danh" đang miệt mài gìn giữ văn hóa bản địa; kế đó, anh sẽ chung tay cùng họ phát triển và giới thiệu những bản sắc độc đáo ấy đến với du khách trong và ngoài nước; cứ như vậy, anh nhân rộng cộng đồng những người cùng có lòng trân trọng thiên nhiên và văn hóa. Hiếm thấy “dịch vụ” của hướng dẫn viên du lịch nào, lại đi kèm với nhiều giá trị văn hóa quý báu đến thế. Ví dụ, trở lại hành trình trekking Bạch Mã, chúng tôi không chỉ được dạy cách sinh tồn trong rừng, cách giao tiếp - cư xử đúng mực với thiên nhiên & động vật; Shi còn kể chúng tôi nghe những tích sử nước Việt mình, kể về chuyện người K'ho trên Lang Biang, người H'Mong ở bản Hua Tạt, hay bày biện cho chúng tôi thưởng cà phê theo đủ kiểu Á Âu Mỹ Việt…
Tự nhận mình là Storyteller - người kể chuyện, nhưng Shi tuyệt nhiên không kể về bản thân. Những thứ anh kể, thực chất là chuyện về thiên nhiên và đồng bào mình. Bởi đó, mới là dòng năng lượng có khả năng nối nhau nối nhau lan tỏa mãi không điểm dừng.
Những ngày không dịch chuyển
Ai vốn biết đến Shi Jang như một người luôn-dịch-chuyển, hẳn, có chung một thắc mắc: Shi làm gì trong những đợt dịch bệnh?
Trái ngược với tình trạng lao đao chung của ngành du lịch, đối với Shi, đây dường như lại là một… cơ hội. Theo anh nhìn nhận, dịch bệnh đã làm thói quen đi du lịch của con người phải thay đổi: du lịch gia đình hay đi theo nhóm nhỏ trở nên phổ biến hơn; xu hướng hòa mình vào thiên nhiên hay tham gia các hoạt động ngoài trời khi đến một điểm du lịch dần trở thành ‘từ khóa’ của du khách trong nước. Khi mà các tour của Shi từ trước đến nay luôn chú trọng vào việc khám phá và trải nghiệm ở những nơi thiên nhiên hoang sơ thì rõ ràng, sự thay đổi xu hướng này của du khách là một tín hiệu tích cực.
“Trải nghiệm hướng đến cảm xúc vốn được anh và cộng sự triển khai hơn 10 năm nay. Anh cũng thấy những đơn vị khác ở Huế và Quảng Bình đã nhìn nhận được thị trường ấy để đưa ra nhiều sản phẩm đa dạng hơn. Anh vui vì những giá trị thực của du lịch giờ bắt đầu được nhiều người khai thác”.
May mắn hơn miền Bắc và miền Nam, khu vực miền Trung - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình - nơi Shi thường xuyên di chuyển làm việc, không bị ảnh hưởng quá nặng nề từ dịch Covid-19. (Dù vậy, ảnh hưởng không phải là không có).
Những ngày này, tuân thủ quy định chống dịch của thành phố, các tour của Shi đều đang tạm ngưng, vậy nhưng vẫn khó mà thấy được cảnh anh nghỉ ngơi lúc nào. Khi không được “kể chuyện” với du khách, anh chuyển sang “kể chuyện” với bạn bè, anh em trong thành phố. Hằng ngày, Shi tới lui các quán cà phê, tham gia các buổi đào tạo và chia sẻ với các bạn trẻ về cách làm cà phê và làm du lịch. Nghe tưởng chừng không liên quan tới nhau, nhưng hai niềm đam mê lớn nhất của Shi lại là... cà phê và du lịch.
Trau dồi cho cộng đồng làm dịch vụ - du lịch là giải pháp của hiện tại, còn cho tương lai hậu đại dịch, Shi chia sẻ, anh và các cộng sự của mình cũng đang chuẩn bị các phương án để thích nghi với bối cảnh mới. Cụ thể, trước thực trạng nhiều doanh nghiệp du lịch lớn nhỏ đều đã phải sa thải một phần nhân viên, việc thiếu hụt nhân lực khi các doanh nghiệp này quay trở lại guồng công việc sẽ là hệ quả tất yếu; cộng thêm việc dịch bệnh đã-đang buộc các doanh nghiệp du lịch phải ứng dụng công nghệ 4.0 một cách linh hoạt vào hệ thống vận hành của mình, không ít tổ chức sẽ trở nên lúng túng với sự “hiện đại hóa” này. Lường trước những trở ngại đó có thể xảy ra, nhóm của Shi đang dần hoàn thành một phần mềm dành riêng cho các tổ chức du lịch. “Với phần mềm mà nhóm anh cung cấp, các doanh nghiệp sẽ có được những dữ liệu cần thiết về thị trường du lịch trong bối cảnh bình thường mới; đồng thời phần mềm này cũng có thể làm được những công việc cơ bản, thay thế cho nguồn nhân lực mà họ đã phải sa thải vì dịch bệnh” - Shi chia sẻ.
“Anh sẽ chỉ phát hành số lượng giới hạn thôi, với doanh nghiệp lớn thì anh bán, doanh nghiệp nhỏ thì… anh tặng”.
Thay lời cho thiên nhiên, Shi nói gì?
"Là một người có nhiều cảm xúc, tương tác với thiên nhiên quanh mình, tôi nghĩ những nơi có dấu chân của du khách trước đây, trong suốt thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh, đã có cơ hội tự chăm mình, tự trở lại như nó vốn có - trước khi có sự xuất hiện của du khách. Ở đây, ý tôi là những tác động vô tình (giẫm mạnh chân khi đi qua một đám cây dại; đánh chết một con ong đang lấy phấn hoa; vứt đồ ăn thừa thãi lại không đúng chỗ, làm tụi khỉ quen với việc chờ đồ ăn thừa mà lâu quên đi việc phải đi kiếm ăn…) hay việc cố ý như xả rác bừa bãi, hát karaoke giữa rừng, tắm gội ở suối… của du khách. Vậy nên, nếu nói dịch bệnh là cơ hội để thiên nhiên tự chữa lành những vết thương - hay bệnh tật mà người đi du lịch gây ra, cũng là một cách nhìn để hiểu hơn mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên từ bao lâu nay, giờ mới có dịp để thấu hiểu nhau hơn, để con người biết trân quý thiên nhiên hơn. Nhiều bạn bè của tôi trong Sài Gòn, giờ giãn cách ở nhà, chỉ nhìn một cây rau tự trồng mọc lên ở ban công nhà mình, cũng đã thấy 'xanh' hơn trong lòng."