Hiếu, đứa em từng đi Bạch Mã trong chuyến đi xuyên Việt trước đây cùng tôi, hiện đang làm việc trong miền Nam, gọi điện than “nhớ núi” vào một buổi sáng mùa hè. Và tôi thì dễ mềm lòng khi ai đó muốn đi Bạch Mã - núi của tôi.

Nằm cách trung tâm thành phố Huế về phía Nam khoảng hơn 40 km dọc theo đường Thiên lý, Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã là một trong những nơi được giới đam mê thiên nhiên hoang dã yêu mến, như cái cách mà những người hồi những năm 30-40 của thế kỉ trước từng thổ lộ qua các bài bút kí hay những dòng đề từ trong các bức hình được chụp lại. Khi người Pháp ở Việt Nam trước đây, để tránh cái nóng của xứ nhiệt đới vào mùa hè, người ta đã cho xây dựng các điểm nghỉ mát, điều dưỡng với đặc điểm chung là nằm trên núi cao. Đó là Đà Lạt, Sa Pa, Tam Đảo, Bà Nà và Bạch Mã. Riêng Bà Nà và Bạch Mã, ngoài nằm trên núi cao thì còn gần với biển.

Nhưng chỉ có Bạch Mã, thì độc đáo hơn vì giữa khoảng đại dương và rừng núi ấy, là phá Tam Giang. Hơi muối từ đại dương “nhạt” đi nhờ phá Tam Giang “hút” bớt trước khi thổi lên núi rừng Bạch Mã, chính vì thế, khí hậu lý tưởng nơi đây trở thành chốn cho nhiều loài chim muông, động thực vật chọn trú ngụ, sinh trưởng.

Và con người nhờ đó cũng có được chỗ để hoà mình vào thiên nhiên thuần khiết, có được cơ hội để yêu thiên nhiên hơn, để hiểu thiên nhiên hơn, để trân quý thiên nhiên hơn. Tôi may mắn, là người có duyên để nhận được cơ hội đó. Và cũng luôn mở lòng chia sẻ cái duyên ấy cho những người có dịp lên Bạch Mã cùng tôi.

Empty
Empty

Ngược dòng thời gian, vẻ đẹp của núi Bạch Mã được ông Raoul Desmarets, một kỹ sư công chánh phân khu Thừa Thiên phát hiện cùng với ông Graffeuil, Khâm sứ Trung Kỳ. Cả hai đều mơ ước xây dựng cho Huế, thủ phủ của Trung Kỳ một khu nghỉ dưỡng xứng đáng với tầm vóc của mình. Năm 1933, ông Desmarets đã tiến hành nghiên cứu nhằm xây dựng một ngôi làng trên các dông núi lởm chởm đá tại Bạch Mã. Ông là người đầu tiên cho xây dựng một ngôi lều bằng gỗ - nơi ông nghỉ lại trong những ngày đến giám sát các công trình quy hoạch đầu tiên nhằm xây khu nghỉ dưỡng. Kiến trúc sư Raoul Desmarets cũng chính là người thiết kế Sân vận động Tự Do ở Huế (1932).

Nhiều công trình bằng gỗ trên đỉnh núi theo đó mà được hình thành. Số lượng những ngôi nhà này tăng lên không ngừng, có tới 139 ngôi nhà và biệt thự bằng gỗ hoặc bằng đá, tính tới trước năm 1945. Đến tháng 3/1945, ngày quân Nhật chiếm đóng và người Pháp rời bỏ nơi này, Bạch Mã rơi vào quên lãng.

Empty
Empty
Empty

Năm 1986, Khu Bảo tồn Thiên nhiên ở Bạch Mã ra đời. Năm 1991, thành lập VQG Bạch Mã. Sau đợt mở rộng vào năm 2008, VQG Bạch Mã được nâng diện tích lên gần 40 ngàn héc-ta, nổi tiếng về tài nguyên đa dạng sinh học với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, là một trong những “lá phổi xanh” quan trọng của khu vực miền Trung Việt Nam. Nơi đây cũng là một trong những khu nghỉ mát hiếm hoi từng được người Pháp yêu mến còn bảo tồn nhiều nét đẹp thiên nhiên hoang sơ nhất.

Empty

Đến hẹn, Hiếu từ trong Sài Gòn bay ra Huế. Cùng dịp đó, có hai chị em trong nghề với tôi từ Hà Nội vào cũng mong muốn đi Bạch Mã để khảo sát tour tuyến, vậy là tôi mời nhập đoàn theo cùng. Mấy anh em thống nhất đi xe máy để thăm thú thêm cảnh vật dọc đường.

Sau bữa sáng và cà phê để những người mới làm quen nhau, bốn người chúng tôi trên hai chiếc xe máy, chạy dọc đường quê và phá Tam Giang thay vì đi đường Quốc lộ, để đến Bạch Mã. Gần 3 tiếng chạy xe dọc theo mạn Nam của phá Tam Giang, đầu giờ chiều, chúng tôi có mặt tại Trung tâm đón tiếp du khách của VQG Bạch Mã.

Empty

Để lên khu vực đỉnh núi, có thể đi bằng ô tô hoặc đi bộ, lựa chọn của chúng tôi là ô tô. Đường lên núi Bạch Mã từ lâu nay nổi tiếng với nhiều dốc cao, nhiều khúc cua ngoằn ngoèo.

Anh Việt - lái xe trung chuyển của VQG mà tôi hay đi cùng - cười tươi chào đón cả nhóm. Anh Việt thuộc từng góc cua, từng con dốc ở đoạn từ chân núi lên đến gần đỉnh núi nên luôn cho tôi cảm giác an tâm khi thuyết minh trên xe cho những người đồng hành. Trên đoạn đường nhiều hiểm trở dài hơn 15 cây số ấy, cảnh vật bên dưới từ từ lộ ra theo độ cao tăng dần và du khách sẽ bắt đầu hứng thú với sự hùng vĩ của núi rừng Bạch Mã.  

Empty

Gần một tiếng sau, tới nhà hàng Đỗ Quyên, tôi báo anh Việt cắt đường chính, đưa mấy bạn đồng hành đi bộ men theo tuyến “đường mòn thiên nhiên”, hiểm trở hơn nhưng sẽ có cơ hội gặp nhiều “người bạn thiên nhiên” hơn. Hiếu trong lần trước đi Bạch Mã cùng tôi đã lên đỉnh bằng lối đường chính nên dĩ nhiên, cậu ấy là người háo hức được trải nghiệm cung đường mòn mới mẻ này.

Băng qua vườn sưu tập phong lan, cả nhóm gặp ngay con dốc thẳng đứng khiến ai cũng thở phì phò khi mới leo được nửa đoạn dốc ấy. Tôi dặn mọi người hạn chế nói chuyện, chỉ thì thầm khi cần để giữ yên lặng thì “những người bạn thiên nhiên” mới xuất hiện.

Empty

Quả như tôi dự đoán, lúc cả nhóm đang dừng nghỉ thì thấy một bạn sóc đen lớn đang chuyền cành ngay phía trên đầu của chúng tôi. Sóc đen lớn (tên khoa học là Ratufa bicolor) có thân hình to bằng con mèo trưởng thành nhưng dài hơn nhờ cái đuôi dài màu đen tuyệt đẹp có tác dụng giữ thăng bằng khi di chuyển ở trên cao. Từ đầu tới đuôi chúng dài tầm 1 m, được bao phủ bởi màu đen nhưng đoạn từ má kéo ra quá sau mang tai xuống hết vùng bụng và mặt trước của hai chân trước có màu vàng sữa, rất đẹp mắt. Chúng sở hữu bộ móng chắc khỏe giúp bám chắc vào thân cây trong quá trình di chuyển để kiếm ăn. Sóc đen lớn thường hoạt động vào ban ngày, trên cây cao, nhưng đôi khi trèo xuống dưới tán rừng để kiếm ăn trên mặt đất. Thức ăn chính là các loại hạt, nón thông, trái cây và lá. Sóc đen lớn chủ yếu sống đơn độc và thích rừng hoang dã. Năm 2009, loài này được đưa vào sách đỏ IUCN (International Union for Conservation of Nature and Natural Resources - Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế).

Chúng tôi lặng im, chỉ đứng nhìn người bạn với bộ cánh đen-vàng ấy chuyền từ cành này sang cành kia, có lúc lại tung mình nhảy dài trong không trung, rất điệu nghệ và thuần thục.  

Empty

Nhóm chúng tôi tiếp tục di chuyển lên phía trên, nơi có một vài biệt thự cũ bỏ lại từ thời những năm 40 của thế kỉ trước. Dấu tích thời gian vẫn để lại cho người lữ khách những cảm xúc hoài niệm về quá khứ của nơi này qua những bức tường hay ống khói lò sưởi của những biệt thự đang xây dở dang hay đã bị phá huỷ vì chiến tranh.

BMEMGZ 14
Empty

Sau gần một giờ đi bộ, chúng tôi lên đến Hải Vọng đài nằm ở độ cao trên 1.400 m, là một trong những điểm cao nhất trên đỉnh để ngắm cảnh, nơi ưa thích để ngắm hoàng hôn của bất kì ai khi đến Bạch Mã. Từ đây nhìn ra, toàn cảnh núi rừng Bạch Mã hiện ra hùng vĩ, phóng khoáng và thanh khiết.

Empty

Xa xa về hướng biển là đầm Cầu Hai - nằm trong hệ đầm phá Tam Giang, hệ thống đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á với nguồn thuỷ hải sản phong phú - nơi đem lại sinh kế từ bao đời nay cho cả một vùng kéo dài xấp xỉ 70 km từ Bắc vào Nam dọc theo bờ biển Thừa Thiên. Những ngày đẹp trời như hôm đó, người tinh mắt có thể còn thấy cả những vệt nò - sáo, là những ngư cụ của bà con vùng thuỷ diện giăng trên mặt đầm. Từ trên cao cũng thấy rõ đoạn giao của phá Tam Giang thông ra biển, là cửa Tư Hiền nơi mà lúc trưa nhóm chúng tôi đã chạy xe ngang qua.

Empty

Ngay phía mặt trời lặn hơi chếch về bên phải là hồ Truồi - hồ cung cấp nguồn nước ngọt cho cả vùng Truồi với câu ca nổi tiếng: “Xứ Truồi ngọt mít, thơm dâu/Anh đi làm rể, ở lâu không về”. Vị ngọt của nước hồ chắc cũng nhờ một phần vào suối nguồn tươi mát từ Bạch Mã sơn đổ về.

Tôi chỉ cho cả nhóm dấu tích bãi đáp của sân bay trực thăng còn sót lại và chia sẻ vài thông tin về binh lính thời chiến tranh từng đóng quân trên này; xa xa là những ngọn núi Hai, núi Mang và dĩ nhiên là đỉnh Bạch Mã nằm kề nhau tạo nên cảnh núi non trùng điệp.

Mọi người tranh thủ chụp lại vài bức hình lưu niệm cùng nhau. Tôi mang bình trà ngon pha sẵn, mời cả đoàn cùng uống. Không khí tinh khiết, hương trà thơm ngát bay vào mũi khiến ai cũng hít hà.

Empty

Trời về chiều, gió mát lạnh hơn, mây theo hướng gió thổi từ dưới phía biển lên, vờn bay là là trên những ngọn núi xung quanh. Có chăng vì dáng hình mây bay như những con ngựa trắng, nên núi mới có tên Bạch Mã? Đáp lại tôi, ba người bạn đồng hành chỉ gật gù, mắt phóng xa ra khung cảnh mênh mông phía trước. Ai cũng muốn giữ sự bình yên hoang sơ lúc này, cứ như nếu nói thành tiếng thì gió sẽ cuốn đi mất. Không cần thốt lên thành lời nhưng những ánh nhìn ấy đã nói lên hết những thương nhớ.

Nắng chiều phả những tia vàng ươm sóng sánh như mật ong rừng, mang hoàng hôn đến với mây gió, cuộn vào nhau. Giữa khung cảnh rực rỡ ấy, chúng tôi chỉ biết lặng im để thưởng thức, để thả mình vào thiên nhiên hoang dã, rất phóng khoáng mà cũng rất nên thơ.

Empty
Empty

Mặt trời lùi dần về phía đường chân trời cũng là lúc chúng tôi chuẩn bị đi xuống. Nhiệt độ lúc này khoảng 20-23oC (so với dưới thành phố là 35-37oC). Mấy anh em rục rịch đứng dậy, thốt lên: “Thiên đường là đây! Tiên cảnh là đây!”.

Trên đường đi xuống, tiếng chim chiều gọi bạn vang lên nghe rất vương vấn. Tôi còn nghe được tiếng bầy Voọc chà vá chân nâu chuyền cành rào rào về chỗ ngủ (vốn được con đầu đàn lựa chọn mỗi đêm). “Sáng mai thì mình có thể gặp lại tụi nó!” - tôi nói cho các bạn đỡ tiếc vì chưa nhìn thấy được loài linh trưởng đặc biệt ấy.

Empty

Tại km số 0, anh Việt đón chúng tôi và đưa về biệt thự Kim Giao - nơi nghỉ lại đêm nay. Đây là một trong những cơ sở lưu trú trong Vườn Quốc gia hiện phục vụ cho du khách khi ở lại qua đêm trên Bạch Mã. Điều kiện cơ sở vật chất rất cơ bản, có nước nóng và giường nệm êm, như vậy là đủ cho việc ngủ lại trong khung cảnh núi rừng như Bạch Mã. Cũng có thể, nhờ sự tối giản đó mà lượng khách ở lại Bạch Mã không đông nườm nượp để sự yên tĩnh về đêm vẫn còn được hiện hữu - thứ yên tĩnh mà bất kì ai yêu thiên nhiên hoang dã đều có sẵn trong mình và muốn giữ gìn để đáp lại sự hào phóng của mẹ thiên nhiên ban tặng. Quang cảnh chiều nay anh em tôi tận hưởng là một trong những món quà ấy.  

Empty
Empty

Chúng tôi ăn tối ở nhà hàng Đỗ Quyên, vốn là một sàn nhảy đầm thời Bạch Mã những năm cuối 1930, đầu 1940. Khi du lịch phát triển trở lại sau này, toà nhà đã được cải tạo dựa trên kiến trúc có sẵn để phục vụ ăn uống cho du khách khi lên Bạch Mã.

Tôi có thêm nhiều người bạn mới, những người có tình yêu thiên nhiên qua những buổi giao lưu, gặp gỡ về đêm ở đây. Anh Phương - người phục vụ ăn tối cho chúng tôi, là một trong những người bạn như vậy.

Empty

Từng làm kiểm lâm công tác tại VQG, rồi sau này khi dịch vụ du lịch trong vườn phát triển, anh chuyển sang làm người phục vụ du khách: từ nấu bếp, chạy bàn, dọn buồng phòng đến hướng dẫn viên, thợ chụp hình - anh kiêm hết. Anh từng nói với tôi rằng, có làm vậy thì sẽ được ở lại trên Bạch Mã nhiều hơn, để được gặp nhiều người yêu thiên nhiên hoang dã tìm về nơi đây, để anh có dịp chia sẻ tình yêu thiên nhiên của anh và dĩ nhiên cũng nhận lại sự đồng điệu từ những người lữ khách đó. Hơn 20 năm công tác ở Bạch Mã, thời gian anh ở với núi rừng nhiều hơn ở nhà, dù nhà anh ngay dưới thị trấn ở chân núi. Anh là một trong những cuốn từ điển sống về Bạch Mã mà khi cần, tôi sẽ nghĩ đến đầu tiên.

Ăn tối giao lưu với mấy anh em quen xong, tôi rủ cả nhóm ra ngoài trời ngắm sao. Trời đêm mùa hè trên núi rất đẹp, trong veo không một gợn mây nên nhìn được cả bầu trời sao chi chít và lấp lánh. Không phải ai cũng được thấy những cảnh như vậy, lại là cảnh ở trên núi cao như lúc này.

Không muốn bỏ lỡ cảnh bình minh vào sớm mai, chúng tôi tranh thủ đi ngủ lúc chòm sao Bọ Cạp đang lên cao.

Empty
Empty

Trời mới tờ mờ sáng, tôi đã đánh thức cả nhóm dậy. Sau khi làm ấm người, chúng tôi bật đèn pin, xách bình cà phê nóng tôi pha sẵn trước khi đi ngủ tối qua và ít bánh ngọt rồi đi bộ lên điểm ngắm. Khoảng 30 phút sau thì cả nhóm đến Bưu điện Bạch Mã, nơi có thể quan sát cảnh bình minh. Bầu trời trước lúc mặt trời lên lúc nào cũng đẹp. Tiếng ve kêu, tiếng chim dậy sớm ríu rít, tiếng gà rừng gáy hoà trộn vào nhau như một bản hợp xướng nhiều nốt trầm bổng trên nền sân khấu là mảng trời phía sau với màu sắc tuyệt đẹp của những đám mây biến đổi theo từng khắc. Phía xa, từ hướng biển, ở đường chân trời, mặt trời như cục than ngún lửa hồng bắt đầu trồi lên. Khoảnh khắc đẹp tuyệt ấy được cả đám trầm trồ ghi lại bằng máy ảnh. Trang, cô bạn trong nhóm, còn chụp được mấy tấm hình rất “ảo”. Cảnh sớm trong ánh nắng ban mai dần hiện ra, trong veo và thanh bình. Hiếu tranh thủ ngửa mặt hít sâu không khí đang bay lượn trước mắt và để những tia nắng rưới lên mặt cậu những vệt nắng “đầy dưỡng chất” (như Hiếu nói), thứ mà ở thành phố nơi Hiếu đang sống, không còn nữa.

Empty

Cách không xa biệt thự Kim Giao có một tháp canh, đứng từ trên đó có thể quan sát cận cảnh những mảng rừng. Ở một góc, phía mấy cây cao trong những mảng rừng đó, cách chỗ chúng tôi đứng chưa tới 1 km, tôi biết những người bạn to lớn của tôi đang “họp giao ban” ở đó. Quả thật, khi chớp mắt nhìn, tôi thấy có mấy bạn đang đu đưa trên ngọn cây rồi. Đó là một trong những bầy Voọc ngũ sắc hiện trú ngụ ở VQG Bạch Mã.

Với đặc trưng 5 màu, Voọc ngũ sắc (hay còn gọi là Voọc Chà vá chân nâu) được Tổ chức Bảo vệ Động vật Hoang dã Quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng cư trú trong rừng sâu bởi vẻ đẹp khác thường của nó. Loài này thuộc danh mục nhóm IIB ở mức nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam, và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới xếp vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện.

Voọc ngũ sắc không đi riêng lẻ mà thường sống theo bầy đàn, theo từng gia đình. Ăn trên cây, ngủ trên cây. Thức ăn của chúng cũng rất phong phú, phần nhiều là các loại lá cây, trái cây. Ở Việt Nam, lượng cá thể của loài này chiếm tới 83% số lượng voọc trên thế giới, với khoảng gần 600 cá thể, tập trung chủ yếu tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Sơn Trà (Đà Nẵng); riêng ở VQG Bạch Mã, ghi nhận có sự hiện diện khoảng 5-6 bầy với mật độ 5-10 cá thể/bầy.

Empty

Sau màn giao lưu làm quen… từ xa đầy hào hứng với bầy Voọc, chúng tôi về phòng dọn đồ, trả phòng. Cả nhóm sẽ đi bộ xuyên rừng theo tuyến đường mòn Ngũ Hồ về thác Đỗ Quyên - một trong những địa điểm đẹp nổi tiếng của Vườn - trước khi gặp lại anh Việt ở đường chính.

Đường đi theo tuyến Ngũ Hồ sẽ xuyên qua 5 hồ nước, là những hồ nước trong vắt, mát lạnh, nơi có thể bơi hay ngâm tắm ở đây để giải nhiệt khi chinh phục cung đường hiểm trở trên tuyến này.

Sau hơn một giờ đi bộ, chúng tôi đến đầu đỉnh thác Đỗ Quyên. Khung cảnh hùng vĩ nhìn từ đỉnh thác khiến cả đoàn như được tiếp thêm năng lượng sau chặng băng rừng xuyên Ngũ Hồ vừa qua. Từ đỉnh xuống chân thác cao xấp xỉ 300 m, thác Đỗ Quyên tung nước trắng xoá cuộn chảy theo vách núi đổ xuống dưới như một dải lụa trắng thả bồng bềnh trên nền xanh của rừng, rất ngoạn mục. Tên thác được đặt tên theo loài hoa đỗ quyên mọc ở xung quanh, nở hoa đỏ rực vào mùa xuân hằng năm.

Empty
Empty

Sau khi nghỉ ráo mồ hôi, tôi và Hiếu tranh thủ ngâm tắm ở đoạn nước suối đọng lại tạo thành một hồ nhỏ ngay đầu đỉnh thác. Hai bạn nữ cũng cởi giày cởi tất, ngâm chân vào dòng suối mát thư giãn trong tiếc nước chảy rì rào. Dường như ai cũng tự hoà mình vào Bạch Mã, để cho thiên nhiên nơi đây chiêu đãi những gì tươi mát, trong lành theo cách tự nhiên nhất. Và nhờ thế, tôi tin rằng tình yêu thiên nhiên cũng đến một cách tinh khiết nhất với các bạn đồng hành của mình, như cái cách mà tôi cảm nhận được từ lần đầu gặp Bạch Mã cách đây đã hơn 15 năm.

BMEMGZ 29

Rời thác Đỗ Quyên, chúng tôi đi bộ hơn 30 phút nữa thì ra đến đường chính. Xe anh Việt đã đợi sẵn ở đó, chậm rãi đưa cả nhóm dần xuống núi để lại phía sau những cảnh vật mà chỉ hơn một ngày rong ruổi đã gây nhiều thương nhớ cho những tâm hồn dễ xiêu lòng với thiên nhiên mà tôi có duyên mai mối.

Chúng tôi rời núi rừng Bạch Mã, mang về xuôi những tấm hình ghi lại từng khoảnh khắc đẹp đẽ ở Bạch Mã và để lại ở Bạch Mã những dấu chân bước khẽ trên lá khô cùng tâm hồn trân quý thiên nhiên. Bạch Mã chính là nơi tình yêu thiên nhiên hoang dã của tôi bắt đầu, và cũng có thể là của bạn.

Empty
Empty
BMEMGZ 31