Đạp xe ở thung lũng Bồng Lai

10/11/2021

Biết tôi thích đạp xe nên mấy anh em làm du lịch ở Phong Nha giới thiệu nên đạp xe đến thung lũng Bồng Lai, nơi có Pub with Cold Beer nổi tiếng với món gà nướng siêu ngon. Tôi đến và đến nhiều lần vì Bồng Lai còn có nhiều thứ hơn, không chỉ mỗi món gà nướng hấp dẫn kia...

Tiệm bánh Gia Hưng

Từ trung tâm Phong Nha, đạp xe dọc sông Son, chạy sát mấy bãi bồi được hình thành nhờ phù sa từ trận lụt mùa trước bồi đắp lên, nay bà con địa phương trồng ngô, trồng lạc đã lên màu xanh ngắt, tôi băng qua làng Gia Hưng.

Làng nổi tiếng với nhà thờ gỗ rất đẹp, đẹp nhất vùng. Người dân vùng ven Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng trước đây dựa vào rừng kiếm sống nên một lượng lớn gỗ khai thác về được dùng để dựng nhà. Giáo dân trong vùng tự nguyện đóng góp gỗ từng tích cóp được cùng với cha xứ để dựng nên công trình tuyệt đẹp như hiện nay. Thanh niên, trẻ con thường tập trung vui chơi ở nhà thờ, nên cũng rất thú vị nếu trên đường đạp xe, ghé chân dừng lại đó bắt chuyện để hiểu hơn về cuộc sống của người dân nơi đây. Và trong một lần tán chuyện như thế, tôi khám phá ra được một chỗ thú vị: tiệm bánh bèo - bánh xèo Gia Hưng.

Gọi là tiệm cho sang chứ thực chất là nơi gia đình của o Lài - chú Sơn sinh sống và làm bánh. O Lài học nghề làm bánh của bà từ thuở mới 8, 9 tuổi. Khi vừa qua tuổi 17, o Lài lấy chú Sơn, hai năm sau thì sinh đứa con đầu tiên. Năm 1997, o chính thức kế nghiệp làm bánh bèo, bánh xèo gia truyền, là đời thứ năm.

Nhà o đổ bánh mỗi ngày hai ca, đều đặn. Đổ bánh vào chiều tối thì o chở đi bán ở chợ vào sáng sớm hôm sau. Đổ bánh vào buổi trưa thì o chú bán tại nhà cho người làng ghé ăn và xem o chú đổ bánh, như xem “show” vậy.

Bánh làm từ gạo thường hoặc gạo đỏ, ngâm nước rồi xay nghiền ra, trộn với lá hẹ, sau đó đổ vào khuôn bánh được tái chế từ vỏ bom hoặc thùng pháo sáng mà người dân địa phương thu lượm từ thời chiến tranh để lại. Bánh sẽ được chiên hoặc hấp trên bếp củi, ăn kèm với rau sống, chấm nước mắm, là món ngon có thể ăn cả ngày đối với người dân trong vùng.

Trang trại Mối Mối

Từ mạn này, để băng sông Son, tôi đạp xe qua chiếc cầu phao nổi. Nhờ vậy, có cơ hội được ngắm nhìn dòng Son gần gũi hơn, mới thấy được vẻ đẹp của con sông được mệnh danh là suối nguồn cho nhiều làng mạc trên chặng đường hơn 50 km từ trong hang Phong Nha đổ ra biển. Nước xanh trong nhìn rõ cả đáy, thật thích mắt.

Sang đến bờ bên kia, đạp thêm một đoạn thì tôi gặp một con dốc. Không dựng đứng nhưng dài, con dốc này trở thành một thử thách cho bất kì cua-rơ nào. Leo lên tới đỉnh dốc sẽ chớm thấy thung lũng Bồng Lai khiến tôi cảm thấy bao cố gắng chinh phục con dốc dài vừa xong thật xứng đáng. Nhấp ngụm nước, tôi phóng tầm mắt ra xa, ngắm nhìn. Màu xanh của núi đồi nhấp nhô bao quanh. Màu xanh của những ruộng lúa. Màu xanh của những thửa khoai mì, những hàng chuối. Những ngôi nhà mái lợp ngói đỏ đã phai màu mưa nắng, xen lẫn giữa tấm thảm xanh ấy.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Ngay trung tâm bức tranh ấy, nổi bật lên là nhà thờ Bồng Lai có chóp tháp chuông sơn đỏ, tường sơn vàng nằm bên dòng sông Rào Con uốn lượn ngang qua làm cho thung lũng càng thêm hài hoà như một bức tranh tĩnh vật về phong cảnh tuyệt đẹp.

Bắt đầu đổ dốc xuống, gần hơn những thứ vừa nhìn thấy từ trên cao, tôi càng háo hức hơn. Những hàng tiêu hai bên đường nhìn rất thích mắt. Tiêu cũng là sản vật ở vùng này, bà con thường thu hoạch vào tầm tháng 5, tháng 6 - khoảng thời gian tiện cho việc phơi khô bảo quản. Tấm biển hiệu chỉ đường vào “Trang trại Mối Mối” hút tôi quẹo tay lái vào.

Mối mối là loài mối bay lên sau mỗi trận mưa ở vùng này và được chọn làm tên để đặt cho trang trại. Đôi vợ chồng già bác Vị - cựu chiến binh là chủ của trang trại này. Tôi tình cờ gặp bác lần đầu cách đây 5 năm, khi đang đạp xe vòng vòng quanh vùng. Thấy bác trong bộ quân phục đi bộ với dáng đi không bình thường, tôi biết thế nào cũng có nhiều chuyện hay để nghe. Và đúng là như thế thật. Bác ghì chặt ghi-đông xe đạp tôi khi hồ hởi giới thiệu: “Trong trang trại bác, cái gì cũng có. Chỉ không có ai để nói chuyện thôi!”.

Dắt xe đi bộ theo bác, đến nơi thấy đúng là trang trại không thiếu gì: từ heo trong chuồng, gà chạy quanh vườn đồi, đến cây bưởi, cây tiêu, cây ổi, cây chè, cây sắn, rồi bắp hay dưa hấu, rau bí, rau ngót… Mấy cây hoa dại cũng được hai vợ chồng bác chăm chút khiến trang trại không khác gì một thảo nguyên thu nhỏ mà tôi từng được xem trên phim.

Một chuyến đi dạo quanh trang trại sẽ mở mang kiến thức nông nghiệp cho bất kì ai dưới sự hướng dẫn của bác Vị vui tính, mến khách. Tôi cũng có dịp để chia sẻ những hiểu biết của mình từng được bà ngoại, bà nội chỉ dạy thuở thiếu thời.

Sau này, hai vợ chồng bác còn nấu ăn phục vụ cho khách ghé chơi nói chuyện cùng cho vui. Bác kể chuyện về thời đi lính, thời bình hay chuyện trang trại trong lúc bác gái làm đồ ăn. Con trai bác dựng lại căn nhà gỗ, móc thêm mấy cái võng và bên cạnh là cái bếp mở để bác gái cùng các chị con gái trình diễn kĩ năng nấu nướng của mình cho khách thưởng lãm. Thịt heo nướng ống tre và gà đồi kho nghệ là hai món tôi đặc biệt thích ở đây.

Empty
Empty

Trang trại Heo rừng

Rời trang trại Mối Mối, chỉ cần đạp thêm mấy khúc cua loanh quanh và vài đoạn đèo dốc lên xuống là đến sát bờ sông Rào Con. Rào là tên người địa phương dùng để gọi con sông. Rào Con là sông con, để phân biệt với sông cái, nơi sông con đổ ra. Quan sát tìm được đoạn nước nông, tôi đạp xe băng qua sông. Cái hay khi đi xe đạp là khi bạn chọn đúng loại xe và đạp tới địa hình phù hợp với loại xe đó thì trải nghiệm càng thêm phần thú vị. Dòng xe đạp địa hình - leo núi của tôi dường như thuộc về thung lũng Bồng Lai.

Băng qua sông một đoạn thì tôi đến đầu làng, nơi gia đình của vợ chồng anh Cường sinh sống: Trang trại Heo rừng - Bồng Lai Ecofarm. Tốt nghiệp đại học ở Huế xong, anh Cường về quê làm vài nghề trước khi quyết định đưa vợ con lên đầu làng bên cạnh Rào Con, lập trang trại. Gia đình anh nổi tiếng vì từng nuôi heo rừng - khởi nguồn từ một chú heo được anh giải cứu từ những người đi rừng trong vùng cách đây vài năm.

Từ một chú heo đó, gia đình gầy dựng nên một trang trại với nhiều bầy heo, mang lại thu nhập cho cả nhà. Mùa lũ năm trước, đàn heo bị nước lũ cuốn trôi nên anh chị ngưng nuôi heo rừng. Nay vợ chồng anh nuôi dế - là nguồn thực phẩm sạch giàu dinh dưỡng cho người trong vùng có thêm lựa chọn ẩm thực làm phong phú khẩu vị cho mình.

Anh Cường còn nhanh trí tạo thêm trải nghiệm cho khách đến chơi có dịp tìm hiểu về con dế rất thú vị và không kém phần hài hước với tài nói chuyện của mình. Tôi gọi anh bằng biệt danh là Jackie Cường vì bộ dạng bên ngoài của anh khá giống với tài tử võ thuật Jackie Chan. Gần đây, gia đình còn làm bộ dây đu để những ai thích cảm giác mạnh, được ngắm nhìn thung lũng Bồng Lai tuyệt đẹp từ góc nhìn mới.

Những lần đến đây gặp hôm trời nắng, tôi thường xuống dưới Rào Con, chỗ có hố nước sâu vừa ngâm mình giải nhiệt, nghe tiếng chim hót, suối chảy thì không có gì mong đợi hơn. Nếu gặp ngày mát trời, tôi quay qua nằm võng đong đưa ngủ trưa một giấc, thiệt đúng cảm giác như ở chốn bồng lai tiên cảnh.

Lúc rời thung lũng, cung đường đạp xe còn ngang qua những địa điểm nổi tiếng khác mà như đầu bài có đề cập, là Pub with cold beer của vợ chồng “Chicken lady” Quý Nhất hay “Duck stop” - trại vịt thân thiện của cậu thanh niên trong làng, nơi du khách có thêm những trải nghiệm thôn quê dân dã mà thú vị.

Đường về, đạp xe băng qua vài cánh đồng lúa lúc hoàng hôn buông sau những rặng núi đá vôi khiến tôi ngỡ ngàng, dừng xe lại đứng ngắm nhìn một hồi khung cảnh kỳ vĩ ấy. Và tôi lại háo hức trong chuyến trở lại Bồng Lai sắp tới.

Thông tin thêm:

- Thung lũng Bồng Lai thuộc xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

- Từ trung tâm Phong Nha đi theo đường cao tốc Hồ Chí Minh về hướng Đồng Hới khoảng 6 km thì gặp cầu Bùng, rẽ phải đi thêm 2 km thì tới Trang trại Mối Mối, nằm bên phải thung lũng. Mùa mưa (tháng 10 đến tháng 12), đường vào “Pub with cold beer” hay “Bồng Lai Ecofarm” khá vất vả. Xe máy có thể vào được các điểm trên, nhưng đi xe đạp thì sẽ có được nhiều trải nghiệm lý thú (như đạp xe băng sông) và tới được nhiều điểm đến hơn ở thung lũng Bồng Lai.

- Trang trại Mối Mối và Bồng Lai Ecofarm mở cửa từ sáng sớm đến khoảng 6h chiều, có bán đồ ăn địa phương và đồ uống. Riêng Bồng Lai Ecofarm có tour xem dế, các món ăn chế biến từ dế, chơi swing và 1 đồ uống với chi phí 150.000 đồng/người. Tuy nhiên, để tuân thủ các quy định về phòng chống dịch Covid-19, hiện tại các dịch vụ này vẫn đang tạm đóng.

Shi Jang
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES