Du lịch nơi hoang sơ - có gì vui?

13/09/2019

Đa phần chúng ta đều có xu hướng đi du lịch tới những nơi nhộn nhịp, đầy đủ tiện nghi, công nghệ hiện đại. Ở đó, chúng ta luôn có thể dễ dàng chụp lại những bức ảnh hoành tráng, rồi sau đó bắt đầu “trăn trở”: “Ảnh này đã đủ đẹp để đăng lên mạng chưa? Giờ này đăng lên mạng có được nhiều “like” không?”... Vậy, trong một chuyến du lịch mà những sự tiện nghi đó đều không tồn tại thì “còn” gì vui?

Những bài học vô giá từ thiên nhiên

Khi quyết định đi du lịch tới những nơi hoang sơ, vắng vẻ mà biết chắc là ở đó sẽ khó có các tiện nghi hiện đại, sóng điện thoại hay internet, từ trong tư tưởng tôi đã xác định mình sẽ tập trung hoàn toàn cho thực tại. Vậy là năm giác quan của tôi sẽ được hoạt động tối đa và từ đó, cách nhìn nhận, quan sát một sự vật/sự việc cũng sẽ kĩ lưỡng, tỉ mỉ hơn. Ví như khi tới một hòn đảo hoang, tôi chiêm ngưỡng lâu hơn khung cảnh ở đó, xem xem những tảng đá đó hình thù ra sao, thực vật phong phú như thế nào, nơi đó có gì mới mẻ hay không... Cứ thế mà tôi luôn phát hiện ra những góc cảnh mới lạ, chẳng bao giờ thấy nhàm chán.

Empty

Trong một chuyến đi mà không còn vướng víu bởi cuộc sống nhộn nhịp ngoài kia, hẳn bạn sẽ có thêm vô số thời gian dành để học và trải nghiệm những thứ “thực tế”. Bạn sẽ học cách leo cây nhanh hơn, cách tìm nguồn nước như một người bản địa, hay học được những mẹo thú vị của người dân nơi đó sau khi đã dành nhiều thời gian cũng như sự chân thành để tương tác với họ.

Empty

Tôi nhớ những chuyến đi tới biên giới, tới mốc 79 cao nhất Việt Nam, mốc 42 cao thứ hai Việt Nam, tôi ở trong rừng sâu nhiều ngày đằng đẵng. Đó đều là những nơi mà tuyệt nhiên không có mạng, không có sóng điện thoại… Đó cũng là những lúc tôi phải tập trung cao độ để học hỏi. Tôi được người dân tộc La Hủ và bộ đội biên phòng đi cùng hành trình chỉ cho từng loại cỏ, loại nào ăn được, loại nào thì không. Tôi được dạy cách phân biệt loại cây nào là có độc, cách nhìn hướng gió để biết khi nào trời sẽ đổ mưa hay khi hạ trại bên bờ suối phải chọn vị trí như thế nào, khoảng cách từ bờ suối tới nơi hạ trại phải ra sao... Suốt chuyến đi, tôi phải toàn tâm toàn ý lắng nghe và ghi nhớ. Khi hành trình kết thúc, cũng là lúc tôi nhận ra không chỉ cơ thể mình thêm cứng cáp, mà mình còn có thêm vô vàn kiến thức và kỹ năng, còn hiểu thêm nhiều điều đẹp đẽ về thiên nhiên.

Empty
Empty
Empty
Empty

Profile

  • Tên đầy đủ: Ngô Trần Hải An
  • Sinh ngày: 29/10
  • Quê quán: Bảo Lộc, Lâm Đồng
  • Sống tại: TP.HCM
  • Công việc: Từng làm việc trong ngành CNTT. Hiện đang kinh doanh một công ty riêng về hình ảnh, là phóng viên ảnh tại Zing và cộng tác nội dung với nhiều báo, tạp chí về du lịch
  • Số các quốc gia đã đặt chân tới: Hơn 40 quốc gia từ Á sang Âu và một phần của châu Phi
  • Dự định từ nay đến hết năm 2019: Khám phá biển đảo Thái Lan, quay lại Hokkaido của Nhật, ghé thăm Nội Mông, Tây Ban Nha & Ý, Singapore, Nam Phi
Empty

Đón nhận tình người

Những nơi hoang vu, vắng vẻ cũng thường là nơi mà người dân ở đó rất hiếu khách. Bởi họ ngày ngày chỉ tiếp xúc với hàng xóm láng giềng, hiếm khi gặp khách lạ, vậy nên họ sẽ luôn hân hoan, vui sướng mà đón tiếp bạn chu đáo.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty
Empty

Tôi còn nhớ vào năm 2004 là lần đầu tiên tôi lên Mèo Vạc. Lúc tới nơi cũng đã rất muộn. Tôi tìm tới nhà một người dân để xin ngủ lại một đêm, ngay lập tức họ niềm nở đón tiếp tôi vào nhà. Họ hiếu khách đến mức chủ động dọn chăn gối xuống dưới đất ngủ để nhường nguyên chiếc giường cho tôi. Thậm chí, họ còn làm cả một con gà để đãi tôi ăn. Nhưng ngày nay, có lẽ chuyện đó sẽ khó xảy ra bởi Mèo Vạc đã trở thành một địa điểm du lịch dù hoang sơ nhưng không còn vắng vẻ nữa. Người dân đã quen với việc các du khách từ mọi miền tìm đến đây sẽ phải trả tiền để được ngủ lại. Có lẽ họ cũng không còn những cảm xúc quá hân hoan hay lạ lẫm như thuở xưa!

Empty

Có những lần tôi đi đến vùng sâu, vùng xa, không chỉ một nhà dân mà cả làng cùng kéo nhau ra để chào đón. Những đặc điểm dễ thương này không chỉ có ở Việt Nam mà khi tôi đi nước ngoài, người dân những nơi khác cũng hiếu khách như vậy. Trong chuyến đi Pakistan gần đây, khi tôi tới một ngôi làng ngay ngã ba biên giới Pakistan - Afghanistan - Trung Quốc, cả một ngôi trường - từ hiệu trưởng, giáo viên đến học sinh - đều hồ hởi ra đón tiếp tôi. Họ mời tôi ăn món bánh lúa mạch, uống Chai (trà sữa). Lúc rời đi, lũ học trò chạy ra đứng kín sân trường chỉ để vẫy tay tạm biệt khiến tôi vừa bất ngờ vừa vỡ òa xúc động. Đó đều là những cung bậc cảm xúc mà bạn sẽ không thể tìm thấy được trong những chuyến đi thông thường.

Empty
Empty
Empty
Empty

Chính trong những chuyến đi càng ít sự ồn ào, náo nhiệt, tôi lại càng học được nhiều bài học về thiên nhiên, về con người và về sự nhân văn. Nếu là ở Sài Gòn, hẳn tôi và bạn hàng ngày sẽ đều sống trong sự lo lắng, cảnh giác… vì sợ bị cướp giật, sợ bị lừa. Nhưng ở những vùng đất hoang vắng tôi đã đi qua, người dân khi đối xử với nhau và với du khách lại chẳng hề tồn tại sự cảnh giác, nghi kị - dù họ không hề biết tôi là ai. Tôi từng nghĩ ở những vùng đất sâu xa ấy, con người hẳn lạc hậu nhưng hóa ra chính họ lại ứng xử văn minh hơn người ở đô thị rất nhiều.

Empty

Đôi khi phép màu sẽ xuất hiện

Những vùng hoang vu, vắng vẻ cũng thường là những nơi chưa mấy ai đặt chân tới, bởi vậy hẳn sẽ kích thích trong bạn một cảm giác tự hào khi có mặt ở đó. Cảm giác ấy sẽ thôi thúc cả cơ thể và tinh thần bạn tiến tới khám phá. Thính giác, vị giác, thị giác, khứu giác và xúc giác bạn sẵn sàng để hoạt động tối đa. Và từ đó, phép màu đôi khi sẽ xuất hiện.

Empty
Empty

Có một buổi chiều, tôi đi thăm mốc 69 trên tuyến biên giới Việt - Trung. Trong nắng chiều hôm đó, tôi bỗng mường tượng lại rất nhiều về cha ông mình ngày xưa, họ đã chiến đấu và hy sinh như thế nào để giữ đất đai cho con cháu, để giờ tôi mới có cơ hội được đứng ở đây. Chỉ từ một khoảnh khắc đó thôi mà sau này, khi đã quay trở lại cuộc sống hiện tại, thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ đến để lấy làm động lực sống, cố gắng nhiều hơn.

Ở mỗi vùng đất hoang sơ tôi đến, tôi đều gặp không ít khó khăn, trở ngại bởi sự thiếu thốn cơ sở vật chất cũng như đường sá hiểm trở. Nhưng một khi đã vận dụng tối đa tư duy, giác quan và kĩ năng của mình để vượt qua được những khó khăn đó, tôi luôn trở về với một niềm tin rằng: mình có đủ bản lĩnh và khả năng để vượt qua mọi khó khăn sau này.

Empty
Ngô Trần Hải An
RELATED ARTICLES