Semporna - Viên ngọc biển ẩn mình

30/05/2019

Semporna là một huyện của bang Sabah thuộc đảo Borneo, Malaysia, đồng thời là khu vực bảo tồn quốc gia về hệ sinh thái biển của Malaysia và thế giới. Với dân yêu thích lặn, hệ sinh thái biển Semporna thực sự là một thiên đường với vô vàn các loại sinh vật biển đa dạng và phong phú. Việc thấy được cả một quả cầu cá tung tăng bên dưới hay bơi cùng rùa biển ngay dưới chân homestay cũng là điều rất bình thường ở đây.

Tôi biết đến Semporna từ việc tò mò về địa điểm chụp tấm ảnh vòng cung san hô tuyệt đẹp của một người bạn và sau đó là các thông tin thú vị khác khi tìm hiểu về bộ tộc du mục biển Sea Gypsies ở Malaysia.

Để đến được Semporna, tôi cùng nhóm bạn bay từ TP. Hồ Chí Minh đến Kuala Lumpur và nối chuyến đến Tawau - sân bay gần Semporna nhất. Đặt chân đến Tawau, thời tiết oi bức đặc trưng ở đây làm tôi chỉ muốn lao ra biển để hưởng chút gió mát. Chúng tôi nhờ một người bản địa dẫn đường với mong muốn anh ấy sẽ giúp chúng tôi tiếp cận tốt hơn với dân làng Sea Gypsies.

Người Sea Gypsies

Người Sea Gypsies

Cụm đảo thiên đường

Từ Tawau, chúng tôi đi ô tô khoảng 1,5 tiếng băng qua nhiều đồi cọ trập trùng để tới được thị trấn Semporna và lên tàu bắt đầu lịch trình khám phá Khu bảo tồn biển Semporna. Các địa điểm hay được du khách lựa chọn mua tour hoặc nghỉ tại Semporna là: đảo Mabul, đảo Sipadan. Ở đây có nhiều homestay và resort với mức giá từ thấp đến cao cho du khách lựa chọn. Các đảo này thường cách cảng từ 1 - 1,5 giờ di chuyển bằng tàu. Du khách có thể lựa chọn nhiều gói đi tham quan đảo theo ngày để được ngắm cảnh biển đẹp xuất sắc, lặn cùng hướng dẫn viên và học lặn lấy chứng chỉ quốc tế với giá rẻ thuộc loại bậc nhất. Một lưu ý nhỏ là để đi được vùng này, du khách phải có giấy phép để được tham quan và lặn ở khu bảo tồn. Các công ty tour sẽ là người mua, chỉ cần đăng kí ở Semporna là được.

Chúng tôi ở Mabul một ngày một đêm để thưởng thức hải sản ngon và giá rẻ, đắm mình trong không khí âm nhạc vào buổi tối bên cạnh bờ biển, toàn bộ thời gian còn lại chúng tôi chọn đảo Selankan để dừng chân. Selakan rất thuận tiện để đi tới đảo Bohey Dulang, đảo Maiga, đảo Sibuan, làng của bộ tộc Sea gypsies cũng như các bãi cạn san hô.

Đảo Mabul là đảo đầu tiên chúng tôi dừng chân. Mặc dù là nơi du lịch đông đúc nhất nhưng đảo vẫn rất yên tĩnh và đáng yêu. Ấn tượng đầu tiên khi vừa cập thuyền đến homestay là tôi bắt gặp những nhà thuyền (houseboat) của người Sea gypsies đậu gần đấy. Có khoảng hơn 10 thuyền nhỏ của dân địa phương chở đầy hải sản như tôm hùm, tôm mũ ni, sò, tôm tích, ghẹ, cá, nhum… bán cho du khách. Đi chợ nổi kiểu này khá thú vị, nhưng bạn nên nhớ vì đây là chỗ du lịch nên vẫn phải trả giá nhé. Nhóm tôi hào hứng mua tôm hùm, tôm mũ ni, sò ăn no căng bụng mà tính ra mỗi người chỉ trả hơn 300.000 đồng thôi.

Empty

Đảo Mabul khá gọn, phía ngoài là các homestay, resort phục vụ cho du khách và phía trong đảo là khu vực của người địa phương. Mặc dù đây là điểm du lịch nổi tiếng nhưng Mabul rất ít rác và khá sạch sẽ, đấy cũng là điểm làm tôi ấn tượng nhất. Buổi chiều mát, ngồi dọc theo các cầu cảng bằng gỗ nằm rải rác khắp bãi biển cũng rất dễ thương.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Khác hẳn với Mabul sôi động, Selakan lại rất nhẹ nhàng, cả đảo gần như không có người vì dân làng thường đi làm đến tối và cuối tuần mới về. Tuy nhiên, chúng tôi thích Selakan nhất vì nó mang đến cảm giác bình yên đến lạ lùng. Buổi chiều sau khi ngắm hoàng hôn, chúng tôi lại cùng hai anh bạn người Sea Gypsies cùng ăn tối và đàn hát. Đôi khi chúng tôi chỉ cần những phút giây nhẹ nhàng như thế để bỏ hết những áp lực của cuộc sống thành thị.

Từ Selakan chúng tôi dễ dàng khám phá Bohey Dulang và các đảo khác. Bohey Dulang là một điểm đến cực kì nổi tiếng với thềm biển xanh sáng một cách kì lạ. Từ vị trí đứng ở cầu, chúng tôi ngỡ ngàng nhìn thềm biển ba màu xanh ngắt trong suốt tận đáy. Có lẽ vì lý do đấy mà gần như ai đến Semporna cũng muốn được một lần được nhìn thấy bờ biển đầy san hô với màu sắc đặc biệt đến như vậy. Bạn cũng có thể leo núi khoảng 45 phút để lên đỉnh và nhìn đường nối san hô giữa 2 đảo với nhau đẹp rực rỡ.

Cuộc sống của tộc người Digan biển

Từ Bohey dulang, chúng tôi ghé qua Tatagan, Maiga để tới làng của bộ tộc người Sea Gypsies - những người Digan biển. Đây là bộ tộc người cá du mục cuối cùng còn sót lại và sinh sống ở vùng biển này, còn được biết đến với tên gọi Bajau Laut. Bộ tộc này dựng nhà ngay trên những bãi cạn của thềm biển với nhiều sinh vật biển. Hàng ngày, người dân đánh bắt hải sản để bán và làm nguồn thức ăn chính của gia đình. Dân vùng này không ăn cơm mà chủ yếu ăn hải sản cùng với một loại thức ăn làm từ bột sắn gọi là Putu.

Putu, món ăn truyền thống địa phương

Putu, món ăn truyền thống địa phương

Cuộc sống của người dân Sea Gypsies Semporna còn khá nguyên sơ như bao đời trước, không điện, không nước máy, không tivi, không điện thoại và vẫn sinh sống gần như hoàn toàn trong các nhà trên biển hoặc nhà thuyền. Người dân hàng ngày đánh bắt cá bằng lưới và các dụng cụ thô sơ. Vào thời điểm thuỷ triều hạ xuống, người dân lại đổ ra các bãi cạn san hô để đánh bắt hải sản. Thuyền gỗ nhỏ của người dân rất phù hợp để di chuyển trên các bãi cạn. Từ tàu của mình, chúng tôi phải lội bộ vào các bãi cạn để xem cảnh đánh bắt cá của người dân. Các bãi cạn khi triều rút nước chỉ ngang đầu gối và dễ dàng bắt gặp vô số sinh vật biển như: sao biển, cầu gai, cá, sò…

Người dân nơi đây rất yêu mèo

Người dân nơi đây rất yêu mèo

Người Sea Gypsies dùng bột làm từ vỏ sò để chống nắng

Người Sea Gypsies dùng bột làm từ vỏ sò để chống nắng

a

Bơi lặn là kĩ năng và là sở thích của tộc người Sea Gypsies. Toàn bộ người dân ai cũng có thể lặn sâu không cần bình dưỡng khí để bắt hải sản, bơi lội ngược dòng thuỷ triều không cần bất cứ dụng cụ hỗ trợ nào. Nhờ hai người Seagypsies lái tàu mà chúng tôi được trải nghiệm bơi cùng “người cá” và tận tay bắt sò ăn sống, ấn tượng vô cùng. Cuộc sống của bộ tộc Sea Gypsies phát triển và hoà mình một cách tự nhiên nhất với biển.

Bạn phải đến đây một lần để thấy được cảnh con người và thiên nhiên hoà mình, phát triển cùng nhau một cách thuần thục nhất. Đó cũng là mục đích của tôi khi đến Semporna, chỉ để được nhìn thấy cuộc sống thường nhật của bộ tộc Sea Gypsies và hiểu được tài nguyên thiên nhiên quý giá cần được bảo vệ đến thế nào.

Điểm ấn tượng khác đối với tôi là biển ở đây trong vắt, lặng sóng và xanh một cách kì lạ. Từng con thuyền nhỏ di chuyển lướt trên mặt biển làm tôi có cảm giác như thyền lơ lửng và bay trên mặt biển vậy. Từ trên tàu bạn có thể thấy rõ được thảm thực vật, động vật, san hô ngay dưới đáy biển, ấn tượng vô cùng.

Người dân đánh bắt hải sản trên bãi cạn khi triều rút

Người dân đánh bắt hải sản trên bãi cạn khi triều rút

Để bảo vệ môi trường biển, chính phủ Malaysia đã đưa vùng biển Semporna thành khu bảo tồn quốc gia. Toàn bộ khách tham quan khu vực này đều phải xin phép, nhờ vậy số lượng du khách lặn được quản lý để bảo vệ môi trường biển không bị tác động lớn bởi du lịch. Tập quán sinh hoạt của người Sea Gypsies cũng được chính phủ động viên khuyến khích gìn giữ như bao đời nay, tránh việc sử dụng các biện pháp đánh bắt hiện đại khiến cho bộ tộc mất đi bản sắc đặc biệt. Có lẽ nhờ sự quan tâm, ý thức giữ gìn tài nguyên biển mà môi trường ở Semporna khá sạch, các vùng biển vẫn còn giữ được hệ sinh thái biển phong phú.

Empty

Thời gian ở đảo Selakan, hành trình hàng ngày của chúng tôi chỉ là đi ngắm bình minh, hoà mình cùng cuộc sống với người Sea Gypsies, đi bơi lặn ở bãi san hô, chiều về thả mình cùng với tiếng sóng rì rào bên bếp BBQ hải sản. Ngày qua ngày cứ lặp lại mà không biết chán.

Với tổng kinh phí từ 12 - 15 triệu đồng, chuyến đi là một hành trình khám phá về đời sống của người Seagypsies, được tận mắt ngắm nhìn và đắm mình trong vùng biển tuyệt đẹp, giao lưu với những người Malaysia dễ mến. Đối với tôi, Semporna luôn là một viên ngọc quý để nhớ đến và dễ dàng quay lại vào mỗi năm.

THÔNG TIN chuyến đi:

- Visa: Semporna nằm ở Malaysia nên du khách Việt Nam được miễn visa du lịch trong vòng 30 ngày.

- Hành trình: từ Việt Nam đến Semporna chủ yếu di chuyển bằng đường hàng không, từ các thành phố Hà Nội/ Đà Nẵng/ TP. HCM đến Kuala Lumpur và nối chuyến đến Tawau. Ở đây, các tourguide sẽ đón bạn tại sân bay và đi xe tầm 1 tiếng rưỡi để đến cảng Semporna hoặc bạn có thể gọi grab với giá tầm 400.000 đồng để di chuyển từ sân bay đến cảng Semporna.

- Thời điểm: tháng 3 đến tháng 8 là thời gian đẹp nhất để du khách tận hưởng vẻ đẹp của Semporna cũng như lặn biển, câu cá.

- Phương tiện di chuyển: Diện tích các đảo ở đây khá nhỏ nên bạn có thể đi bộ để khám phá đảo.

- Lưu trú: Semporna có nhiều chỗ lưu trú từ đắt cho đến rẻ. Bạn có thể đặt trước bằng trên các trang trực tuyến agoda.com hoặc booking.com. Tôi chọn nhà nghỉ dành cho dân du lịch bụi của Mr. Jeff tại Mabul và nhà nghỉ Selakan tại đảo Selakan (do bạn người địa phương đặt).

- Ẩm thực: Hải sản ở đây rất tươi ngon và rẻ. Bạn có thể mua hải sản từ ngư dân và nhờ bếp khách sạn chế biến. Do dịch vụ du lịch ở đây chưa phát triển mạnh nên một số resort sẽ phục vụ 3 bữa ăn chính trong ngày.

- Tiền tệ: Semporna sử dụng đồng Ringgit (RM), giá quy đổi khoảng 550 đồng/RM. Bạn có thể đổi RM tại sân bay Kuala Lumpur hoặc đổi tại Việt Nam trước khi đi.

- Tour: Bạn có thể mua tour trực tiếp từ Việt Nam qua công ty Unitour hoặc liên hệ với các agency địa phương. Nếu có thời gian, bạn hãy đón xe đến Semporna và đặt tour ngay tại Semporna. Bạn sẽ phải đặt tour trước ít nhất là 1 ngày vì các đại lý tour sẽ phải xin giấy phép vào khu vực bảo tồn quốc gia trước.

- Kinh phí dự kiến: 12-15 triệu đồng/người cho chuyến đi 5 ngày.

- Lưu ý:

+ Đội mũ nón cẩn thận vì rất dễ say nắng; nhớ mang theo kem chống nắng.

+ Nước uống trên đảo không đảm bảo vệ sinh lắm, nên dùng nước đóng chai.

Huỳnh Phương Loan
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES