Đông Tạng đầy khác biệt
Là một tỉnh nằm ở phía Đông nam của khu tự trị Tây Tạng, tiếp giáp với Lhasa ở phía Đông, Chamdo ở phía Nam và Nakchu ở phía Bắc, Nyingchi (Ngai vàng của Mặt Trời - Throne of the Sun - nghĩa đen trong tiếng Tạng) được đặt tên vì vị trí đặc biệt của nó. Với độ cao thấp nhất chỉ chưa tới 900m và nơi cao nhất là 7.782m so với mực nước biển (đỉnh Namchebarwa), Nyingchi sở hữu khoảng cách chênh lệch độ cao lớn nhất thế giới và là nơi có thể nhìn thấy mặt trời mọc hàng ngày ở Tây Tạng. Độ cao trung bình khoảng 3.100m khiến nó trở thành khu vực thấp nhất, màu mỡ nhất và có cảnh quan dễ chịu nhất của cả vùng Tây Tạng hoang dã. Được bao bọc bởi hai dãy Himalaya và Nyainquentanglha, lại được ví như là Thuỵ Sĩ, Giang Nam của Tây Tạng, Nyingchi được thiên nhiên ưu đãi với rất nhiều hồ nước tuyệt đẹp, những hẻm núi sâu thẳm (Yarlung Zangpo Grand Canyon - hẻm núi sâu nhất thế giới), những cánh rừng mênh mông, những cánh đồng đầy hoa đỗ quyên bát ngát và cả những vườn đào ngập tràn sắc hồng khi mùa xuân về.
Hành trình của chúng tôi bắt đầu từ Lhasa, đi dọc quốc lộ 318 đến Bayi, Pomi, hồ Rawok và quay ngược trở lại Lhasa theo Linla Highway (đường cũ). Tuy nhiên, để tiết kiệm thời gian, bạn hoàn toàn có thể bay thẳng từ Thành Đô đến Nyingchi rồi sau đó mới về Lhasa (nếu muốn).
Cuối xuân ở Đông Tạng, một số nơi hoa đào không còn duy trì được sắc thắm nữa. Những cây đào cổ thụ, một gốc những mấy thân, mọc bên hồ, mọc ven đường, mọc trên núi, mọc trong đá… chìa những cánh tay dài khẳng khiu mang đầy những hoa, hồng có, trắng có, vẫy vẫy chúng tôi trong gió. Một đôi chỗ, trời khá mù, thỉnh thoảng lại còn có mưa. Bù lại, mây sà xuống rất thấp, luồn quanh thung lũng, kéo lê những vạt đuôi dài màu khói của mình trên những ngọn thông bên sườn núi khiến cảnh sắc trở nên kỳ ảo, thậm chí còn có đôi chút huyễn hoặc.
Vốn đã từng đi cung miền Tây trước đó, lần này Đông Tạng đem đến cho tôi một cái nhìn khác biệt với kiểu kiến trúc cảm giác rất Bhutan. Các ngôi nhà, tu viện đặc trưng của giáo phái Nyingma ở đây luôn có mái (mặc dù độ dốc khá thấp, nhưng vẫn có mái, không phải kiểu mái bằng như ở Lhasa hay miền Tây); các ô cửa, thanh xà, vì kèo chống đỡ đều được vẽ hoa văn và lungta thì treo phấp phới quanh cửa sổ, phía trên những ống chuyển kinh luân với đủ màu sắc: xanh lá, xanh ngọc, hồng, tím, trắng, vàng, đỏ... nhìn rất bắt mắt. Bên ngoài tu viện Lamaling còn có cả một bộ sinh thực khí bằng gỗ và đá rất cổ xưa.
Nyingchi tươi đẹp
Rời Bayi, chúng tôi đến Pomi - vùng đất của hoa đào. Lúc này, hoa đang rộ, một số nơi còn mở cả hội chợ hoa đào, bán vé cho khách du lịch vào xem, đông phải gọi là nườm nượp. Những chỗ này vào cũng được mà không vào cũng chẳng sao bởi thật ra, chỉ cần dừng xe dọc hai bên đường là các bạn đã có thể ngắm và có những bức hình đủ gây xoắn xuýt với hoa đào.
Một nơi nữa ở Pomi mà tôi rất thích và nhiệt liệt đề cử nếu các bạn đến là Rinchen Family Lodge, nằm cạnh Barkhar Gompa. Cái chỗ này, phòng ngủ bằng gỗ tuy cách âm hơi kém nhưng bù lại deco rất đáng yêu. Phòng tắm có bốn đèn sưởi công suất lớn khá ấm, đi vệ sinh hay tắm hoàn toàn không lo bị lạnh như ở miền Tây. Và đặc biệt, mỗi phòng đều có một ban công nhỏ, một bộ bàn hai ghế chạm trổ xinh xinh. Ngồi đây vừa nhâm nhi trà gừng (mang từ Việt Nam theo) vừa ngắm hoa đào bay bay trong gió và dòng sông xanh biếc phía xa xa kia phải nói là rất tuyệt. Ban đêm, có cả đốt lửa trại và nhảy múa, nhà ăn ở khu vực riêng, phục vụ trà sữa và các món khá là vừa miệng.
Nyingchi không chỉ có mỗi hoa đào, Nyingchi còn có cả ngọn núi thiêng hùng vỹ Namchebarwa cao gần 7.800m hầu như quanh năm sương mù bao phủ. Từ Bayi, chúng tôi xuất phát khá sớm, với hi vọng mong manh sẽ được ngắm mặt trời lên. Vào mùa này, trời rất mù, mây dày và khá thấp. Khi xe dừng lại trên đỉnh đèo Serkhim La thì cũng là lúc bình minh đã nhạt nhoà, đất trời chỉ còn mỗi màu trắng xám, xung quanh toàn tuyết là tuyết. Thình lình, trong một khoảnh khắc nào đó, những vạt mây xám trôi đi, đỉnh Namchebarwa nhọn hoắt dần dần ló ra, từng chút, từng chút một dưới ánh mặt trời vàng óng. Và tôi nghĩ rằng, chúng tôi đã thật may mắn biết bao.
Bên cạnh đó, Nyingchi còn có cả những sông, những hồ với màu nước ánh lên xanh trong rực rỡ. Hồ Rawok (Rawok tso), nằm trên độ cao 3.800m so với mực nước biển, điểm xa nhất cung đường miền Đông Tạng mà người nước ngoài có thể được cấp phép đến cũng nằm trong hành trình lần này. Đường tới hồ uốn lượn dọc theo dòng sông Nyang, vốn là một nhánh của sông Nhã Lung (Yarlung-Tsangpo), nằm bên những triền núi hiểm trở. Mùa này, thời tiết hãy còn rất lạnh, và trên khu vực hồ, một số chỗ băng tuyết vẫn còn dày, cảm tưởng như có thể bước cả chân lên được. Màu tuyết - màu lungta, màu nước - màu trời như hoà vào nhau, mát lịm và tĩnh lặng.
Hồ thiêng và sông băng
Một trong những nơi không thể không nhắc đến khi nói về Đông Tạng là Basum Tso - hồ thiêng lớn nhất của giáo phái Nyingma ở Nyingchi. Basum có nghĩa là hồ nước xanh theo tiếng Tạng, với diện tích 26km2, nằm ở độ cao 3.538m. Được tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá là một trong những điểm thu hút khách du lịch thế giới (năm 1994), được coi là Công viên Rừng Quốc gia (năm 2001) và được xếp hạng thắng cảnh AAAAA, Basum Tso thật sự rất đẹp với mặt hồ màu xanh thẳm, như một tấm gương phản chiếu những ngọn núi và rừng cây xung quanh. Đảo Tashi nằm cách bờ chừng 100m, trên đó có tu viện Tso Dzong - một tu viện Nyingmapa được xây dựng từ tận thời nhà Đường cùng những cây Zodiac có tuổi đời đã 1.300 năm. Nằm gần bờ Nam có một lỗ Qiuzi, được Padmasambhawa ban phước, nơi mọi người thường đến đó cầu tự và còn có cả một cái hang, nơi mà Guru Rinpoche đã từng ngồi thiền định.
Nếu yêu thích vận động, sông băng Midui cũng là một lựa chọn tương đối hợp lý. Từ điểm đỗ xe cuối cùng, cần trek bộ khoảng 2 tiếng mới tới được điểm ngắm cảnh. Bạn cũng có thể thuê ngựa (có người dắt) trong trường hợp không đủ sức khoẻ với giá vài chục tệ. Ngày chúng tôi đến, mây mịt mù che phủ nên không nhìn được núi, thành ra chỗ này cũng thiếu phần đặc sắc. Tuy vậy, theo như một số ảnh tôi xem được trước khi đi, thấy hẳn cũng không tệ.
Ngày cuối ở Nyingchi, đi vòng ra phía trước khách sạn, một thảm hoa trắng bé xíu xiu chảy tràn khắp vườn như báo hiệu mùa hè sắp đến. Những cánh hoa bồ công anh vàng vàng cũng bắt đầu xuất hiện. Đám hoa dại sắc xanh, tím cũng lặng lẽ bung lên từ lòng đất, lốm đốm từng chỗ. Đỗ quyên hồng xinh xinh như những cái chuông cũng dần dần vươn mình thức dậy. Mùa hè, chỗ này, hẳn sẽ ngập đầy hoa.
Trên đây chỉ là một góc nhỏ của vùng Đông Tạng, tuy nhiên, đó đã là cực hạn có thể đi đối với người nước ngoài do những hạn chế về chính sách du lịch của chính quyền Trung Quốc. Và vì cũng đã từng đi Tây Tạng, cung miền Tây và đặc biệt là đoạn offroad khắc nghiệt phía Bắc vào tháng 9 năm ngoái, tôi có thể khẳng định rằng Đông Tạng quá hiền lành, đẹp yên bình với cây xanh ngập tràn cùng hoa đào giăng khắp lối. Độ cao thấp hơn, oxy nhiều hơn, không khí dễ chịu hơn, màu sắc đa dạng hơn, đường sá ngon lành hơn, và đặc biệt là điều kiện ăn ở tốt hơn rất nhiều lần đã khiến cho nơi đây hội đủ mọi thứ để trở thành địa điểm tuyệt đối lý tưởng dành cho những người lần đầu đặt chân đến Tibet và muốn tận hưởng một kỳ nghỉ có chút gì đó gọi là hưởng thụ sung sướng, hoàn toàn khác biệt với phía Tây.
Thông tin thêm
Visa: Bạn cần xin visa Trung QUốc
Hành trình: Từ Việt Nam, bạn cần bay đến Thành Đô (hoặc Côn Minh) rồi bay tiếp đến Lhasa/Nyingchi. Bạn cũng có thể đi tàu từ Thành Đô đến Lhasa.
Thời điểm: Với điều kiện địa hình và khí hậụ tốt nhất Tây Tạng, Nyingchi thích hợp để đi trong cả 4 mùa. Tuy nhiên, từ đầu tháng 3 đến giữa tháng 4 hàng năm, chính quyền Trung Quốc thường không cấp visa cho khách du lịch vào Tây Tạng nên cần cân nhắc khi quyết định đi Đông Tạng mùa xuân. Cuối tháng 5 đến hết tháng 6 là thời điểm đỗ quyên nở rộ, sẽ rất đẹp. Tháng 10, tháng 11 chắc sẽ là một lựa chọn tuyệt vời cho bạn nào mê mẩn với những sắc vàng của mùa thu.
Ẩm thực: do các món ăn TQ khá nhiều dầu mỡ và ngấy, thậm chí là rất cay, các bạn cần lưu ý trước khi gọi món. Các bạn có thể mang thêm thức ăn khô ở nhà sang cho đỡ ngấy, nhưng cần kiểm tra kỹ có được nhập cảnh không.
Thời tiết: Mùa xuân, mùa thu và mùa đông ở Đông Tạng rất lạnh. Như thời điểm chúng tôi đi vào đầu tháng 4, nhiệt độ thường vào khoảng 2 - 5 độ vào buổi sáng, cao hơn một chút vào buổi trưa và ban đêm thì có thể xuống dưới âm độ.
Trang phục:
- Người Tạng không khuyến khích mặc váy ngắn, quần ngắn và không cho phép mặc như vậy vào các đền chùa. Thậm chí nếu mặc váy dài, bên trong cũng cần phải có quần tất cho lịch sự.
- Khi lên các đèo, còn có thể gặp tuyết, gió rất lớn nên mũ che tai, khăn quàng cổ, găng tay, tất chân dày là không thể thiếu. Áo các bạn mặc nhiều lớp, để có thể cởi ra dần nếu quá nóng.
Tiền tệ: Người Tây Tạng cũng sử dụng đồng nhân dân tệ (CNY) của người Trung Quốc. Tỉ giá từ 3.400 – 3.500 đồng = 1 CNY. Bạn cũng có thể dùng USD để chi tiêu ở Lhasa trong trường hợp mua bán (đông trùng hạ thảo, saffron, ...). Hoặc nếu có Wechat, và account wechat có liên kết với tài khoản ngân hàng, bạn cũng có thể thanh toán trực tiếp bằng wechat.
Những lưu ý khác:
- Vì việc vào được Tây Tạng cần có rất nhiều giấy phép, tất cả các giấy phép này đều phải xin qua công ty tour của Trung Quốc nên hình thức du lịch backpack là không thể ở Tây Tạng. Sau khi xin được visa, cần scan passport và visa cho bên phía agency Tibet để họ làm thủ tục xin cấp phép. Các bạn cần những giấy tờ có cấp phép này để làm thủ tục check-in ở các sân bay (Thành Đô/ Côn Minh ...) trước khi vào Lhasa/Nyingchi.
- Vé máy bay nội địa Trung Quốc nên nhờ các công ty phía đầu Tây Tạng đặt luôn (một phần vì thuận tiện, và một phần vì nghe nói nếu không có ID TQ thì sẽ không tự mua được).
- Do các quy định về cấp phép, nên khi vào Tây Tạng, các bạn sẽ phải có 1 công ty tour/travel agency tiếp nhận. Việc đi lại, phương tiện di chuyển, đưa đón sân bay, bên phía nhà tour sẽ phụ trách hoàn toàn. Chúng ta chỉ cần phụ trách phần quẩy, vui chơi, ngắm nghía, chụp choẹt sao cho thoả thích và văn minh lịch sự mà thôi. Tôi đi Tây Tạng 2 lần, từ Tây sang Đông, đều dùng dịch vụ của các bạn Tibet F.I.T, hoàn toàn cảm thấy hài lòng và thoải mái. Đây là một công ty của các bạn người Tạng, từ lái xe, đến kế toán, đến hướng dẫn viên, đến CEO, tất cả đều là người Tạng, đã dẫn rất nhiều đoàn Việt Nam rồi nên rất hiểu khẩu vị và mong muốn của người Việt Nam.
Chi phí dự kiến cho chuyến đi: khoảng 2.300 USD/người cho hành trình 14 ngày.