Lễ hội Naadam - niềm tự hào của người Mông Cổ

24/04/2019

Lễ hội Naadam là lễ hội truyền thống của người Mông Cổ và đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2010.

Lễ hội Naadam là gì?

Naadam trong tiếng Mông Cổ có nghĩa là trò chơi. Một số nơi ở Mông Cổ gọi lễ hội này là "Eriin Gurvan Naadam", nghĩa là lễ hội "3 trò chơi của cánh đàn ông". Các trò chơi bao gồm: đấu vật Mông Cổ, đua ngựa, bắn cung được tổ chức trên khắp đất nước Mông Cổ vào giữa mùa hè. Hiện nay, phụ nữ cũng bắt đầu được tham gia bắn cung, đua ngựa, nhưng không được thi môn đấu vật của người Mông Cổ.

Bia

Khi tham gia thi tài, các thí sinh sẽ phải mặc trang phục truyền thống của Mông Cổ. Trước mỗi cuộc thi có một đoàn kỵ binh diễu hành, ngoài ra còn có các hoạt động khiêu vũ, uống rượu.

Lễ hội được tổ chức vào tháng 7 hằng năm và kéo dài nhiều ngày ở khắp mọi miền đất nước Mông Cổ, rầm rộ nhất ở thủ đô Ulaanbataar, nhưng ở các vùng nông thôn cũng rất sống động và đầy màu sắc.

Đua ngựa

Empty

Mông Cổ được ví von là quốc gia sinh ra từ lưng ngựa. Những con ngựa bản địa ở đây rất khỏe mạnh, dũng mãnh từ thời Thành Cát Tư Hãn. Chúng có thể lực vượt trội so với con người, thích ứng tốt với nhiệt độ khắc nghiệt và giỏi tìm kiếm thức ăn cho riêng mình. Ở Mông Cổ, mọi đứa trẻ lớn lên ở vùng nông thôn đều được học cưỡi ngựa từ khi chúng mới lên 3. Ý nghĩa văn hóa của trò đua ngựa tại lễ hội Naadam là nhằm tôn vinh giá trị lịch sử. Ngoài ra còn có một truyền thuyết cổ xưa của người Mông Cổ cho rằng, bạn có thể thay đổi vận may của mình bằng cách chạm vào bụi và mồ hôi của con ngựa khi tham gia đua ngựa tại lễ hội Naadam.

Đấu vật Mông Cổ

Empty

Ở Mông Cổ, đấu vật là một môn thể thao truyền thống. Các trận đấu được phát trên kênh truyền hình quốc gia và mọi gia đình Mông Cổ đều hy vọng rằng, con trai của họ sẽ trở thành một đô vật nổi tiếng. Những bức tranh hang động ở thủ đô Bayankhongor, có từ thời đồ đá mới, đã mô tả 2 người đàn ông vật lộn, xung quanh có rất nhiều người theo dõi và cổ vũ. Trong lịch sử, Thành Cát Tư Hãn coi đấu vật là bộ môn giúp binh lính của ông có thể lực tốt để sẵn sàng chiến đấu.

Một đặc điểm khác thường thấy ở môn đấu vật Mông Cổ là không có hạng cân. Chuyện một đô vật thi đấu trước đối thủ to gấp đôi mình ở Mông Cổ là điều hết sức bình thường. Khi thi đấu, mỗi đô vật phải đội mũ 4 mặt, áo trễ vai và quần soóc. Còn khi tham gia đấu vật ở lễ hội Naadam, đô vật sẽ mặc áo choàng và đi giày truyền thống.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Bắn cung

Empty

Bắn cung luôn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của người Mông Cổ. Những người du mục luôn sử dụng cung tên rất giỏi để săn bắn. Các chiến binh Mông Cổ đã sử dụng chúng làm vũ khí và khiến kẻ địch phải sợ hãi.

Các cuộc thi bắn cung được tổ chức ở lễ hội Naadam dành cho các cung thủ: nam, nữ và trẻ em. Ở mỗi hạng mục thi, các thí sinh sẽ sử dụng cung tên khác nhau và khoảng cách đến mục tiêu cũng khác nhau. Trước khi thi đấu, thí sinh còn phải tham gia một buổi sát hạch để kiểm tra sức mạnh, tầm nhìn và sự tập trung. Cũng giống như môn đấu vật, các cung thủ phải mặc trang phục truyền thống khi thi đấu.

Trò chơi “bắn xương gót chân”

Empty

Dạo quanh lễ hội Naadam, bạn có thể bắt gặp những nhóm đàn ông từ 6 đến 8 người đang búng 30 viên đá cẩm thạch trông giống như trò chơi domino trên bề mặt gỗ nhẵn để hướng đến mục tiêu là mảnh xương cừu. Đây là trò chơi “bắn xương gót chân” truyền thống của người Mông Cổ và được nhiều người coi là môn thể thao chính thứ 4 ở lễ hội. Trò chơi này có lịch sử lâu đời, khi người Mông Cổ tôn sùng một số phần xương của vật nuôi và sử dụng chúng trong các nghi lễ tôn giáo và các lễ hội truyền thống.

Còn những điều thú vị nào khác ở lễ hội Naadam?

Lễ hội Naadam không chỉ có thể thao. Đây là sự kiện lớn nhất trong văn hóa Mông Cổ với nhiều chương trình diễu hành, các buổi hòa nhạc và biểu diễn ở nhà hát rất hoành tráng.

Empty

Lễ hội bắt đầu bằng nghi lễ nổi tiếng mang tên "Chín biểu ngữ trắng" (Nine White Banners), một nghi lễ truyền thống bắt nguồn từ thời Thành Cát Tư Hãn và được hồi sinh vào những năm 90 của thế kỷ trước để kỷ niệm việc đất nước quay trở lại chế độ dân chủ. Mỗi banner được tạo thành từ lông đuôi của 1.000 con ngựa từ mỗi tỉnh trong cả nước và được coi là biểu tượng của sức mạnh. Ngoài ra còn có một lễ hội hóa trang truyền thống tên Deeltei Mongol; lễ hội đầu ngựa tên Morin Khuur và các buổi biểu diễn hàng đêm mang tên Uchirtai Gurvan Tolgoi - một vở opera truyền thống của người Mông Cổ. Tại lễ hội Naadam, du khách còn được nghe nhạc jazz và tham gia nhiều loại hình giải trí thú vị khác.

Ẩm thực tại lễ hội Naadam

Empty

Ẩm thực tại lễ hội Naadam rất phong phú và đa dạng. Tại sự kiện văn hoá thú vị này, hàng ngàn người dân du mục tập trung tại đây để tiệc tùng. Những món ăn ưa thích của người dân nơi đây là: khuushuur (một loại bánh cuốn nhân thịt), bánh bao chiên giòn, sữa chua airag, sữa mare lên men…

Làm thế nào bạn có thể đến lễ hội Naadam?

Năm 2019, lễ hội Naadam diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 11 đến 15/7. Hiện nay, rất nhiều công ty lữ hành cung cấp các tour và hành trình bao gồm lễ hội và khám phá thêm về Mông Cổ.

Empty

Việt Nam không có đường bay thẳng đến thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ. Du khách có thể chọn đường bay quá cảnh tại Bắc Kinh (Trung Quốc) với Hàng không Air China. Ngoài ra, du khách cũng có thể chọn các đường bay phải quá cảnh khác như Cathay Pacific (tại Hong Kong), United Airlines (tại Hong Kong) hoặc Vietnam Airlines (tại Tokyo), tuy nhiên nửa sau của hành trình, từ các điểm quá cảnh đến Ulaanbaatar, du khách sẽ phải đổi sang hàng không quốc gia Mông Cổ, MIAT. Hành trình bay ngắn nhất kéo dài khoảng 10 tiếng. Các công ty du lịch tại Việt Nam thường tổ chức tour du lịch Bắc Kinh – Mông Cổ với mức giá từ 50 triệu đến 70 triệu đồng/người.

10_1

Thủ tục xin Visa đến Mông Cổ khá đơn giản, du khách chỉ cần điền mẫu đơn xin thị thực, Hộ chiếu, CMND, 2 tấm ảnh 4x6. Tuy nhiên, du khách cũng cần phải có thư mời của công dân Mông Cổ, tổ chức hoặc công ty du lịch. Vì vậy, du khách có thể thông qua các công ty du lịch uy tín như Saigontourist, Vietravel, Tugo… để bảo lãnh cho việc xin Visa của du khách trở nên dễ dàng hơn.

Thế Anh
RELATED ARTICLES