Đã từng rong ruổi quá nhiều cung đường cằn cỗi, tôi không còn thiết gì những con đường bằng phẳng, thay vào đó bằng những địa danh vừa thử thách con người, vừa giấu kín những báu vật của thiên nhiên mà chỉ những kẻ thật sự trân quý mới có thể tìm đến.
Hành trình lạc giữa mùa đông Cam Tư
Từ Thành Đô, kinh đô nước Thục thời Tam Quốc, hiện giờ là thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, chúng tôi thuê một chiếc xe để thẳng tiến đến Đạo Thành trong khi một số lữ khách khác lại sử dụng máy bay để di chuyển. Chuyến bay ngắn để đến Đạo Thành thường có nguy cơ hủy chuyến do điều kiện thời tiết bất thường ở khu vực sân bay dân sự nằm trên vị trí cao nhất thế giới với độ cao 4.411 m so với mực nước biển. Hơn nữa, việc di chuyển bằng xe đã cho chúng tôi cơ hội chiêm ngưỡng trọn vẹn cảnh vật thiên nhiên hơn cả chốn bồng lai tiên cảnh của vùng đất này.
Các vùng dân tộc Tạng tự trị thuộc Tứ Xuyên nói chung có địa hình đồi núi vô cùng hiểm trở, những làng mạc, thị trấn in bóng người nằm cách nhau hàng trăm km đường đồi núi ngoằn ngoèo, có đoạn lên đến 18 khúc cua cùi chỏ như những nấc thang chạm trời. Ôtô là phương tiện di chuyển gần như độc nhất, xe buýt địa phương thì rất hiếm, hầu như mỗi ngày chỉ có một chuyến và thường phải mất cả ngày để đi hết chừng 400 km. Lộ trình của tôi đi một vòng cung phía tây của Tứ Xuyên, dừng chân ở danh thắng núi Tứ Cô Nương, lưu lại ngôi làng Tạng Đan Ba đẹp nhất Trung Quốc, trò chuyện tại nơi hội tụ của hàng nghìn ni sư trong học viện Phật giáo Yarchen Gar, tìm hiểu xưởng in kinh Phật Đức Cách cổ nhất Trung Quốc, rồi xuôi về cao nguyên Cam Tư để đến Đạo Thành - một điểm đến mong chờ trong hành trình khi Cửu Trại Câu đang bị tàn phá bởi những trận động đất vào đầu thu năm trước.
Ở vùng Tạng Cam Tư này, cho dù chính phủ Trung Quốc đã rất cố gắng cải thiện cơ sở hạ tầng trong vài năm trở lại đây, thì những con đường mà chúng tôi qua, phải nói rằng một số đoạn đường vẫn khá xấu, nhỏ hẹp chỉ với hai làn xe, xuyên qua trùng điệp những dãy núi tuyết vĩnh cửu. Xe bon bon chạy giữa cảnh thiên nhiên đang chuyển mình tuyệt đẹp vào những ngày đầu đông, giữa hai rãnh núi tuyết, dọc theo những con suối rì rầm, những khóm cây vàng đỏ trải dài từ trên sườn núi xuống tận ven suối. Nối tiếp những thung lũng sâu hun hút là những thảo nguyên mênh mông ở độ cao trên 3.000 m, những đàn bò lông dài nhởn nhơn gặm cỏ, tô điểm cho bức tranh thiên nhiên tráng lệ. Trời thì xanh ngắt và trong veo, cái chất trong veo của bầu trời thảo nguyên mênh mông không vương khói bụi. Chúng tôi liên tục xuýt xoa đến nỗi bác tài phì cười và bảo rằng không biết Đạo Thành sẽ làm chúng tôi phấn chấn đến độ nào nữa. Những đoạn đường dài lê thê, nhờ cảnh sắc tuyệt mỹ, mà dường như ngắn dần lại.
Trước khi bước vào khu vực cửa ngõ đến Đạo Thành, xe dừng lại ở một trạm kiểm soát nghe phổ biến về hội chứng sốc độ cao ở vùng tuyết sơn này. Để đến Á Đinh, chúng tôi phải đến huyện Đạo Thành, từ đây đi xe thêm 74 km để đến thị trấn Shangrila (ở Vân Nam cũng có một Shangrila rất nổi tiếng với các ngôi chùa Tạng bề thế bên những rặng núi tuyết vĩnh cửu) trước khi có xe buýt nội bộ của công viên đưa khách vượt qua 32 km để đến trung tâm danh thắng Á Đinh.
Cô hướng dẫn cho chúng tôi biết, khu vực nơi đó có chênh lệch độ cao khá lớn, nếu ở Shangrila có độ cao trung bình 2.800 m thì khu vực Á Đinh độ cao có thể lên đến 4.400 m so với mặt nước biển. Vì thế, hội chứng sốc độ cao sẽ dễ dàng xảy ra hơn cả Tây Tạng, Hoàng Long hay Cửu Trại Câu. Người Trung Quốc trước khi đến Đạo Thành cũng phải chuẩn bị tư trang kỹ lưỡng và uống một loại thuốc Hồng Cảnh Thiên để hạn chế chứng sốc độ cao. Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị chứng sốc độ cao mà chỉ có thể nghỉ ngơi, ít vận động để thích nghi dần độ cao, tránh ngủ trên xe để không làm thay đổi đột ngột lượng oxy lên não khi tỉnh dậy. Á Đinh là một điểm du lịch mới, chưa trang bị những khu y tế, quán xá, nhà hàng nên chúng tôi phải tự túc mọi thứ cho những ngày đông đã chạm ngõ Á Đinh.
Một thế giới riêng ở Yarchen Gar
Khi Largung Gar chưa cho phép người nước ngoài đến tham quan thì tôi chắc chắn không thể bỏ qua Yarchen Gar, học viện Phật giáo lớn thứ hai thế giới dành cho ni sư tu tập. Yarchen Gar như một kỳ quan được tạo ra từ niềm tin tâm linh nằm trong một thung lũng cao trên 4.000 m. So với những khu vực khác, mùa đông ở đây hiện diện từ rất sớm.
Hàng ngàn ngôi nhà xiêu vẹo lô nhô trên một bán đảo mênh mông được ôm trọn bởi con sông Kim Sa khơi dòng từ những ngọn núi tuyết bao quanh. Bán đảo là chỗ ở của một nữ tu đã đến đây để nghiên cứu về Phật giáo Tây Tạng. Anh lái xe dặn nam giới như tôi không đi vào khu bán đảo ấy mà chỉ có thể lên ngọn đồi cao để nhìn xuống Yarchen Gar hay đi loanh quanh bên ngoài bán đảo. Các ni sư ở đây đa phần là người Tạng, một số ít là người Hán và các dân tộc thống trị ở Trung Quốc. Họ thường đến đây vào đầu mùa đông và bắt đầu quá trình tu tập trong 100 ngày. Họ mang một số ít thực phẩm, nhu yếu phẩm để dùng. Những túp lều nhỏ vuông vức chỉ rộng khoảng 2 m2, được bao bọc kín bưng bằng vải, chèn đá xung quanh và trên nóc lều để chống chọi những cơn gió buốt lạnh thổi qua.
Trước khi nhập thiền, các tăng ni phải khấu đầu. Họ giơ tay lên cao ba lần để cầu nguyện, bước hai bước và sau đó cúi đầu, trán chạm vào mặt đất. Họ sẽ làm như vậy trên quãng đường dài hơn 1 km trước khi đến Yarchen Gar. Sau đó, họ sẽ đến túp lều và bắt đầu quá trình ngồi thiền của mình. Mỗi ngày, các tăng ni đều cầu nguyện, đọc kinh, ngồi nói chuyện về Phật pháp, một số khác lại đọc sách hay cầm bút vẽ cảnh vật hùng vĩ nơi đây. Cuộc sống tu tập của các tăng ni sẽ trải qua một mùa đông khắc nghiệt nơi chỉ có gió, tuyết và những câu kinh Tạng về triết lý của Phật dạy.
Nao lòng vẻ đẹp của Á Đinh vào đông
Á Đinh, trực thuộc Tứ Xuyên của Trung Quốc, là cửa ngõ giáp ranh với miền đất huyền bí Tây Tạng, hội tụ đầy đủ sự cuốn hút của một tiên cảnh chốn nhân gian, pha trộn với nét kỳ bí của một trong những nền văn minh Phật giáo bí ẩn nhất trên thế giới.
Cuối thu, đầu đông là thời điểm lý tưởng nhất để chiêm ngưỡng vẻ đẹp ở Á Đinh, khi những cánh rừng thông lá kim bạt ngàn, vàng óng phút chốc khoác lên cành những bông tuyết trắng xóa. So sánh với nơi đây thì thiên đường Cửu Trại chỉ là những hòn non bộ điểm xuyết trong một đại khung cảnh mênh mông.
Xe buýt đưa chúng tôi từ cổng công viên qua những ngọn núi cao để đến khu vực trung tâm trước khi rẽ hai nhánh để đến những điểm tham quan chính trong Á Đinh. Chúng tôi theo nhánh dài, xuất phát từ ngôi đền Tạng Chonggu, đi bằng xe điện khoảng 5 km đến ngưu trường Luorong và bắt đầu trekking 6 km để đến với “hai tuyệt sắc giai nhân” là hồ Sữa và hồ Ngũ Sắc. Từ ngưu trường, tôi thấy khá nhiều khách Trung Quốc, trẻ có, già có cưỡi trên những con ngựa lông rậm với giá 300 tệ/lượt hay 500 tệ/khứ hồi để đến độ cao 4.400 m. Tôi chọn đi bộ để có thể thỏa sức ghi lại những bức ảnh đẹp như tranh thủy mặc.
Hệ thống đường mòn của Trung Quốc được xây dựng khá tốt, bên đường những ngôi nhà Tạng bằng đá lấp xấp trên sườn núi, những chiếc cờ phướn dường như bắt đầu không chịu nổi giá lạnh của mùa đông. Những ngọn thác đã đóng băng tạo nên khung cảnh liêu trai, mộng mị. Khi tôi leo lên lưng chừng núi, những hạt tuyết li ti bắt đầu bám trên vai áo, trên mũ. Qua khỏi ngọn thác đóng băng giữa một rừng thông trụi lá, nhiệt độ xuống dần, những bông hoa tuyết bắt đầu xuất hiện, báo trước một cơn mưa tuyết sắp sửa diễn ra.
Đoàn người tiếp tục hì hục leo núi giữa khung cảnh mùa đông ngày càng hiện rõ. Nhiệt độ xuống -5oC, độ cao ngày một gia tăng, một số du khách đã bắt đầu phải viện đến bình oxy. Tôi bắt đầu thấm mệt vì lạnh nhưng may mắn là không bị sốc độ cao vì cũng đã quen với những nơi có không khí loãng như ở đây. Tuyết rơi càng dầy, tầm nhìn hạn chế chừng từ 3 - 4 m. Những vị khách đi chiều ngược lại bảo tôi cố lên đi, qua vài con dốc cao là đến nơi rồi. Vậy là tôi lầm lũi đếm từng bước để đến hồ Sữa, bất chấp gió tuyết bám trên hai hàng lông mi ngắn ngủn đặc trưng của một người Á châu. Hồ Sữa trước mặt tôi đã đóng băng hoàn toàn, nghi ngút hơi lạnh có phần hững hờ bốc lên từ mặt hồ, chỉ thấy lờ mờ dáng hình một vài tảng đá đã ngả màu chồng lên nhau do người Tạng xếp xung quanh hồ. Phía sau là những ngọn núi tuyết cao vời vợi trong hơi sương.
Bởi thế, ngoài cảnh quan tuyệt mỹ, Á Đinh còn hấp dẫn bởi vẻ đẹp ẩn sâu bên trong, vẻ đẹp của người Tạng. Nét văn hóa đậm đà màu sắc tôn giáo và tín ngưỡng Tây Tạng, những phong tục, tập quán kỳ lạ, thần bí luôn mang lại cảm giác thú vị đầy mê lực. Đối với những kẻ luôn rong ruổi theo đuổi bí ẩn về lịch sử và tương lai của nhân loại, đây không khác gì một vùng đất tràn đầy báu vật đợi chờ để được chinh phục, khám phá và chiêm nghiệm. Á Đinh chính là một trong những vùng đất linh thiêng hiếm hoi vẫn còn lưu giữ dấu chân của lịch sử, của một nền văn minh Phật giáo nguyên thuỷ, vẫn còn tiềm tàng nhiều ý niệm mà những lữ khách như tôi không tài nào lĩnh ngộ được. Tôi chỉ có thể mạn phép nghiêng mình cảm phục trước cái cách người Tạng và tinh thần của họ vẫn kính cẩn gìn giữ nền văn hóa và tâm niệm về bánh xe luân hồi, cùng với câu chân ngôn huyền thoại vang vọng tứ phương, trải dài suốt bao nhiêu vạn năm lịch sử cho đến tận ngày nay.
Á Đinh đã cho tôi những cảm xúc vô tận về thiên nhiên, về con người và về cuộc sống thiền định, tâm linh…
THÔNG TIN THÊM
1. Lịch trình tham quan:
- Ngày 1: TP. Hồ CHí Minh – Hà Nội – Thành Đô – Ngõ Rộng Ngõ Hẹp – Phố Cẩm Lý
- Ngày 2: Thành Đô – Núi Tứ Cô Nương – Làng Tạng Đan Ba
- Ngày 3: Đan Ba – Cam Tư
- Ngày 4: Cam Tư – Học viện Phật giáo Yarchen Gar – Đức Cách
- Ngày 5: Xưởng in Kinh Phật Đức Cách – Xinluhai – Cam Tư
- Ngày 6: Cam Tư – Lý Đường – Đạo Thành – ShangriLa
- Ngày 7: Á Đinh – Đền Chonggu – Ngưu trường Luorong – Hồ Sữa – Hồ Ngũ sắc
- Ngày 8: Á Đinh – Đền Chonggu – Hồ Trân Châu – Đạo Thành
- Ngày 9: Đạo Thành – Lý Đường – Tân Đô Kiều– Khang Định
- Ngày 10: Khang Định – Thành Đô – Hà Nội – TP. Hồ CHí Minh
2. Visa: thủ tục khá dễ dàng. Bạn có thể tự xin visa 15 ngày vào Trung Quốc với giá 65 USD.
3. Hành trình: Vietnam Airlines có đường bay từ TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đến Thành Đô mỗi ngày. Từ Thành Đô, mỗi ngày cũng có chuyến bay nội địa để đến Đạo Thành, tuy nhiên do thời tiết khá khắc nghiệt nên đường bay này cũng thỉnh thoảng hủy chuyến vào mùa đông.
4. Khách sạn:
Tại đây có rất nhiều lựa chọn dành cho du khách, từ homestay cho đến khách sạn sang trọng 4, 5 sao. Giá phòng dao động từ 120 tệ (nhà nghỉ) đến 300 tệ/người (khách sạn 3 sao). Tất cả các phòng đều sạch sẽ, có nệm sưởi ấm. Du khách không cần đặt trước bởi nơi đây còn khá hoang sơ, rất ít du khách ghé thăm, kể cả du khách nội địa.
5. Ẩm thực:
- Thưởng thức lẩu tự chọn Tứ Xuyên ở Thành Đô, trong khu vực phố đi bộ Cẩm Lý.
- Mang theo lương khô, thực phẩm khi vào khu vực công viên Á Đinh.
- Táo, lê rất nhiều ở khu vực này.
- Bò Tạng là thực phẩm phổ biến của người dân, họ thường chế biến khô bò Tạng hoặc thịt xông khói rất thơm, ngon
- Thưởng thức món lẩu cá tuyết độc đáo, thơm ngon ở huyện Lý Đường.
6. Phương tiện di chuyển
Bạn nên lựa chọn dịch vụ thuê xe trọn gói, có thể tham khảo tại lễ tân các khách sạn. Trong chuyến đi này, tôi có nhờ người quen giới thiệu và thuê dịch vụ trọn gói, trong đó có cả dịch vụ thuê xe.
7. Thời tiết: nhiệt độ vào mùa đông khá lạnh, vùng núi tuyết có thể rơi xuống âm độ độ, ban ngày từ 5-8 độ C
8. Y tế: Nên chuẩn bị thuốc chống độ cao và áo giữ nhiệt.
9. Chi phí chuyến đi: Visa Trung Quốc: 1.500.000 VNĐ/khách; vé máy bay khứ hồi: TP. HCM - Thành Đô – TP. HCM: 6.100.000 VNĐ/vé; chi phí vận chuyển, khách sạn trong hành trình: 8.550.000 VNĐ/người; chi phí ăn uống: 4.000.000 VNĐ/người; chi phí tham quan: 2.100.000 VNĐ/người; mua quà lưu niệm: 500.000 VNĐ.