Một mình ở Ấn Độ

26/05/2019

Nghe thì thật là hấp dẫn, có một chút gì đó rất khiêu khích nhưng cũng rất thử thách. Tôi tin ở một thời điểm nào đó trong cuộc sống, con người ta luôn muốn bản thân mình được tận hưởng và làm điều gì đó một mình thôi. Người thích đọc thì có thể tìm một góc nhỏ cafe nào đó, ấm cúng, một chỗ tựa êm ái chút cùng ánh sáng hài hoà và cuốn sách yêu thích còn dang dở, người chơi nhạc thì có thể giam mình ở trong phòng cách âm tự do phiêu du với những nốt nhạc cả ngày… Với tôi, tôi chọn lựa thử du lịch một mình.

Không hề đơn giản chút nào, vì cứ mỗi lần bắt đầu nghĩ tới những điểm mà mình muốn đi, thì nỗi sợ lại ập đến. Sợ nhiều thứ lắm, sợ bị lừa này, mất phương hướng, lạc đường, và hơn hết là... sợ cô đơn. Tuy nhiên, ở một phần nào đó thì quyết tâm và đam mê muốn ngắm nhìn những vùng đất mới lại thắng nỗi sợ - cái đam mê mà cứ mỗi lúc rảnh rang ở công ty là tôi lại len lén vào những trang web với những thông tin và hình ảnh về vùng đất đó để đọc, để đưa đẩy những cảm giác của mình, nuôi dưỡng nó ngày một lớn cho tới khi mình thực sự đặt chân đến được. Những ngày tháng đó thực sự rất phấn khích, tôi cảm thấy nơ ron thần kinh của mình lúc nào cũng nổi rần rần và đầu óc thì luôn trong tâm thế ngày mai là lên đường luôn.

Những ngày đầu ở Chennai

Điểm đến đầu tiên mà tôi chọn chính là đất nước Ấn Độ, một quốc gia luôn là đề tài nóng hổi trên những phương tiện truyền thông, tốt có mà xấu thì cũng rất nhiều; một đất nước mà có lẽ ai nghe tới cũng dè dặt và không nghĩ tới việc ghé thăm. Tuy nhiên, ở đó cũng có những vùng đất mà cảnh sắc đẹp đến nghẹt thở và hùng vĩ như tiểu Tây Tạng Ladakh, “the land of high passes”. Tôi tưởng tượng một ngày nào đó mình sẽ đứng trên con đèo cao nhất thế giới Khardungla, ở độ cao 5.359m so với mực nước biển giang rộng tay đón cái nắng trong trẻo nhất, cảm giác thật phiêu du và tự tại. Tuyệt làm sao…!

Những háo hức đã thắng được sự hoài nghi trong tôi về Ấn Độ, và tôi đã đặt chuyến bay qua Ấn Độ một mình. Kế hoạch của tôi đó là đi từ Chennai, xuôi dần lên phía Bắc, xuyên qua những thành phố lớn và địa điểm du lịch nổi tiếng khác như Hampi, Mumbai, cho tới các thành phố của bang Rajasthan, đi qua những lâu đài và cung điện nổi tiếng của thời vàng son Mughal Empire chiếm phần lớn diện tích từ bang Punjab ở Pakistan kéo dài tới Ấn Độ, để lại rất nhiều kỳ quan được liệt vào hàng tuyệt tác như Red Fort tại New Delhi hay Taj Mahah tại Arga, “lăng mộ của tình yêu vĩnh cửu”.

Empty

Một ngày đầu tháng 8, tôi đặt chân tới thành phố Chennai tại bang Tamil Nadu vùng Nam Ấn. Mọi thứ quả thật không hề có màu hồng một chút nào. Ngay từ giây phút đầu tiên đặt chân vào thành phố, tôi đã cảm thấy mọi thứ thực sự khá khó khăn đối với mình. Mặc dù là một trong 4 hub lớn của Ấn Độ, nhưng Chennai lại không phải là thành phố du lịch. Con đường từ sân bay về chỗ nghỉ là một quãng đường dài với đầy những hình ảnh khu nhà ổ chuột mọc san sát bên cạnh những ngôi nhà cao tầng, những người nghèo đi chân trần, mặc những bộ đồ rách rưới, lem luốc nằm ngủ bên vệ đường. Gần đó là những đống rác to ú ụ bốc mùi nồng nặc, xa xa có những con bò dạo chơi ngoài đường, và quạ trong thành phố thì rất nhiều. Nghe tiếng quạ kêu làm tôi có cảm giác gì đó thật rờn rợn. Về tới khách sạn, chưa thể “tiêu hoá” được cái cảm giác đó, tôi nhanh chóng cho bản thân mình một giấc ngủ để quên đi những gì vừa nhìn thấy.

Sáng hôm sau, việc đầu tiên tôi phải làm khi thức dậy là mua sim card - một việc không hề dễ như ở Việt Nam hay các nước Đông Nam Á. Ở Ấn Độ, bạn cần phải đăng ký và qua một quy trình điền form phức tạp. May mắn là trước chuyến đi, tôi đã chuẩn bị sẵn 2 tấm ảnh chân dung 3x4, photo hộ chiếu và có địa chỉ của một anh bạn người Ấn cũng sống tại Chennai bảo lãnh nên mọi việc suôn sẻ. Việc thứ hai là đổi tiền. Anh bạn ở Chennai (Rahul) giới thiệu cho tôi địa chỉ ở Chennai có tỷ giá đổi khá tốt. Anh bạn tôi quen ở Chennai tới đón tôi sau đó. Chúng tôi quen nhau qua facebook khi tôi đăng trong một nhóm để hỏi thông tin về du lịch tại Ấn và anh ấy rất nhiệt tình giúp tôi trả lời những khúc mắc. Nếu không có những thông tin của Rahul, chắc việc nhập cảnh và thủ tục của tôi đã khó hơn rất nhiều. Đó cũng chính bài học đầu tiên của tôi khi đi du lịch một mình: “Tra cứu thông tin đầy đủ và kiếm cho mình một contact đáng tin cậy tại nơi mình đặt chân tới”.

Empty

Rahul đánh xe đưa tôi về nhà anh ấy, và lần đầu tiên tôi được trải nghiệm một bữa ăn chung với một gia đình Ấn Độ. Người Ấn đa phần ăn chay, nhưng cũng có rất nhiều người ăn thịt, đặc biệt là những người ở thành phố. Tôi được đãi hai món khá nổi tiếng ở vùng Nam Ấn là cơm gà Biriyani và món Thali, một món có rất nhiều sốt đi kèm. Đồ ăn Ấn cũng là một thử thách cực kỳ lớn cho những ai đi du lịch lần đầu ở đây. Sau nhiều ngày ở Ấn Độ, tôi thấy đồ ăn Ấn ở Nam Ấn dễ ăn hơn rất nhiều. Các món sốt có phần nhẹ về hương vị và bớt nồng về độ cay hơn ở Bắc Ấn. Vì vậy, tôi cũng thấy khá dễ để thích nghi với những món ăn đó. Có điều, trong thời gian đầu, tôi vẫn có một chút dè dặt và không thể ăn được nhiều.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty
Empty

Rahul cho tôi đi lòng vòng thành phố, giải thích về truyền thống ăn mặc của người Ấn hay những câu chuyện tâm linh của người địa phương, chẳng hạn họ coi bò là một con vật linh thiêng nên để cho bò tự do đi lại ở bất cứ đâu. Đối với quạ, theo quan niệm của họ, quạ tới rỉa xác người nên linh hồn của những người đã mất sẽ nhập vào quạ. Vì vậy, quạ không phải là điềm xấu. Tôi nhớ rằng mình có đọc được đâu đó về hoạt động “Thiên táng” của Tây Tạng, và rồi nhận ra rằng: Chính những suy nghĩ của mình là thứ ghìm bản thân mình lại, rằng mình phải biết chấp nhận những suy nghĩ và tín ngưỡng của những vùng đất khác nhau mà mình đặt chân tới. Có thế mình mới mở lòng ra và tận hưởng vùng đất đó được. Đây cũng chính là bài học thứ hai của tôi.

Tới Hampi, nghe những khối đá kể chuyện trong im lặng

Tối hôm đó, tôi ra ga tàu ở Chennai và đi chuyến tàu đêm tới thành phố Bangalore, một thành phố lớn được coi là IT hub của Ấn Độ. Coi Bangalore là thành phố trung chuyển nên tôi chỉ muốn nghỉ ngơi tại hostel của mình ở Bangalore, cũng như dành chút thời gian để tiêu hoá những gì góp nhặt trong ngày đầu tiên tại quốc gia này, về cả tư tưởng lẫn tinh thần.

Hostel nơi tôi ở tại Bangalore là một dạng nhà nghỉ gồm nhiều phòng dorm. Một phòng có thể có tới 4-6 giường, mỗi người ở một giường, có phần bất tiện chút nhưng bù lại, chi phí khá rẻ, phù hợp với dân du lịch bụi. Hostel này có phòng sinh hoạt chung “common room” nên tôi có cơ hội trò chuyện với những bạn trẻ du lịch bụi từ nhiều quốc gia khác nhau. Ở đây, tôi tình cờ gặp một cô bạn người Nepal tên là Sanna, bạn ấy đã đi du lịch nhiều nên rất thoải mái. Chúng tôi gần như bắt nhịp nhau ngay và vì Sanna chưa có kế hoạch gì cho thời gian tới nên chúng tôi quyết định cùng nhau đi tới Hampi, địa điểm khá nổi tiếng về du lịch tại Ấn Độ. Tôi nhận ra rằng, nếu mình cứ mạnh dạn và nói chuyện với những người bạn khác cũng đi du lịch một mình như mình thì chẳng có gì để thấy cô đơn cả. Thật dễ dàng để tìm được những người bạn đồng hành trên cung đường của mình.

Sansa, người bạn đồng hành mới của tôi

Sansa, người bạn đồng hành mới của tôi

Có Sanna đi cùng nên hành trình của tôi trở nên thú vị hơn rất nhiều. Hampi trong tôi có lẽ là một vùng đất tuyệt vời bậc nhất tại Ấn Độ, mặc dù là di sản UNESCO nhưng còn khá ít người biết tới. Đối với những người đam mê về lịch sử và kiến trúc thì Hampi có lẽ là điểm đến trong mơ bởi nơi đây còn lưu lại rất nhiều những kiến trúc cổ thời đế chế Vijayanagar từng trị vì vùng Nam Ấn hơn 200 năm. Những ngôi đền ở đây có hình thù và điêu khắc khá đặc trưng. Chưa kể, bao quanh toàn bộ ngôi làng Hampi là những khối đá từ lớn đến bé rất kỳ lạ. Tôi chưa từng đặt chân đến vùng đất nào mà có nhiều khối đá đến vậy và cảm nhận nơi đây còn tồn tại rất rõ những tinh tuý của một đế chế cổ đại.

Empty

Xuyên qua làng Hampi, bạn sẽ lạc vào trong một quần thể những ngôi đền, vì thế nên tụi mình chỉ chọn thăm thú một vài nơi nổi bật nhất. Đầu tiên là ngôi đền Virupaksha với địa thế toạ lạc ngay gần trung tâm và cũng là ngôi đền lớn nhất. Ngay lập tức, tôi bị choáng ngợp bởi lối kiến trúc đặc trưng của triều đại Nam Ấn, từng tác phẩm điêu khắc trên tường vẫn còn rất rõ ràng và tinh xảo. Mặc dù được bao quanh bởi nhiều ngôi đền đổ nát nhưng Virupaksha vẫn còn nguyên vẹn. Chính vì thế, Virupaksha được dùng làm ngôi đền chính cho người dân nơi đây tới thờ cúng. Những ngôi đền bao quanh phần lớn bị phá huỷ bởi những cuộc xâm lăng từ thời đế chế đạo Hồi nên không còn được sử dụng nữa.

Ngôi đền thứ hai mà chúng tôi ghé thăm đó là Vittala, một trong những ngôi đền quan trọng bậc nhất của triều đại Vijayanagar, cũng có thể coi là ngôi đền ấn tượng nhất ở Hampi về kiến trúc và quy mô. Ngôi đền được xây dựng theo phong cách kiến trúc Dravidian điển hình của Nam Ấn, chạm khắc cực kỳ tỷ mỷ và cẩn thận. Ở từng cổng vào hay những cột trụ bên trong ngôi đền, bạn đều có thể tìm thấy một góc rất instagramable (góc đẹp để chụp ảnh).

Empty
Empty

Chúng tôi chọn ngắm hoàng hôn ở ngôi đền Malyavanta cách trung tâm khoảng 7km. Bên cạnh đó là một loạt những tảng đá nằm trên một mô đất khá cao, cho chúng tôi một tầm nhìn hướng thẳng tới đường chân trời, xa xa là những rặng đá rất đẹp. Càng ở đây, tôi càng cảm thấy biết ơn với tạo hoá đã tạo ra một nơi tuyệt vời tới vậy.

Hampi dễ dàng lấy đi của chúng tôi 3 ngày, những ngày tiếp theo, tôi và Sanna thuê chiếc xe máy với giá 200 Rupees (khoảng 75 nghìn VNĐ) và đi dạo quanh ngôi làng và xa hơn, thăm thú ngôi đền Hanuman. Tương truyền đây chính là nơi Hanuman được sinh ra, một vị thần thân người mặt khỉ khá nổi tiếng trong Ấn Độ giáo và cực kỳ có ảnh hưởng trong lòng người dân Ấn Độ. Queen’bath với lối kiến trúc làm tôi liên tưởng tới Roman’s bath của thành phố Bath tại Anh, một vài điểm ngắm mặt trời mọc như đồi Matanga, kiến trúc Lotus Mahal,… là những điểm đến khiến tôi yêu thích.

Mùa hè của tôi đã trải qua một cách ngọt ngào như thế. Cho đến giờ, tôi vẫn cảm thấy quyết định đi du lịch một mình thực sự không tồi. Tôi có sự linh hoạt cần thiết để luôn biết chấp nhận những cơ hội mới, những người bạn đồng hành bất ngờ không có dự tính trước. Tôi có sự chủ động cần thiết để biết mình nên đi lúc nào và nghỉ lúc nào, không bị quá phụ thuộc vào người khác. Tôi thu nạp nhiều kiến thức hơn nhờ phải dành thời gian để chuẩn bị và đọc thêm nhiều về vùng đất mình tới. Cùng với đó, tôi tự phá vỡ được những hoài nghi trong lòng mình để chấp nhận sự khác biệt từ những vùng đất khác nhau mà mình đặt chân tới - điều mà tôi có lẽ rất khó làm được nếu chỉ nhìn thấy qua những thước phim.

Lê Tú
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES