Trong số những bộ lạc sống trên những ngọn đồi của Nagaland ngày nay, người Konyak đặc biệt đáng sợ.
Người Konyak chia thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm lại tách biệt với nhau bằng việc sử dụng những ngôn ngữ và hình xăm trên mặt khác nhau. Điểm chung duy nhất là họ đều đi theo tục lệ săn đầu người. Việc chặt đầu thành viên các bộ lạc đối thủ được xem là một nghi thức của các chàng trai Konyak. Vì lý do này, không ngạc nhiên khi bộ lạc Konyak là một trong những bộ lạc bị cô lập nhất trong khu vực.
Nhưng mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi Ấn Độ (lúc này là thuộc địa Anh) bắt đầu khai thác lá trà ở khu vực Assam, gián tiếp đưa các nhà truyền giáo Anh thâm nhập vào khu vực. Vào những năm 1870, các nhà truyền giáo từ Anh bắt đầu thành lập các trường học tại Assam, và trong những thập kỷ sau đó, hàng ngàn người đã chuyển đổi sang Cơ đốc giáo.
Vào lúc đó, người Konyak càng trở nên biệt lập.
Chính quyền Raj (khu vực Ấn Độ do Anh chiếm đóng lúc đó) đã cấm triệt để tục săn đầu người vào năm 1935. Đến thập niên 1960, thế hệ trẻ Konyak lớn lên bắt đầu hoà nhập với lối sống hiện đại và vì thế, văn hóa xăm mặt độc đáo cũng dần phai nhạt.
Vì lo ngại sự biến mất mãi mãi của loại hình văn hoá này, Phejin Konyak - chắt của một người thuộc bộ lạc Konyak, một chiến binh săn đầu người - đã đi từ làng này sang làng khác ở huyện Nagaland, nói chuyện với các thành viên cao tuổi của bộ tộc Konyak và ghi lại những câu chuyện, bài hát, bài thơ và truyện dân gian của họ trong suốt ba năm.
Với sự giúp đỡ của nhiếp ảnh gia Peter Bos, cô cũng ghi lại hình xăm độc đáo trên khuôn mặt và cơ thể của người Konyak, mỗi hình xăm biểu thị cho bộ lạc, thị tộc và địa vị xã hội của mỗi thành viên. Trong văn hoá của người Konyak, sự sống - việc săn đầu người - hình xăm có sự kết nối bền chặt, không thể tách rời.
Trong tín ngưỡng của người Konyak, hộp sọ của một người là nơi chứa đựng tất cả lực lượng linh hồn của thực thể đó. Lực lượng linh hồn này liên kết mạnh mẽ với sự thịnh vượng, khả năng sinh sản và được sử dụng vì lợi ích của làng, đời sống cá nhân cũng như mùa màng.
Nhưng Phejin không hoàn toàn đổ lỗi cho các nhà truyền giáo nước ngoài đã đặt dấu chấm hết cho nền văn hóa bộ lạc. Trong một cuộc phỏng vấn với nhà sử học William Dalrymple, cô thú nhận cảm xúc lẫn lộn của mình về ảnh hưởng của các nhà truyền giáo đối với cộng đồng người Konyak, thừa nhận rằng chính trường học đã giúp cải thiện tỷ lệ biết đọc, biết viết trong khu vực và khai mở ra một chương mới, một tương lai mới cho thế hệ trẻ sau này.
Phejin chỉ ước rằng các nhà truyền giáo đã suy nghĩ sâu sắc hơn một chút về tác động của họ đối với nền văn hoá địa phương. Họ đã dạy rằng tôn giáo là con đường cho sự tái sinh, và nếu một người muốn tái sinh, những thú cũ kĩ nên được loại bỏ. Bằng cách này, họ đã loại bỏ đi nền văn hóa của tổ tiên Phejin.
Hãy cùng nhìn lại bộ sưu tập các bức ảnh các thợ săn đầu người cuối cùng còn sót lại của bộ tộc Konyak: