Tượng người bằng gốm cổ đại Nhật Bản

24/09/2012

Mỗi dân tộc có những món quà độc đáo để lại từ quá khứ ngàn xưa cho mai sau. Với người Nhật Bản thì món quà đó là nghề đồ gốm cổ truyền. Trong đó, có một thời, người thợ gốm cổ đại dồn hết tài khéo và trí tuệ để làm ra những tượng gốm.

Bài và ảnh:  Phó GS.TS Trịnh Sinh

Cũng cần phải nói thêm rằng, người Nhật rất mê làm tượng. Nếu bạn có dịp đến bất kỳ thành phố nào của đất nước mặt trời mọc vào dịp lễ hội cổ truyền, thế nào cũng thấy các đường phố chính được chặn không cho xe cộ qua lại và dân tình đông đúc chào đón hai bên đường. Một đoàn rước kiệu, theo sau là các nam thanh nữ tú trong trang phục cổ truyền kimono. Tượng là chủ đề không thể thiếu trong ngày hội. Khi thì là thần, thánh, các vị tướng có công trong chiến trận. Nhiều khi chỉ là một ông thần bảo hộ mùa màng được kết bằng rơm rạ. Thậm chí, người Nhật còn “hồn nhiên” đi rước tượng mô tả bộ phận giới tính đàn ông được phóng thật to, phản ánh cái mà các nhà khoa học cho rằng đấy là tàn dư của tục thờ sinh thực khí mong cho mùa màng tốt tươi có từ thời nguyên thủy. Họ cũng chịu khó quảng bá các di sản văn hóa đối với khách nước ngoài bằng cách bày tượng rơm cổ truyền to gấp mấy người thường ở ngay đại sảnh các sân bay như ở Fukuoka chẳng hạn.

Ngoài tượng đồng, mà nhiều tượng nổi tiếng như tượng Phật Dabutsu ở vùng ven Tokyo sừng sững mấy chục mét, nhiều người chui vào trong ruột tượng cũng vừa mà niên đại đã vài trăm năm, thì còn có một loạt các tượng gốm có niên đại sớm hơn rất nhiều. Nếu như một dịp may nào đó đến thăm đất nước Phù Tang, các bạn hãy tranh thủ đến chiêm ngưỡng các tượng gốm cổ đại này. Còn giờ thì chúng ta hãy bớt chút thời gian để “viễn du” vào miền quá khứ xa lắc xa lơ để hiểu một góc tâm linh Nhật Bản.

Dường như người Nhật biết đến làm đồ gốm từ khá sớm, cách ngày nay khoảng 1 vạn năm với nền văn hóa Jomon hay còn gọi là văn hóa Thừng Văn (tức là hoa văn in dấu thừng trên gốm). Biết đến nghề “nghịch đất” này, cũng là lúc người Nhật nặn ra đủ thứ, nhưng nhiều nhất là nặn hình của chính mình, rồi đem nung. Thế là khi các nhà khảo cổ tìm lại vết tích tầng văn hóa thời này thì đã thấy khá nhiều tượng gốm. Muộn hơn một chút, đến thời Yayoi cách ngày nay vào khoảng 2500 đến 1700 năm, tượng gốm lại tìm được nhiều hơn. Vào thời kỳ văn hóa Kofun, từ 1700 đến 1300 năm cách đây, tượng vẫn còn được phổ biến, tuy nhiên đã có nhiều ý nghĩa khác.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Tại cao nguyên Chubu và miền tây Kanto, có nhiều loại đồ gốm trang trí hoa văn đẹp, gọi là đồ gốm Katsusaka thời Jomon. Các nhà khoa học tìm thấy khá nhiều tượng gốm, có khi chỉ một di chỉ khảo cổ mà đã có tới 800 bức tượng. Đặc biệt nhất, phần lớn tượng miêu tả người phụ nữ với đặc trưng bụng phình to, lộ rõ hai bầu vú, có bức tượng rỗng mà bên trong lại có một viên bi bằng đất sét. Dường như các tượng này biểu tượng cho sự sinh sản và phồn thực. Qua tượng người đàn bà mà người cổ đại ước muốn mùa màng, vật nuôi cũng bắt chước mà sinh sản như vậy, để mong một cuộc sống phồn thịnh. Một số tượng gốm lại bị thiếu mất một vài bộ phận cơ thể khiến cho các học giả nghĩ về một nghi thức phá hỏng tượng trước khi chôn, biểu tượng cho việc thay thế cho những người quá cố bị thương hay tật nguyền nào đó. Hoặc có thể, người xưa chôn tượng thay cho người chết, vì người chết ở một chiến trường xa xôi không kéo được xác về. Nếu thế thì phong tục này cũng mang một nét tâm linh giống như hiện tượng “mộ gió” ở ta: tại đảo Lý Sơn cách đây vài chục năm, người Việt đi biển bị mất xác, người nhà đành chôn theo một hình nhân vào trong một ngôi mộ giả.

Một vài trường hợp độc đáo khác là người Nhật làm tượng phụ nữ rỗng, bên trong đựng xương người cải táng. Rõ ràng, họ ước muốn để người chết được hồi sinh trong bụng mẹ để quay về cuộc sống luân hồi. Phong tục này chứng tỏ quan niệm luân hồi của người Nhật còn sớm hơn cả Phật Giáo.
Dường như thú chơi tượng gốm của người Nhật Bản còn kéo dài đến giai đoạn văn hóa Kofun vào những thế kỷ sau Công Nguyên. Đó là dòng tượng Haniwa, tức là tượng gốm hình người dùng làm hình nhân canh gác trong các gò mộ vĩ đại. Khi đó, một thủ lĩnh chết, người ta đắp gò mộ to bằng một quả đồi lớn, có khi chu vi to bằng sân bóng đá, quanh vành đai của mộ chôn theo một loạt những tượng hình nhân bảo vệ và mọi dụng cụ sinh hoạt mà trên trần thế đã có. Đó cũng là nét tâm linh của người Nhật, tin rằng cuộc sống ở thế giới bên kia cũng giống như thế giới đang sống, cũng phải có vệ sĩ bảo vệ.

Phải nói rằng, ngoài sự tài khéo và kỹ thuật nung tượng gốm, người Nhật tỏ ra là một dân tộc có đầu óc thẩm mỹ cao. Các tượng người bằng gốm đều mang phong thái cách điệu, đặc tả nhấn mạnh một bộ phận nào đó của tượng có kích thước rất lớn so với tự nhiên, chẳng hạn như để nhấn mạnh một nét dữ tợn, họ đắp nổi đôi lông mày. Bên cạnh dòng tượng tròn, tức các tượng người riêng rẽ, thì họ còn rất chú ý đến dòng tượng mà ngày nay các nhà mỹ thuật gọi là mỹ thuật thực dụng: tượng đặc tả một cái vò lớn làm thân mình, còn phần mặt chính là cổ hoặc miệng bình, đôi khi tượng lại như phù điêu đắp nổi gắn trên thân vò gốm... Mỗi một tượng lại là một tác phẩm được nặn thủ công và được người Nhật gắn vào đó một ý nghĩa tâm linh nào đó mà các nhà khoa học hiên vẫn đang giải mã.

Tại Nhật Bản có nhiều bảo tàng mà dường như bảo tàng nào cũng có tượng gốm. Tuy nhiên, nếu du khách muốn tìm hiểu một bộ sưu tập tượng gốm khá đầy đủ thì có thể đến thăm Bảo tàng Lịch sử Nhật Bản, được thành lập năm 1981 và có tới 160.000 hiện vật. Bảo tàng này không ở trung tâm Tokyo mà trên đường sắt cao tốc từ ga trung tâm Ueno đi đến sân bay quốc tế Narita, dừng lại ở ga Sakura, thời gian tàu chạy là 55 phút. Sau đó đi bộ hoặc đi xe buýt đến bảo tàng mất 15 phút.

Đến bảo tàng Bảo tàng Lịch sử Nhật Bản, du khách nhớ đừng quên mua quà lưu niệm là những tượng hình người bằng gốm được làm đúng theo nguyên bản đang được trưng bày trong bảo tàng.

RELATED ARTICLES