18 vòng giác ngộ quanh Bồ Đề Đạo Tràng linh thiêng

28/01/2013

“Án ma ni bát mê hồng…” (Om Mani Padme Hum – chân ngôn Phật giáo, gốc bằng tiếng Phạn). Những bước chân nhẹ bẫng và tiếng chú nguyện khe khẽ của những người hành hương làm không gian vốn đã vô cùng linh thiêng của Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng) càng trở nên trầm mặc. Tôi hòa vào dòng người bất tận, bắt đầu bước những bước đầu tiên quanh cây bồ đề linh thiêng.

Bài và ảnh: Lam Linh

23h15 đêm, chiếc xe trở khách cuối cùng cũng đã có mặt tại Bodhgaya sau gần 8 tiếng đồng hồ chạy trên những tuyến đường đông kìn kìn những người và xe của đất nước Ấn Độ. Một vài đám cưới trên đường làm lộ trình trễ hơn dự định vì các vị khách hiếu kỳ mải đứng lại chụp ảnh, ngó nghiêng, chỉ chỏ. Các đám cưới đều rước dâu vào buổi tối, tầm 9, 10h và vô cùng ầm ĩ với tiếng nhạc, ánh đèn và đám người tham gia cuộc vui.

Nửa đêm, tám vị khách đi vòng quanh với hai chiếc tuktuk để tìm đến xin tá túc trong một ngôi chùa Việt Nam. Tìm đường đến chùa khó hơn chúng tôi tưởng vì trong Bodhgaya có hàng trăm ngôi chùa của rất nhiều nước trên khắp thế giới. Theo những người đi trước, tại đây có 4 ngôi chùa do người Việt trụ trì nhưng đều là những ngôi chùa nhỏ, khó tìm. Sau một hồi đi lòng vòng theo tấm bản đồ bé tí, không rõ ràng, cuối cùng chúng tôi cũng đổ bộ đến trước một ngôi chùa Việt Nam.

Việt Nam Phật Quốc Tự nửa đêm chộn rộn cả lên vì đám người đứng ngoài cửa. Một bác gác già người Ấn Độ mở cửa cho chúng tôi vào, sau khi nghe giới thiệu là người Việt Nam. Chiếc đèn pin chỉ đủ quét chút ánh sáng mờ mờ ảo ảo, chúng tôi líu ríu đi theo sau, bước vào chùa. Theo lối nhỏ lát gạch, đi qua khu vườn rộng, đêm tĩnh mịch. Một chái nhà hiện ra sau rặng tre, đỏ quạch ánh đèn. Sau khi sắp xếp cho tám người chỗ ngủ lại, bác gác già lặng lẽ trở lại cổng. Chúng tôi cũng nhanh chóng mắc màn, ngủ một giấc ngon lành sau một ngày mệt nhoài vì chặng đường dài.

Tiếng chổi tre đánh thức tôi dậy. Trời còn chưa sáng rõ, mới chỉ khoảng gần 6h, nhưng khoảnh sân phía trước đã có người đang quét dọn. Tôi khẽ bước ra, sợ làm kinh động những người khác vẫn còn đang say ngủ. Một bác tầm tuổi gần 60 nhìn thấy tôi giật mình, vì đêm qua chúng tôi đến, chỉ có bác gác cổng biết. Sau một hồi trò chuyện, tôi được biết, bác là người Sài Gòn, theo chân một đoàn hành hương sang Ấn rồi xin ở lại chùa một thời gian. Mỗi sáng, bác đều dậy sớm quét sân, dọn vườn, rồi lên chùa thiền định cùng các chư tăng. Trong chùa có phòng nghỉ cho khách thập phương về nhưng số lượng có hạn nên chỉ dành cho những trường hợp đặc biệt, còn đa phần các vị khách đều nghỉ lại bên ngoài. Bác bảo chúng tôi may mắn được ngủ lại chùa vì chắc đêm qua đã muộn nên bác cổng già mới cho vào ngủ qua đêm. Các bạn của tôi đã lục tục dậy, chúng tôi xin phép lên thăm trụ trì trên gian chính và xin một bữa cơm chay trong chùa tối nay, trước khi lên chuyến xe đêm trở về Gaya.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Bồ Đề Đạo Tràng nằm ở phía Nam thành Gaya, nước Ma Kiệt Đà (Magadha) thời Ấn Độ cổ đại, nay là vùng ngoại ô Bodhgaya, cách thành phố Gaya khoảng 7 km về phía Nam thuộc bang Bihar – Cộng hòa Ấn Độ. Xung quanh Bồ Đề Đạo Tràng có cả trăm ngôi chùa lớn nhỏ của rất nhiều nước. Mỗi chùa mang một dáng vẻ riêng biệt theo văn hóa và kiến trúc của từng nước nhưng đều hướng về thờ Phật. Mỗi ngày, tại đây đón hàng ngàn tăng lữ và các vị khách hành hương về đất Phật với tấm lòng thành kính vô ưu. Được đặt chân đến mảnh đất linh thiêng này với chúng tôi cũng đã là một niềm tự hào. Mất 15 phút đi bộ, cuối cùng chúng tôi cũng đến được ngôi chùa chính, nơi linh thiêng nhất của mảnh đất này - chùa Mahabodhi (hay Đại Giác Ngộ Tự).

Hàng trăm người đủ cả tăng lữ áo nâu, áo cam lẫn những vị khách thập phương có mặt tại Bồ Đề Đạo Tràng nhưng không gian im lặng và trầm mặc một cách kì lạ. Chỉ nghe thấy tiếng cầu nguyện lầm rầm “Án ma ni bát mê hồng” khe khẽ, tiếng bước chân trần nhẹ lướt trên nền đá và những đôi tay chắp trước ngực đầy thành kính. Tôi bỏ lại đôi giày nhuốm bụi đường, cũng bước đôi chân trần vào chùa.

Vạn vật từ cây cỏ, tường thành cho đến những đóa hoa, vạc dầu thơm đều được bài trí một cách cẩn trọng. Giá trị nhất trong khu thánh địa này chính là ngôi Đại Tháp và cội cây Bồ Đề thiêng, nơi đức Phật thành đạo vẫn còn tồn tại mãi theo dòng chảy thời gian. Trước Đại Tháp, thắp sáng những ánh nến và hoa do phật tử từ khắp nơi dâng hương. Tháp nhọn phía trên thờ xá lợi của Đức Phật được gọi là Mahabodhi Stupa còn phần phía dưới là chánh điện gọi là Mahabodhi Temple. Tường của tháp được xây dựng bằng gạch xanh trộn với vôi và với những khung trong hốc tường để thờ các tượng Phật bằng vàng. Cột, cửa chính, và cửa sổ được trang trí với vàng và bạc trộn lẫn với xà cừ và ngọc quý. Tượng Phật Quan Thế Âm và Đức Phật Di Lặc mỗi tượng cao khoảng 10 feet đặt trong hốc tường bên trái và bên phải cửa bên ngoài chánh điện. Bên trong chánh điện thờ một tượng lớn của Đức Phật Thích Ca trong tư thế chạm đất với cánh tay phải. Ngành khảo cổ học sau này xác định rằng đã tìm thấy dấu vết của sự xây dựng hay xây dựng lại có thể hoàn thành vào năm 50 trước đến 200 sau Công nguyên.

Phía đông của Đại Tháp là cội bồ đề thiêng, tương truyền Thái Tử Tất Đạt Đa (tức Đức Phật) tu khổ hạnh ở đây 6 năm, thân xác và tinh thần gần như đã đi đến sự chết. Ngài đã nhận thấy lối tu khổ hạnh này phước báu chỉ được sanh lên cõi trời chưa phải là cứu cánh giải thoát cho mình và cho chúng sanh, ngay thời điểm này tình thương về sự khổ của chúng sanh được hồi phục trong chính bản thân Ngài. Từ bỏ lối tu khổ hạnh, Ngài nhặt lấy miếng vải liệm làm y phục và nhận bát cháo sữa từ người thiếu nữ Sujata dâng cúng, sau đó Ngài xuống sông Ni Liên Thuyền tắm gội sạch sẽ và thọ dụng thức ăn, sức khoẻ dần bình phục. Ngài thong thả đi đến cội cây Bồ Đề trải cỏ và thiền định. Nơi đây chính là nơi của sự chứng ngộ.

Hàng trăm người có mặt nơi gốc cội bồ đề, lầm rầm cầu nguyện với đủ thứ tiếng và đủ sắc tộc màu da. Họ ngồi quanh gốc cây thiêng và thiền định. Một số khác đang bước những bước thanh thản quanh gốc cây và Đại Tháp. Theo lời vị sư già trụ trì Việt Nam Đại Quốc Tự, khi đến với Bồ Đề Đạo Tràng, hãy đến gốc cây bồ đề thiêng, vái ba vái rồi đi vòng quanh 18 vòng, không suy nghĩ, không tạp niệm, không nói chuyện, bước đi thong thả, khoan thai… Khi đủ vòng 18 mới lại vái ba vái nơi gốc bồ đề và cầu nguyện điều mình mong muốn. Đó cũng là 18 vòng giác ngộ mà Đức Phật đã làm trước đây khi người ngồi lại thiền định nơi gốc cây bồ đề năm xưa.

Tôi “Nam mô A Di Đà Phật” nơi cội gốc bồ đề rồi bước 18 vòng khoan thai, tĩnh lặng quanh gốc cây thiêng. Gần một tiếng đồng hồ mới đủ 18 vòng. Lại khấn “Nam mô A Di Đà Phật” và ngồi xếp chân bằng tròn trong một góc sân, nơi có vô số những phật tử và tăng lữ đang đọc kinh kệ. Thả lỏng tâm hồn và thân xác, để lòng mình nhẹ hẫng, tĩnh tâm. Nhắm đôi mắt để nghe tiếng lòng mình. Tôi nghe trong gió lao xao, tiếng lá bồ đề như những chiếc khánh bạc leng keng, tiếng của ánh nắng nhảy nhót trên gương mặt, tiếng khấn lầm rầm, tiếng bước chân nhẹ hẫng của những vị khách hành hương.

Một chiếc lá bồ đề đáp nhẹ xuống vai. Tôi nhặt chiếc lá trong lòng bàn tay, cảm tạ linh thiêng. Cội bồ đề hôm nay tương truyền vốn là nhánh con của cây bồ đề năm xưa, trải qua nhiều năm chiến tranh và tàn phá, cây con này vẫn giữ vững thế đứng uy phong. Những người đến Bồ Đề Đạo Tràng đều mong nhặt được một chiếc lá bồ đề, một sự may mắn cho bất cứ ai ghé thăm đất Phật. Bởi thế, có không ít chư tăng đứng đợi nhặt cho được một chiếc lá của cây bồ đề thiêng. Những chiếc lá bồ đề cũng được ép khô và bán thành những món quà lưu niệm ngay bên ngoài cổng chùa.

Khu Bồ Đề Đạo Tràng có diện tích khoảng 3 hecta đất, bao gồm nhiều thánh tích quan trọng như tháp Đại Giác, cội Bồ Đề, Bảo Toà Kim Cang, bảy nơi đức Phật ngự sau khi thành đạo, quần thể tháp cổ..... Trong khuôn viên rộng lớn của ngôi đại tháp này luôn có hàng trăm Tăng Ni, Phật tử và khách hành hương chiêm bái. Các vị sư tìm một chỗ yên tịnh đâu đó để thiền định. Nhiều người trải chiếu tại một nơi xa xa, hướng về cội bồ đề và đại tháp lễ lạy. Ngôi chánh điện với pho tượng Phật mạ vàng trang nghiêm càng trở nên linh thiêng hơn trong niềm tin của không biết bao nhiêu tín đồ đến lễ bái, dâng hoa, cầu nguyện…

Trong dòng người bất tận, tất cả dường như đều có chung một cảm giác an lành, một niềm hoan hỷ trào dâng, đó chính là sự gia trì của đức Phật cho hàng đệ tử của Ngài hay bất cứ những ai có một chút nghĩ tưởng đến ân đức của Phật. Đến được với Bồ Đề Đạo Tràng là một niềm vinh dự và may mắn cho bất cứ ai có một lòng hướng Phật, đó cũng là con đường hành hương của những người theo đạo Phật hàng năm. Với những vị khách du lịch ghé thăm như tôi, đây là niềm vinh dự lớn lao mà suốt đời tôi không thể nào quên.

Thông tin thêm:

+ Bồ Đề Đạo Tràng được xem là khu thánh địa thiêng liêng bậc nhất trong các thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ. Nơi đây, luôn được sự quan tâm với lòng kính trọng đặc biệt của Phật tử và các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới.

+ Cùng với Lumbini (Lâm Tỳ Ni) - nơi Đức Phật đản sanh; Sarnath (Lộc Uyển) - nơi Đức Phật chuyển pháp luân đầu tiên; Kushinagar (Câu Thi Na) - nơi Ngài nhập diệt, Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng) - nơi Đức Phật thành đạo - là một trong bốn điểm được mệnh danh là Tứ động tâm - những địa điểm hành hương quan trọng nhất của Phật giáo. Mỗi ngày, đều có hàng ngàn Phật tử từ khắp nơi trên thế giới làm lễ hành hương về đây.

+ Xung quanh Bồ Đề Đạo Tràng có rất nhiều ngôi chùa của các nước. Khi các Phật tử đi hành hương, đều ở lại trong chùa của quốc gia mình. Việt Nam hiện có 4 ngôi chùa tại đây, trong đó Việt Nam Phật Quốc Tự có đón một số khách hành hương.

+ Ngày 27/6/2003, tổ chức UNESCO chính thức công nhận Bồ Đề Đạo Tràng là di sản văn hoá thế giới.

+ Chuyến hành hương qua bốn điểm linh thiêng, hiện tại Việt Nam có khá nhiều công ty du lịch mở. Chương trình thường kéo dài khoảng 15 – 20 ngày, bắt đầu vào mùa xuân, sau Tết âm lịch hàng năm.

 

RELATED ARTICLES