Mawsynram, ngôi làng thuộc bang Meghalaya ở Đông Bắc Ấn Độ, hiện đang nắm giữ kỷ lục thế giới về lượng mưa trung bình hàng năm cao nhất: lên tới 11.873 mm, theo Sách Kỷ lục Guinness. Để dễ hình dung, lượng mưa trung bình năm tại Hà Nội chỉ vào khoảng 1.800 mm, trong khi tại TP.HCM khoảng 1.900 mm, tức Mawsynram hứng chịu lượng mưa gấp hơn 6 lần những khu vực được xem là ẩm ướt nhất ở Việt Nam.



Mawsynram (Ấn Độ), ngôi làng nắm giữ kỷ lục về lượng mưa trung bình hàng năm cao nhất thế giới
Vì sao Mawsynram lại mưa nhiều đến thế?
Mawsynram tọa lạc tại bang Meghalaya - trong tiếng Phạn có nghĩa là “nơi ở của những đám mây” - và quả thực, khu vực này dường như quanh năm chìm trong hơi nước. Ngôi làng nằm ở độ cao khoảng 1.400 mét so với mực nước biển, ngay trên rìa của cao nguyên Shillong, giáp ranh với vùng đất thấp của Bangladesh. Đây chính là điểm then chốt khiến Mawsynram trở thành "thủ phủ của mưa".
Gió mùa Tây Nam từ tháng 6 đến tháng 9 mang theo lượng hơi nước khổng lồ từ Vịnh Bengal. Khi những đợt gió ẩm này va chạm với bức tường núi cao của cao nguyên Shillong, chúng bị ép dâng lên, gây ngưng tụ và trút xuống những trận mưa xối xả. Kiểu mưa này gọi là mưa địa hình (orographic rainfall), và Mawsynram là một trong những ví dụ điển hình nhất trên thế giới.
Theo Sách Kỷ lục Guinness Thế giới, lượng mưa trung bình hàng năm ở Mawsynram là 11.873 mm. Đặc biệt, vào tháng 6 năm 2022, một kỷ lục mới đã được thiết lập khi chỉ trong một ngày, ngôi làng này hứng chịu tới 1.004 mm mưa - một con số vượt xa ngưỡng trung bình năm của nhiều nơi trên thế giới.

Nếu so với một quốc gia ôn đới tại châu Âu như Ba Lan, nơi có lượng mưa trung bình chỉ khoảng 600–700 mm/năm, thì Mawsynram đang hứng chịu lượng mưa gấp gần 20 lần
Cuộc sống giữa mưa và sự thích nghi độc đáo
Từ lâu, mưa đã là một điều bình thường hơn cơm bữa đối với người dân Mawsynram. Người dân nơi đây đã học cách sống hòa mình với những cơn mưa dài ngày, kéo dài từ tháng này sang tháng khác. Mọi sinh hoạt, từ ăn uống, di chuyển đến sản xuất đều gắn chặt với mùa mưa.
Trước khi mùa mưa đến, các gia đình đều tất bật chuẩn bị. Họ tu sửa mái nhà, thường được lợp bằng cỏ khô, không chỉ để cách nhiệt mà còn giảm tiếng ồn của mưa đập lên mái tôn. Dù vậy, mưa lớn có thể làm trôi lớp cỏ, nên việc bảo dưỡng mái là một “việc nhà” quen thuộc. Người dân cũng dự trữ lương thực, chất đốt và củi khô, bởi việc ra ngoài mua sắm gần như bất khả thi vào thời điểm cao điểm từ tháng 6 đến tháng 8.

Bảo dưỡng mái là một “việc nhà” quen thuộc với người dân nơi đây
Một món đồ bất di bất dịch là chiếc "knup" - loại áo mưa truyền thống đặc biệt có hình dáng như vỏ rùa. Chúng được làm thủ công từ tre, cỏ và tấm nhựa, có khả năng che phủ gần như toàn bộ cơ thể khỏi mưa. Việc đan knup là công việc thủ công phổ biến của phụ nữ trong làng, nhất là vào mùa mưa.

Knup - loại áo mưa truyền thống được làm thủ công từ tre, cỏ và tấm nhựa
Vào những ngày mưa lớn liên tục, trường học thường phải tạm đóng cửa, nhiều tuyến đường trở nên lầy lội hoặc bị chia cắt do lũ quét, lở đất. Trẻ em quen với việc học dưới mái tôn ướt sũng, đôi khi chỉ có thể đến trường vài ngày trong tháng, và vào các mùa mua cao điểm có thể học ở nhà.
Hệ thống điện cũng thường xuyên gặp sự cố do điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Do đó, ánh sáng từ củi lửa vẫn là nguồn sáng chính vào ban đêm, đặc biệt ở những vùng không có máy phát điện. Nhiều gia đình còn tích trữ nước sạch trong thùng chứa để phòng trường hợp nguồn nước bị ô nhiễm hoặc gián đoạn.

Mọi sinh hoạt, từ ăn uống, di chuyển đến sản xuất đều gắn chặt với mùa mưa
Ẩm thực và văn hóa thích nghi với khí hậu
Ẩm thực địa phương cũng phản ánh sự thích nghi với điều kiện thời tiết. Một trong những món ăn đặc trưng của Mawsynram là “tungtap” - loại mắm lên men kết hợp với ớt và cà chua, thường dùng với cơm. Món ăn này dễ bảo quản và phù hợp với điều kiện ẩm ướt kéo dài. Ngoài ra, người dân cũng sử dụng nhiều thực phẩm khô, dễ cất giữ và không cần chế biến cầu kỳ.

Tungtap - loại mắm lên men kết hợp với ớt và cà chua, thường dùng với cơm
Lễ hội văn hóa cũng được tổ chức tùy theo mùa. Vào những tháng ít mưa hơn, cộng đồng thường tổ chức các nghi lễ truyền thống nhằm cầu mùa, cầu an và tạ ơn thiên nhiên. Dù đối mặt với nhiều bất tiện, người dân Mawsynram luôn thể hiện tinh thần lạc quan, đoàn kết và gắn bó với mảnh đất của mình.

Vào những tháng ít mưa hơn, cộng đồng thường tổ chức các nghi lễ truyền thống nhằm cầu mùa, cầu an và tạ ơn thiên nhiên
Cầu sống từ rễ cây
Một trong những sáng tạo đáng chú ý nhất của người dân vùng Meghalaya nói chung là kỹ thuật xây dựng "cầu sống" từ rễ cây, đặc biệt là từ cây đa (Ficus elastica). Họ dẫn rễ cây mọc qua suối và kiên nhẫn chờ đợi hàng năm, thậm chí hàng thập kỷ, để các rễ cây đan xen và tạo thành cây cầu tự nhiên vững chắc.

Những cây cầu này có thể chịu được dòng nước mạnh, không bị hư hỏng như cầu gỗ hay bê tông trong môi trường ẩm ướt. Không chỉ là giải pháp giao thông bền vững, đây còn là biểu tượng cho mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên.


Những rễ cây mảnh của loài cây cao su được người dân uốn và buộc lại với nhau để tạo thành các cây cầu và thang, có khả năng chống chọi với môi trường ẩm ướt quanh năm ở Meghalaya
Nỗi lo thiên tai luôn thường trực
Tuy đã thích nghi với mưa, nhưng nguy cơ xảy ra thiên tai vẫn luôn rình rập tại nơi đây. Những trận mưa quá lớn có thể gây lở đất, cuốn trôi nhà cửa, gây thương vong cho người dân, đặc biệt là trẻ em và người già. Việc tiếp cận y tế trong mùa mưa tại Mawsynram cũng là rất khó khăn.
Một nghịch lý khác là thiếu nước sạch, bởi mưa lớn khiến bùn đất tràn vào nguồn nước hoặc làm hư hại bể chứa. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, người dân lo ngại các hiện tượng cực đoan như mưa lớn hơn, kéo dài hơn hoặc bất thường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế và an toàn của họ.
Tinh thần gắn bó với đất mẹ
Mặc dù sống giữa sóng gió quanh năm, đa số người dân Mawsynram không có ý định rời bỏ nơi này. Họ coi đây là ngôi nhà gắn liền với tổ tiên, văn hóa và niềm tin. Những thế hệ trẻ vẫn tiếp nối truyền thống cha ông, vừa gìn giữ bản sắc dân tộc, vừa tìm cách thích nghi hiện đại như phát triển du lịch, giáo dục cộng đồng và sử dụng năng lượng tái tạo.

Mặc dù sống giữa sóng gió quanh năm, đa số người dân Mawsynram không có ý định rời bỏ nơi này
Mawsynram, hơn cả một nơi đặc biệt trên bản đồ khí tượng, là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt và khả năng hòa hợp giữa con người với môi trường khắc nghiệt, điều mà thế giới hiện đại đang dần học hỏi và trân trọng.