Công trình hạ tầng hiện đại bậc nhất thế giới
Fehmarnbelt là một đường hầm đa năng bao gồm hai làn đường cao tốc và hai tuyến đường sắt điện khí hóa, giúp phương tiện và tàu hỏa có thể di chuyển qua lại giữa hai nước một cách nhanh chóng. Với chiều dài 18 km, dù ngắn hơn so với đường hầm eo biển Manche (50 km), Fehmarnbelt lại vượt trội về công nghệ và quy mô xây dựng. Khi hoàn thành, đây sẽ là đường hầm giao thông kết hợp dài nhất thế giới, đồng thời giữ kỷ lục là đường hầm chìm dài nhất.

Hầm Fehmarnbelt sẽ bao gồm hai tuyến đường sắt và hai tuyến cao tốc hai làn xe chạy dưới biển Baltic
Không giống như đường hầm xuyên eo biển Manche được đào xuyên lòng đất, Fehmarnbelt sử dụng phương pháp xây dựng hầm chìm. Những đoạn hầm bê tông đúc sẵn được chế tạo tại nhà máy, sau đó vận chuyển ra biển và đặt xuống một rãnh đào dưới đáy biển trước khi được chôn lấp.

Fehmarnbelt sử dụng phương pháp xây dựng hầm chìm
Tháng 2/2025, những phần hầm đầu tiên đã rời khỏi nhà máy ở Rødbyhavn (Đan Mạch), đánh dấu bước tiến quan trọng của dự án. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào năm 2029 với tổng chi phí ước tính khoảng 7,4 tỷ euro (7,7 tỷ USD).
Thúc đẩy du lịch giữa Bắc Âu và Trung Âu
Không chỉ giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Đan Mạch đến Đức từ 45 phút xuống chỉ còn 7 phút bằng tàu hỏa và 10 phút bằng ô tô, Fehmarnbelt còn mang lại những lợi ích to lớn cho ngành du lịch khu vực.
Đảo Lolland (Đan Mạch) – nơi bắt đầu đường hầm – nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, những thị trấn cổ kính và công viên giải trí Knuthenborg Safari Park. Trong khi đó, phía bên kia đường hầm, đảo Fehmarn (Đức) là thiên đường của những người yêu thích thể thao dưới nước với bãi biển dài, những khu cắm trại và trung tâm lướt ván nổi tiếng.

Đảo Lolland (Đan Mạch)...

... và đảo Fehmarn (Đức) là hai đầu của đường hầm
Không dừng lại ở hai hòn đảo này, Fehmarnbelt còn giúp kết nối nhanh chóng từ Copenhagen (Đan Mạch) đến Hamburg (Đức) – hai trung tâm du lịch, văn hóa lớn của châu Âu. Với khoảng cách 280 km, việc di chuyển giữa hai thành phố bằng đường sắt hiện mất gần 5 giờ, nhưng khi đường hầm hoàn thành, thời gian này sẽ giảm xuống còn khoảng 2,5 giờ, mở ra cơ hội cho những chuyến du lịch liên tuyến giữa Bắc Âu và Trung Âu.
Công trình này cũng được kỳ vọng sẽ gia tăng lượng du khách quốc tế đến cả Đan Mạch và Đức, đặc biệt là từ các nước lân cận như Thụy Điển, Na Uy hay Ba Lan. Nhờ mạng lưới đường sắt hiện đại, du khách có thể dễ dàng tiếp cận những điểm đến nổi tiếng như lâu đài Rosenborg (Đan Mạch), khu phố cổ Lübeck (Đức) hay các bãi biển tuyệt đẹp dọc theo biển Baltic.

Công trình được kỳ vọng sẽ gia tăng lượng du khách quốc tế đến cả Đan Mạch và Đức
Fehmarnbelt không chỉ là một công trình giao thông mà còn là biểu tượng cho sự kết nối mạnh mẽ giữa các quốc gia châu Âu. Dự án này nằm trong chiến lược phát triển hạ tầng chung của Liên minh châu Âu, giúp tăng cường sự liên kết kinh tế, thương mại và du lịch trong khu vực. Với tầm quan trọng chiến lược, đường hầm Fehmarnbelt được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những tuyến giao thông huyết mạch, góp phần đưa châu Âu ngày càng gần nhau hơn, cả về khoảng cách địa lý lẫn cơ hội phát triển.