Ngày lễ lớn nhất của người Việt
Trong bức tranh văn hóa đa dạng và phong phú của các nước Á Đông, Tết Rằm tháng Giêng luôn được xem là một trong những lễ tết quan trọng bậc nhất, mang đậm giá trị tâm linh và văn hóa truyền thống. Đây không chỉ là dịp để mọi người sum vầy, vui chơi, mà còn là thời điểm đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chu kỳ vận hành của vũ trụ, đồng thời là khởi đầu cho một năm mới với nhiều hy vọng và ước nguyện tốt lành.
Tết Rằm tháng Giêng, hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu, là đêm trăng tròn đầu tiên của năm mới âm lịch. Theo quan niệm của người xưa, trăng tròn là biểu tượng của sự viên mãn, tròn đầy, tượng trưng cho hạnh phúc, may mắn và tài lộc. Vào đêm Rằm tháng Giêng, khắp nơi đều rực rỡ ánh đèn lồng, với muôn vàn kiểu dáng, màu sắc khác nhau. Người dân cùng nhau đi xem múa lân, hát chèo, thưởng thức những món ăn truyền thống... tạo nên một không khí vui tươi, náo nhiệt.
![Rằm tháng Giêng còn gọi là tết Nguyên Tiêu, tết Thượng Nguyên, tết Trạng Nguyên… Tết này có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sau nhiều thời gian, tết này được bổ sung thêm các yếu tố văn hóa Đông Á nên nguồn gốc có thể được lý giải theo nhiều cách khác nhau](https://i.ex-cdn.com/vntravellive.com/files/content/2025/02/07/17-0838.jpeg)
Rằm tháng Giêng còn gọi là tết Nguyên Tiêu, tết Thượng Nguyên, tết Trạng Nguyên… Tết này có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sau nhiều thời gian, tết này được bổ sung thêm các yếu tố văn hóa Đông Á nên nguồn gốc có thể được lý giải theo nhiều cách khác nhau
Trong không gian văn hóa tâm linh phong phú của người Việt, ngày Rằm tháng Giêng mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Đây không chỉ là ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới, mà còn là dịp để mỗi người hướng lòng mình về những giá trị tốt đẹp, cao quý, là thời điểm để mỗi người thể hiện lòng thành kính, tri ân đối với Đức Phật, các bậc tổ tiên và cội nguồn của dân tộc.
Theo Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, ngày Rằm tháng Giêng còn được gọi là ngày Đại hội Thánh Tăng. Vào ngày này, Đức Phật đã kêu gọi các đệ tử nhập thế để phụng sự nhân sinh, vì mục đích mang lại phúc lợi cho số đông và an lạc cho nhân loại. Đây là một thông điệp sâu sắc về tinh thần nhập thế, dấn thân, cống hiến của đạo Phật, đồng thời là lời nhắc nhở mỗi người về trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, xã hội.
![Rằm tháng Giêng diễn ra từ giữa đêm 14 (đêm trước trăng rằm) đến hết ngày 15 (đêm trăng rằm) của tháng Giêng âm lịch](https://i.ex-cdn.com/vntravellive.com/files/content/2025/02/07/11-0838.jpeg)
Rằm tháng Giêng diễn ra từ giữa đêm 14 (đêm trước trăng rằm) đến hết ngày 15 (đêm trăng rằm) của tháng Giêng âm lịch
Bởi thế khi xưa dân gian ta mới có câu, “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng” hoặc: “Ăn chay quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng”. Tết Nguyên tiêu, đêm trăng sáng đầu tiên của một chu kỳ xuân mới, ánh trăng chiếu rạng khắp miền hạ giới sau một mùa đông dài tối tăm, lạnh lẽo. Theo các nhà phong thủy, đêm này âm dương giao hòa đầy vượng khí, càn khôn thịnh phát nhất tại cực điểm, cây trái thuận thời thi nhau trổi dậy đâm chồi nẩy lộc, vạn vật hóa sinh. Trăng Nguyên tiêu thanh bình, gió lạnh mơn man thổi nhẹ, không gian lãng đãng làm cho tâm hồn thi nhân thêm phấn chấn trước những thay đổi của cảnh sắc mây trời, hương thơm của cỏ cây hoa trái lan tỏa khắp chốn nhân gian.
Tết Nguyên tiêu là men tố, là thời khắc gây nguồn cảm hứng thi ca bất tận. Vào dịp này, vua chúa có lệ ban lấy ngày Nguyên tiêu là dịp để triệu tập các Trạng nguyên và những người đỗ đạt cao trong nước về kinh hội họp, đãi yến tiệc trong vườn Thượng Uyển. Xưa kia, tại các nhà thờ họ, trưởng họ, trưởng tộc thường triệu tập những thanh niên học cao, hiểu rộng, có tài và đức lên đọc bản báo cáo thành tích một năm hoạt động với tổ tiên. Qua đó để thấy được sự hưng vượng của dòng họ và giáo dục các thế hệ con cháu một cách tốt nhất. Sau đó, các bô lão tổ chức ngắm trăng, thi đọc thơ hoặc chơi tổ tôm, tam cúc. Sau ngày này, họ thường cất hoặc đốt những bộ trò chơi này đi để thúc giục con cháu khởi động một năm mới làm việc chăm chỉ, thi cử đỗ đạt.
![Ngày này người ta thường chuẩn bị mâm cúng đầy đủ để tỏ lòng biết ơn](https://i.ex-cdn.com/vntravellive.com/files/content/2025/02/07/13-0838.jpeg)
Ngày này người ta thường chuẩn bị mâm cúng đầy đủ để tỏ lòng biết ơn
Đối với bình dân, vào dịp Tết Nguyên tiêu nhiều nơi thường mở hội làng, bằng nhiều loại hình dân gian, tổ chức lễ thắp đèn hoa, đua thuyền bơi trải, vật võ, có cả múa, hát, lục cúng hoa đăng…
Bàn về nét đẹp của ngày Rằm tháng Giêng trong văn hóa Việt Nam, nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Tiến Thắng đã có những chia sẻ sâu sắc về nguồn gốc và quá trình tiếp biến của ngày lễ này trong lịch sử. Theo ông, Tết Nguyên Tiêu có nguồn gốc từ Trung Quốc và đã lan tỏa, ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trong khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình giao thoa văn hóa, Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực đã tiếp nhận và biến đổi Tết Nguyên Tiêu theo cách riêng, mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa của từng dân tộc.
![Vào ngày này, các gia đình sẽ cùng nhau đi chùa, bày mâm cỗ cúng để tỏ lòng thành kính với Phật và tổ tiên của mình, đồng thời, cầu mong may mắn, phước lành](https://i.ex-cdn.com/vntravellive.com/files/content/2025/02/07/12-0838.jpeg)
Vào ngày này, các gia đình sẽ cùng nhau đi chùa, bày mâm cỗ cúng để tỏ lòng thành kính với Phật và tổ tiên của mình, đồng thời, cầu mong may mắn, phước lành
Trong tâm thức của người Việt, ngày Rằm tháng Giêng không chỉ là dịp để cầu nguyện cho bản thân, gia đình, mà còn là dịp để mỗi người thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên, những người đã có công dựng nước và giữ nước.
Một giá trị nhân văn nữa mà lễ cúng Rằm tháng Giêng có được trong quá trình Việt hóa, đó là sự gắn kết bền vững giữa các thành viên trong mỗi gia đình. Khi đứng trước bàn thờ gia tiên, mỗi người đều cảm thấy lòng mình lắng lại, nhớ đến công đức của các bậc sinh thành, nhớ về cội nguồn của mình. Đây là dịp để mỗi người thể hiện được trách nhiệm của mình đối với gia đình, dòng họ, đồng thời cũng là dịp để mỗi người thể hiện tình cảm yêu thương, gắn bó với những người thân yêu của mình.
Giữ gìn nét văn hoá ngàn đời xưa
Lịch sử cho thấy, dưới triều Nguyễn, lễ Thượng Nguyên luôn được coi trọng và được tổ chức một cách trang trọng. Các vua nhà Nguyễn thường đích thân cử hành lễ cúng tế tại các miếu, điện. Qua đó, thể hiện sự tôn trọng đối với tổ tiên và khẳng định niềm tự hào dân tộc. Ngày nay, tục lệ này đã giản đơn hơn, nhưng vẫn không mất đi giá trị tâm linh và ý nghĩa. Nó trở thành dịp để người dân cùng nhau hướng về một tương lai an lành và thịnh vượng.
![Nét đẹp văn hoá được lưu truyền ngàn đời](https://i.ex-cdn.com/vntravellive.com/files/content/2025/02/07/16-0838.jpg)
Nét đẹp văn hoá được lưu truyền ngàn đời
Cùng với những nét đẹp văn hóa được gìn giữ từ lâu đời, các nghi thức trong ngày Rằm tháng Giêng cũng dần có những thay đổi theo thời gian. Bên cạnh những giá trị truyền thống tốt đẹp được phát huy, cũng xuất hiện những hiện tượng không đẹp trong hoạt động tín ngưỡng, gây ảnh hưởng đến ý nghĩa thiêng liêng của ngày lễ.
Mặc dù các cấp chính quyền cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có những văn bản hướng dẫn cụ thể, nhưng vẫn còn một số cơ sở tôn giáo lợi dụng danh nghĩa cầu an để tổ chức dâng sao, giải hạn, cầu siêu thu lợi, gây biến tướng, sai lệch ý nghĩa của hoạt động đi lễ trong ngày Rằm tháng Giêng. Những hành động này không chỉ làm mất đi vẻ đẹp thanh tịnh của ngày lễ, mà còn tạo ra những hình ảnh phản cảm trong mắt công chúng.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, một nhà nghiên cứu văn hóa uy tín, cho rằng, trọng tâm của Rằm tháng Giêng là lễ cầu quốc thái dân an, cầu nguyện an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng và phát triển cho đất nước, gia đình. Tuy nhiên, việc hiểu và cúng lễ sao cho đúng, phần nhiều phụ thuộc vào nhận thức của mỗi người. Không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa sâu xa của ngày lễ, dẫn đến những hành động sai lệch, gây phản cảm.
![Việc cúng ngày rằm tháng Giêng là dịp gia chủ bày tỏ lòng thành kính với ông bà, cha mẹ, cảm ơn những người trên đã phù hộ cho gia đình, con cháu được mạnh khỏe, làm ăn phát đạt trong năm](https://i.ex-cdn.com/vntravellive.com/files/content/2025/02/07/14-0838.jpeg)
Việc cúng ngày rằm tháng Giêng là dịp gia chủ bày tỏ lòng thành kính với ông bà, cha mẹ, cảm ơn những người trên đã phù hộ cho gia đình, con cháu được mạnh khỏe, làm ăn phát đạt trong năm
Việc đốt quá nhiều vàng mã, gây lãng phí, ô nhiễm môi trường, hay lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi, mê tín dị đoan đều là những hành động đáng lên án và cần phải dẹp bỏ. Những hành động này không chỉ đi ngược lại với tinh thần của ngày lễ, mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, xã hội.
Để ngày Rằm tháng Giêng thực sự là một ngày lễ ý nghĩa, mỗi người cần nâng cao ý thức, hiểu rõ về ý nghĩa của ngày lễ, đồng thời tránh xa những hành động sai lệch, tiêu cực. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, Giáo hội Phật giáo và cộng đồng để chấn chỉnh những hoạt động tín ngưỡng không đúng đắn, đồng thời tuyên truyền, giáo dục để mọi người hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa, tâm linh của ngày Rằm tháng Giêng.