Malaysia tổ chức Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) lần thứ bảy, với sự kiện trọng tâm là Hội chợ Giao lưu Du lịch ASEAN (TRAVEX) từ ngày 15-17 tháng 1 năm 2025 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Persada Johor. Đây là cơ hội quan trọng để quốc gia này quảng bá hình ảnh và định hướng du lịch khu vực, đồng thời tạo động lực mạnh mẽ cho chiến dịch "Visit Malaysia 2026".
Với chủ đề “Hợp nhất trong chuyển động: Định hình tương lai du lịch ASEAN”, sự kiện nhấn mạnh vai trò của bền vững, đổi mới và hợp tác trong việc xây dựng hệ sinh thái du lịch phát triển bền vững.
Lần thứ hai đăng cai ATF sau một thập kỷ, Malaysia đã nhận được sự hỗ trợ chiến lược từ Tập đoàn Hàng không Malaysia (MAG) và Telekom Malaysia Berhad (TM). Với chủ đề "Hợp nhất trong chuyển động: Định hình tương lai du lịch ASEAN", ATF 2025 khẳng định tinh thần hợp tác trong phát triển du lịch bền vững và tăng trưởng kinh tế khu vực.
Bộ trưởng Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia, Dato Sri Tiong King Sing, bày tỏ: "TRAVEX thu hút 221 đơn vị trưng bày, 323 nhà mua từ 42 quốc gia, và hơn 100 đại diện truyền thông quốc tế. Điều này phản ánh niềm tin mạnh mẽ vào tiềm năng du lịch ASEAN cũng như sự sẵn sàng hợp tác để định hình một tương lai chung".
Chiến dịch Visit Malaysia 2026
Thông qua ATF, Malaysia chính thức khởi động chiến dịch Visit Malaysia 2026 với mục tiêu đầy tham vọng: thu hút 35,6 triệu lượt khách du lịch và doanh thu 147,1 tỷ RM. Để đạt được, chính phủ đã phân bổ ngân sách kỷ lục 550 triệu RM cho các hoạt động quảng bá, bao gồm chương trình miễn thị thực mở rộng cho du khách Trung Quốc và Ấn Độ.
Ông Mohd Amirul Rizal Abdul Rahim, Giám đốc cấp cao phụ trách quảng cáo chiến dịch, cho biết: "Chiến dịch không chỉ tập trung vào quảng bá mà còn chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ để du khách muốn quay lại. Những du khách quay lại chi tiêu nhiều hơn, và điều này đòi hỏi chúng tôi phải cải thiện từ cơ sở hạ tầng đến trải nghiệm dịch vụ".
Nhận thức rõ tiềm năng chưa khai thác, Malaysia đặt mục tiêu mở rộng thị trường như Ấn Độ, nơi có dân số 1,4 tỷ nhưng hiện chỉ khoảng 1 triệu người đến Malaysia mỗi năm.
Du lịch bền vững - hướng tới những trải nghiệm chân thực
Hội nghị Du lịch ASEAN trong khuôn khổ ATF đã tập trung vào các vấn đề như trí tuệ nhân tạo (AI), bền vững và cân bằng giữa doanh nghiệp du lịch với các OTA.
Phó Tổng cục trưởng Du lịch Malaysia, Datuk Musa B. Yusof, nhấn mạnh: "Bền vững không còn là lựa chọn mà là điều bắt buộc để đáp ứng kỳ vọng của du khách hiện đại, những người ngày càng quan tâm đến tác động môi trường và văn hóa".
Một trong những sáng kiến được đề xuất là đẩy mạnh quảng bá các điểm đến ít được biết đến, nhằm phân bổ lượng khách du lịch một cách cân đối hơn. Justine Vaz, Giám đốc Điều hành của The Habitat Foundation, nhận định: “Tình trạng du lịch dưới ngưỡng (undertourism) đang là một vấn đề tại Malaysia, đặc biệt ở những thị trấn nhỏ và yên bình. Nhiều điểm đến mới, giàu tiềm năng, thậm chí đã được UNESCO công nhận, vẫn còn bỏ ngỏ và chưa được khám phá đúng mức”.
Trong khi đó, tình trạng quá tải du lịch (overtourism) tại một số điểm đến như Semporna (Sabah) đang trở thành mối quan ngại lớn. Cher Chua-Lassalvy, đồng sáng lập Batu Batu Resort, nhấn mạnh rằng việc tạo ra những trải nghiệm du lịch ý nghĩa cần song hành với nỗ lực duy trì sự cân bằng sinh thái. Batu Batu đã áp dụng các biện pháp giám sát chặt chẽ tác động của lượng khách du lịch đối với hệ sinh thái, qua đó linh hoạt điều chỉnh số lượng du khách để bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, phát triển nhân tài trong ngành du lịch cũng là trọng tâm, với các chương trình đào tạo kỹ năng từ dịch vụ khách hàng đến tiếp thị kỹ thuật số và thực hành bền vững, nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi nhanh chóng của thị trường.
Với chiến lược rõ ràng và sự đồng hành từ các đối tác quốc tế, Malaysia đang từng bước khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn trong khu vực ASEAN, hướng tới một tương lai du lịch phát triển và bền vững.