Trong một chuyến khảo sát các điểm du lịch mới tại Lai Châu, tình cờ tôi được nghe người dân Lai Châu cho biết, cách thành phố Lai Châu khoảng 37 km có một bản tên là Sin Suối Hồ của người Mông. Bản này thuộc xã Sin Suối Hồ, nằm trên đỉnh Sơn Bạc Mây có độ cao 1.400 m so với mực nước biển, không khí mát mẻ quanh năm. Người dân gọi đây là bản Hoa Lan - một loài hoa đẹp của núi rừng.

Từ trung tâm hành chính thành phố Lai Châu rẽ trái, men theo con đường nhỏ ngoằn ngoèo chỉ đủ chỗ cho xe 16 chỗ di chuyển, tôi đi xuyên qua cánh đồng hoa San Thàn, nơi bà con trồng rất nhiều các loài hoa hồng để bán mỗi dịp xuân về. Tiếp tục dọc cung đường đó tới ngã ba Thèn Sin có một lối rẽ phải rất nhỏ với tấm biển bị che khuất nên tôi phải hỏi đường mấy lần mới nhìn ra biển chỉ lên Sin Suối Hồ. Từ đây, cung đường đẹp nhất, khó đi nhất của hành trình lên Sin Suối Hồ mới chính thức bắt đầu.

Empty
Empty

Từ ngã ba Thèn Sin, xe bắt đầu leo những con dốc cao chót vót, đường đi hẹp đòi hỏi các tay lái xe phải “lụa” và thạo đường miền núi để chinh phục quãng đường dài khoảng 19 km này. Vượt qua được những con dốc gần như dựng đứng, tôi bỗng thấy thật ngỡ ngàng vì vẻ đẹp của những ruộng bậc thang, xa xa là đỉnh núi Sơn Bạc Mây (nghĩa là “mây trắng phủ đỉnh núi”), những đám mây trắng bồng bềnh cuộn lên từng đợt được chiếu dưới ánh nắng mặt trời rực rỡ. Mang cảm giác ngất ngây, choáng ngợp, tôi cứ đi như xuyên qua từng đám mây trắng để lên cao dần, cao dần… Thêm một khúc cua gắt nữa, cuối cùng, tôi đã đến với bản Sin Suối Hồ.

Bước chân xuống xe, không khí se se lạnh ập đến tạo cho tôi một cảm giác thật khoan khoái dễ thở, cảm giác mệt mỏi sau một chặng đường núi vất vả dường như đã biến mất không còn dấu vết. Điều đầu tiên đập vào mắt tôi là những người dân bản Mông với nụ cười thật tươi, thân thiện như muốn nói: “Chào mừng đến với bản Sin Suối Hồ!”.

Empty

Con đường dẫn vào bản không có một cọng rác nào, hai bên đường bày những chậu hoa địa lan đang khoe sắc. Tôi cũng không nhìn thấy trâu, bò được thả rông, không nhìn thấy chuồng trâu, bò, gia súc nào cả - một điều thú vị và khác biệt so với các bản người Mông khác mà tôi đã từng đi.

Cảnh trí hai bên đường đi được trang trí thật đẹp, thật gần gũi với thiên nhiên: biển chỉ đường với chữ bằng dây thừng, bằng đá, những chiếc gùi với dòng chữ “Xin cho tôi rác”… Ngẩn ngơ trước vẻ đẹp nơi đây, tôi ngỡ mình lạc vào chốn “thần tiên”.

Empty
Empty

Tôi đến đúng vào ngày chợ phiên của đồng bào nơi đây, thứ bảy hằng tuần. Từ xa xa, tôi đã nghe thấy tiếng sáo Mèo, tiếng khèn, tiếng hát véo von thôi thúc tôi rảo bước nhanh hơn nữa để đến chợ.

Chợ Sin Suối Hồ thật tấp nập, buôn bán những mặt hàng nông sản, thổ cẩm đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Đối diện bên kia chợ là sân khấu đơn sơ, mộc mạc đang diễn ra buổi biểu diễn văn nghệ của bà con vui chợ phiên nơi đây.

Đồng bào từ các bản khác cùng vui chợ phiên hòa mình vào những điệu múa, bài hát, tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng hát trong trẻo vang giữa núi rừng.

Empty

Hòa mình vào phiên chợ vùng cao, tôi tham gia xay lúa trong cối đá, dạo xem các mặt hàng với đủ loại màu sắc rực rỡ… Có một điều rất lạ là chợ phiên này không có cảnh người Mông ngồi uống rượu hay say rượu, không có bất cứ chỗ nào bán rượu như những phiên chợ vùng cao khác. Hảng Thị Sú, một cô gái người Mông xinh xắn, đã giúp tôi tìm hiểu thêm về cuộc sống và sự đổi thay của bà con nơi đây.

Bản của cô có 123 hộ dân. Trước đây, bản có rất nhiều người nghiện thuốc phiện, thuốc lào, thuốc lá, rượu chè say sưa nên đói nghèo, tệ nạn xã hội bủa vây. Trưởng bản Vàng A Chỉnh và phó bản Hảng A Xà đã đứng ra vận động, thuyết phục bà con cai nghiện từ năm 1995 đến 2005. Đến năm 2014, bản Sin Suối Hồ thành công không còn ai nghiện với quy định “5 Không”: “Không hút thuốc phiện, không hút thuốc lào hay thuốc lá, không đàn đúm rượu chè, không cờ bạc, không xả rác bừa bãi”.

Empty

Lại một lần nữa, anh Chỉnh đứng ra vận động anh em bản làng cùng chung tay sửa sang lại tất cả khu vực đất đai, nhà cửa của bản, sửa cổng và đường vào bản; vận động bà con làm dịch vụ homestay; nuôi lợn, nuôi gà, trồng rau để cung cấp thực phẩm; bán các sản phẩm do chính bà con làm ra cho du khách…

Trong một lần vào rừng, gặp được hoa địa lan rất đẹp, anh mang về tách nhánh và chăm sóc, không ngờ trở thành một sản phẩm được du khách yêu thích. Từ đó, hoa lan được bà con dân bản trồng khắp bản làng, tạo thành nguồn thu nhập đáng kể, xóa đói giảm nghèo cho bà con trong bản. Hiện tại, có đến hơn 20.000 cây hoa lan được bà con trồng tại đây.

Empty
Empty

Tạm biệt cô gái bản xinh đẹp Hảng Thị Sú, tiếp tục theo con đường cuối bản quanh co đi sâu vào núi rừng, tôi được dịp hòa mình vào thiên nhiên trong lành và tận hưởng hết vẻ đẹp thơ mộng nơi đây.

Kia là dòng suối nhỏ gập ghềnh, đâu đó có tiếng chim hót, thác nước Trái Tim nằm trong dãy núi có hình cánh cung giống như chiếc cổng tới thiên đường… Tâm hồn tôi như được tẩy rửa, cảm giác thư thái, thoải mái, thư giãn sau những ngày làm việc bộn bề căng thẳng.

Người dân ở đây thật khéo làm du lịch khi giới thiệu với du khách nhiều hoạt động gắn liền với nếp sinh hoạt và đời sống của địa phương như các trò chơi Tù Lu (đánh quay), bắn nỏ, bập bênh, ném pao, đánh cầu…

Ngay trong khuôn viên bản cũng có nhiều nơi tham quan thú vị như khu cối giã gạo bằng nước, giã gạo bằng chân, giã bánh dày, khu dệt vải lanh, điểm ngắm hoàng hôn, nơi trưng bày những dụng cụ sinh tồn siêu to khổng lồ, khu vẽ sáp ong và nhuộm chàm, vườn lan, vườn đào…

Empty

Đặc biệt, những homestay quanh bản không chỉ là nơi lưu trú mà có thể coi như dấu tích văn hóa hấp dẫn khách phương xa. Các homestay đều được dựng theo lối nhà trình tường truyền thống của người Mông. Tường nhà làm hoàn toàn bằng đất nện dày khoảng 40 cm, không có bất cứ cột hay cọc nào làm trụ, mái tranh hoặc lợp ngói hoặc mái tranh. Nhà trình tường vừa giữ ấm về mùa đông, mát mẻ trong mùa hè và lại có thể chống được thú dữ. Những homestay đều được trang trí khá tinh tế, giữ nguyên bản sắc của đồng bào nơi đây nên đặc biệt phù hợp với lữ khách muốn tìm hiểu phong tục tập quán, văn hóa của người bản địa.

Không chỉ thế, những món ăn sơn cước giản dị như rau cải mèo, thịt lợn bản luộc chấm chẩm chéo, cá suối chiên… cũng làm tôi mê đắm, nhưng món ăn làm tôi thực sự ấn tượng nhất đó là món gà Mông hấp bí ngô. Quả bí ngô vàng ươm được khéo léo khoét một lỗ, bỏ ruột bí ngô rồi nhồi gà đen - một giống gà đặc trưng thịt ngọt và ngon của người Mông - vào bên trong, hấp cách thủy. Sau khoảng một giờ thì bí chín, gà cũng chín. Vị ngọt của gà và bí ngô ngấm lẫn vào nhau tạo thành một vị ngọt, ngậy, thơm mà không một ngòi bút nào tả xiết. Nếu có dịp ghé qua đây, bạn đừng quên thưởng thức món ăn gà Mông hấp bí ngô, tôi tin bạn sẽ không thất vọng.

Empty
SINSUOIHO 13
Empty