Xôi tím được đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái, Dáy… làm với những bí quyết riêng. Từ những hạt gạo nếp nương thơm dẻo, hạt to đều không lẫn tẻ, hương thơm ngọt, đem vo sạch rồi ngâm trong nước lã từ 6 - 8 giờ. Màu tím đặc trưng và hấp dẫn của xôi được nhuộm bằng loại cây có tên là Khẩu cắm (loại cây này chỉ có ở miền núi). Cây Khẩu cắm bẻ cả cành, lá rửa sạch, đem luộc. Luộc lá sôi chừng năm phút, khi thấy nước chuyển sang màu tím, sánh là được. Để nước lá nguội bớt rồi chút gạo nếp vào ngâm thêm 2 đến 3 giờ. Đồ xôi tím phải đồ bằng chõ gỗ được đục từ thân cây sung, lửa củi mới có được mùi vị thơm ngon hơn cả. Đồ đến khi hạt gạo chín nục, xới từng lớp xôi thấy màu tím tươi, bóng, hạt xôi dẻo mà không dính, có mùi thơm ngào ngạt là đã hoàn thành quy trình nấu xôi.
Ngoài hương vị thơm ngon, ngậy mà không ngán, xôi tím còn hấp dẫn bởi màu sắc và chất của loại lá cây rừng. Theo kinh nghiệm của đồng bào dân tộc ở Lai Châu, cây Khẩu cắm dùng đồ xôi còn có tác dụng chữa bệnh đường ruột và bồi bổ sức khỏe rất tốt.
Nếu có dịp đến với các phiên chợ như Dào San, Sìn Hồ, hay chợ phiên San Thàng... du khách sẽ ấn tượng với hình ảnh những cô gái dân tộc gùi những gùi xôi xuống chợ bán, quanh mình tỏa ra mùi thơm dẻo của gạo nếp nương và đặc biệt là màu tím đặc trưng vô cùng hấp dẫn. Thư thái ngồi bên bếp lửa thưởng thức xôi tím với cá nướng Pa pỉnh tộp hay miếng chả quế, thực khách sẽ cảm nhận được cả dư vị của núi rừng.