Nằm cách thành phố Tuy Hòa hơn 30 km, Hòn Yến dù được công nhận là Di tích danh thắng cấp Quốc gia từ năm 2018 song đến nay vẫn là một hòn đảo hoang sơ, thưa thớt, chưa hề phát triển dịch vụ du lịch. Mời bạn cùng Travellive khám phá Hòn Yến qua trải nghiệm của phóng viên ảnh Lưu Trọng Đạt, để hiểu tại sao vẻ đẹp nơi đây lại được nhiều người ví như một “bức tranh siêu thực”.

Empty
Empty

Tôi có thói quen khi đến một vùng đất mới thường dậy sớm để dong xe trên những con đường lạ và đằm mình trong ánh bình minh rực rỡ. Đến Tuy Hòa cũng vậy, tôi luôn tới Hòn Yến trước tiên - trước cả khi bình minh lên, để chiêm ngưỡng trọn vẹn Hòn Yến, chụp lại cảnh đánh lưới vây cá cơm, trải nghiệm việc nuôi ươm tôm hùm rồi chờ đến chiều nước cạn để ngắm san hô...

Sáng sớm, khi mặt trời bắt đầu hắt những tia sáng vàng vào bầu trời vẫn còn mù mịt sương đêm, những con đường ven biển của thành phố Tuy Hòa đã rất đông người dân đi tập thể dục. Để đến được Hòn Yến, hay bất cứ bãi biển hoang sơ nào của Phú Yên, phải đi qua nhiều con đường bê tông đầy cát và thôn chài ven biển. Chạy xe máy xuyên qua những con đường ngoằn ngoèo, qua những hàng phi lao và đi bộ qua những bụi xương rồng dọc lối, vượt qua một cồn cát nhỏ với vài hàng quán…, tôi luôn đến Hòn Yến và leo lên Gành Yến kịp lúc mặt trời bắt đầu ló rạng.

Empty
Empty
Empty

Bầu trời không một gợn mây, cao và rộng thênh thang trong những áng vàng, hồng và đỏ bao phủ vạn vật. Phía xa xa là những con thuyền lướt vội trên sóng đi tìm luồng cá. Những ngư dân đang đánh lưới vây cá cơm uyển chuyển như cánh bướm trên biển, hay những người thợ nuôi tôm hùm khéo léo điều khiển thúng chai len lỏi qua các lồng nuôi tôm trên làn nước lấp lánh ánh vàng… Những hoạt cảnh đó, cùng với sắc màu của buổi bình minh, luôn khiến tôi phải mê mẩn ngắm nhìn.

Empty
Empty
Empty

Theo lời kể của người dân nơi đây, xưa Hòn Yến là hòn đảo nằm khá biệt lập, xa bờ, cứ đến mùa là từng đàn yến hay kéo nhau về đây làm tổ nên người dân mới gọi địa danh này là Hòn Yến. Theo thời gian, thủy triều lên xuống và cát xâm lấn, lấp biển dần đưa Hòn Yến vào gần bờ như ngày nay.

Hòn Yến bao gồm hai hòn đảo, đảo Yến lớn hơn và đảo Sụn nhỏ hơn, nằm kề bên nhau; ven bờ có một dãy núi đá vươn mình ra ngoài khơi sát Hòn Yến nhất, được gọi là Gành Yến. Tất cả vẫn còn nguyên vẹn những giá trị tự nhiên với sự hình thành một hệ sinh thái san hô biển qua nhiều năm.

honyen 8

Vào những ngày đầu hoặc giữa tháng (theo lịch âm) là thời điểm con nước cạn, thủy triều xuống thấp nhất, du khách có thể lội bộ ra biển, trèo lên hòn Sụn, đằm mình trong gió cùng nắng chiều mát lành và nhìn ngắm cảnh quan xung quanh. Đặc biệt hơn, cũng trong thời gian này, du khách không cần phải đi tàu ra giữa biển mà chỉ cần chờ đến buổi chiều thủy triều rút là có thể ngắm những rạn san hô và sao biển. Những “đóa hoa” đầy màu sắc của biển trồi lên xung quanh hòn Yến, hòa với nắng vàng, biến mặt biển trở thành một vườn hoa thần tiên đầy mê hoặc.

Empty
Empty
Empty
Empty
Empty

Độ tháng 5, 6 hằng năm, nhịp sống của ngư dân Hòn Yến sẽ nhộn nhịp và sôi động hơn khi bước vào mùa đánh cá bằng lưới vây. Lưới vây đánh bắt cá được thả từ tàu chuyên đánh cá cơm, những con tàu này đi thành đàn. Quan sát từ trên cao, khung cảnh trở thành một vẻ đẹp ấn tượng, thu hút rất nhiều du khách và các nhà nhiếp ảnh tìm đến Hòn Yến trong những năm gần đây. Ai cũng mong được tận mắt chiêm ngưỡng, tận tay chụp lại "vũ điệu" quăng lưới cùng nhiều tạo hình mềm mại trên biển của các ngư dân làng chài trong mùa đi săn cá cơm.

Empty
Empty
Empty

Dù chỉ đến và đi khỏi Hòn Yến trong ngày, nhưng tôi may mắn luôn được trải nghiệm trọn vẹn chuỗi biến chuyển của thời gian và không gian trong một ngày ở nơi đây. Để mỗi khi bất giác nhớ đến, Hòn Yến lại hiện ra vừa mơ hồ vừa thơ mộng, với sự bình yên của nắng gió quyện lẫn với nét mộc mạc, đôn hậu của con người…

Empty
Empty
honyen 14