Trôi trên dòng Mekong rộng lớn, cảm nhận từng khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, tiếng cười nói hồn hậu của con người nơi miền Tây trù phú… vang lên từng phút giây, tôi sống trong hạnh phúc và muốn nâng niu từng nhịp thở nơi đây.

Empty
Empty

Ngay khi vừa đặt chân đến Cần Thơ, địa điểm đầu tiên tôi chọn để tới là chợ nổi Cái Răng. Ở Việt Nam, chợ nổi chỉ có ở miền Tây. Tỉnh Cà Mau có chợ nổi Cà Mau, tỉnh Vĩnh Long có chợ nổi Trà Ôn, Sóc Trăng có chợ nổi Ngã Năm, Hậu Giang có chợ nổi Ngã Bảy, chợ nổi Cái Bè ở Tiền Giang… Chợ nổi trên sông là một trong những nét đặc trưng của miền Tây, tồn tại lâu đời và gắn bó mật thiết với sinh hoạt văn hóa của người dân trong khu vực. Vì vậy, khi đến Cần Thơ, du khách phương xa vẫn mong được ngắm một chợ nổi Cái Răng sầm uất, hấp dẫn như nó từng có.

Empty
Empty

Trong suốt chuyến hành trình khám phá miền Tây, tôi may mắn được một đồng nghiệp ở Cần Thơ hướng dẫn các điểm vui chơi và lo việc ăn ở. Là “thổ địa” vùng sông nước miền Tây, anh bạn tôi tính toán khá chu đáo, còn hơn cả hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Anh cho biết: “Chợ nổi Cái Răng họp cả ngày, nhưng nhộn nhịp nhất là từ tờ mờ sáng đến 9-10 giờ, sau đó thì vãn dần. Muốn tham quan chợ nên khởi hành vào lúc sáu giờ rưỡi, đến nơi bảy giờ, là thời điểm hoạt động nhộn nhịp nhất”.

Đúng như dự định, sáu rưỡi sáng, đoàn chúng tôi xuất phát ở bến Ninh Kiều, bảy giờ đến khu vực chợ nổi Cái Răng. Do ảnh hưởng của câu ca dao: “Nhà Bè nước chảy chia hai. Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về” nên tôi cứ tưởng chợ nổi là những cái nhà bè bồng bềnh trên sông, mọi người sẽ đi lại, di chuyển “nhảy nhót” từ nhà bè này sang nhà bè khác để mua sắm.

Khi thuyền chúng tôi đến gần chợ nổi, tôi bật cười vì nó không giống như những gì mình đã hình dung. Trên một khúc sông rộng, rất nhiều ghe, thuyền tụ tập lại mua bán, trao đổi nông sản, trái cây, hàng hóa, thực phẩm, đồ ăn thức uống…

Empty

Số lượng ghe thuyền nhiều đến nỗi choán hết cả khúc sông rộng hơn một ki lô mét vuông. Thật là tiện lợi cho ghe mua và ghe bán. Sau khi thỏa thuận xong giá cả, ghe mua áp sát vào ghe bán để chuyển hàng qua, rất nhanh chóng, an toàn. Những ghe bán hàng thường neo đậu một chỗ, có khi ba bốn chiếc kết lại thành một mảng lớn, ở giữa chừa những luồng lạch cho các ghe thuyền người mua và khách tham quan đi lại. Trên những lối đi ấy, du khách thỏa sức chụp hình, mua hàng hóa, kể cả ăn quà vặt.

Chúng tôi hứng khởi mua đủ thứ: người trái thơm, người ly cà phê đá, người chục xoài, có người còn cầu may bằng vài tờ vé số.... Người mua cứ mua, người bán cứ bán. Không khí rộn ràng, nhộn nhịp. Thấy du khách giơ máy ảnh, điện thoại lên chụp, những người bán hàng không né tránh mà nhoẻn miệng cười thật tươi.

Empty
Empty

Bất chợt, tôi có cảm giác, người ta đến đây đôi khi chẳng phải để mua mà để hòa mình vào cái không khí tất bật của cảnh mua bán, để chiêm nghiệm một cảm xúc được ấp ủ từ lâu hơn là sự mua bán, trao đổi thuần túy.

Người bán hàng ở đây thật hồn nhiên, dung dị, không nói thách. Họ phần lớn là dân miệt vườn sông nước miền Tây, từ dáng vẻ, khuôn mặt đến giọng nói của họ đều toát lên sự hồn hậu, chất phác. Những con người có thể chưa giàu, chưa sang nhưng đã thật sự chiếm được sự cảm mến của tôi và những du khách tới thăm chợ nổi.

Empty
Empty

Trở lại thành phố, chúng tôi tản bộ dọc bến Ninh Kiều thơ mộng. Nằm ở ngã ba sông Hậu và sông Cần Thơ, bến Ninh Kiều là trung tâm thương mại của thành phố Cần Thơ, nơi hàng trăm tàu thuyền qua lại. Bến Ninh Kiều được xây dựng vào thế kỷ 18 với mục đích giao thương nhưng vẻ đẹp của bến đã khiến nó có mặt trong nhiều tác phẩm văn học. Đặc biệt về đêm, những ánh đèn lấp lánh từ các nhà hàng nổi soi xuống sông làm tăng thêm vẻ huyền ảo cho bến thuyền. Có lẽ vì vậy mà nhiều người đến đây vãn cảnh và tận hưởng làn gió mát từ sông. Dọc phố Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh ngay cạnh bến là một thiên đường đồ nướng và đồ ăn vặt vô cùng đa dạng, không thua kém gì các khu chợ đêm Đài Loan. Từ các món phổ biến như chân, cánh gà nướng, thịt xiên nướng, rau củ nướng, tàu hũ, sinh tố, chè đến các món đặc sản của vùng như Tung lò mò (món lạp xưởng bò của người Chăm), hải sản xiên nướng như tôm, bạch tuộc, mực đều ngon “hết xảy” - món nào cũng có mà giá thì rất mềm, chỉ bằng một nửa so với ở Hà Nội.

Empty
Empty
Empty
Empty

Chúng tôi định kết thúc hành trình miền Tây ở Cần Thơ nhưng một anh bạn người Mỹ gặp trong hành trình khuyên chúng tôi đến rừng tràm Trà Sư ở Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang. Anh ta vô cùng ấn tượng với rừng tràm và cho biết sẽ quay lại Trà Sư nếu có dịp ghé thăm Việt Nam lần nữa.

Empty

Đường đến Châu Đốc thật xa xôi vì nơi đây rất gần với biên giới Campuchia. Nhưng cảm giác mệt mỏi sau hành trình dài đó được khoả lấp ngay khi chúng tôi vừa đặt chân đến Trà Sư, nơi tôi hoàn toàn bị “hớp hồn” bởi màu xanh bạt ngàn. Dường như màu xanh của hàng ngàn cây tràm vẫn chưa đủ làm vùng đất này thỏa mãn nên vào mùa nước nổi, thiên nhiên còn phủ thêm một màu xanh tươi mát khắp mặt nước bằng một thảm bèo dày đặc, tạo nên một thế giới xanh lá tuyệt đẹp độc đáo vô cùng cho nơi đây.

Empty
Empty

Những cây thuỷ liễu mềm mại uốn mình bên gốc tràm xù xì, chim hót trên cao, sen hồng khoe mình trong đầm lá, những bông súng trắng dập dờn trên mặt nước, những con giang sen, cò, diệc, cồng cộc, le le các loại thản nhiên kiếm ăn trên trảng cỏ ngập nước... Không gian ngập tràn hương tràm và hương cỏ. Tất cả như cảnh tượng trong một bộ phim nào đó của kênh Discovery khiến những chiếc máy ảnh của du khách được đưa lên không ngớt.

Empty

Không chỉ phong phú về thực vật, rừng tràm Trà Sư với diện tích gần 850 ha là nơi trú ngụ của 70 loài chim thuộc 13 bộ và 31 họ, trong đó có 2 loài chim quý hiếm đã được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam là giang sen (Mycteria leucocephala) và điên điển (Anhinga melanogaster). Ngoài nhiều loài thú rừng và bò sát, rừng tràm Trà Sư còn có hơn 20 loài cá khác nhau, trong đó có 2 loài cá đang có nguy cơ tuyệt chủng là cá còm và cá trê trắng.

Empty

Rời con kênh lớn, chúng tôi chèo đò vào sâu trong khu rừng, len lỏi qua những gốc tràm được ôm kín bởi bèo tấm và bèo tai chuột. Một màu xanh biếc lạ kỳ lấp lánh dưới ánh sáng xuyên qua những gốc tràm già, lâu lâu lại bắt gặp những nhành lá non ánh lên rực rỡ dưới nắng mặt trời. Rau muống nước, rau dừa và vô số những loài cây dại thuỷ sinh trổ những bông hoa trắng, vàng li ti trong sóng sánh nước, ngay sát mạn xuồng.

Ngoài tiếng mái chèo, tiếng chim hót, hầu như có một sự tĩnh lặng gần như tuyệt đối, tưởng như có thể nghe được tiếng đập của muôn vàn cánh bướm vàng bướm trắng bay lên từ mặt bèo xanh biếc.

Empty

Thuyền trôi đi trong không gian xanh ấy như trôi trong miền ảo ảnh không thời gian, nhanh tới độ không thể biết được chiều đã buông xuống từ khi nào. Rừng bỗng càng trở nên mênh mông hơn. Khi nắng đã nhạt màu, cũng là lúc chim rừng về tổ, hàng ngàn cánh cò bay rợp cả một vùng trời ráng đỏ của hoàng hôn đang dần tắt trên những ngọn cây.

Đất và người miền Tây đã để lại thật nhiều ấn tượng trong tôi. Chiếc thuyền chở chúng tôi cứ thế lững lờ trôi trong rừng tràm xanh ngắt. Một chút bồng bềnh, một chút thi vị lãng mạn như len lỏi trong tâm tưởng vốn nhiều mơ mộng của một chàng trai Hà thành như tôi, để thấy nơi đây thật đẹp như một giấc mơ và chẳng hề muốn tỉnh giấc.

Empty
Empty
Empty
Empty
Empty