Cá kho tộ
Những món ăn làm từ cá rô và cá lóc khá phổ biến ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ và có thể thưởng thức theo nhiều cách chế biến như chiên giòn, nấu canh chua… song ngon nhất phải kể đến món kho tộ.
Cá được tẩm ướp gia vị cho thật thấm sau đó đem lên kho bằng nồi đất với lửa riu riu cho đến khi cá chuyển màu nâu vàng bắt mắt. Món này thường ăn với cơm trắng.
Cá lóc nướng trui
Đặc điểm của món cá lóc nướng trui là cá không cần sơ chế, nghĩa là không đánh vảy, không cạo nhớt, không mổ bụng, không tẩm ướp gia vị. Cá lóc vừa bắt dưới sông lên, rửa sạch, được xiên bằng một que dài từ miệng đến đuôi, sau vùi cá vào đống rơm khô rồi châm lửa đốt hoặc cắm que xuống đất lấy rơm phủ lên và đốt lửa cho đến khi tro tàn. Khi cá chín, cạo bỏ lớp vẩy đã cháy xém để lộ ra thịt cá trắng và thơm.
Cá lóc nướng trui nóng hổi, gói với bánh tráng, ăn kèm với mắm nêm được xem là một đặc sản nơi đây. Để có món cá lóc ngon bạn phải chọn những con cá tươi, có kích thước vừa phải khoảng 500g, nếu nhỏ quá nướng sẽ bị khô thịt, to quá thì lại khó nướng chín phần thịt phía trong.
Cá nướng ăn kèm với rau sống cuốn bánh tráng và tùy khẩu vị từng người có thể chấm với nước mắm tỏi ớt, mắm me hay muối ớt chanh đều rất ngon. Những bàn nhậu của dân Miền Tây không thể thiếu được món này.
Canh chua cá bông lau
Cá Bông Lau là một đặc sản của An Giang, đệ nhất đặc sản của miền Tây. Cá bông lau không chỉ nổi tiếng về ngon mà còn về nguồn gốc bí hiểm của nó.
Bánh xèo chảo
Bánh xèo chảo là món ăn có nguồn gốc từ miền Tây Nam Bộ, được chế biến từ bột gạo, nước cốt dừa, tôm, thịt… đặc biệt hấp dẫn thực khách bằng cách thêm giá, củ sắn, bông điên điển, bông thiên lý hay bông so đũa… làm nhân bánh. Sở dĩ có tên gọi là bánh xèo chảo vì khuôn bánh được làm bằng những chiếc chảo lớn.
Bò tùng xẻo
Bò sau khi được cắt lấy tiết, làm lông sạch, mổ lấy hết ruột rồi nhồi vào bụng các loại lá thơm như kinh lăng, lá sả, tía tô…. và khâu chặt lại.
Ðem bò đặt trên hai cây tre lớn gác chéo, 4 chân cột trên bốn nhánh của hai cây tre để trở mặt dễ dàng (vì vậy có tên bò gác chéo) xong đốt lửa lên nướng cho đến khi bò chín vàng. Lúc ăn người ta cầm dao xọc vào thân bò, thịt sẽ theo hơi nóng xì ra đỏ tươi dùng nĩa găm và dao cắt chấm với tương.
Lòng tong kho mỡ hành
Lòng tong là một loài cá phổ biến, thường được dùng để kho tiêu hoặc chiên giòn, phổ biến ở các bữa cơm gia đình miền Tây. Ngày nay, loài cá này còn có thêm biến tấu kho với mỡ hành. Hành được phi cho thêm, nêm gia vị cho vừa miệng. Sau đó, hỗn hợp này sẽ cho lên trên cá lòng tong rồi kho trong chừng 15 phút. Món ăn thường dùng chung với cơm trắng, dưa leo và rau sống.
Bánh giá chợ Giồng
Ở miệt Chợ Giồng (thị trấn Vĩnh Bình, Gò Công Tây, Tiền Giang) người ta thường truyền miệng câu ca dao về bánh giá.
Không biết có từ bao giờ, bánh giá Chợ Giồng đã có tiếng, được nhiều người ưa thích bởi hương vị đặc trưng của nó. Bánh giá mang vị béo của bột gạo hòa lẫn vị ngọt của tôm, giá sống, ăn cùng mắm ớt tỏi thật khoái khẩu.
Đuông dừa chiên giòn
Đuông dừa là 1 loại ấu trùng, cánh cứng, có nhiều nhất ở miền tây nam bộ. Đuông dừa rất dễ bắt, nó thường sinh sống trong cổ hũ (bên trong ngọn) của thân cây dừa, cau,…nói chung là các loại cây thuộc họ Cau, khi muốn bắt được ta phải đốn bỏ các cây đó.
Lẩu bông điên điển
Điều tạo nên sự độc đáo của món ăn này chính là nhờ vị đặc trưng của bông điên điển, nấu cùng cá linh, cá rô hoặc cá bông lau. Đầu bếp còn cho thêm chút me dầm tạo vị chua nhẹ, thêm chút tóp mỡ. Các nguyên liệu hòa cùng các loại gia vị làm cho món ăn dậy mùi thơm phức.
Lẩu bông điên điển có thể ăn kèm với bún tươi hoặc cơm nóng và không thể thiếu một ít nước mắm ớt để chấm cá, giúp món ăn thêm đậm đà.
Chuột đồng
Đặc sản miền Tây bạn sẽ không thể bỏ qua món chuột đồng nướng là khoái khẩu của nhiều người nơi đây. Cứ đến mùa chuột là người dân Tây Nam Bộ sẽ tổ chức những buổi đi săn chuột để tạo nên món ăn thơm ngon này. Khi được chế biến vừa vặn thì món ăn này mang hương vị thơm ngon rất thích hợp làm món nhậu cho nhiều nam giới nơi đây.